QĐND - Năm 2015, đã có 67 dự án khởi nghiệp ở Việt Nam nhận được đầu tư, nhiều gấp đôi so với 2014. Không chỉ tăng về số lượng dự án được đầu tư, số tiền được rót vốn cũng tăng mạnh so với năm 2014. Năm 2016, xu hướng đầu tư vào các dự án khởi nghiệp được nhận định sẽ tiếp tục phát triển ấn tượng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong xung quanh câu chuyện khởi nghiệp của các doanh nghiệp Việt.
Phóng viên (PV): Tại Việt Nam, đã có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp rất thành công nhưng vì sao đến hiện tại mới dấy lên phong trào khởi nghiệp trên quy mô cả nước, thưa ông?
 |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
|
Ông Nguyễn Minh Phong: Thực ra, nói chúng ta chưa từng phát động việc khởi nghiệp là chưa hẳn đúng. Khi chúng ta cải thiện luật đầu tư, khi tạo điều kiện cho đăng ký kinh doanh mới, khi cắt giảm các điều kiện kinh doanh… đều là những hành động thúc đẩy khởi nghiệp. Có điều, những hành động đó không xuất phát từ góc độ khởi nghiệp mà là cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp phát triển. Còn khởi nghiệp hiểu theo nghĩa hiện người ta đang nói đến nhiều là tạo điều kiện để phát huy tinh thần kinh doanh hiện đại và tìm nguồn vốn cho những người có ý tưởng mà không có vốn để phát triển.
Hiện tại, bắt đầu từ những chỉ đạo của Chính phủ, khởi nghiệp đã trở thành một phong trào. Đặc biệt, năm ngoái - Năm khởi nghiệp quốc gia - đã trở thành thời điểm hội tụ tinh thần khởi nghiệp.
PV: Trong quá khứ, chúng ta từng phát động nhiều phong trào và thu được những kết quả khác nhau. Ông đánh giá thế nào về phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Minh Phong: Đây không hẳn là một phong trào. Phong trào thường “đánh trống bỏ dùi”, mang tính chất thời điểm. Khởi nghiệp là một nhu cầu thường xuyên, không phải là một phong trào mang tính chất thi đua mà là một sinh kế. Thứ nữa, đòi hỏi của khởi nghiệp cũng khác, cần phải được pháp lý hóa, thể chế hóa. Mặt khác, khởi nghiệp phải gắn với thế giới. Khi chúng ta khởi nghiệp tạo được những chuỗi doanh nghiệp phù hợp với chuỗi mình sẽ tham gia trên thị trường thế giới thì sẽ ổn định hơn.
Mỗi năm, ở ta đều có lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn doanh nghiệp dừng hoạt động, kể cả trong những giai đoạn khó khăn như năm 2011. Điều đó cho thấy, tinh thần khởi nghiệp quốc gia vẫn âm thầm cháy. Vấn đề ở đây là phải thổi bùng nó lên.
Tuy nhiên, đang tồn tại một thực trạng, có một số doanh nghiệp khởi nghiệp không phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng. Ví dụ, một số doanh nghiệp mới thành lập lợi dụng những chính sách ưu đãi sau đó biến mất. Vì thế, mình phải sớm nhận diện để nhận ra, làm sạch môi trường kinh doanh.
PV: Đến hiện tại, chúng ta đã tạo được môi trường đủ thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp?
Ông Nguyễn Minh Phong: Càng ngày, chúng ta càng cải thiện môi trường đầu tư. Việc Chính phủ giảm 49 lĩnh vực còn 16 lĩnh vực độc quyền, cắt giảm một nửa trong số hơn 6.000 điều kiện kinh doanh nếu làm tốt sẽ tạo điều kiện khởi nghiệp thuận lợi. Chúng ta cũng đã có một số quỹ, một số trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, thực tế hoạt động vẫn mang nặng tính hành chính. Vì thế, trong thời gian này cần có doanh nghiệp lớn đỡ đầu cho các hoạt động khởi nghiệp.
PV: Ông có thể so sánh môi trường khởi nghiệp của Việt Nam với các nước trong khu vực?
Ông Nguyễn Minh Phong: Vẫn yếu hơn! Việc ấy thể hiện qua một số đánh giá. Một là đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của ta thấp hơn. Năng lực cạnh tranh, số lượng doanh nghiệp, độ thành công của doanh nghiệp của họ cũng cao hơn. Từ đó có thể suy ra, môi trường khởi nghiệp ở ta kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đã có sự cải thiện. Trong đó, đặc biệt làviệc cải thiện môi trường kinh doanh đã có sự gắn kết chặt chẽ đa chiều với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là một quá trình mở, liên tục, nhất quán và được đẩy nhanh hơn trong những điều kiện nhất định. Cùng với quá trình đổi mới, Việt Nam đã xác lập quyết tâm, hành động khá tích cực và đã thu được một số thành công đáng khích lệ, được cộng đồng doanh nghiệp và quốc tế đánh giá cao.
PV: Chúng ta đang phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Theo ông, chúng ta có đạt được mục tiêu ấy?
