Về nước như về nhà
Phóng viên (PV): Hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm thu hút nhân tài, trí thức Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc. Tình hình trí thức Việt kiều đóng góp cho lĩnh vực giáo dục-đào tạo như thế nào, thưa Giáo sư?
GS, TS Trần Hồng Quân: Chính sách thu hút trí thức Việt ở nước ngoài trở về nước làm việc của ta thời gian qua đã có nhiều đổi mới với những tín hiệu rất tốt. Hàng năm, có hàng trăm lượt trí thức Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, trong đó phần lớn tham gia vào lĩnh vực giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ… đóng góp tri thức cho sự phát triển của đất nước. Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số trường đại học có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế là những nơi thu hút nhiều chuyên gia, trí thức Việt kiều hoạt động.
Qua công việc và quen biết bạn bè, tôi thấy nhiều trí thức Việt kiều trở về nước rất giàu nhiệt huyết, quyết tâm giúp đất nước bằng cách này hay cách khác. Anh chị em đã có đóng góp tốt vì phần lớn đều có trình độ, nhiều người từng tham gia giảng dạy ở các trường đại học uy tín ở nước ngoài, thường có cái nhìn đối sánh giữa giáo dục đại học nước ngoài và nước ta, từ đó đưa ra sáng kiến, giải pháp góp phần đổi mới giáo dục đại học trong nước. Có người tham gia quản lý, chuyên gia cố vấn, giảng dạy, nghiên cứu; chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, làm cầu nối giao lưu, hợp tác giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế; xin học bổng cho các nhà khoa học và trí thức tài năng trẻ trong nước đi đào tạo, nghiên cứu ở các nước tiên tiến…
|
|
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân |
Thực tế, khá nhiều anh chị em trí thức về nước không đòi hỏi chế độ đãi ngộ gì đặc biệt vì xác định về nước công tác coi như về nhà, chấp nhận lương thấp. Anh chị em chỉ muốn có điều kiện làm việc, được tin cậy giao việc và dốc sức làm việc. Tôi đánh giá rất cao những người như vậy.
Nhiều trí thức Việt kiều khiến tôi nể phục
PV: Là nhà quản lý ngành giáo dục những năm đầu đổi mới đất nước, đến nay vẫn còn tham gia nhiều hoạt động khoa học và giáo dục, Giáo sư có kỷ niệm nào đáng nhớ với đội ngũ trí thức Việt kiều về nước hoạt động trong lĩnh vực này?
GS, TS Trần Hồng Quân: Thực sự nói về kỷ niệm với tôi thì không kể xiết trong hàng chục năm công tác. Nhiều trí thức Việt kiều yêu nước khiến tôi cảm thấy rất nể phục và quý mến. Chẳng hạn như GS, TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, quê ở An Giang, Việt kiều Pháp trở về sau khi đất nước mới được thống nhất. Anh tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và được kết nạp Đảng ở trường. Sau này, phát triển lên, trải qua nhiều chức vụ trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, là đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Trên diễn đàn Quốc hội, anh luôn phát huy tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, đại diện tiêu biểu cho tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là đồng bào Việt kiều. Đây là trường hợp điển hình của trí thức Việt kiều phát triển về con đường chính trị. Hiện nay, dù tuổi cao nhưng GS, TSKH Nguyễn Ngọc Trân vẫn nghiên cứu khoa học, tham gia nhiều hội thảo khoa học với những ý kiến sắc sảo, chất lượng. Được biết, gia đình anh còn cấp học bổng khoa học-kỹ thuật hằng năm cho sinh viên học giỏi hoàn cảnh gia đình khó khăn ở quê hương An Giang.
Một trường hợp khác là GS, TS Huỳnh Hữu Tuệ, sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, Việt kiều Canada. Mặc dù gia đình anh ở Canada rất ổn định, đàng hoàng lắm, vợ là nhà báo, người Canada, các con cũng đang học hành tốt. Nhưng anh vẫn muốn về nước làm việc, còn vợ và các con thì ở lại Canada, thỉnh thoảng về Việt Nam cho các cháu học tiếng Việt. Cả gia đình đều rất yêu Việt Nam. GS, TS Tuệ là chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin. Khi được mời làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bắc Hà, anh cùng với lãnh đạo nhà trường vô cùng tâm huyết, quyết tâm xây dựng một trường đại học chất lượng cao, không quan tâm đến lợi ích kinh tế... Tiếc là khi hoạt động được một thời gian thì gặp rất nhiều khó khăn bởi chi phí rất lớn để bảo đảm cho trường thực sự có chất lượng cao, trong khi đó học phí lại không được thu cao. Bài toán kinh tế không giải quyết được nên anh đành xin thôi vị trí hiệu trưởng và tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Anh sống và làm việc vui vẻ tại Việt Nam trong một thời gian khá dài cho đến khi tuổi cao sức yếu thì mới trở lại Canada. Đó là một số tấm gương điển hình trong những Việt kiều yêu nước về Việt Nam làm việc mà tôi rất trân trọng.
