QĐND - Trong khuôn khổ các nội dung hoạt động của Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Giang và 25 năm Ngày tái lập tỉnh, Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ II sẽ được tổ chức trong tháng 10-2016 với các hoạt động trải nghiệm sản phẩm từ hoa tam giác mạch, lễ hội đường phố trình diễn âm nhạc dân gian và sắc màu trang phục các dân tộc Hà Giang, trưng bày những sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, du lịch… Cùng đó, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước” sẽ được tổ chức tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, với sự tham gia của 17 tỉnh có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ngày hội bao gồm: Festival khèn Mông, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông, thi hát dân ca dân tộc Mông, thi ẩm thực dân tộc Mông, trại sáng tác điêu khắc trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn…
Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Phóng viên (PV): Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ I được tổ chức năm 2015 có tạo ra sự chuyển biến cho du lịch Hà Giang, thưa ông?
 |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
|
Ông Nguyễn Văn Sơn: Tam giác mạch là loài hoa gắn bó với cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá Hà Giang từ xa xưa. Trước đây, loài hoa này giúp đồng bào Hà Giang vượt qua những tháng giáp hạn, những năm mất mùa ngô và cứ thế gắn bó, gần gũi với người dân trên đá núi. Trong những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào vùng cao đã được cải thiện, hoa tam giác mạch không còn là lương thực cứu đói mà được đồng bào dùng để chế biến các loại bánh, nấu rượu phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của mình và bán cho du khách.
Từ vẻ đẹp hoang sơ, gần gũi ấy, năm 2015, tỉnh Hà Giang quyết định tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch nhằm tôn vinh loài hoa với vẻ đẹp nên thơ, biểu tượng của tinh thần vươn lên trong cuộc sống và để thu hút khách du lịch đến với Hà Giang. Có thể khẳng định rằng, lễ hội đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho du lịch Hà Giang. Năm 2014, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 650.000 lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 120.000 lượt, khách nội địa đạt 530.000 lượt. Doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch đạt gần 600 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 60-70%. Toàn tỉnh có 123 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 3 sao, 31 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1, 2 sao và 91 nhà nghỉ du lịch. Đến năm 2015, khách du lịch đến Hà Giang đạt gần 762.622 lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 145.789 lượt, khách nội địa đạt 616.833 lượt. Doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch đạt gần 708 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 70-80 %. Đặc biệt, vào mùa hoa tam giác mạch, công suất sử dụng phòng đạt100%. Toàn tỉnh đã có hơn 200 cơ sở lưu trú, trong đó có 2 khách sạn 3 sao, 50 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1, 2 sao và hơn 100 nhà nghỉ du lịch…
Từ thành quả đó, năm 2016 với mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch “Hà Giang - mùa hoa tam giác mạch”, tỉnh Hà Giang quyết định tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ II với những nội dung phong phú, đa dạng nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Giang. Cùng đó, Hà Giang cũng phối hợp với các tập đoàn, công ty trong nước và quốc tế tiến hành khảo sát lập các dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch, mở ra hướng đi cho du lịch Hà Giang.
PV: Điểm mới trong Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ II, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Để xây dựng thương hiệu du lịch “Hà Giang - mùa hoa tam giác mạch”, năm 2016, Lễ hội hoa tam giác mạch vẫn được tổ chức tại huyện Đồng Văn, trung tâm của di sản văn hóa và hoa tam giác mạch. Điểm mới của lễ hội năm nay đó là sau phần khai mạc lễ hội với chương trình nghệ thuật hoành tráng dựa trên kịch bản văn học với chủ đề “Đá nở hoa”, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ hội trình diễn âm nhạc và sắc màu trang phục dân tộc thiểu số Hà Giang với sự tham gia của người dân, khách du lịch trong âm hưởng chủ đạo của âm nhạc, vũ điệu, trang phục dân tộc và sự kết hợp của các hoạt náo viên, diễn viên chuyên nghiệp… Bên cạnh đó còn có chương trình trải nghiệm các sản phẩm từ hoa tam giác mạch với chủ đề “Hồn của đá” với khu trưng bày giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm từ hoa tam giác mạch như bánh tam giác mạch, rượu tam giác mạch; giao lưu ẩm thực dân tộc, trưng bày giới thiệu và thưởng thức đặc sản rượu tam giác mạch kết hợp giao lưu trình diễn văn nghệ dân gian với chủ đề“Tâm hồn của đá” …; triển lãm ảnh đẹp về hoa tam giác mạch; trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng về văn hóa, nông sản, dược liệu, thực phẩm, du lịch của các huyện, thành phố trong tỉnh…
 |
Tam giác mạch - loài hoa hoang sơ, quyến rũ của Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Văn Anh
|
Sự kiện lần này có các hãng thông tấn trong nước và quốc tế đến dự và đưa tin về Hà Giang. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ được đón các bạn trong nước và quốc tế đến với Hà Giang, đến với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng, hùng vĩ của núi đá với hoa tam giác mạch cùng tình người thân thiện nơi biên cương Tổ quốc.
PV: Với các di sản độc đáo, Hà Giang ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Hà Giang đã có nhiều hành động cụ thể để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần đắc lực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Căn cứ vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Quyết định số 310/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030 với các mục tiêu chính: Bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ các giá trị di sản như bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc bản địa dưới dạng các công viên chuyên đề (bao gồm: Công viên địa văn hóa, công viên địa sinh học, công viên khoa học địa chất), Hà Giang sẽ khai thác các giá trị di sản trong Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thông qua quy hoạch đầu tư để phát triển dưới dạng mô hình kinh tế du lịch, qua đó thu hút người dân tham gia trực tiếp làm du lịch cộng đồng. Thông qua quy hoạch để đầu tư, biến Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia. Cùng các trung tâm du lịch khác, nơi đây sẽ là đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền núi Bắc Bộ, từ đó phát triển kinh tế nhằm bảo đảm an ninh quốc phòng và ổn định chính trị một cách bền vững của toàn vùng Bắc Bộ. Rồi chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030… Đảng bộ, chính quyền Hà Giang đã xác định nhiệm vụ chính trị “tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang”. Đến nay, Hà Giang đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang, bắt đầu triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt đã ký kết với Tập đoàn MC Kency&Company Việt Nam triển khai xây dựng quy hoạch dự án đầu tư khu du lịch trọng điểm quốc gia vùng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
Hà Giang cũng đang tiếp tục kêu gọi các tập đoàn trong nước và quốc tế đến đầu tư phát triển kinh tế du lịch. Khảo sát, đánh giá các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên để lập quy hoạch, đầu tư các tiểu dự án phục vụ du khách (năm 2015 phát hiện hang Lùng Khúy - đệ nhất động với những giá trị khoa học, mỹ thuật, kiến tạo độc đáo; khởi công khu du lịch tâm linh cột cờ Lũng Cú). Ban hành chính sách khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Hà Giang. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế du lịch với các chủ trương như: Phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch; triển khai các mô hình du lịch homestay phục vụ khách. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan, thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tạo nét riêng cho du lịch Hà Giang.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
PHÙNG NHƯ HẢI (thực hiện)