Bà vợ “siêu lừa”
Phóng viên (PV): Người ta nói đến NSND Lê Khanh như một nghệ sĩ tài sắc miệt mài làm nghệ thuật. Trước đây là điện ảnh, rồi sân khấu cả ngoài Bắc, trong Nam, lại cả việc giảng dạy nữa. Những tưởng sau khi nghỉ hưu, chị sẽ “đỡ” bận rộn hơn, nhưng rồi khán giả lại vừa bất ngờ vừa vui mừng khi thấy chị trở lại với điện ảnh trong “Gái già lắm chiêu V", còn giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22. Chị có nghĩ đến việc khi nào mình sẽ nghỉ ngơi?
NSND Lê Khanh: Cuộc đời tôi chỉ biết mỗi một công việc là làm nghệ thuật và tôi nghĩ mình sẽ làm nghệ thuật đến khi chết. Trong mắt chồng, tôi là người yêu nghề, đắm đuối với nghề, đến nỗi anh vẫn nói vui rằng đời anh gặp phải “siêu lừa”. Trước đây, vợ chồng cứ hẹn nhau nghỉ hưu sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, đi chơi nhưng rồi về hưu tôi lại đòi làm hết việc này đến việc kia. Tất nhiên anh rất ủng hộ tôi, như bao năm qua vẫn thế, nếu không, làm sao tôi có được những thành tựu trên con đường nghệ thuật.
PV: NSƯT Phạm Việt Thanh-chồng chị từng chia sẻ khi anh chị đến với nhau đã gặp phải nhiều sự phản đối. Điều gì ở anh khi đó đã hấp dẫn chị?
NSND Lê Khanh: Chúng tôi gặp và quen nhau trên phim trường trong quan hệ giữa diễn viên và quay phim, ấn tượng đầu tiên là làm việc, tương tác rất ăn ý, thoải mái. Ngày xưa làm phim có ít máy quay, diễn hay bị gò bó đơ cứng để vào đúng khuôn hình, nếu người quay phim linh hoạt, tương tác được với chuyển động của diễn viên và đặc biệt phải đón được xúc cảm như diễn viên thì cảnh quay sẽ rất tự nhiên. Anh quay phim rất đẹp, ảnh anh chụp cũng rất đẹp, anh cũng luôn tạo được nguồn cảm hứng làm việc cho cả nhóm. Chúng tôi nói chuyện nghề khá hợp, thế nên đôi khi tôi làm việc với quay phim còn nhiều hơn đạo diễn về những ý tưởng mới. Tôi nhận thấy cả tôi và anh đều là những người thích “săn bắt nghệ thuật”, càng khó càng thích, không ngại, không lệ vào những giới hạn. Tôi đã bị cuốn hút bởi những cái lung linh, cảm xúc nghề nghiệp ấy.
Hơn cả yêu là thương và xót xa
PV: Thực ra cho dù xuất phát ban đầu đến với nhau như thế nào nhưng cuộc sống gia đình thật khó để giữ được cảm xúc như ban đầu, vợ chồng cùng nhau đi quãng đường dài lại càng không phải việc dễ dàng, thưa chị?
NSND Lê Khanh: Nhà tôi may mắn hai vợ chồng cùng nghề và ai cũng nhìn nhận vai trò người bạn đời của mình một cách ngưỡng mộ, quan trọng. Cuộc sống vợ chồng nếu thiếu sự tôn trọng thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Đến với nhau bằng tình yêu đó, nhưng yêu rồi còn phải thương nữa. Đa phần bi kịch lớn của các đôi lứa lại hay bắt đầu từ những hạt sạn nhỏ. Kiểu như, ban đầu lãng mạn, trước khi đi làm luôn thơm má nhau, nhưng một hôm vội quá quên, thế là mất đi một ít lãng mạn. Hằng ngày đi làm về đúng giờ, đón nhau vui vẻ, một hôm về muộn, thế là mặt nặng mày nhẹ. Một lần, hai lần như thế... sự ngưng lặng, giận dỗi bắt đầu. Ai chịu dỗ dành trước thì lành trước, nhưng rồi đến lúc không buồn dỗ dành nhau nữa... tình cảm cứ thế nhạt dần, phai dần từ những thứ cỏn con hằng ngày. Rồi sợ nhất trong cuộc sống lứa đôi là một người dốc hết tình yêu thương chu đáo vào bữa ăn nhưng người kia không về ăn cơm với bao lý do nghe đều chính đáng cả. Hay là chuyện luôn muốn kiểm soát nhau...
