Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng xung quanh việc làm thế nào để có bộ phim thuyết phục khán giả.
Phải thuyết phục được khán giả
Phóng viên (PV): Sau mỗi dự án phim lại thấy anh về quê khá lâu, đó có phải cách anh lấy lại năng lượng, cảm hứng sáng tạo?
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng: Thường thì sau mỗi phim, tôi đều dành thời gian cho gia đình, vợ con để bù đắp, căn chỉnh lại những khiếm khuyết của mình sau khoảng thời gian bận rộn đi từ sớm tới khuya, dành hết tâm sức cho phim. Sau đó, tôi cũng dành một chút thời gian cho riêng mình và tôi thường chọn về quê để nghỉ ngơi, tìm lại ký ức tuổi thơ, lấy lại cảm xúc, để có thời gian nghĩ về những việc mình đã làm, những dự định sắp tới...
Quê hương với những mối quan hệ họ hàng, anh em, bạn bè, có người bạn đã lên ông, lên bà, có người thành công, người còn nhọc nhằn... qua họ, qua không khí, nhịp sống ở quê giúp tôi cảm nhận được nhiều điều, nạp cho mình vốn sống dày dặn để nhìn nhận lại cuộc sống. Đôi khi, vốn sống ấy cũng giúp tôi trong công việc.
    |
 |
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng. |
PV: Theo đuổi dòng phim truyền hình nhiều năm, anh còn nhớ bộ phim đầu tay của mình? Và bộ phim nào anh thấy tâm đắc nhất?
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng: Phim đầu tay tôi làm vào năm 1988 khi đang học năm thứ tư đại học, cũng là bài tập tốt nghiệp đại học của tôi-phim Rời nhà ra phố, dài 70 phút. Năm học cuối, tôi xin thực tập tại Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), lúc đó, NSND Khải Hưng đang làm Giám đốc. Sau đợt thực tập, anh Hưng có tạo điều kiện cho tôi làm bộ phim vừa để phát trên truyền hình, vừa làm bài tốt nghiệp. Rời nhà ra phố là bộ phim mảng chính luận. Sau này nghĩ lại, tôi thấy phim còn nhiều ngô nghê nhưng nó đã mang lại cho tôi những khám phá thú vị trong những ngày đầu bước chân vào nghề.
Sau đó là những phim như: Sĩ quan dự bị, Cảnh sát hình sự, Khi đàn chim trở về (phần 2), Hai bến một dòng sông, Người bến sông, Chuyện phố phường, rồi Rừng chắn cát, Heo may về qua phố, Khi đàn chim trở về (phần 3), Người phán xử, Về nhà đi con và vừa đóng máy mới đây là Những ngày không quên.
Thật ra, với một đạo diễn, bộ phim nào cũng như đứa con của mình, cũng dành tâm huyết để đứa con ấy đẹp đẽ, trọn vẹn nhất. Đương nhiên phim nào cũng sẽ mang dấu ấn của mình ở đó, nhưng tôi nghĩ phim làm không phải cho riêng mình mà quan trọng hơn là dành cho khán giả. Vì thế với tôi, phim nào có sự đồng điệu với người xem, thuyết phục được khán giả, kéo khán giả đến với phim truyền hình thì là phim thành công.
Đề tài gia đình không hề dễ làm
PV: Về nhà đi con là bộ phim về đề tài gia đình rất thành công của anh với vai trò đạo diễn, nhưng trước đó hình như anh cũng làm khá nhiều phim chính luận, dòng phim vẫn được cho là khó?
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng: Tôi cũng làm khá nhiều phim chính luận. Bản thân những đề tài này xuất phát từ dư luận cuộc sống nên nếu làm tốt, phim sẽ tạo được sự nóng bỏng, hấp dẫn, dễ thu phục khán giả. Nhưng đây thực sự là dòng phim khó làm. Khó đầu tiên là đề tài đòi hỏi người làm phim phải hiểu vấn đề nào đang nhức nhối, sau đó phải viết, khai thác làm sao cho thuyết phục khán giả, thuyết phục được chính những người trong cuộc, liều lượng chân thực của vấn đề đưa vào phim thế nào cho hợp lý.
Tất nhiên, không có nghĩa là phim đề tài khác dễ làm. Như phim đề tài gia đình chẳng hạn, nói dễ thì rất dễ nhưng cũng rất khó. Gia đình là đề tài muôn thuở, đã được nhiều phim khai thác ở các góc độ, cách tiếp cận khác nhau. Mình muốn thành công thì đầu tiên phim phải hấp dẫn, thuyết phục khán giả.
Đã hết thời nhắc thoại cho diễn viên
PV: Theo anh, trong giai đoạn hiện nay, yếu tố quan trọng để có một bộ phim truyền hình thuyết phục khán giả là gì?
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng: Với tôi, mỗi bộ phim, đề tài là một đời sống, là một trải nghiệm, câu chuyện, dấu ấn khác nhau nhưng điều quan trọng là mình tìm được đam mê, cảm hứng sáng tạo trong đó. Làm một sản phẩm văn hóa, nếu không có đam mê, cảm hứng sáng tạo thì không làm được, trong khi phim là bộ môn sáng tạo tổng hợp. Từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ... đều nói lên cái sáng tạo, chủ quan, dấu ấn của riêng họ nhưng họ không thể làm một mình mà lại phải hòa vào tập thể để tạo nên sản phẩm tốt. Điều này tôi thấy rất rõ ở VFC, đó cũng là một may mắn lớn cho chúng tôi khi được làm việc, sáng tạo trong môi trường tốt. Anh Đỗ Thanh Hải, Giám đốc, là một đạo diễn giỏi nghề, hiểu nghề, lại biết cách phát huy sức mạnh sáng tạo của anh em, tạo được không khí làm việc mà ở trong môi trường đó, ai cũng thấy đam mê, vui vẻ, cống hiến hết mình.
