Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) Việt Nam đã tiến hành thẩm định hơn 400 tác phẩm của các đơn vị nghệ thuật cả nước về đề tài học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội đồng thẩm định đã lựa chọn hơn 30 tác phẩm xuất sắc nhất đề nghị Nhà nước trao giải thưởng.

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), đạo diễn Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần.

Khát vọng và tâm huyết của giới nghệ sĩ

Phóng viên (PV): Hình tượng Bác Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời của các thế hệ NSSK Việt Nam. Nhiều vở diễn thể hiện hình tượng Bác đã trở thành những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật nước nhà. Với thế hệ trẻ hiện nay thì thế nào, thưa anh?

NSND Giang Mạnh Hà: Đối với thế hệ nghệ sĩ hiện nay, hầu như ai cũng có nguyện vọng, khao khát được sáng tác, dàn dựng, thể hiện các tác phẩm có hình tượng Bác Hồ. Sáng tác về Bác Hồ và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là mảng đề tài hết sức phong phú, là nguồn cảm hứng vô tận, niềm tự hào thiêng liêng của mọi nghệ sĩ. Phải làm sao để tác phẩm xứng tầm, thể hiện được tầm vóc tư tưởng, phong cách của Người, đối với lớp nghệ sĩ hôm nay thực sự là một cuộc chắt lọc, một thử thách hết sức nặng nề.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Giang Mạnh Hà. Ảnh do nhân vật cung cấp


PV: Hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới NSSK đã có những hoạt động gì?

NSND Giang Mạnh Hà: Các hoạt động sân khấu hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác Hồ nằm trong chuỗi hoạt động sáng tác, biểu diễn về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là chủ đề, mảng đề tài mang tầm thời đại.

Riêng trong năm 2020, ngay từ đầu năm, Thường trực và Ban Chấp hành Hội NSSK Việt Nam đã xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động sáng tác, tổ chức biểu diễn, quảng bá các vở diễn. Đáng chú ý là việc tổ chức 3 trại sáng tác cho các NSSK, gồm: Trại sáng tác tại Đà Lạt (Lâm Đồng) dành cho các nghệ sĩ miền Nam, vừa khai mạc ngày 11-5; Trại sáng tác tại Đại Lải (Vĩnh Phúc) dành cho các nghệ sĩ khu vực phía Bắc, dự kiến khai mạc vào mùa thu năm nay và trại thứ ba được Hội NSSK Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam mở, dành cho các tác giả sáng tác kịch bản sân khấu, dự kiến sẽ khai mạc vào cuối năm tại một địa phương phía Bắc. Các trại sáng tác này thể hiện quyết tâm rất cao của Hội NSSK Việt Nam sau Đại hội nhiệm kỳ 2019-2024 với định hướng xây dựng nền sân khấu Việt Nam yêu nước, nhân văn, đầu tư sáng tác để có những tác phẩm chất lượng cao, xứng tầm thời đại.

Dàn dựng các trích đoạn, hoạt cảnh về Bác Hồ qua các thời kỳ

PV: Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang được thực hiện sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Với giới NSSK thì thế nào, thưa anh?

NSND Giang Mạnh Hà: Nghĩ về Bác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tình cảm thiêng liêng thường trực trong trái tim, khối óc của tất cả chúng ta. Với giới nghệ sĩ, họ còn có sứ mệnh vẻ vang, cao đẹp hơn, đó là phải thể hiện những xúc cảm thiêng liêng ấy bằng các sản phẩm nghệ thuật. Ngay trong các trại sáng tác như tôi vừa nói, ban tổ chức và Hội NSSK Việt Nam cũng đặc biệt ưu tiên, khuyến khích các tác giả sáng tác về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng tôi mong muốn, thông qua hoạt động sân khấu, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và những tấm gương, mô hình, nghĩa cử cao đẹp trong đời sống xã hội sẽ được hình tượng hóa, sân khấu hóa tạo nên trường cảm xúc yêu nước, nhân văn, thẩm thấu và lan tỏa trong đời sống xã hội.

PV: Kết quả hoạt động sáng tác, biểu diễn của sân khấu về mảng đề tài này thời gian qua như thế nào, thưa anh?

NSND Giang Mạnh Hà: Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, giới NSSK cả nước đã dồn tâm huyết, đầu tư sáng tác, dàn dựng, biểu diễn một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ về mảng đề tài này. Từ lựa chọn của các đơn vị nghệ thuật cả nước, Hội NSSK Việt Nam đã tiến hành thẩm định hơn 400 tác phẩm sân khấu về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lựa chọn hơn 30 tác phẩm xuất sắc nhất đề nghị Nhà nước trao giải thưởng giai đoạn 2015-2020. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, tiếp tục được Hội NSSK Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật đầu tư nâng cấp, tổ chức dàn dựng, biểu diễn, quảng bá trong thời gian tới. Có thể nói, hình tượng Bác Hồ và việc học tập, làm theo Bác không chỉ là bổn phận của người nghệ sĩ chân chính mà đó còn là nguồn cảm hứng thiêng liêng, niềm khát khao vươn tới những đỉnh cao trong đời hoạt động nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ.

