Những thầy thuốc ấy đã vượt lên sự thiếu thốn về trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất nghèo nàn, đường sá xa xôi, nguy hiểm để tận tình cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc, cho người dân nghèo.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, để được nghe, được hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y sĩ, bác sĩ trên cả nước.

Phóng viên (PV): Nghề y là một nghề đặc biệt, bác sĩ giỏi là người có cơ hội thu nhập tốt. Tuy nhiên, cơ hội đó chủ yếu dành cho các bác sĩ tại những đô thị lớn. Trong khi trên thực tế, vẫn có hàng vạn y sĩ, bác sĩ, cán bộ y tế đang thầm lặng cống hiến vì sức khỏe của nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chưa kể, còn rất nhiều y sĩ, bác sĩ khác đang phải đối mặt với những hiểm nguy. Ông có thể kể một vài câu chuyện trong ngành y để bạn đọc hình dung rõ hơn về sự hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế?

TS Phạm Văn Tác: Ước tính, cán bộ y tế đang công tác ở những thành phố lớn chỉ chiếm chừng 1/20 đội ngũ cán bộ của toàn ngành y tế. Còn lại, 19/20 chủ yếu đang “nằm” ở tuyến huyện, tuyến xã. Trong đó, tính riêng tuyến xã, trung bình mỗi xã có 5 người, nhân với 11.000 xã trên địa bàn cả nước, số lượng cán bộ y tế cơ sở là rất lớn. Đó là chưa kể một số lượng lớn nữa cán bộ y tế tuyến huyện. Mỗi bệnh viện đa khoa tuyến huyện có ít nhất cả chục khoa với hàng trăm y sĩ, bác sĩ. Những con người đó đang hằng ngày chăm sóc sức khỏe cho hàng chục triệu người dân. Thu nhập của họ chỉ trông vào chế độ của Nhà nước. Người bệnh có cảm ơn thì nhiều lắm là con gà, chục trứng…

leftcenterrightdel

TS Phạm Văn Tác. 

Cho nên, đừng nhìn các bác sĩ ở những bệnh viện tuyến Trung ương với xe nọ, xe kia mà hình dung ra đời sống của tất cả đội ngũ cán bộ y tế. Số ấy là ít lắm!

Chưa hết, còn có rất nhiều cán bộ y tế đang tiếp xúc với những bệnh nguy hiểm. Có lần đi thăm một Trung tâm 05-06, tôi đã hỏi: “Làm thế nào để phòng tránh lây nhiễm vi-rút HIV?”. Các cán bộ y tế trả lời: “Vào đây là bọn em 100% phơi nhiễm hết”. Họ cho biết, giai đoạn đầu mới vào trung tâm, người nghiện ma túy khi lên cơn hung hăng lắm. Khi cán bộ y tế tiêm thuốc điều trị cho người nghiện, họ sẵn sàng quay mũi tiêm tiêm lại ngay. Mỗi lần xảy ra những vụ việc như thế, toàn bộ trung tâm lại dồn thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút HIV-PV)  cho người “gặp nạn”.

Còn có rất nhiều câu chuyện cảm động về ngành y. Ví dụ như ở đảo Phú Quý, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y, từng được thuyên chuyển về đất liền với gia đình, nhưng tất cả người dân ở đó đều ký vào đơn đề nghị anh ở lại. Thế là 30 năm liền, bác sĩ Lĩnh xa gia đình, gắn bó với nhân dân trên đảo. Rồi chuyện bác sĩ Phạm Đức Giàu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bác sĩ Giàu vốn là một người lính Quảng Trị, tốt nghiệp Học viện Quân y, về làm bác sĩ ở Vũ Thư. Trong một ca trực cấp cứu bệnh nhân, ông đã bị người nhà bệnh nhân mất kiểm soát đâm, dẫn đến tử vong. Thời bình, bác sĩ vẫn có thể hy sinh!

Hay chuyện xảy ra cách đây 2 năm, ở Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, giữa đêm, một đám côn đồ đưa một bệnh nhân vào cấp cứu. Chúng đe dọa, bệnh nhân mà chết là sẽ xử lý cả kíp trực. Nhưng ngay sau đó, nhóm “đối thủ” lại đến dọa, nếu cứu sống bệnh nhân thì kíp trực cũng sẽ “ăn đòn”. Trước sự đe dọa sống còn, các bác sĩ, điều dưỡng viên vẫn khẩn trương sơ cứu cho bệnh nhân rồi phải thoát ra cửa sau ngay. Tất cả các khoa cấp cứu hiện nay đều phải có cửa sau để cho anh em trong tình huống xấu nhất phải bảo toàn tính mạng.

Bệnh viện cũng giống một xã hội thu nhỏ, với đủ mọi thành phần. Vì thế, hiện các phòng khám, phòng cấp cứu đều được Bộ Y tế khuyến cáo lắp camera. Việc này không chỉ để giám sát cán bộ y tế mà giám sát luôn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nếu có chuyện gì thì còn xử lý ngay.

