Nhà điêu khắc, họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Vương Duy Biên đã có những chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần nhân dịp đang diễn ra Triển lãm mỹ thuật Việt Nam (2016-2020).
Phóng viên (PV): Hơn 400 tác phẩm trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 đã phần nào cho thấy bức tranh mỹ thuật nước ta hiện nay. Thưa NSND Vương Duy Biên, ông đánh giá như thế nào về bức tranh này?
NSND Vương Duy Biên: Theo nhìn nhận của tôi, cuộc hội tụ của các nghệ sĩ trong triển lãm lần này rất phong phú, đa dạng và phải nói mỹ thuật Việt Nam đang có sự chuyển mình cả về tư duy, phong cách, cũng như phương pháp, chất liệu thể hiện đều có nhiều thay đổi. Nếu đến triển lãm, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều tác phẩm chất lượng tốt, chững chạc. Tôi để ý thấy không ít tác giả ít nhiều nổi danh trước đó vẫn đang kiên trì với khuynh hướng, phong cách riêng, sự lựa chọn của mình. Tất nhiên, thường thì nghệ sĩ khi đã lựa chọn điều gì sẽ đi tới cùng để thỏa mãn đam mê sáng tạo của mình, và trên con đường ấy, nhiều nghệ sĩ đã có những thành quả đáng ghi nhận.
Một điều nữa trong triển lãm lần này khiến tôi chú ý là sự cởi mở trong sáng tạo cũng thể hiện rất rõ, đó là khuynh hướng mới, sự phóng khoáng, tự do trong lựa chọn đề tài. Ví dụ trước đây, nhiều người thường nghĩ tranh sơn mài truyền thống phù hợp với những chủ đề đơn giản, hoài cổ, mờ mờ ảo ảo một chút, cách vẽ lớp lang theo kiểu cổ điển, màu cũng thường chọn những sắc độ trầm trầm, êm êm, rất kiệm màu... Nhưng họa sĩ Nguyễn Trường Linh chẳng hạn, kiên trì theo cách của mình đã tạo được những hiệu quả khác, mới cho tranh sơn mài, thấy được rõ không gian sáng-tối, hoặc thể hiện rất sâu diễn biến thời tiết trong tranh. Rõ ràng bây giờ họa sĩ có những kỹ thuật mới, thậm chí diễn tả những chi tiết đạt được đến những hiệu quả cao, vượt so với sơn mài truyền thống.
Nhìn tổng thể, mỹ thuật Việt Nam hiện nay có nhiều tác giả, tác phẩm chất lượng. Tôi được đi nhiều, xem nhiều và nhận thấy các nghệ sĩ Việt Nam không thua kém gì quốc tế. Tuy nhiên, thị trường mỹ thuật lý tưởng, công tác tổ chức, truyền thông bài bản, chuyên nghiệp trong hoạt động mỹ thuật là điều chúng ta chưa có được như quốc tế.
|
|
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên |
PV: Sự cố hỏng, thất lạc tranh ở triển lãm vừa rồi cũng thể hiện rõ những hạn chế, sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam, thưa ông?
NSND Vương Duy Biên: Ở Hà Nội hiện có một số đơn vị chuyên tổ chức triển lãm mỹ thuật như: Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, 16 Ngô Quyền, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một số gallery tư nhân là những nơi tạo được không gian trưng bày tương đối chuyên nghiệp... Trung tâm Triển lãm Vân Hồ là nơi làm dịch vụ triển lãm, được thiết kế có thể tổ chức nhiều loại triển lãm nhưng nếu đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn thì chưa đáp ứng được. Với trưng bày mỹ thuật, việc thiết kế khoảng cách, đèn chiếu cho các tác phẩm cũng phải tính toán kỹ lưỡng, thậm chí cả bức tường lớn chỉ treo một bức tranh mới tạo được hiệu ứng tốt nhất cho tác phẩm. Tôi mới phát biểu rằng, rất mong muốn có một không gian rộng hơn, chuyên nghiệp hơn về ánh sáng, không gian trưng bày cho hoạt động mỹ thuật.