Đó là những câu chuyện thường thấy, muôn nhà như một, vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ nhưng đều vượt qua. Chúng tôi rất hiểu đời sống người nghệ sĩ vất vả, không có giới hạn về giờ giấc, cuối tuần, lễ, tết càng bận để phục vụ sự sum vầy của người khác. Nếu tình yêu không đủ lớn, không thương những lúc người kia vắng nhà, về muộn thì khó vượt qua được. Vậy nên yêu rồi phải thương là vì thế. Không thương là sẽ dằn hắt, dỗi hờn rồi dần xa nhau chứ chẳng cần xuất hiện người thứ ba nữa. Và hơn cả tình thương, nếu có sự xót xa nhau để chia sẻ gánh nặng cùng nhau nữa thì sẽ hoàn hảo để cùng đi đến cuối con đường. Điều này quan trọng lắm. Vợ nấu nướng, chồng ăn xong nghiễm nhiên ngồi lướt điện thoại, bàn ăn để nguyên như bức tranh tĩnh vật đợi vợ dọn. Quần áo mặc xong vứt ra nghiễm nhiên là vợ giặt, khi cần thì gọi vợ ơi... Cũng yêu, cũng thương nhưng không hỗ trợ, cứ để mọi việc chất lên quỹ thời gian của vợ... Chị em nói với nhau như thế. Rồi khi các anh em ngồi tâm sự với nhau mới thấy chị em mình cũng đầy những lỗi lầm mà mình không nhận ra. Những sự nghiễm nhiên của mỗi người làm mất hình ảnh của nhau, mất đi sự lãng mạn nhanh nhất. Sự phai nhạt tình cảm cứ bắt đầu từ những hạt cát li ti như vậy và nếu không để ý thì những hạt cát sẽ rất nhanh đầy lọ. Và cuối cùng lại phải quay về cái gốc yêu, thương, biết bỏ qua những cái vụn vặt hằng ngày, dốc sạch cát trong lọ đi để cắm vào đó đầy hoa.
Phải biết cách chia sẻ thành công
PV: Như chị nói, gia đình nghệ sĩ thường vất vả, bận rộn cả những ngày nghỉ, lễ, tết. Cả chị và anh đều là những nghệ sĩ có nhiều thành công trong nghệ thuật. Đến giờ có thể nói là sự nghiệp và gia đình đều toàn vẹn. Chắc hẳn đó phải là kết quả của sự kết hợp rất ăn ý?
NSND Lê Khanh: Đơn giản là khi vợ đi vắng thì chồng sẽ đóng cả vai trò làm vợ, làm mẹ, làm con chăm sóc ông bà. Khi chồng đi vắng, vợ lại kiêm vai trò của chồng trong gia đình. Đời sống gia đình nghệ sĩ là thế. Tôi chỉ có thể theo những dự án hàng tháng trời nếu có chồng ở nhà hỗ trợ, anh cũng vậy. Cứ so le thời gian như thế, lần này chồng đi, lần sau vợ đi, cùng ủng hộ sự nghiệp của nhau, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, công việc. Và đôi khi khó hơn, còn phải biết cách chia sẻ cả thành công, vinh quang nữa mới đi gần đến tuyệt đối của sự đồng hành. Bình thường vẫn đi sớm về muộn, nhưng sau thành công, đi sớm về muộn có khi lại thành thiếu quan tâm gia đình rồi. Bình thường vẫn nói to, nhưng sau thành công, to tiếng lại thành tự kiêu rồi... Sau hào quang cũng thật nhạy cảm mà nếu không cẩn thận thì thành công ấy đôi khi là dấu hiệu của sự rạn nứt vợ chồng. Thành công mà chia sẻ được thì niềm vui sẽ nhân gấp bội, vinh quang lan tỏa cả nhà, không có tủi thân, không có tự mãn, khi đó càng thấy thời gian vắng nhà, thời gian vất vả của cả hai trở nên xứng đáng.
