Trên phương diện bảo tồn di sản, ở góc độ giá trị của thể loại, hát sai, đàn sai rõ ràng là không bảo tồn được, thậm chí cũng có thể hiểu là phá hỏng, làm méo mó di sản...
Nhiều người đàn, hát sai
Phóng viên (PV): Sau nhiều năm nghiên cứu ca trù và mới đây ông vừa nghiệm thu dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại các câu lạc bộ (CLB) ca trù Hải Phòng”. Xin ông chia sẻ thêm về công trình nghiên cứu này?
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Nhiều năm trước, tôi mới chỉ nghiên cứu không gian diễn xướng, môi trường văn hóa, lịch sử của Ca trù (tức Ả đào) mà chưa có điều kiện đi sâu vào âm nhạc. Có lần NSND, danh ca Phó Thị Kim Đức, đào nương nhà nghề cuối cùng của Ả đào đã từ chối làm giám khảo chấm thi hát và bảo nếu chấm sẽ đánh trượt hết, bà nói đào kép bây giờ đàn hát làm gì có phách..! Cuối năm 2014, sau dịp làm giám khảo cuộc liên hoan Ca trù toàn quốc cùng với nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, được nghe cụ chia sẻ nhiều về những lỗi “đàn hát không có phách, nhầm cung điệu” của thí sinh, tôi nhận ra mình còn một lỗ hổng lớn về kiến thức nhạc Ả đào. Và, chợt giật mình vì biết ông là kép đàn nhà nghề cuối cùng còn lại của Ả đào. Thế rồi về bàn với vợ, quyết định rất nhanh và ngay một tuần sau, vợ chồng tôi khăn gói lên đường, bắt đầu cuộc điền dã dài kỳ về nhà ông Đẹ. Làm việc với ông, tôi ngỡ ngàng nhận ra rất nhiều điều mà lâu nay người ta vẫn nhắc đến nhưng không ai giải thích rõ, cũng rất hiếm người hiểu được. Ví dụ như các sách viết về ca trù đều nói rằng khổ đàn, khổ phách phải không thừa không thiếu nhưng lại không nói thế nào là đủ; hay sách nói nhạc ca trù có 5 cung nhưng các nghệ nhân lại nói chỉ có 2 cung; rồi vấn đề thế nào là đàn hát đúng phách, đúng khuôn khổ... Tất cả thật rối rắm như một mớ bòng bong!
    |
 |
Các nghệ sĩ ca trù Hải Phòng biểu diễn. Ảnh: THU HÒA |
Hiện nay số người học ca trù có thể nói là khá đông so với những năm cuối thế kỷ 20, nhất là sau khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thế nhưng trong số rất nhiều câu lạc bộ, nghệ sĩ ca trù ấy, số người hát đúng, đàn đúng lại rất ít. Từ đầu thế kỷ 21 chỉ còn vài nghệ nhân và các cụ cũng dạy rất ít, còn lại đa số học qua nhau, học từ người chưa đúng và chủ yếu học qua băng đĩa mà ca trù là loại hình rất hóc hiểm, quá phức tạp; rồi có người ban đầu học nghệ nhân nhưng không chịu khổ luyện, thành ra lâu dần chính bản thân mình cũng hát sai đi mà không nhận ra...
Khi đã hiểu được những gì gọi là niêm luật của ca trù, tôi tìm nghe lại những băng đĩa từ những năm 1930 đến 1980 thì thấy các cụ hát chính xác như nhau, nhưng nghe các bạn bây giờ hát thì lại sai rất nhiều. Trong khi các nghệ nhân nhà nghề xưa chỉ còn một vài người, lại ở tuổi như đèn trước gió, nên tôi nghĩ phải nhanh chóng tìm ra được chuẩn mực, nguyên tắc của âm luật, khuôn thước ca trù thì mới có thể bảo tồn được di sản quý giá này- cái mà cha ông ta kết tinh hàng trăm năm qua.
Khi vén được bức màn bí mật của ca trù, dù là người được học nhạc bài bản và nghiên cứu âm nhạc dân tộc lâu năm nhưng tôi thật sự thấy rất kinh ngạc, đến trào nước mắt... bởi sự tinh tế, chính xác tới kỳ diệu. Tại sao cha ông ta có thể sáng tạo và lưu truyền được một thể loại âm nhạc tinh vi đến như vậy!? Kết quả của quá trình nghiên cứu, tôi đã tìm ra và hệ thống hóa âm luật, khổ đàn, khổ phách, cấu trúc bài bản... một cách chi tiết, chính xác. Những cái mà lâu nay chưa từng có nghiên cứu nào về nó. Điều đó giúp cho việc học ca trù và truyền dạy, bảo tồn được đúng, hiệu quả nhất.