Thứ hai, sự cố cũng đặt ra vấn đề về việc bảo vệ tác phẩm mỹ thuật. Khi tôi mang tác phẩm đi nước ngoài triển lãm, đơn vị tổ chức làm việc với tôi luôn có hợp đồng, thỏa thuận rõ ràng. Quá trình đưa tác phẩm đi cũng thường phải mua bảo hiểm vận chuyển, sang bên kia, đơn vị tổ chức cũng mua bảo hiểm cho tác phẩm. Những tác giả từng gửi tác phẩm sang nước ngoài triển lãm đều biết điều này. Nhưng ở ta vẫn chưa có thói quen cũng như cách thức tổ chức chuyên nghiệp như vậy. Ở Việt Nam hiện nay, theo tôi được biết cũng chưa có văn bản thỏa thuận giữa đơn vị tổ chức với tác giả về tác phẩm khi gửi trưng bày, triển lãm. Trước nay tác giả chỉ nhận được giấy chứng nhận, điều đó cũng khiến tác giả thấy lo lắng, lỡ có rủi ro. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu phải học hỏi, tham khảo các nước phát triển để hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp, an toàn hơn.
|
|
Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 cho thấy sự sôi động của đội ngũ sáng tác. Ảnh: Hoàng Dương. |
PV: Mỹ thuật Việt Nam có thể nói là loại hình nghệ thuật hội nhập quốc tế sớm và nhanh nhất, nhưng vì sao đến bây giờ, dường như vẫn còn rất nhiều điểm chưa theo kịp thế giới, thưa ông?
NSND Vương Duy Biên: Có lẽ là do tư duy của lãnh đạo và cả người dân chưa được toàn diện. Có nhiều điều sau này khi ra nước ngoài nhiều, làm việc trực tiếp với họ tôi mới thấy mình cần phải học hỏi. Hoạt động mỹ thuật ở nước ta cũng chưa được ưu tiên đầu tư nên còn nhiều khó khăn. Chúng ta chưa có một môi trường, hệ sinh thái phù hợp cho mỹ thuật phát triển. Ví như để tổ chức một triển lãm mỹ thuật chuyên nghiệp, đơn vị tổ chức phải có địa điểm chuyên nghiệp, đội ngũ nhân viên có chuyên môn; nhà tổ chức phải có tiềm lực để tính đến hợp đồng với tác giả như thế nào, bảo hiểm cho tác phẩm, quá trình vận chuyển ra sao; rồi lại cần các công ty bảo hiểm chuyên về tác phẩm mỹ thuật, tổ chức sự kiện, vận chuyển... những hợp đồng, thỏa thuận ấy lại phải căn cứ từ đâu? Ai sẽ là người thẩm định, định giá được giá trị của tác phẩm... Tức là phải đồng bộ tất cả các yếu tố nằm trong thị trường mỹ thuật.
PV: Theo ông, chúng ta cần những gì để có một thị trường mỹ thuật phát triển?
NSND Vương Duy Biên: Tôi nghĩ Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật hoàn chỉnh. Ngoài lực lượng sáng tác, một thị trường mỹ thuật hoàn chỉnh phải có nhiều yếu tố nữa như: Các sàn đấu giá, trung tâm giao dịch, có cơ quan thẩm định uy tín, đội ngũ nhà nghiên cứu, sưu tầm và công chúng, hay đúng hơn là người mua am hiểu mỹ thuật... Ở Việt Nam mới manh nha xuất hiện một số nhà đấu giá tư nhân; dù chưa nhiều nhưng đã có những nhà sưu tầm. Chúng ta cũng mới thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, đó là điều rất đáng hoan nghênh bởi Nhà nước đã thấy sự cần thiết phải có một đơn vị chuyên môn, nhưng để phát huy được vai trò của trung tâm này và hoạt động chất lượng thì ngoài yếu tố con người còn phải trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ chuyên môn nữa.
