leftcenterrightdel
 Nhà văn Niê Thanh Mai trong một buổi ra mắt sách. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhà văn mang hương vị Tây Nguyên về thành phố

Phóng viên (PV): Nhiều người nhận thấy chị lúc nào cũng đầy sức sống, bút lực dồi dào, ngay cả khi gánh vác nhiều trọng trách quản lý. Điều gì cho chị nhiều năng lượng để viết như thế?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Thực ra sức sống mãnh liệt hết mình với công việc, với cuộc sống mà bạn vừa nói đều có thể dễ dàng nhận thấy được từ bất cứ ai ở vùng đất Tây Nguyên này, nhất là nghệ sĩ người dân tộc thiểu số. Riêng với cá nhân tôi, công việc quản lý văn học-nghệ thuật cho tôi thêm nhiều năng lượng, sự vui tươi và động lực để làm việc cũng như sáng tác. Những điều ấy, may mắn thay, tôi được thừa hưởng từ chính sự nhiệt huyết của các cô chú, anh chị, bạn bè văn chương của mình.

Nếu nói về kinh tế, thời gian thì chẳng biết thế nào cho đủ khi mà nhu cầu của mỗi người mỗi khác. Chỉ đơn giản rằng, ngay cả khi bận rộn nhất, tôi vẫn cố gắng giữ tình yêu với văn chương. Không viết được thì đọc. Đọc của mọi người, của bạn bè. Và có điều kiện đi nơi này nơi kia, tôi cố gắng ghi mọi thứ bằng trí nhớ, sổ tay và luôn nghĩ rằng đó là những tư liệu quý để rồi hôm nào đó mình sẽ viết. Cứ như thế, tôi giữ cho mình mối dây gắn kết với văn chương. Rồi khi sắp xếp được những bận rộn của công việc, gia đình, cuộc sống, tôi lại viết. Như lúc này chẳng hạn, mặc dù việc ấy không hề dễ dàng. 

Thời gian này, tôi vừa đọc, vừa sáng tác, vừa học, vừa làm công tác quản lý. Sau một thời gian khá lâu vắng bóng trên diễn đàn văn chương, tôi đang tự vận động bản thân ở rất nhiều khía cạnh. Và thực sự tôi đang thích mỗi ngày được làm điều đó.

PV: Tác phẩm của chị cho người đọc thấy những hương vị của Tây Nguyên với những câu chuyện từ cuộc sống. Nếu nói về những “đứa con tinh thần” của mình, chị mong điều gì?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Tôi là người dân tộc thiểu số được sinh ra và lớn lên ở giữa thành thị của vùng núi. Cha tôi là người Ê đê, mẹ tôi là người Kinh. Tôi có được sự hòa trộn trong dòng máu của mình. Những điều tôi viết về buôn làng, người dân quê nhà của cha tôi hay về những người tôi từng gặp đều rất tự nhiên, không hề gượng ép chút nào.

Tôi giống như những người con gái Ê đê khác, yêu và sống bản năng. Nhưng cái tôi khao khát là làm thế nào để mọi người thấy được, Tây Nguyên và con người Tây Nguyên vận động không ngừng, họ có chiều sâu trong suy nghĩ, trong cuộc sống. Cho dù thời đại và cuộc sống có thay đổi thế nào đi nữa, họ cũng luôn mong muốn cho buôn mình, làng mình và cuộc đời mình những điều đẹp nhất.

Trong phần lớn tác phẩm của mình, tôi dành tình yêu cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ Ê đê. Họ mang cả tính cách của mẹ tôi, lúc nào cũng vất vả, tất bật, đến khi lìa trần rồi vẫn không thể hết lo toan. Tôi bị ám ảnh về những người phụ nữ Ê đê nhiều và lâu đến mức truyện của tôi thường rất buồn.  

Đắc Lắc của chúng tôi thay đổi rất nhiều nhưng đôi khi người ta vẫn thường nghĩ về cuộc sống, cả vật chất lẫn tinh thần của người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên còn lạc hậu, nghèo nàn... Tôi không muốn điều đó. Vì thế, tôi mong muốn qua tác phẩm của mình, cái nhìn của người phương xa dẫu chưa có dịp đến Đắc Lắc sẽ rộng hơn chứ không chỉ nghĩ về sự lạc hậu giữa rừng núi, nghèo đói, vất vả như mấy chục năm về trước nữa.

Thành tích lớn nhất của nhà văn là tác phẩm

PV: Năm 27 tuổi, chị đã là Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc và những “ghế” chị ngồi cứ càng ngày càng “nóng” hơn. Hiện tại, với vai trò Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc, đó có được coi là “thành tích” đáng nể của một nhà văn nữ?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Tôi có may mắn được tiếp cận với văn học-nghệ thuật từ khi 10 tuổi, được bồi dưỡng, rèn luyện trong môi trường văn học-nghệ thuật suốt 30 năm qua. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi cũng hiểu khá rõ về vai trò của một văn nghệ sĩ, một nhà văn phải làm gì đối với xã hội, với đời sống.