Ông Nguyễn Minh Phong: Hiện chúng ta có khoảng 400.000 doanh nghiệp, trong đó có tới 97% vừa và nhỏ. Nếu tính cả hộ gia đình thì con số này phải lên tới 99%. Thực ra, trên thế giới cũng gần như vậy. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm 2/3 đến 3/4 số lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tập đoàn lớn vẫn chi phối GDP, thương mại. Trong khi, Việt Nam chưa có đánh giá về việc doanh nghiệp vừa và nhỏ chi phối bao nhiêu, doanh nghiệp lớn chi phối bao nhiêu. Như vậy cho thấy rằng, chính sách khởi nghiệp càng phải hướng vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, Việt Nam đang phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp, vì thế phải “chăm bẵm”, phát triển các doanh nghiệp mới để họ trưởng thành, hòa nhập vào đội ngũ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khó. Nửa đầu năm nay có 57.000 doanh nghiệp thành lập mới, 14.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động. Trong khi, đã có 37.000 doanh nghiệp giải thể. Như thế, trừ đi chỉ còn phát triển được hơn 30.000 doanh nghiệp. Nếu làm tốt đến cuối năm thêm khoảng từng đó nữa là tổng cộng khoảng 60.000 doanh nghiệp. Trong 4 năm tới, theo đà này thêm được khoảng 240.000, cộng với 400.000 đang có, mới được hơn 600.000, cách rất xa so với con số 1 triệu doanh nghiệp. Muốn đạt mục tiêu cần phải yêu cầu rất cao, phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp nhiều hơn nữa.
PV: Thực tế, một trong những vấn đề lớn nhất, thậm chí quyết định sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp là vốn. Trong khi những doanh nghiệp đang hoạt động vẫn khó tiếp cận nguồn vốn thì làm sao có được nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Phong: Những doanh nghiệp đang hoạt động mà thiếu vốn, thậm chí đứng trước nguy cơ “chết” vì thiếu vốn là một thực tế khách quan và phải theo quy luật thị trường. Nhưng chúng ta vẫn cần trồng nhiều cây non để có thể có được cả cánh rừng. Với tinh thần ấy, nên cho các doanh nghiệp thành lập đại trà và cho phát triển.
Chúng ta đã có hơn chục quỹ đầu tư rủi ro cả trong và ngoài nước. Nhưng hiện tại, các quỹ mới chỉ tập trung đầu tư cho các dự án công nghệ thông tin, dự án tìm kiếm, dự án mang tính chất cộng đồng chứ không có sự đầu tư vào những dự án khoa học công nghệ rủi ro. Trong khi bản chất của quỹ rủi ro là đầu tư vào những ý tưởng, để ý tưởng đó biến thành thực tế.
 |
Sản phẩm khởi nghiệp giày vẽ tay nghệ thuật của nhóm tác giả Nguyễn Bá Nam tham gia Chương trình Khởi nghiệp. Ảnh: Quốc Vinh
|
Để kêu gọi được vốn cộng đồng, theo tôi, bản thân các dự án, ý tưởng về đầu tư phải hướng tới cộng đồng, phục vụ trực tiếp cho cộng đồng cũng như mang lại các tiện ích, kỳ vọng thì mới có thể huy động vốn, thậm chí có thể huy động được những mạnh thường quân mà vốn dĩ họ không phải là những người đầu tư mạo hiểm. Để gọi vốn thành công không chỉ cần một dự án đủ thuyết phục, một nền tảng gọi vốn uy tín mà còn cần sự tham gia đóng góp của đông đảo cộng đồng. Vì vậy, điều mong mỏi lớn nhất của những người khởi nghiệp khi chọn hình thức này chính là sự thấu hiểu và từng bước thay đổi nhận thức của xã hội.
PV: Khi bàn đến khái niệm khởi nghiệp, hiện tại, người ta vẫn thường nghĩ tới những dự án kinh doanh thuần túy. Trong khi đó, xã hội rất cần những dự án đem lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng. Chúng ta cần làm gì để khuyến khích những dự án khởi nghiệp này, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Phong: Trong khởi nghiệp có cả những doanh nghiệp liên quan đến khoa học công nghệ, môi trường, xã hội… Những doanh nghiệp dạng này cũng cần được ưu tiên hỗ trợ. Ví dụ, một doanh nghiệp phi lợi nhuận có dự án dạy chữ, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật miễn phí thì phải nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Thậm chí trong tương lai, khi xuất hiện những doanh nghiệp từ thiện ở tầm khu vực, quốc gia thì cũng cần được hỗ trợ.
PV: Theo quan điểm của cá nhân ông, để có thể thành công, doanh nghiệp Việt cần những gì?
Ông Nguyễn Minh Phong: Để khởi nghiệp thành công, ngoài năng lực, kinh nghiệm của bản thân doanh nhân và doanh nghiệp, còn cần môi trường - “bà đỡ” khởi nghiệp chuyên nghiệp và lành mạnh. Để có môi trường đó, Nhà nước phải xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; phát triển các thể chế chuyên biệt, đặc thù để hỗ trợ khởi nghiệp, các chương trình khởi nghiệp, nhất là các quỹ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các văn phòng tư vấn và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh thuận lợi và giúp giảm chi phí (vốn, thông tin, kế toán, địa điểm mặt bằng, thủ tục...). Các hiệp hội, địa phương và ngành cũng cần mở rộng các cuộc giao lưu và đào tạo, thi khởi nghiệp trên toàn quốc; tìm các nhà đầu tư tài trợ cho những dự án có tính khả thi; thành lập quỹ khởi nghiệp kết hợp vốn tư nhân và Chính phủ…
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
HUY ĐĂNG (thực hiện)