“Đau lắm mà không dám la to!”

Phóng viên (PV): Con đường để trở thành “quái kiệt violin” của anh chắc hẳn không dễ dàng?

Nghệ sĩ Anh Tú: Từ khi hai tuổi, bắt đầu chính thức theo học đàn, tôi đã không có tuổi thơ như những bạn cùng trang lứa. Lớn thêm chút là 17, 18 tiếng tập luyện bên cây đàn mỗi ngày. Cứ 4, 5 tiếng tập liên tục, được nghỉ ít phút để tranh thủ ăn uống nhẹ, nhanh, rồi lại tiếp tục tập đàn. Chưa bao giờ tôi được biết bất cứ trò chơi tuổi thơ nào. Suốt những ngày tháng thời thơ ấu của tôi, chỉ có cây đàn violin làm bạn. Khi lớn hơn chút nữa thì giờ học violin giảm xuống để học thêm hàng loạt các bộ môn khác hỗ trợ cho việc học violin như: Piano, xướng âm, ghi âm, hòa thanh, phân tích tác phẩm...

 Khi thấy trẻ em hàng xóm xung quanh chơi đùa vui vẻ, tôi chỉ được đứng nhìn thoáng qua rất nhanh, chưa kịp chạnh lòng thì đã phải đóng cửa sổ lại để tiếp tục tập luyện. Ngày ấy, đâu có dây đàn tốt như bây giờ, nên nhiều hôm tập mà cắn răng, mồ hôi túa ra vì đau do ngón tay bị chảy máu. Ngón tay tôi chưa kịp lên vết chai nhưng vẫn phải đè lên đó để tập, vì nếu ngừng thì cứ chảy máu mãi nên cứ phải tập, tập và tập cho đến khi chai sần. Nhiều người hỏi tôi, có thấy thiệt thòi không khi tuổi thơ trải qua như vậy? Tôi cũng không biết nữa...

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Anh Tú. Ảnh do nhân vật cung cấp 

PV: Nghe anh kể, thì cây đàn như người bạn thân thiết và rất gắn bó với anh?

Nghệ sĩ Anh Tú: Đúng thế. Cây đàn đã gắn bó với tôi từ khi còn rất bé. Nó không chỉ là bạn mà trở thành một phần không thể thiếu đối với cuộc đời tôi. Còn nhớ, hồi nhỏ khi đi ngủ, tôi hay “thút thít kể lể” với bạn đàn: “Dây ơi, mai cứa tay tớ vừa thôi nhé, hôm nay đau lắm mà không dám la to đó!”, xong rồi kể đủ thứ trên trời dưới bể những cảm xúc tập ngày hôm ấy với bạn đàn, đến lúc chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Sáng sớm hôm sau, lại tiếp tục tập luyện.

Rất sợ khán giả buồn

PV: Nhờ khổ luyện từ nhỏ đã giúp anh không chỉ chơi đàn hay mà còn thể hiện tốt ở nhiều thể loại âm nhạc, từ trữ tình, cổ điển, pop, ballad, đến rock, dance?

Nghệ sĩ Anh Tú: Thật ra, để cùng lúc chơi nhiều thể loại âm nhạc là một điều khó khăn. Vì mỗi dòng nhạc là kỹ thuật, sự cảm nhận, cảm xúc, phong cách chơi khác nhau hoàn toàn. Nhưng tôi thích vậy, mà đã thích là thực hiện. Thứ nhất, tôi yêu tất cả những gì thuộc về âm nhạc. Tôi không có khái niệm chia dòng này hoặc dòng khác để yêu hay ghét. Bởi dòng nhạc nào cũng đều là âm nhạc, cũng đều có những vẻ đẹp riêng. Thứ hai, tôi là người cực kỳ thích sự tìm tòi, sáng tạo. Vì vậy, tôi luôn đi tìm những cái hay nhất của từng dòng nhạc để thỏa cơn khát đam mê sáng tạo bất tận trong đó. Thứ ba, tôi có tính cách phóng khoáng, tự do. Cứ thích là tôi làm, nên không bao giờ bó buộc mình vào một sự nhất định trong âm nhạc. Hiểu một cách đơn giản, khi buồn, tôi và người bạn đàn tìm đến nhạc tình buồn da diết để trải lòng; khi vui, tôi tìm đến với pop, nhạc nhẹ, dance trẻ trung; khi cần xốc lại tinh thần, nạp thêm năng lượng, tôi tìm đến rock cuồng nhiệt; khi cần không gian chiều sâu, tôi tìm đến classic...

Còn nhiều lý do nữa nhưng quan trọng nhất, ai ai cũng biết, tôi là người đặc biệt chiều lòng khán giả của mình. Mà khán giả-dù ở vị trí nào, họ cũng là những con người bằng xương, bằng thịt, có trái tim, có niềm vui, nỗi buồn, tự sự... Tôi luôn nói, tôi rất sợ nhìn thấy khán giả của tôi buồn, nên tôi xem mình như người bạn của họ. Thế nên, tôi luôn mong muốn những tâm tư, tình cảm của họ, tôi sẽ được cùng sẻ chia, cùng ở bên nhau vượt qua tất cả. Khi họ buồn, họ vui, họ cần lấy lại tinh thần, họ cần tự sự... tôi đã mang tiếng đàn với dòng nhạc phù hợp để đồng hành cùng họ, như những gì tôi làm cho chính tôi vậy. Chính bởi vậy nên đến bây giờ, khán giả của tôi chưa bao giờ coi tôi là nghệ sĩ, mà luôn coi tôi là bạn và ngược lại, tôi cũng chưa từng coi họ là khán giả, mà luôn là người thân trong gia đình âm nhạc nhỏ của tôi. Tóm lại, muốn thành công phải có đam mê!