PV: Theo ông, vì sao những tai nạn nghề nghiệp như chuyện bác sĩ để quên bông gạc trong bụng bệnh nhân được cả xã hội biết đến, trong khi biết bao bác sĩ đã cứu bệnh nhân qua cơn "thập tử nhất sinh" thì người ta lại ít quan tâm?

TS Phạm Văn Tác: Hình như người ta đang quan tâm đến mặt trái nhiều hơn mặt phải. Những sai sót ở bất cứ ngành nào đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, giữa hai cái “xây” và “chống” thì nên hướng cái “xây” để “chống” thì tốt hơn. Chứ còn cứ nêu hiện tượng xong để đấy không phân tích thì lại trở thành một câu chuyện khác. Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng nhìn chung những việc tốt vẫn nhiều hơn.

Riêng đối với ngành y tế, nếu so sánh với các nước khác thì thấy tỷ lệ tai nạn nghề nghiệp ở Việt Nam ở mức độ cũng không phải ghê gớm. Thậm chí nước Mỹ, nơi có nền y học phát triển hạng nhất thế giới, lại là nơi có tỷ lệ sơ suất trong điều trị y tế cao nhất thế giới. Tôi cũng là bác sĩ nên rất biết quy trình một ca phẫu thuật. Với một ca mổ phanh, trước khi thực hiện, phải đếm từng cái panh, từng cái gạc một. Khi kết thúc ca mổ lại phải đếm bằng đủ thì mới yên tâm.

PV: Đánh giá của ông về chính sách ưu đãi đối với cán bộ, nhân viên y tế hiện nay? Những chính sách ấy đã thỏa đáng, đáp ứng được yêu cầu trong hoạt động khám, chữa bệnh?

TS Phạm Văn Tác: Theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã có những chính sách tương đối bảo đảm cho ngành y tế. Chẳng hạn như Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Nghị định này quy định dải tần ưu đãi là 20-70% lương tối thiểu. 70% dành cho những y sĩ, bác sĩ làm về bệnh lây nhiễm cấp tính và nguy hiểm như: Phong, lao, tâm thần, HIV-AIDS… 20% dành cho những người làm công tác trạm y tế… Như vậy, Nghị định số 56 cũng đã khuyến khích cán bộ y tế thực hiện trách nhiệm tốt hơn. Cùng với đó còn có Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30-7-2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch; Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản…

Những chính sách của Nhà nước đã bảo đảm bước đầu cho hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế nhưng chưa thực sự có thể thu hút người tài về vùng sâu, vùng xa chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Mức lương khởi điểm của bác sĩ học 6 năm cũng chỉ bằng cử nhân 4 năm (2,34 lần mức lương tối thiểu). Theo nghị quyết của Quốc hội, chế độ chính sách của ngành giáo dục và y tế tương đồng nhau. Nhưng thực tế, ngành giáo dục vẫn có những thứ hơn như phụ cấp thâm niên nghề, trong khi ngành y tế thì không.

leftcenterrightdel
Đoàn bác sĩ từ thiện TP Hà Nội khám bệnh cho người dân xã Na Cô Sa, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Ngọc Oanh.

Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo". Tuy nhiên, trên thực tế, chế độ đãi ngộ chưa được thực hiện theo Nghị quyết số 46. Ngành y tế đề nghị Đảng, Chính phủ có chính sách đãi ngộ tương quan như ngành giáo dục, nhất là cho cán bộ, viên chức ngành y tế được hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Ban hành chính sách lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Bên cạnh đó, cần có những ưu đãi đặc thù đối với cán bộ, nhân viên ngành y tế trong tuyển dụng, có chế độ đào tạo bồi dưỡng, chính sách tiền lương thỏa đáng và đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, góp phần làm chuyển biến tích cực công tác chăm sóc người bệnh, đẩy lùi những tiêu cực đang tồn tại.

PV: Thực tế, đối tượng cán bộ, nhân viên ngành y tế tại các vùng sâu, vùng xa vẫn đang rất thiếu và yếu. Cần có chính sách gì để xây dựng một đội ngũ y tế có khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại các vùng này, thưa ông?

TS Phạm Văn Tác: Để xây dựng một đội ngũ y tế có khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại các vùng sâu, vùng xa cần một chính sách đồng bộ, gồm: Chính sách tiền lương, phụ cấp thỏa đáng; Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên, liên tục; các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân lực y tế về vùng sâu, vùng xa…

Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn" tại hai huyện nghèo là Mường Tè và Mù Cang Chải. Theo đó, những bác sĩ khá, giỏi sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội sẽ được biên chế vào Bệnh viện Việt Đức, sau đó lên đường làm nhiệm vụ. Khi kết thúc dự án (với bác sĩ nam là 3 năm, bác sĩ nữ là 2 năm), họ có thể quyết định ở lại hoặc quay trở về làm việc tại Bệnh viện Việt Đức. Dự án này bảo đảm được đầu ra cho các cán bộ y tế sau khi tình nguyện đi vùng sâu, vùng xa. Hơn thế, còn có khả năng nâng trình độ khám, chữa bệnh tại những vùng khó khăn lên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

HƯƠNG GIANG - NGUYỄN MAI (thực hiện)