PV: Như ông nói thì hiện nay có nhiều nghệ sĩ ca trù đàn, hát chưa đúng. Nghiên cứu này có thuyết phục được các nghệ sĩ?
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Năm 2017 tôi bắt đầu tập huấn, thử nghiệm việc hiệu chỉnh khổ phách, khổ đàn... cho câu lạc bộ ca trù Phú Thị ở Hà Nội, vừa rồi cũng hoàn thành khóa tập huấn cho các câu lạc bộ ca trù ở Hải Phòng. Kết quả rất khả quan!
Tất nhiên, tôi hiểu, nếu chấp nhận hiệu chỉnh về đúng khuôn thước cổ điển, nhiều đào, kép sẽ phải thay đổi, thậm chí bỏ hết những gì họ đã làm cả chục năm qua để học lại từ đầu. Nhiều người sẵn sàng, nhưng cũng nhiều người không chấp nhận sự thay đổi đó. Như khóa tập huấn ở Hải Phòng vừa rồi, ban đầu có 20 người nhưng sau 2 buổi học thì chỉ còn 8 người dũng cảm theo đến cùng. Cũng nhiều người nói với tôi, họ choáng váng, bị sốc khi nhận ra lâu nay mình hát sai, hay lâu nay mình chẳng hiểu ca trù là thế nào... Đặt mình vào vị trí của họ, tôi cũng rất hiểu. Nhưng nếu ai đủ dũng cảm, thật sự tâm huyết với ca trù thì họ phải thay đổi, khổ luyện, bởi quá trình ấy không dễ chút nào.
Đàn, hát sai thì không bảo tồn được
PV: Từ câu chuyện này, ông thấy cần hiểu thế nào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, cụ thể là ca trù?
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Tùy theo cách nhìn sẽ thấy 2 hướng. Nếu đàn, hát sai rồi mà lại dạy cho lớp trẻ, tức là nhân cái sai ra thì cũng có nghĩa đang làm hỏng di sản...; Thế nhưng cũng có cách nhìn khác, cho rằng việc có nhiều người theo học đàn hát là tốt lắm rồi, không ai hát thì còn tệ hơn!
Trên phương diện bảo tồn di sản, ở góc độ giá trị của thể loại chúng ta sẽ thấy hát sai, đàn sai rõ ràng là không bảo tồn được, thậm chí còn đang làm hỏng nó. Thực tế, hiện nay trong giới ca trù nhiều người còn đàn phô, hát phô, hay việc không ít người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân cũng đàn hát chưa đúng. Vì vậy tôi nghĩ nếu chưa đàn hát đúng thì chưa thể nói là bảo tồn được, ở góc độ nào đó thậm chí cũng có thể hiểu là phá hỏng, làm méo mó di sản.
Chúng ta nói nhiều về câu chuyện ca trù như vậy để thấy rằng, việc bảo tồn di sản văn hóa trước hết phải hiểu đúng giá trị - những tinh hoa mà khi hiểu rồi chúng ta biết là nó không thể sáng tạo trong một sớm một chiều, mà phải qua quá trình hàng trăm, nghìn năm mới hình thành nên. Ở ca trù đó là sự chính xác về khuôn thước, hệ âm luật... Chúng phải được bảo tồn, lưu truyền qua các thế hệ, càng nguyên vẹn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Vì vậy nhiều người theo học, yêu thích, mong muốn bảo tồn là một chuyện, còn có bảo tồn được hay không lại là việc khác.
    |
 |
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. |
Công tác nghiên cứu cần đi trước
PV: Nói rộng ra, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta hiện nay cần quan tâm đến vấn đề gì, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Khái niệm di sản văn hóa phi vật thể có nội hàm rộng, bao gồm nhiều giá trị, bảo tồn âm nhạc, thơ ca dân gian, phong tục tập quán sẽ rất khác nhau. Ranh giới vật thể và phi vật thể đôi khi rất mờ, khó phân định rạch ròi, mỗi đối tượng cụ thể lại có đặc điểm, cách thức riêng.
