Phóng viên (PV): Thưa ông, từ xưa người Việt Nam thường được nhắc đến có lối sống cần kiệm. Đó có thể được coi là nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt không?
PGS, TS Nguyễn Văn Lý: Cần kiệm là một trong những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc ta. Chính điều kiện hoạt động sản xuất, đối mặt với thách thức, khó khăn bởi điều kiện tự nhiên và đấu tranh xã hội qua bao đời đã hình thành trong con người Việt Nam đức tính cần cù và tiết kiệm, gọi chung là cần kiệm. Thêm việc phải trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, sự phá hoại của các thế lực bên ngoài, làm cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân ta bị tổn thất nặng nề, bị kéo lùi hàng thế kỷ. Trong hoàn cảnh nhiều thiên tai, địch họa, chính đức tính cần kiệm mà nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để từng bước tự khẳng định mình trên con đường tiến hóa của dân tộc.
Tâm lý cần kiệm có từ nhân dân lao động và cũng được thể hiện ở một số trí thức yêu nước tiêu biểu với việc đề cao đức tính cần kiệm, coi đó là một trong những nguyên tắc của đạo làm người, đạo làm quan. Tiết kiệm là một giá trị văn hóa-tinh thần truyền thống nên ngoài mặt tích cực cơ bản, nó còn chứa đựng những hạn chế mang tính lịch sử. Chẳng hạn như, người Việt Nam xưa chú ý tiết kiệm trong tiêu dùng hơn là tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong sinh hoạt cá nhân hơn là tiết kiệm trong các sinh hoạt khác liên quan đến cộng đồng. Xã hội truyền thống vận động chậm chạp, thời gian tính bằng mùa trăng, bóng nước... nên con người không có thói quen tiết kiệm thời gian...
PV: Quan niệm và lối sống tiết kiệm của người Việt có thể nói là xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp và việc trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc. Ngày nay, lối sống này cần được hiểu, thích ứng như thế nào với đời sống hiện đại cùng sự phát triển kinh tế-xã hội, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Văn Lý: Lối sống tiết kiệm xuất phát từ triết lý sống của người Việt Nam, rằng mỗi người phải có trách nhiệm với mình, gia đình, xã hội và các thế hệ mai sau. Điều đó đặc biệt phù hợp với điều kiện nền kinh tế thấp kém, sản xuất tự cấp, tự túc. Ngày nay, lối sống tiết kiệm trong truyền thống của dân tộc ta cần được kế thừa gắn với đổi mới trong quan niệm về tiết kiệm cho phù hợp với đời sống của xã hội hiện đại và điều kiện phát triển của đất nước. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, việc nâng cao ý thức tiết kiệm, tích lũy để mở rộng sản xuất vẫn đóng vai trò tích cực với việc nâng cao năng suất lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cuộc sống đa dạng của con người. Tuy nhiên, sự kiềm chế thái quá nhu cầu thiết yếu của cá nhân và gia đình, tâm lý hài lòng với những gì đã có hoặc chỉ lo dự trữ kiểu “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” vô hình trung lại hạn chế sự phát triển của sản xuất, vì sản xuất quyết định tiêu dùng nhưng tiêu dùng đúng đắn đến lượt nó lại kích thích sản xuất phát triển theo hướng tiến bộ.
Tiết kiệm trong điều kiện hiện nay không phải là khuyến khích giảm thiểu nhu cầu mà chính là nâng cao khả năng thỏa mãn nhu cầu hợp lý của con người như là tiền đề để phát huy nguồn lực con người-nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
PV: Chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng về tiết kiệm, để phân biệt với “ki bo, hà tiện”, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Văn Lý: Có thể nhìn nhận một cách dễ hiểu như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nêu rõ: Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định. Tiết kiệm theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” và tiết kiệm không phải là bủn xỉn. “Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm”. Tuy nhiên, việc chi tiêu, nhất là chi tiêu ngân sách nhà nước cần phải bảo đảm đúng quy định, tránh tình trạng lạm dụng để trục lợi như một số trường hợp xảy ra trong thời gian qua.
PV: Sinh thời, Bác Hồ là người rất quan tâm thực hành lối sống tiết kiệm và đưa ra quan niệm về tiết kiệm, chống lãng phí. Tư tưởng của Bác có ý nghĩa như thế nào đối với cán bộ, đảng viên trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Văn Lý: Bác Hồ coi tiết kiệm là một trong 4 đức tính cần thiết của con người (cần, kiệm, liêm, chính). Bản thân cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đó cũng là một nội dung của việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để mỗi cán bộ, đảng viên “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Bác Hồ đã dạy. Đó cũng là một tiêu chí đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Việt Nam là nước đang phát triển, để phấn đấu đến năm 2025 vượt qua mức thu nhập thấp thì việc chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân càng có ý nghĩa cấp bách, thiết thực góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao từng bước đời sống nhân dân, nhất là ở vùng còn nhiều khó khăn.
PV: Theo ông, trong giai đoạn hiện nay, làm thế nào để phát huy mặt tích cực của lối sống tiết kiệm, tránh lối sống lãng phí, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo?
PGS, TS Nguyễn Văn Lý: Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ý thức cần kiệm, chống lãng phí. Hiện nay, việc này được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và nhân dân hưởng ứng nên đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong dư luận, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn không ít khó khăn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong cán bộ lãnh đạo, quản lý, theo tôi, trước tiên cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của mỗi người về vai trò, ý nghĩa tích cực to lớn, lâu dài của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng nhiều hình thức khác nhau. Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của văn hóa tiết kiệm trong lối sống của người Việt, khắc phục những hạn chế và bổ sung những thiếu hụt để xây dựng văn hóa tiết kiệm phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Văn hóa tiết kiệm phải định hướng ý thức và hành động của con người. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần nhận thức sâu sắc và nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (bổ sung, sửa đổi năm 2017, 2018), trọng tâm là quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, thời gian lao động, tài nguyên một cách hợp lý, hiệu quả và coi đó là một tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, bám sát vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và sơ, tổng kết việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, kịp thời phát hiện, khuyến khích, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử phạt theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Thực tế cho thấy, ở đâu mà cơ chế nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên được thực hiện đầy đủ, thường xuyên, nghiêm túc, thì ở đó hiện tượng tham nhũng, lãng phí được khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả. Bởi vậy, theo tôi cần phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG HÒA (thực hiện)