Phóng viên (PV): Thưa ông, theo tôi biết thì sĩ quan hậu cần bây giờ là một “nghề” khá hấp dẫn thanh niên. Vì thế, mức điểm trúng tuyển vào học viện trong những năm gần đây khá cao. Điều này có vẻ rất khác với tâm trạng của học viên Lớp Huấn luyện Cán bộ cung cấp đầu tiên, cách đây 70 năm?
Trung tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng: Hoàn cảnh lịch sử của quân đội, của đất nước đầu năm 1951 thì nhà báo đã biết. Lúc ấy, tâm lý chung của học viên (phần đông là trưởng, phó trưởng các phòng quân nhu thuộc các đại đoàn, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân) phần lớn đều muốn trực tiếp tham gia chiến đấu, ngại làm nhiệm vụ cung cấp. Làm công tác cung cấp vừa vất vả, mà cá nhân khó gây được thành tích như cán bộ, chỉ huy đơn vị. Vì thế, ai cũng muốn tham gia trực tiếp chiến đấu mà không muốn làm công tác cung cấp.
Thấu hiểu tư tưởng bộ đội, trung tuần tháng 6-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giáo viên, học viên Lớp Huấn luyện Cán bộ cung cấp. Trong thư, Bác căn dặn những điều trở thành "kim chỉ nam" cho hành động của các thế hệ bộ đội hậu cần, như: “Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng. Thí dụ trong một cái đồng hồ, những cái kim thì chạy suốt ngày đêm, nhưng chữ số thì suốt đời đứng một chỗ. Nếu những chữ số cũng muốn chạy như cái kim, hay là cái kim cũng muốn dừng lại như chữ số thì không thành cái đồng hồ nữa”; “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận; cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”; “Nhiệm vụ chính của cán bộ cung cấp là phụng sự đại đa số bộ đội, tức là người binh nhì, phải thương yêu săn sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì”. Lời Bác dạy bộ đội hậu cần nói chung, HVHC nói riêng đã truyền thông điệp về tư tưởng và hành động, tiếp thêm động lực về lẽ sống và niềm tin cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường. Đó cũng là giá trị văn hóa-truyền thống, trở thành “thương hiệu” của nhà trường. Nhà báo nói, hiện nay HVHC là một cơ sở đào tạo đại học hấp dẫn thanh niên. Đúng là như vậy và sức hấp dẫn của nhà trường đến từ giá trị văn hóa-truyền thống ấy.
PV: Nhưng tôi được biết, tâm lý thế hệ học viên của nhà trường hiện nay cũng có hiện tượng “kén cá chọn canh”, như việc nhiều người muốn được học ngành tài chính, xăng dầu... hơn là các ngành khác. Nhà trường đã có giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?
Trung tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng: Tâm lý thích ngành này, ngành khác, theo tôi, là vấn đề khách quan, thời nào cũng sẽ có những chuyện như vậy. Ví như thời trẻ của thế hệ chúng tôi có câu “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”, rồi thì “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Là nhà sư phạm, chúng tôi luôn nhìn thẳng vào thực tế để có giải pháp điều chỉnh những hiện tượng ấy. Để giải quyết gốc rễ cho tâm lý “kén cá chọn canh” của người học, chúng tôi coi trọng việc thường xuyên học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2018, học viện đã tổ chức thành công Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo cán bộ ngành hậu cần quân đội”; hướng cán bộ, học viên phấn đấu theo tiêu chuẩn phẩm chất của sĩ quan hậu cần là: “Tận tụy phục vụ bộ đội; tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính; giỏi về công tác hậu cần quân đội”. Thực chất 21 chữ trên bao hàm tất cả “đức” và “tài” của người sĩ quan hậu cần. Bài học về cái kim, chữ số của cái đồng hồ trong thư Bác gửi Lớp Huấn luyện Cán bộ cung cấp năm xưa vẫn còn nguyên giá trị giáo dục, định hướng nghề nghiệp hiện nay. Đảng ủy, Ban giám đốc học viện rất coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, coi đó là công tác quan trọng bậc nhất của quá trình đào tạo.
Trong giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho học viên, chúng tôi chú trọng biện pháp nêu gương. Mỗi cán bộ, giáo viên dùng chính quá trình rèn luyện, phấn đấu của mình để làm gương. Trong định hướng chọn ngành nghề cũng vậy. Chúng tôi thường nói với học viên, ngành nào cũng phải có tình yêu, sự đam mê với ngành nghề của mình thì mới thu được thành công. Thực tế, nhiều đồng chí trong Ban giám đốc học viện các thời kỳ, cán bộ tướng lĩnh, chủ trì cơ quan hậu cần toàn quân hiện nay đại đa số trưởng thành từ các ngành như: Chỉ huy tham mưu, quân nhu, vận tải (những ngành không được coi là “hot” của học viện). Mỗi người chúng ta khó có thể làm được những việc lớn, có tầm vóc vĩ đại, nhưng chúng ta lại hoàn toàn có thể làm những việc nho nhỏ, có ích cho quân đội, cho đơn vị với một tình yêu vĩ đại. Những câu chuyện, những tâm sự của chúng tôi như vậy rất được học viên lắng nghe và hưởng ứng.