Tôi luôn nghĩ rằng, với một nhà văn thì thành tích lớn nhất chính là tác phẩm. Tác phẩm được người đọc đón nhận, có thể sống trong lòng người đọc, đó là thành công lớn nhất với người cầm bút. Mà tôi thì chưa làm được điều đó. Những tác phẩm của tôi vẫn còn quá mờ nhạt trong khi kho tàng văn hóa Tây Nguyên rất đồ sộ. Vậy để phát huy, tiếp nối và góp phần công sức xây dựng văn học-nghệ thuật vùng Tây Nguyên, tôi và các anh chị em văn nghệ sĩ Tây Nguyên còn phải nỗ lực nhiều lắm.

leftcenterrightdel
Tập truyện ngắn mới ra mắt "Phía nào sương thôi rơi" của Niê Thanh Mai. Ảnh do nhân vật cung cấp

Vì vậy tôi nghĩ, những vị trí trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật giúp mình có nhiều cơ hội và điều kiện để học hỏi, giao lưu từ các anh chị tiền bối chứ không phải là thành tích riêng của bản thân mình. Mặc dù vậy, tôi cũng hiểu đó lại là trách nhiệm rất lớn mà mọi người đang kỳ vọng ở mình. Nếu không gìn giữ những giá trị truyền thống và phát huy thành quả đã được xây dựng thì tôi sẽ làm họ thất vọng nhiều lắm.

Làm lãnh đạo giới văn nghệ sĩ, tôi đã mất ngủ nhiều đêm

PV: Nhiều người nói văn nghệ sĩ làm lãnh đạo rất khó. Hoặc giỏi quản lý thì việc sáng tác sẽ ảnh hưởng. Chị thấy sao?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Tất cả những việc trong đời đều không có việc gì dễ dàng. Nếu mình thích thì sẽ làm được tốt nhất trong khả năng của mình. Rồi sau nhiều năm, nhiều kinh nghiệm thì hẳn độ khó ấy sẽ ngày một giảm xuống. Câu hỏi bạn vừa nêu cũng là sự trăn trở của nhiều người làm lãnh đạo giới văn nghệ sĩ. Tôi đã được nghe họ nhắc rất nhiều về điều đó. Và tôi đã mất ngủ khá nhiều đêm vì sự khó khăn vô cùng này.

Văn nghệ sĩ thường quý nhau vì tác phẩm, trân trọng nhau vì tính cách. Và cái sự “hợp” trong đời sống, tâm tư và suy nghĩ... cũng làm họ xích lại gần nhau. Không còn nhiều khoảng cách về địa lý, lứa tuổi, giới tính gì nữa. 

Sự nhiệt tình trong sáng tác của các anh em, bạn bè văn nghệ sĩ truyền cho tôi nhiều điều, trong đó có năng lượng sáng tác. Thậm chí, với những bạn trẻ, dù các bạn ấy bắt đầu viết, làm quen với văn chương thì cũng tiếp thêm cho tôi sức trẻ, sự trong trẻo và rất nhiều điều khác nữa. Tôi luôn nghĩ, thật sự sẽ rất mất tự tin nếu mình tụt hậu quá xa so với các anh em văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Điều đó cũng có nghĩa bản thân mình phải hết sức cố gắng để khẳng định chính mình.  

PV: Văn nghệ sĩ vẫn được cho là giới cá tính. Chỉ đoàn kết tập thể mới hướng đến và tạo ra những tác phẩm giá trị cao. Chị sẽ làm thế nào để đạt được điều đó?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Văn nghệ sĩ độc đáo vì những cá tính ấy. Cá tính tạo nên sáng tạo rất riêng của mỗi người. Tôi tôn trọng điều ấy và cả những cá tính khác biệt. Mặc dù vậy, trong một tập thể, mỗi người sẽ có sự điều chỉnh phù hợp nhất để có thể dung hòa, xây dựng nên một tập thể mạnh, có nhiều tác phẩm giá trị cao trên diễn đàn văn học-nghệ thuật nước nhà.

Thời gian ở cương vị Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh của tôi còn rất non trẻ so với các tiền bối trong lĩnh vực này. Vì thế, tôi chưa thể trả lời câu hỏi này của bạn một cách có kinh nghiệm, thấu đáo được. Tôi chỉ biết dặn mình rằng, phải thật tâm, thật lòng, yêu thương và tôn trọng văn nghệ sĩ, nhất là hội viên của hội thì chắc chắn sẽ nhận được điều ấy từ phía họ.

PVDù ở lĩnh lực nào, khi một người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, bằng tâm và tầm của mình đều mong muốn, nỗ lực cho một nhiệm kỳ kiến tạo, phát triển, hiệu quả và mang dấu ấn cá nhân. Chị có những dự định gì cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc trong thời gian tới?

Nhà văn Niê Thanh Mai: Tôi sẽ tiếp nối những mong muốn, nguyện vọng của các cô chú, anh chị đi trước bằng sự nỗ lực hết mức có thể. Tôi tin mình có thể làm được. Vì sao ư? Vì bên cạnh tôi có những người đồng nghiệp, những người bạn văn chương nhiệt tình và rất tài năng. Dự định thì tôi không định nói, tôi sợ nói trước thì bước không qua. Thôi thì tôi cũng xin là người duy tâm một chút...

PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

DƯƠNG THU (thực hiện)