Sau đó khi ra đến đoàn phim là sự tương tác trực diện giữa đạo diễn với diễn viên, quay phim, họa sĩ và các thành phần khác. Trong đó diễn viên rất quan trọng. Bây giờ không phải thời diễn viên diễn, có người ở ngoài nhắc thoại nữa mà họ phải nắm bắt kỹ, định hình rõ được nhân vật của mình, có thể phát huy tối đa năng khiếu, kỹ thuật diễn xuất, sự sáng tạo, có thể tung hứng, tương tác với bạn diễn, thậm chí không ngại tranh luận; diễn viên còn phải nắm bắt được hơi thở cuộc sống, gần gũi cuộc sống để tương tác với cả khán giả. Nói chung là phải lao động nghiêm túc, hết mình.
    |
 |
Hậu trường phim Những ngày không quên. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG |
Cơ hội còn mở ra cho phim truyền hình Việt
PV: Về nhà đi con có vẻ là một bộ phim như thế?
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng: Về nhà đi con là bộ phim mang lại nhiều cảm xúc cho người xem và cả chính những người thực hiện. Có thể nói, ngoài những cố gắng của bản thân trong sự lao động, sáng tạo chung của ê kíp thì cũng có nhiều yếu tố may mắn giúp chúng tôi thành công với bộ phim này, đó là phim được sự quan tâm, đầu tư nhiều từ lãnh đạo VFC; lựa chọn được tập thể diễn viên đam mê, sáng tạo trong cách xây dựng và truyền tải nhân vật, tương tác tốt; và cũng phải nói rằng rất lâu rồi truyền hình Việt Nam mới có bộ phim đề cập đến những giá trị nhân văn trong cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt nhất trong mỗi gia đình.
Truyền hình Việt Nam gần đây ghi nhận có nhiều bộ phim thành công. Riêng những phim do VFC sản xuất, tôi nghĩ lý do đầu tiên là phim có sự đầu tư nghiêm túc về đề tài, kịch bản, có chiến lược, cách tiếp cận đúng, có sự đầu tư đúng vào con người, trang thiết bị; hơn hết, đó là không khí làm việc năng động, sáng tạo, đoàn kết. Những ngày không quên mới đây là một ví dụ. Phim là sự ghi nhận của sức sáng tạo tập thể, đoàn kết của VFC trong những tình huống khó khăn. Khi cả nước đang quyết liệt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, chúng tôi được lãnh đạo Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện bộ phim Những ngày không quên. Đó vừa là vinh dự, vừa là trách nghiệm của một thành viên VFC. Với sự quyết liệt của lãnh đạo cùng sự phối hợp đầy thiện chí của diễn viên hai đoàn phim Cô gái nhà người ta và Về nhà đi con, trực tiếp anh Hải đã tổng chỉ huy, 2 biên kịch, 4 đạo diễn cùng 2 ê kíp làm việc ở hiện trường đã tập trung hết mình. Trong những ngày ấy, hầu hết anh em trong đoàn đều tự cách ly với gia đình để bảo đảm an toàn, tránh rủi ro, ban lãnh đạo đài cũng rất lo lắng, quan tâm đến anh em. Và sau 3 tuần kể từ lúc bắt tay bàn bạc ý tưởng đề cương, phim lên sóng phục vụ khán giả truyền hình.
PV: Anh đánh giá phim truyền hình Việt đang ở giai đoạn nào và hướng đi sắp tới cần thế nào để đáp ứng khán giả?
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng: Tôi nghĩ sẽ không dừng lại ở đây, cơ hội còn đang mở ra rất nhiều cho phim truyền hình Việt. Chúng ta còn nhiều đề tài để khai thác với các cách tiếp cận khác nhau: Đề tài gia đình, chính luận hay sử thi cũng là mảng hay, chưa được khai thác nhiều. Tương lai, phim truyền hình vẫn là món ăn không thể thiếu của người Việt, vấn đề là chúng ta nấu thế nào cho ngon. Mà muốn thế thì những người làm phim phải luôn chắt chiu, trau dồi, có đam mê thực sự mới làm được nên những món ăn vừa miệng khán giả.
PV: Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
NSƯT Nguyễn Danh Dũng hiện công tác tại Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam. Anh là đạo diễn của nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng, hút khán giả thời gian gần đây như: Về nhà đi con (năm 2019), Người phán xử (năm 2017, cùng đạo diễn Mai Hiền, Khải Anh). Trước đó, nhiều bộ phim anh đạo diễn cũng tạo được ấn tượng tốt, được khán giả yêu thích như: Series phim nổi tiếng Cảnh sát hình sự (năm 1997); Khi đàn chim trở về (phần 2, 3)... Tại Lễ trao giải Cánh diều 2019 mới đây, Nguyễn Danh Dũng đã được trao giải Đạo diễn xuất sắc cho phim truyền hình với bộ phim Về nhà đi con.
|
DƯƠNG THU (thực hiện)