Hình ảnh “chuyến tàu vét” trong “hoàng hôn nhiệm kỳ” ngay lập tức gây ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng...

Nhưng cũng vào thời điểm cuối năm 2015 ấy xảy ra vụ việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), dẫn đến việc các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (từng là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng các đồng phạm bị khởi tố với tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư và sử dụng vốn công gây hậu quả nghiêm trọng”, “nhận hối lộ” và vừa bị tòa án tuyên phạt những bản án nghiêm khắc ngày 28-12-2019 vừa qua.

leftcenterrightdel

Ông Lê Như Tiến. Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Làm gì để ngăn chặn những “chuyến tàu vét”? Báo QĐND Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, cách đây 4 năm, vấn đề “chuyến tàu vét” trong “hoàng hôn nhiệm kỳ” được ông nêu ra rất có ý nghĩa răn đe, cảnh báo. Xuất phát từ đâu mà ông lại có cách nói giàu hình ảnh, gây ấn tượng như vậy?

Ông Lê Như Tiến: Tôi là đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ, khóa XII và XIII, những phút được phát biểu công khai trên diễn đàn Quốc hội là những phút quý giá để đại biểu thể hiện trách nhiệm trước cử tri, nên tôi cũng như các đại biểu khác, đều cố gắng tìm cách nói sao cho diễn đạt đúng nhất, hay nhất tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Bản thân tôi tốt nghiệp cử nhân văn học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lại có thâm niên 10 năm làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nên tôi cũng có ý tìm tòi cách nói, cách viết sao cho hiệu quả. Hơn nữa, là đại biểu Quốc hội, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc cử tri, lắng nghe dư luận xã hội, lắng nghe tiếng nói nhân dân. Cho nên, cách nói của tôi cũng là chắt lọc, chưng cất từ cách nói của cử tri.

Cảnh báo “quan chức tăng tốc tham nhũng” vào cuối nhiệm kỳ, tôi được nghe người dân phản ánh rất nhiều. Mỗi lần tiếp xúc, cử tri đều phản ánh là “ông nọ, bà kia” ở huyện tôi, ở tỉnh tôi, cứ chuẩn bị về hưu là cấp đất tràn lan rồi đưa rất nhiều người vào bộ máy công quyền, rồi trước khi nghỉ hưu còn ký duyệt các dự án,… Thế nên, tôi khái quát hình ảnh “chuyến tàu vét” trong “hoàng hôn nhiệm kỳ” để khi nói, nó dễ đi vào lòng người hơn. Tôi cũng có nhiều câu nói được các đồng chí lãnh đạo, cử tri rất thích vì cách nói có hình ảnh. Ví dụ như: “Tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những quả đấm thép của nền kinh tế, nhưng với Vinashin, Vinalines thì những quả đấm thép đang tan chảy”. Hoặc câu “Trên rải thảm, dưới rải đinh” về sau được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại ở nhiều hội nghị, nhờ thế có tác dụng lớn trong ngăn ngừa những hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng có khi, tôi học cách phát biểu từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao, như khi nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói “tham nhũng bây giờ đã trở thành trọng bệnh rồi”; thì ra diễn đàn Quốc hội, tôi nhấn mạnh: “Tham nhũng là trọng bệnh thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da”...

PV: Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua, ông có nhận xét gì?

Ông Lê Như Tiến: Nói thật lòng là tôi thấy vui khi nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng. Từng là đại biểu của dân, tôi nói thật lòng mình. Vì tham nhũng đã trở thành quốc nạn, nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng, Đảng ta đều nêu quyết tâm chống tham nhũng nhưng nói thật là phải đến nhiệm kỳ này, chúng ta mới chống một cách quyết liệt, hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, hơn 70 cán bộ cấp cao đã bị xử lý, bị xử tù thì có cả người từng là Ủy viên Bộ Chính trị như Đinh La Thăng, từng là bộ trưởng như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, bị kỷ luật thì có cả người từng giữ chức phó thủ tướng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, tướng lĩnh trong quân đội, công an... Điều đó chứng minh, Đảng, Nhà nước ta xử lý tham nhũng không có vùng cấm. Trước đây, ta cũng nói “không có vùng cấm” nhưng dân có người tin, có người chưa tin; giờ thì rõ ràng là nhân dân rất tin vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Đây là điều chúng ta phải giữ, niềm tin mất đi lấy lại vô cùng khó khăn. Cho nên, tôi nói vui vì lẽ đó.

PV: Theo ông, làm thế nào để “giữ lửa” cho cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, và để khắc phục cả bệnh “trên nóng, dưới lạnh” như lâu nay chúng ta vẫn thường nói?

Ông Lê Như Tiến: Khi có chức, có quyền rồi thì người ta thường lạm quyền, lộng quyền và chuyên quyền. Lạm quyền, lộng quyền và chuyên quyền là cái bệnh trầm kha của những người có chức có quyền. Đã có chức, có quyền thì rất dễ tham nhũng, kể cả những người có ý thức giữ gìn thanh liêm. Như ông Trương Minh Tuấn vừa rồi nói trước tòa thì thấy, ông ấy rất ân hận, tự thấy nhục nhã... Vì thế, giải pháp căn cơ là kiểm soát quyền lực. Người kiểm soát quyền lực là ai? Kiểm soát quyền lực là nhân dân, là cử tri trong cả nước. Báo chí cũng là một kênh kiểm soát quyền lực rất quan trọng, bởi thực tiễn cho thấy các vụ tham nhũng do báo chí phát hiện chứ tự kiểm điểm nội bộ không phát hiện ra. Giám sát quyền lực của người dân, trước hết phải thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể quần chúng. Đây là tai mắt của Đảng, Nhà nước, là những người mà thường ngày giám sát hoạt động của chính các cán bộ có chức, có quyền tại nơi công tác và nơi cư trú. Anh có những cái gì mới, anh sống xa hoa, quan cách; anh dùng siêu xe, biệt thự... trong khi thu nhập của anh thế nào, người dân trên địa bàn, báo chí biết. Cái quan trọng là phải có cơ chế để dân nói, báo chí nói.

