Để hiểu hơn về hành trình dẫn đến thành công của startup này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Abivin.
Phóng viên (PV): Bà có thể cho biết Abivin được thành lập từ khi nào, do ai điều hành, ý nghĩa của cái tên “Abivin” là gì? Phần mềm Abivin tạo ra giúp giải quyết vấn đề gì và có điểm khác biệt như thế nào so với các phần mềm khác để có được thành công như ngày hôm nay?
Bà Nguyễn Hoàng Anh: Abivin được thành lập vào năm 2015 do tôi và ông Phạm Nam Long đồng sáng lập và hiện cùng điều hành. Hiện tại, đội ngũ Abivin có hơn 50 thành viên làm việc tại trụ sở ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Singapore. Cái tên Abivin là viết tắt của cụm từ AI/Automatic Business Intelligence in Vietnam, tức là Doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động kinh doanh. Sản phẩm Abivin vRoute được ra đời để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là những bài toán về tối ưu hóa lộ trình. Các doanh nghiệp ngày nay vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề hằng ngày, như: Việc các tài xế làm nhiều thời gian trong khi năng suất không cao, không có hệ thống quản lý quá trình giao hàng trong thời gian thực, gian lận trong việc đổ xăng dầu, phải lên kế hoạch giao hàng hằng ngày cho hàng chục, hàng trăm xe một cách thủ công… Chính vì vậy, sản phẩm Abivin vRoute được ra đời.
Để có thể lên kế hoạch cho hàng trăm xe và hàng nghìn đơn hàng chỉ trong vài giây, thuật toán được phát triển bởi Abivin phải thỏa mãn hơn 20 điều kiện khác trong quá trình giao hàng, như việc đóng mở cửa khác nhau của các cửa hàng, các loại xe khác nhau, tận dụng tối đa thể tích của các xe hay điều kiện giao thông khác nhau... Trước đây, người điều phối giao hàng tại các doanh nghiệp phải dành từ 2 đến 4 giờ đồng hồ mỗi ngày để giải bài toán này một cách thủ công. Với sự hỗ trợ của Abivin vRoute, người điều phối chỉ mất từ 5 đến 15 phút mỗi ngày để lên lộ trình tối ưu, quản lý giao hàng hiệu quả. Ngoài ra, Abivin vRoute có điểm khác biệt so với các phần mềm khác là phần mềm ứng dụng thuật toán thông minh, dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, học máy…, đồng thời là một hệ thống linh hoạt, có thể được tùy chỉnh để phù hợp với nhiều mô hình giao hàng, vận tải hay yêu cầu đặc thù của khách hàng.
PV: Trong thời gian mới thành lập, Abivin đã gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoàng Anh: Như nhiều startup khác, thời điểm mới thành lập, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn trước hết đến từ việc logistics là một ngành có truyền thống lâu đời, dù đã bộc lộ nhiều hạn chế song việc ứng dụng công nghệ mới để giải quyết các vướng mắc vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi. Để thay đổi nhận thức, cách nghĩ, thói quen làm việc không hề đơn giản, nhất là khi mức độ tự động hóa cao và sự minh bạch khi ứng dụng công nghệ mới có thể “động chạm” đến công ăn việc làm hay thậm chí là lợi ích nhóm. Do vậy, không phải lực lượng nào trong chuỗi cung ứng cũng dễ dàng đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, về lâu dài, để cắt giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận thì tất yếu doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ mới. Chính vì vậy, giải pháp của Abivin sau một thời gian đã được khách hàng đón nhận.
Cái khó thứ hai của Abivin khi bước chân vào ngành này là tính phức tạp trong quy trình hoạt động của các doanh nghiệp logistics. Có thể nói, có bao nhiêu doanh nghiệp là có bấy nhiêu quy trình hoạt động với nhiều điểm đặc thù khác nhau, nhiều điều kiện kèm theo khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải số hóa các hoạt động đó, từ đó ứng dụng những thuật toán thông minh và các nền tảng công nghệ tiên tiến để nâng cao khả năng tự động hóa tối đa, tối ưu quy trình hoạt động, giảm chi phí…
Khó khăn lớn thứ ba đến từ chất lượng dữ liệu. Để áp dụng một giải pháp trên cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) như Abivin vRoute thì chất lượng dữ liệu đầu vào là vô cùng quan trọng. Theo hoạt động truyền thống, các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nội không có nhiều dữ liệu, lưu trữ không liên tục và chất lượng của dữ liệu không bảo đảm. Abivin phải mất khá nhiều thời gian trong giai đoạn đầu để cùng khách hàng xây dựng lại cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ cho quy trình công nghệ mới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi được gần gũi với những hoạt động, những khó khăn thực tiễn của khách hàng và biến mình thành người bạn đồng hành với doanh nghiệp mỗi khi có bài toán cụ thể cần được giải đáp.
    |
 |
Đại diện Abivin nhận giải vô địch Startup World Cup 2019 tại Mỹ với giải thưởng 1.000.000USD. Ảnh do Abivin cung cấp |
PV: Được biết trong năm 2019, vượt qua 30.000 công ty trên khắp thế giới, Abivin đã giành giải nhất cuộc thi Startup World Cup và đem về giải thưởng 1 triệu USD. Vậy trước khi đến với cuộc thi này, Abivin đã chuẩn bị cho mình hành trang gì và khi trở thành quán quân cuộc thi, cảm xúc của các thành viên trong đội như thế nào?