Ví dụ với ca trù đi. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, từ các tỉnh miền Bắc trở vào đến Nghệ An, Hà Tĩnh, trung bình mỗi huyện có 1-2 làng Ả đào. Những năm 40 của thế kỷ trước, Hà Nội có hàng trăm nhà hát cô đầu, hàng nghìn đào, kép, hát cửa đình ở các làng quê cũng rất sôi động. Có thể nói môi trường diễn xướng ca trù phát triển mạnh. Các đào nương, kép đàn được đào tạo trong giáo phường từ nhỏ. Giáo phường như các lò đào tạo chuyên nghiệp, ở đó đào lớn dạy đào bé, kép lớn dạy kép nhỏ. Đào kép tập luyện cùng nhau... tới 10 năm mới ra nghề. Họ được dạy theo khuôn thước, rèn luyện hết ngày này qua năm khác. Khi thạo nghề, đào, kép đi hát ở cửa đình, ca quán... đều là môi trường chuyên nghiệp với các đào, kép nhà nghề nên việc lưu truyền được diễn ra liên tục và chính xác, bền vững.
Còn thời nay, sau hàng chục năm bị gián đoạn, trong công tác bảo tồn tôi nghĩ việc nghiên cứu phải đi trước để xác định, để biết cái gì đúng- sai, hay- dở mới mong bảo tồn đúng cách. Trong câu chuyện di sản, phải bảo tồn được đúng tinh chất hệ giá trị mới gọi là bảo tồn, nếu không ta chỉ giữ được cái vỏ. Các di sản khác cũng vậy thôi. Tất nhiên với tùy lĩnh vực, loại hình cụ thể sẽ có những phương pháp, hình thức phù hợp, cách thức khác nhau. Có những giá trị như âm nhạc chẳng hạn, thì càng nguyên gốc bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, nhưng có những giá trị như một số phong tục, tập quán mang tính hủ tục, kéo theo hệ lụy không tốt thì không thể giữ nguyên được.
Lâu nay ở Việt Nam, thường thấy Nhà nước đầu tư để kích thích phong trào bằng việc thành lập các câu lạc bộ, tổ chức hội thi, liên hoan, làm sao tăng người học, người biết nhưng thực chất thì khó kiểm soát chất lượng; gần đây cũng vinh danh các nghệ nhân để động viên khuyến khích, nhưng thực tế việc vinh danh sai cũng không ít bởi thế hệ nghệ nhân nhà nghề thế kỷ trước đã ra đi gần hết, thế hệ tiếp nối thì sai lệch nhiều so với cổ truyền.
PV: Công tác nghiên cứu của chúng ta hiện ra sao khi theo ông đây là việc cần đi trước trong bảo tồn hiện nay?
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Hiện nay, muốn làm sống dậy các giá trị thì điều quan trọng là cùng với truyền dạy phải có nghiên cứu, tìm ra cái đúng, hệ giá trị đích thực. Thực tế nghiên cứu văn hóa di sản hiện nay rất ít người làm vì nhọc nhằn, mất nhiều công sức. Nhớ lại hồi nghiên cứu ca trù, tôi liên tục đi lại các tỉnh bằng xe máy. Vài ngày đi gặp cụ Đẹ, về nghiên cứu một thời gian rồi quay lại tiếp tục làm việc với ông để hỏi, để học liên tục... Phải thức trắng đêm 7-8 tháng liền... để thao tác nghiên cứu cơ bản như ký âm và phân tích... Thường thì tôi phải tập trung 5-6 tiếng liên tục mới ký âm xong từng đoạn nhạc tổng phổ ngắn. Ăn uống thất thường, lao lực, 2 lần tôi xuất huyết dạ dày, sức khỏe ảnh hưởng rất nhiều. Nên rất thông cảm khi thấy nghề này ít người theo, quan tâm, chỉ là thấy tiếc của ông bà để lại, mình có trách nhiệm thì phải làm thôi. Điều may mắn nhất là tôi kịp nghiên cứu cơ bản đầy đủ trước khi cụ Đẹ bị tai biến rồi qua đời sau đó. Nói kiểu mê tín thì giống như các cụ chọn tôi để làm điều đó, kiểu như nhiều người đi qua đám lá rụng ven đường, nhưng chỉ tôi mới có duyên thấy miếng vàng ròng trong đó, nếu tôi không nhặt chắc chắn sẽ nuối tiếc suốt đời!
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)