QĐND - Tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2013, tỉnh Phú Thọ tổ chức đón nhận bằng chứng nhận “Di tích văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” đối với di sản đặc biệt “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2013 cũng là một trong những hoạt động cụ thể hóa Chương trình phát triển du lịch quốc gia, đồng thời là bước quan trọng nhằm thực hiện chủ trương xây dựng Việt Trì là thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

 

Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng xung quanh những hoạt động của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2013.

Phóng viên (PV): So với những năm trước, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2013 có điểm gì mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Các: Năm Quý Tỵ 2013 là năm lẻ, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng do tỉnh Phú Thọ chủ trì có sự tham gia của 8 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu theo Đề án Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 6-12-2012, Tổ chức UNESCO đã vinh danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di dản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ tôn vinh, đón nhận bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ-2013. Chương trình buổi lễ đã được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Phát thanh-Truyền hình Phú Thọ vào 20 giờ ngày 4 tháng 3 năm Quý Tỵ (tức ngày 13-4-2013) tại sân Trung tâm Lễ hội-Di tích lịch sử Đền Hùng.

Lễ diễu hành trong Giỗ Tổ Hùng Vương.

 

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 Quý Tỵ, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương sẽ đồng thời tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương. Cùng lúc, tỉnh Phú Thọ tổ chức dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại đền Thượng, núi Nghĩa Lĩnh, Di tích lịch sử Đền Hùng theo nghi thức truyền thống.

Lễ hội đường phố với chủ đề "Văn hóa Đất Tổ Hùng Vương hội tụ và tỏa sáng" cũng đã được tổ chức vào sáng ngày 4 tháng 3 năm Quý Tỵ trên các trục đường thành phố Việt Trì, Quảng trường Hùng Vương với nhiều hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu, đặc sắc.

Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ-2013 được tổ chức trong 7 ngày, từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 3 năm Quý Tỵ (tức từ ngày 13 đến ngày 19-4-2013) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật: Triển lãm ảnh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng" tại Bảo tàng Hùng Vương-Di tích lịch sử Đền Hùng; Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Văn hóa Đất Tổ-Cội nguồn dân tộc Việt Nam", gắn với triển lãm mỹ thuật của các họa sĩ Hàn Quốc và Phú Thọ; Tổ chức chương trình "Hát Xoan làng cổ"; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy... cùng nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc của một số đoàn nghệ thuật của các tỉnh tham gia tổ chức Giỗ Tổ.

Cũng trong dịp này, Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về “Hát Xoan ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng Di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia; xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ.

PV: Trong gìn giữ di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, việc tạo nên những chuẩn mực về các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương là một trong những công việc mang ý nghĩa quyết định. Trong quá trình xây dựng những chuẩn mực ấy, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các cơ quan chức năng có cải tiến những nghi lễ truyền thống nhằm thích ứng với cuộc sống hiện đại?

Ông Nguyễn Xuân Các: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây thực sự là niềm tự hào to lớn của dân tộc ta, bởi Giỗ Tổ Hùng Vương từ ngàn đời nay đã trở thành nền nếp của người Việt Nam. Đền Hùng-Phú Thọ đã thực sự là biểu tượng tâm linh ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là nơi hội tụ bản sắc văn hóa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Chúng tôi vô cùng vinh dự, tự hào cùng với nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả, được thay mặt cho đồng bào cả nước trực tiếp giữ gìn, trông coi lăng miếu tổ tiên-Đền Hùng di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, nơi thực hành và trao truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong những năm vừa qua, các nghi lễ, nghi thức Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm tại Đền Hùng thực hiện theo Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài và các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các hoạt động hội có sự tham gia của cộng đồng với các hoạt động văn hóa dân gian của vùng đất Tổ và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thể thao và văn hóa dân gian tiêu biểu, đặc sắc của các vùng, miền trong cả nước. Các nghi lễ được thực hiện theo quy định và truyền thống của dân tộc.

Thi gói bánh chưng tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Ngọc Lan.

 

PV: Một trong những giải pháp căn cốt gìn giữ và phát huy sức sống của di sản là đưa di sản về với nhân dân, để di sản sống trong nhân dân. Với “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, chúng ta thực hiện giải pháp này như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Các: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ tham mưu cho tỉnh Phú Thọ tiếp tục tôn tạo, tu bổ (theo đúng Luật Di sản) Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, để di tích đặc biệt quốc gia Đền Hùng thực sự là "không gian thiêng" tổ chức trao truyền, thực hành "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương". Đồng thời, cụ thể hóa và thống nhất những nội dung về nghi lễ, nghi thức thờ cúng tổ tiên và những phong tục, nét văn hóa dân gian đặc sắc nằm trong "Không gian văn hóa Hùng Vương" để tu bổ, phục dựng (cả những thiết chế thờ cúng) để quảng bá, giới thiệu với đồng bào trong và ngoài nước, khách quốc tế để di sản nhân loại vừa được giữ gìn, tôn tạo, vừa được phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội bền vững và để Đền Hùng là điểm đến trong cuộc hành trình tâm linh về với cội nguồn, là nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, nơi tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại-"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ".

PV: Xin cảm ơn ông!

QUỲNH LINH và HUY QUÂN thực hiện