PV: Có khi nào con đường nghệ thuật của anh bị tác động bởi người xung quanh?

Nghệ sĩ Anh Tú: Bạn bè thân thiết của tôi chủ yếu không làm nghệ thuật, họ không am hiểu nhiều về nghệ thuật hay âm nhạc. Tuy không hỗ trợ sâu về ngành nghề nhưng họ lại luôn hỗ trợ tôi về tinh thần, luôn thúc giục tôi làm các dự án âm nhạc theo cách của họ. Các bạn trong giới công chức thì luôn ra chỉ thị: “Ông muốn làm gì thì làm, âm nhạc của ông phải định hướng tất cả tới giá trị tốt đẹp nhất”. Các bạn trong giới doanh nhân thì luôn nhắc nhở, phải không ngừng nảy dự án âm nhạc như “nảy số” theo thuật ngữ của họ. Họ luôn thúc tôi: “Ông muốn làm gì thì làm, âm nhạc của ông phải phát triển như kinh tế bọn tôi, thế mới tốt, không được ì ạch!”.

Còn vợ tôi, cũng là người bạn đồng nghiệp, đồng hành từ thời niên thiếu và chắc chắn rồi, luôn hỗ trợ tôi rất nhiều trong sự nghiệp âm nhạc. 

101 đêm nhạc livestream miễn phí          

PV: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói rằng: Ở nước ta, nhạc không lời vẫn rất lép vế. Nghệ sĩ chơi đàn dây như anh sẽ có điểm mạnh, điểm yếu gì khi tiếp cận khán giả?

Nghệ sĩ Anh Tú: Điểm yếu là để mọi người hiểu sâu hơn về tác phẩm thì thường phải nghe bài hát có lời ca trước, sau khi nghe thấm lời ca, giai điệu rồi, đàn lên, khán giả mới thấu hơn. Cũng ít có bản nhạc mới dành cho đàn ngay từ đầu mà chủ yếu nghệ sĩ chơi nhạc không lời cover lại các bài hát sau khi bài hát ấy đã phổ biến.

Còn điểm mạnh là nhạc không có lời, nên mỗi người nghe sẽ có sự cảm nhận từ trái tim, thả trôi tâm hồn theo cách riêng của mỗi người. Ví như cùng một bản nhạc tình đàn lên, người sẽ nhớ tới câu chuyện tình của mình đã từng trải qua trong cuộc đời, người thì ngẫm về cuộc tình chính mình đang có, người lại nghĩ đến tương lai... Mỗi người nghe sẽ tự vẽ nên cho mình một câu chuyện đã, đang hay sẽ trải qua trong cuộc đời qua những giai điệu không lời. Đó là điều không phải môn nghệ thuật nào cũng làm được.

PV: Ngoài thỏa đam mê, nghệ thuật đã mang lại cho anh những gì?

Nghệ sĩ Anh Tú: Tôi được rất nhiều! Trước hết là gắn kết tình bằng hữu, có thêm nhiều bạn đúng nghĩa ở các quốc gia thân thiết với Việt Nam. Tôi cũng có cơ hội được khám phá nhiều nền văn hóa, quốc gia trên thế giới. Từ đó, tôi học hỏi được rất nhiều điều tuyệt vời không chỉ trong âm nhạc, nghệ thuật mà còn cả trong văn hóa, xã hội, chính trị... Qua mỗi buổi biểu diễn, tôi tranh thủ góp phần lan tỏa nhiều thông điệp và giá trị nhân văn của đất nước mình tới bạn bè quốc tế thông qua những bản nhạc, những tác phẩm, những câu chuyện về văn hóa, con người Việt Nam.

Ngoài ra, những chuyến lưu diễn giúp tri thức của tôi mở mang rất nhiều và chính điều ấy, luôn thôi thúc bản thân phải cố gắng nỗ lực không ngừng để mang đến những giá trị thiện tâm nhân văn cho cuộc đời, đơn giản như: Cho đi là hạnh phúc. Bởi vậy, năm 2020 tôi mới có hoạt động 101 đêm nhạc livestream miễn phí giúp khán giả cùng trải qua đợt đại dịch được an nhiên hơn. Năm nay, tôi vẫn tiếp tục hành trình ấy, hy vọng phần nào giúp mọi người có thêm những giây phút ý nghĩa với âm nhạc.

PV: Thời gian tới, anh có kế hoạch hay dự án nghệ thuật nào không?

Nghệ sĩ Anh Tú: Tôi sẽ phát hành một hoặc hai Album CD về những câu chuyện tình yêu bất hủ trên thế gian. Tiếp đó, làm 100 bản thu âm studio chất lượng cao về âm nhạc đăng tải trên kênh YouTube Anh Tú violin, như những lời chia sẻ, tự sự của tôi với tất cả khán giả. Nếu tình hình dịch Covid-19 ổn định, có thể tôi sẽ làm một MV đặc biệt và một liveshow kỷ niệm 32 năm biểu diễn nữa.

PV: Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ Anh Tú và chúc anh thành công trên con đường âm nhạc!  

HẢI MIÊN (thực hiện)