Cái gốc để làm nên sức hấp dẫn của nhà trường nói chung, của từng khoa nói riêng là nội dung, chương trình đào tạo; phải bảo đảm chuẩn hóa, hiện đại hóa và gắn được các chuẩn đầu ra. Đây cũng là điều mà chúng tôi quán triệt đến từng khoa và toàn học viện.
PV: Nhân nói đến nội dung, chương trình đào tạo, vừa rồi Báo QĐND Cuối tuần có bài giới thiệu tấm gương Trung tá Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật, Ban CHQS huyện Hưng Hà (Thái Bình). Anh ấy nguyên là học viên HVHC khóa 1995-2000. Điều đặc biệt, dù không được đào tạo chuyên ngành IT, nhưng với kiến thức cơ bản được đào tạo tại học viện, sau khi ra trường, anh Chỉnh đã say mê sáng tạo, viết được nhiều phần mềm rất thiết thực với nhiệm vụ quân sự địa phương. Câu chuyện của Trung tá Nguyễn Hữu Chỉnh cho thấy nội dung, chương trình đào tạo của HVHC rất “đáng nể”. Công tác này hiện được tiến hành ra sao, thưa ông?
Trung tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng: Công tác bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo luôn là nhiệm vụ số một của học viện. Đây là giải pháp nền tảng quyết định chất lượng đào tạo cán bộ hậu cần các cấp thời kỳ mới. Chúng tôi sớm nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn hóa nội dung, chương trình đào tạo, chuẩn hóa đầu ra môn học và chuyên ngành các đối tượng, bảo đảm liên thông giữa các cấp học; có cấu trúc hợp lý giữa các khối kiến thức; tăng thời gian huấn luyện chuyên ngành, thực hành, ngoại khóa; sát với thực tiễn đơn vị, sự phát triển của lý luận quân sự và bảo đảm hậu cần.
Đội ngũ nhà giáo của học viện luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo trình, bài giảng, trong đó ưu tiên thích đáng nghiên cứu xây dựng giáo trình, bài giảng công tác hậu cần, tài chính cho lực lượng mới, lực lượng xây dựng hiện đại; đưa vào bài giảng chiến lệ các trận đánh, chiến dịch tiêu biểu, đặc sắc; làm rõ kinh nghiệm của công tác hậu cần; đồng thời đưa vào giảng dạy, giới thiệu các công nghệ mới, tiên tiến nhất về nuôi, trồng, bảo quản, sản xuất, chế biến, xăng dầu, vận chuyển, điện nước, vật liệu, xây dựng công trình, đường sá, tài chính-ngân hàng, phòng, chống dịch, những mô hình mới tiêu biểu toàn quân. Công tác hậu cần, tài chính của học viện được tổ chức, thực hiện thực sự mẫu mực, vừa bảo đảm mọi mặt hoạt động của học viện, vừa là “mô hình chuẩn” để học viên học tập.
PV: Nói về các chiến lệ, chiến dịch tiêu biểu, điều tôi đặc biệt ấn tượng khi đọc lịch sử học viện là truyền thống “gắn với chiến trường” của học viện. Rất nhiều chiến lệ trong giáo án, giáo trình của học viện hôm nay được viết từ thực tiễn chiến trường của chính cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường?
Trung tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng: “Nhà trường gắn với chiến trường” là một phong trào thi đua của học viện trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tháng 1-1966, thực hiện nhiệm vụ đột xuất trên giao, nhà trường đã thành lập Tiểu đoàn Vận tải 90 mang mật danh “Mũi tên xanh”, huy động hàng trăm giáo viên, học viên, trực tiếp làm nhiệm vụ chở hàng vượt qua tuyến lửa Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều giáo viên, học viên của trường đã anh dũng, thông minh chỉ huy đội hình xe vượt mưa bom bão đạn, đưa hàng đến đích bảo đảm 100%. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, học viên được công nhận tốt nghiệp và bổ sung luôn cho chiến trường; đội ngũ giáo viên trở về bổ sung nhiều bài học quý báu vào giáo trình, nhất là kinh nghiệm vận tải đường dài trong chiến đấu.
Tinh thần “gắn nhà trường với chiến trường” của Tiểu đoàn “Mũi tên xanh” mãi mãi dẫn đường cho các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhà trường đã cử hàng trăm cán bộ, giáo viên, học viên tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường nóng bỏng, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm bảo đảm hậu cần làm cơ sở viết tài liệu dạy học. Năm 1977, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, 442 học viên của trường đã ra mặt trận. Năm 1979, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, 274 học viên của trường đang đi thực tập trên tuyến biên giới đã tình nguyện ở lại chiến đấu; sau đó nhiều đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, huân chương và các phần thưởng cao quý khác...
Trong tình hình hiện nay, chủ trương nhất quán của Đảng ủy, Ban giám đốc học viện trong công tác đào tạo là “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất” để kế thừa và kế tục một cách xứng đáng truyền thống “Tuyệt đối trung thành, chủ động sáng tạo, đoàn kết chặt chẽ, dạy tốt học tốt, gắn với chiến trường, hướng về đơn vị”.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
TRƯỜNG HẢI (thực hiện)