Tôi cho rằng, công khai, minh bạch, không có vùng cấm trong chống tham nhũng thì ta không có gì phải sợ; chính kẻ thù của chế độ ta, của nhân dân ta mới sợ công khai, minh bạch; vì công khai, minh bạch sẽ làm Đảng, Nhà nước ta vững mạnh, trong sạch; nhân dân ta thêm tin yêu Đảng, chế độ.

PV: Cách chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta thời gian vừa qua gợi cho ông suy nghĩ gì?

Ông Lê Như Tiến: Trong nghệ thuật quân sự, việc hiệp đồng quân binh chủng là một đỉnh cao thì trong chống tham nhũng, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội như thời gian qua đáng được xem là đỉnh cao của “tác chiến hiệp đồng quân binh chủng chống tham nhũng”.

Tôi lấy ví dụ, nhiều vụ trọng điểm được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo xử lý thì hoạt động các lực lượng chức năng rất nhịp nhàng. Ở bên Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương; bên Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành phối hợp với nhau, tin tưởng nhau, chia sẻ thông tin để nhanh chóng đưa những khuất tất ra ánh sáng. Rồi cơ quan giám sát tối cao là Quốc hội, có rất nhiều hoạt động phối hợp để phát hiện, xử lý. Các cơ quan bảo vệ pháp luật như điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cùng quyết liệt vào cuộc với quyết tâm rất cao. Việc các cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã vào cuộc, nghiêm khắc tìm ra chứng cứ chứng minh việc phạm tội của chính những người từng là đồng chí, đồng đội, cấp trên của mình, được nhân dân rất tin tưởng.

Trước đây, sự phối hợp của các cơ quan này chưa tốt, mỗi anh đi theo một hướng của mình mà không có sự liên kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp, cho nên một thời kỳ dài chúng ta nêu quyết tâm chống tham nhũng nhưng hiệu quả chưa cao và dân chưa mấy tin tưởng là vì thế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn nói, phải “nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ chế”, thì Quốc hội đã kịp thời sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng; sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sửa đổi Luật Cán bộ, công chức; sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự... Đó chính là những công cụ pháp lý quan trọng để “nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ chế”. Việc đồng bộ các văn bản lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước vừa khẳng định quyết tâm chính trị rất cao; vừa khẳng định sự thống nhất ý chí của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng.

PV: Và cuối cùng, xin hỏi ông về những điều cần lưu ý trong ngăn chặn căn bệnh “hoàng hôn nhiệm kỳ”?

Ông Lê Như Tiến: Như tôi đã nói, chống tham nhũng phải chú ý thời điểm. Năm 2020 này là năm diễn ra “hoàng hôn nhiệm kỳ” nên nhiều người sẽ tranh thủ vơ vét, thu vén cá nhân cho mình. Nguồn lợi vật chất quá lớn nó làm tha hóa quyền lực. Cái này đã thành quy luật rồi. Có anh, được bổ nhiệm thủ trưởng một cơ quan nói với tôi, tôi tiếp nhận cơ quan này thì tất cả các vị trí công tác bổ nhiệm, đề bạt đã được làm cách đây 6 tháng rồi, xong hết rồi. Cho nên, thủ trưởng mới không còn cơ hội để lựa chọn những người tốt đúng như vị trí. Mọi thứ tất cả đã an bài. Rồi những dự án lớn cho nhiệm kỳ tới cũng ký cả rồi. Bởi thế, tôi đề nghị giải pháp cho năm cuối nhiệm kỳ là Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải có những văn bản quy định cán bộ lãnh đạo trước khi nghỉ hưu ít nhất là 6 tháng hoặc 1 năm không được ký các quyết định đề bạt, bổ nhiệm, tiếp nhận, luân chuyển cán bộ… vì mỗi lần đề bạt như thế thì bao giờ đằng sau cũng là những lợi ích. Trước 6 tháng hoặc 1 năm không được ký những dự án lớn liên quan đến nhiệm kỳ sau, hãy để cho nhiệm kỳ sau người ta còn có sự lựa chọn để người ta quyết định. Cũng cần quy định, trước khi nghỉ hưu thì không có chuyến đi công tác theo kiểu du lịch trá hình ở nước ngoài mà trong thời gian vừa qua đã rộ lên rất nhiều...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng cháy”, “Ai thấy nản lòng không làm được thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Đó chính là những tuyên ngôn tuyên chiến với tham nhũng và đây là quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta. Bây giờ, chống “chuyến tàu vét” là điều toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta biết và quyết tâm làm rồi, điều còn lại là biến thành hành động cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ cơ sở đến Trung ương mà thôi!

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

HỒNG HẢI (thực hiện)