PV: Với riêng anh thì sao?

NSND Giang Mạnh Hà: Với cương vị của một đạo diễn sân khấu, được dàn dựng các tác phẩm, chương trình sân khấu về Bác Hồ và việc học tập, làm theo tư tưởng của Người luôn luôn là niềm khát khao, thôi thúc. Tôi vinh dự được dàn dựng rất nhiều chương trình sân khấu, trong đó có những chương trình phục vụ các ngày đại lễ của đất nước, với số lượng nghệ sĩ, diễn viên lên đến hàng nghìn người. Có hàng chục tác phẩm, chương trình sân khấu có hình tượng Bác Hồ, tôi đã mời các nghệ sĩ như: Tiến Hợi, Văn Phúc, Văn Tân, Thái Phụng, Văn Vinh… thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Đó là những tác phẩm, chương trình sân khấu để lại trong tôi những dấu ấn không thể nào quên…

PV: Tại các diễn đàn, hội thảo về sân khấu, nhiều người cho rằng, một trong những hạn chế của chúng ta hiện nay là khâu quảng bá tác phẩm, nhất là ở các đơn vị nghệ thuật công lập. Theo anh, chúng ta phải làm thế nào để các tác phẩm sân khấu về Bác Hồ và học tập, làm theo Bác đến được với đông đảo công chúng?

NSND Giang Mạnh Hà: Với cương vị là một người làm nghề, tôi rất tâm đắc và trăn trở với vấn đề này. Sáng tác, biểu diễn và quảng bá tác phẩm là những khâu có mối quan hệ biện chứng hết sức chặt chẽ. Muốn quảng bá tốt thì trước hết chúng ta phải có tác phẩm tốt. Cho nên, trước hết phải đầu tư cho khâu sáng tác thật tốt. Việc sáng tác kịch bản sân khấu không chỉ có giới NSSK mà phải mời rộng ra các tác giả điện ảnh, các nhà văn để tìm kiếm kịch bản hay. Các trại sáng tác của Hội NSSK Việt Nam hiện nay đang hướng đến điều này. Cùng với đó, phải đầu tư chiều sâu, lựa chọn những tác giả tài năng, có tiềm năng để đầu tư, đặt hàng sáng tác kịch bản. Khi có tác phẩm tốt, phải đầu tư dàn dựng tương xứng, thực hiện đa dạng các kênh quảng bá, nhất là tận dụng mạng lưới truyền thông, phát thanh, truyền hình… để tác phẩm có sức lan tỏa lớn trong đời sống xã hội. Cùng với các vở diễn, phải có đầu tư tương xứng cho các chương trình nghệ thuật sân khấu lớn có sức thu hút, lay động lòng người…

Chúng tôi đang triển khai những dự án đầu tư dàn dựng các trích đoạn, hoạt cảnh đặc sắc về hình tượng Hồ Chí Minh qua các thời kỳ theo các chuyên đề. Ví dụ như: Bác Hồ với chiến sĩ; Bác Hồ với các cụ phụ lão; Bác Hồ với phụ nữ; Bác Hồ với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; Bác Hồ với công nhân, người dân lao động; Bác Hồ với đồng bào miền Nam; Bác Hồ với bạn bè quốc tế… Chúng tôi sẽ mời các nghệ sĩ tiêu biểu, tài năng thể hiện hình tượng Bác Hồ qua các thời kỳ. Hội NSSK Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương… để biểu diễn, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm này đến với cán bộ, đảng viên và toàn dân. Chúng tôi tin tưởng, các trích đoạn, hoạt cảnh thể hiện hình tượng Bác Hồ được đầu tư dàn dựng công phu, có giá trị nội dung, nghệ thuật cao nhất định sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, thẩm thấu sâu rộng trong các thế hệ công chúng.

Các tác phẩm sân khấu được Nhà nước tặng giải thưởng hoặc được trao giải trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn… nhất định phải được quảng bá, đến được với công chúng khán giả 3 miền trên cả nước. Giá trị lớn nhất của giải thưởng là sức sống của tác phẩm trong công chúng. Chúng ta phải khắc phục bằng được tình trạng “đóng khung” cuộc thi, liên hoan, hội diễn… bằng các giải thưởng, xong rồi thì… để đó.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

THANH KIM TÙNG (thực hiện)