Vợ chồng đều chỉ có một nghề làm nghệ thuật thôi nên chúng tôi xác định phải ủng hộ nhau để làm nghề cho tốt, uy tín. Mỗi thành công là niềm vui, sự bù đắp lại những vất vả đã qua, nhưng đằng sau với một gia đình làm nghệ thuật, đó chính là sự nghiệp. Sau mỗi thành công, mình sẽ có thêm uy tín, ngày mai lại được chọn lựa, có những cơ hội mới... rất đơn giản và thực tế như thế, không có đố kỵ, không có ganh tỵ.
PV: Thực ra chẳng có cặp đôi nào hợp nhau hoàn toàn, kể cả có đi chăng nữa thì thời gian lâu ngày, rồi những áp lực khác trong cuộc sống cũng sẽ khiến mọi thứ không thể lúc nào cũng lung linh được, thưa chị?
NSND Lê Khanh: Tình yêu bắt đầu là những rung động kiểu như “gái ham tài, trai ham sắc”, là duyên, là số. Sau tất cả, khi về một nhà thì dù bất cứ lý do gì, trừ khi cố tình muốn phá để kết thúc cuộc hôn nhân, thì mỗi người luôn muốn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn bằng việc làm quen với nhau một cách tích cực nhất. Tất nhiên nói vậy chỉ là lý thuyết, vấn đề là vượt qua được những thử thách trong cuộc sống hằng ngày. Những áp lực, mệt nhọc cuộc sống, công việc, con cái... đều quá chính đáng để đôi khi chúng ta ỷ lại, buông một chút. Nhưng buồn thì cứ khóc, mệt thì hãy nghỉ rồi lại trở về với công việc, thiên chức của mình. Gia đình là tác phẩm phải sáng tạo từng phút, từng giây; buông một cái, tác phẩm ấy trở nên chán ngay, không còn liên kết, không thể lung linh được.
Nếu như những điều nghiễm nhiên làm mất đi sự lãng mạn và tình yêu rất nhanh thì tác phẩm gia đình cần tinh vi, chi tiết hệt như cuốn phim, phải làm sao để hấp dẫn từ đầu đến cuối bởi những tình huống ngẫu nhiên trong cuộc đời. Khi hai vợ chồng nghỉ hưu, tôi nói với chồng rằng, trước đây cơ quan là nhà hát, bây giờ cơ quan chính là nhà, vẫn phải ăn mặc đẹp đấy nhé. Anh bảo ừ nhỉ, ý kiến hay! Vợ chồng sống với nhau càng lâu, sự tế nhị, ý tứ đôi khi mất đi lúc nào không biết, thật sai lầm khi ta cứ lo giữ gìn, ý tứ với người ngoài mà không giữ gìn, tạo sự mới mẻ với người trong nhà. Tôi nấu gì anh cũng khen làm tôi tưởng bở, bữa sau lại hết lòng lao vào bếp. Không chắc hôm nào tôi nấu cũng ngon đâu, nhưng tinh thần, thái độ của người đón nhận bữa cơm khiến cả nhà đều vui vẻ. Thực tình chúng tôi cũng có nhiều chuyện không hợp nhau, rồi mỗi tuổi suy nghĩ, cách nhìn của mình mỗi khác. Thế nên vẫn sẽ phải “chiến đấu”, tìm hiểu nhau tiếp, mỗi người sửa sang, tô vẽ một chút để cho tác phẩm gia đình trở nên hoàn hảo nhất.
PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
DƯƠNG THU (thực hiện)