Bà Nguyễn Hoàng Anh: Thực sự thì chúng tôi đi thi với tâm thế là giao lưu, học hỏi nên cũng không quá đặt nặng về kết quả. Để đạt được thành công ngoài mong đợi này cần rất nhiều yếu tố, bao gồm thế mạnh của đội ngũ chủ chốt ở Abivin, yếu tố thị trường, thời điểm, chính sách của xã hội và cả may mắn. Hành trình chinh phục Startup World Cup 2019 là một cái duyên. Làm khởi nghiệp rất bận rộn nên thường không có đủ thời gian với các cuộc thi nhưng chúng tôi đã quyết định tham gia sau khi được những người đi trước giới thiệu, khuyến khích và đặc biệt là được Bộ Khoa học và Công nghệ kết nối trở thành đại diện của Việt Nam tham gia tranh tài.
Sau các vòng thi, Abivin là đại diện duy nhất của Việt Nam và cũng là đại diện duy nhất khu vực Đông Nam Á lọt vào vòng chung kết diễn ra ở Thung lũng Silicon. Đối thủ ở vòng chung kết chủ yếu đến từ Mỹ, Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, là các quốc gia vốn rất mạnh và sở hữu công nghệ hàng đầu thế giới. Khả năng vượt qua được “dàn ngôi sao hạng A” này là rất khó nhưng thật bất ngờ và hạnh phúc, chúng tôi trở thành nhà vô địch.
PV: Mô hình B2B (business to business) của Abivin, theo nhận xét là rất khó để mở rộng. Quan trọng hơn, một khách hàng đơn lẻ có thể thử nghiệm một sản phẩm, nhưng với một công ty hay một tập đoàn lớn, B2B ảnh hưởng đến quy trình nội bộ và cách thức hoạt động của họ nên không dễ dàng áp dụng những cái mới, phải có thành tích nhất định để khách hàng có thể tin tưởng việc áp dụng công nghệ mới sẽ mang lại kết quả. Vậy Abivin đã làm thế nào để giải bài toán này?
Bà Nguyễn Hoàng Anh: Mô hình B2B là một mô hình khó, tuy nhiên gần 5 năm qua, chúng tôi may mắn xây dựng được một tập khách hàng gồm những tên tuổi lớn, như: Tân Cảng Sài Gòn, HABECO, Coteccons, FrieslandCampina... cũng như đạt được nhiều giải thưởng trong khu vực và quốc tế. Khi xây dựng Abivin, chúng tôi đã sử dụng thế mạnh chuyên môn của mình, đó là công nghệ thông tin, thuật toán tối ưu, xử lý dữ liệu lớn. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị tốt và cũng may mắn trong việc nghiên cứu thị trường sâu rộng để phát hiện thấy “lỗ hổng” trong ngành logistics, nơi Abivin tìm được chỗ đứng. Bước tiếp theo, chúng tôi tập trung xây dựng một sản phẩm có tầm cỡ quốc tế, rồi tìm kiếm và chăm sóc khách hàng, đặc biệt là những khách hàng lớn với quy mô đa quốc gia để có được ấn tượng ban đầu cho các khách hàng tiềm năng tiếp theo. Sau đó, Abivin tập trung chứng minh những giá trị thật sự có thể mang lại cho khách hàng qua việc tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ mô hình logistics hay vấn đề mà khách hàng gặp phải, cũng như thử nghiệm trên một nhóm người dùng nhỏ để chứng minh hiệu quả.
PV: Bà có thể cho biết số lượng doanh nghiệp, đơn vị sử dụng phần mềm của Abivin hiện nay là bao nhiêu, đó là những tên tuổi nào? Trong thời gian tới, Abivin có phương hướng phát triển như thế nào để mở rộng thị trường, khách hàng?
Bà Nguyễn Hoàng Anh: Giải pháp Abivin vRoute ra mắt thị trường từ năm 2015 và đã được áp dụng cho nhiều khách hàng trong khu vực ASEAN. Một số khách hàng nổi bật hiện tại của Abivin là: HABECO, Tân Cảng Sài Gòn, Coteccons, A.O.Smith, KOSPA Logistics (Myanmar)... Trước mắt, Abivin sẽ tập trung hướng đến khu vực ASEAN với các thị trường tiềm năng, như: Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và một số nước khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ vài tháng trở lại đây, chúng tôi đã và đang đề ra những chiến lược tiếp cận với các thị trường này bằng việc tìm hiểu nền kinh tế, văn hóa hay khảo sát nền công nghiệp logistics ở những thị trường đầy tiềm năng đó.
PV: Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, Abivin muốn gửi gắm thông điệp gì tới các startup, các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp tại Việt Nam?
Bà Nguyễn Hoàng Anh: Thứ nhất, đối với các startup thì phải hiểu được năng lực của mình đang đứng ở đâu, đối với các bạn đang có ý định khởi nghiệp thì phải biết được mình muốn làm gì, và một khi đã chọn thì phải kiên định với con đường đó, không nản chí hay từ bỏ. Thứ hai, phải hiểu về sản phẩm của mình, nắm rõ những thế mạnh sản phẩm của mình so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, không ngừng học hỏi, đổi mới sản phẩm để theo kịp với thời đại 4.0. Thứ ba, nên đề ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, coi đó như các cột mốc mình hướng đến và cố gắng hết sức để hoàn thành những mục tiêu đó. Cuối cùng là phải làm việc với thái độ nghiêm túc, dành nhiều thời gian, tâm huyết để phát triển cũng như hoàn thiện sản phẩm.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
LA DUY (thực hiện)