Yếu tố quan trọng nữa của thị trường mỹ thuật đó là khách hàng. Người Việt Nam bắt đầu có xu hướng dùng tranh, phù điêu hay tượng để trang trí nhà cửa, chứ chưa đạt đến mức thưởng thức. Cũng vì thế mà nhiều người có thể nghĩ rất đơn giản, dễ dãi ra phố mua bức tranh nhái về treo. Thị trường mỹ thuật phụ thuộc rất nhiều vào trình độ thẩm mỹ của công chúng. Khi nào công chúng hình thành nhu cầu thưởng thức tác phẩm nghệ thuật thì lúc đó mới có cơ hội mạnh mẽ cho các nghệ sĩ cũng như mỹ thuật. Tất nhiên, trong lúc này, người Việt Nam cũng đang mua tranh nhiều hơn, đó đã là tín hiệu tốt để hy vọng trong tương lai sẽ xuất hiện ngày càng nhiều lớp công chúng yêu và hiểu biết về mỹ thuật.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam): Cần sớm có Luật Mỹ thuật Việt Nam
Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 có thể nói là một toàn cảnh của mỹ thuật trong 5 năm thu nhỏ. Đây là 5 năm chứng kiến sự biến động, thay đổi, sự sôi động đang trở lại trong đời sống mỹ thuật Việt. Sau hai thập niên trôi qua trong phẳng lặng, yên ắng, mỹ thuật đang tìm cách thoát khỏi sự trì trệ của buổi giao thời giữa một thế hệ đang dừng lại, thế hệ mới bước vào đầy tự tin.
Không thể phủ nhận giai đoạn hiện tại có rất nhiều yếu tố thuận lợi lớn cho sự thay đổi của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Yếu tố trẻ xuất hiện nhiều hơn là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, năng lượng sáng tạo cá nhân còn nhiều hạn chế từ nền cốt văn hóa chưa đủ mạnh, đầy đặn để tạo nên bản lĩnh nghệ sĩ và phong cách nghệ thuật-cái quyết định con đường nghệ thuật của nghệ sĩ sẽ đi xa hay gần. Rõ ràng khả năng tạo nên năng lượng sáng tạo mới của nghệ sĩ không chỉ ở việc anh nhạy cảm bởi con mắt mà còn là việc hình thành quan niệm sáng tác độc lập, hình thành bản lĩnh nghệ sĩ với khả năng nghề nghiệp vững vàng. Hiện nay, song song với nhiều bạn trẻ đã ý thức được việc tự trang bị kiến thức, hình thành, bảo trọng phẩm cách nghệ sĩ-cái lớn hơn cả tài năng thì cũng có nhiều vấn đề, cám dỗ từ xã hội, va đập vào nghệ sĩ. Nghệ sĩ có đủ bản lĩnh vượt qua hay sa vào làm mất mình, sống buông theo những giá trị vật chất, dễ dãi trong nghệ thuật, trong đạo đức. Tôi thấy có những bạn trẻ sẵn sàng chép tranh, làm giả tranh kiếm tiền. Hiểm họa của mỹ thuật đương đại là tranh giả, nó làm tổn thương hình ảnh đẹp đẽ của mỹ thuật đổi mới, khiến quốc tế nửa tin nửa ngờ với mỹ thuật Việt Nam, làm chặt đứt đầu ra của mỹ thuật Việt. Trong khi tranh giả ngày càng được làm tinh vi, các sàn đấu giá đáng lẽ góp phần làm tăng giá trị mỹ thuật nội địa lại quá nghiệp dư, không có giám sát và đã xuất hiện những tiêu cực. Tôi cho rằng Nhà nước cần sớm có những cơ chế, chính sách khuyến khích cho sự phát triển của mỹ thuật, bên cạnh đó cũng cần có chế tài, hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn cho mỹ thuật. Những vấn đề hiện tại đang đặt ra yêu cầu cần sớm có một Luật Mỹ thuật Việt Nam.
|
DƯƠNG THU (thực hiện)