PV: Giáo sư được ví như người sinh ra mô hình trường đại học ngoài công lập, khuyến khích sự tham gia của trí thức Việt kiều, người nước ngoài vào hội đồng quản trị các trường này để tập hợp chuyên gia giỏi thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục đại học. Ông có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?
GS, TS Trần Hồng Quân: Khi tôi còn làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đổi mới giáo dục đại học, khóa học 1988-1989, bộ đã cho mở thí điểm Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (nay là Trường Đại học Thăng Long) do GS Hoàng Xuân Sính-một trí thức Việt kiều về nước đề nghị. Trung tâm đã thu hút rất nhiều người vào học nên sau đó được quyết định thành lập trường đại học dân lập. Đây được coi là cơ sở ngoài công lập đầu tiên ở nước ta. Trường Đại học dân lập Thăng Long có mối quan hệ hợp tác giáo dục với trường đại học ở Pháp, GS Sính có người bạn Pháp muốn tham gia vào Hội đồng quản trị của trường để xin học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập được thuận lợi, tôi thấy phù hợp nên quyết định cho phép, dù lúc đó bộ chưa có quy chế về vấn đề này. Sở dĩ chúng tôi ủng hộ vì GS Hoàng Xuân Sính là một trí thức Việt kiều về nước cực kỳ tận tụy, một người rất tâm huyết với ngành giáo dục, có trách nhiệm xây dựng trường nên tôi không có gì phải lo ngại. Từ đó về sau có rất nhiều trường đại học dân lập khác được mở ra thu hút rất đông sinh viên vào học.
Cần khuyến khích anh em học tập, làm việc ở nước ngoài
PV: Hiện nay, đội ngũ trí thức Việt kiều và du học sinh Việt Nam ở nước ngoài rất đông. Làm sao để huy động một cách có hiệu quả chất xám của nguồn nhân lực này, thưa Giáo sư?
GS, TS Trần Hồng Quân: Trước đây, chính sách nước ta rất khắt khe với những trường hợp được cử đi học nước ngoài mà không trở về phục vụ đất nước. Những trường hợp tự ý ở lại các nước làm việc là trái phép. Có trường hợp Nhà nước ta cử đi học, đã làm việc ở nước ngoài một thời gian, có trình độ cao trở về nước, đôi khi cũng không được coi trọng lắm. Tôi thấy như thế là thiếu sót. Thực tế, những trí thức ở lại nước ngoài cũng có thể cống hiến cho đất nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Trung Quốc là nước cử người đi học nước ngoài rất nhiều. Họ quan niệm, anh em tốt nghiệp về nước là người yêu nước, còn những người ở lại nước ngoài là người có thể giúp nước. Người Việt ta cũng có câu “lá rụng về cội”, do đó, người Việt yêu nước ở đâu cũng có thể đóng góp được cho đất nước nếu chúng ta biết tranh thủ.
Nhớ lại khi còn làm ở bộ, một số anh em được Nhà nước ta cử đi học tại Ba Lan không chịu về mà ở lại làm ăn để tiếp tục học lên, phía bạn đồng ý nhưng Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan không đồng ý (đúng nguyên tắc khi đó). Tôi đã yêu cầu Đại sứ quán làm thủ tục cho phép anh em được học tiếp. Tôi cũng quyết định cho một trường hợp tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Xô ở lại nước ngoài vì lĩnh vực đó trong nước khi đó chưa cần. Tôi khuyên anh ta hãy tìm một viện nghiên cứu nào đó làm việc ở phương Tây đến khi nào đất nước cần thì hãy về. Anh ấy đã ở lại và phát triển rất tốt, được vinh danh trên con đường khoa học ở nước ngoài. Điều này cho thấy, người Việt Nam rất giỏi, cần có chính sách khuyến khích anh em tiếp tục học tập, làm việc ở nước ngoài nếu về nước chưa được sử dụng để khỏi lãng phí nhân tài.
Hiện nay, chính sách đã thông thoáng hơn nhiều. Được biết, trong Chương trình hành động giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã nêu rõ: Tạo điều kiện cho trí thức trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc lâu dài tại các nước được đóng góp trong việc hoạch định chiến lược phát triển quốc gia; tham gia vào việc đào tạo và giảng dạy trong nước; thu hút, khuyến khích trí thức Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài tham dự và đảm nhiệm những cương vị công tác khoa học ở trong nước...
Có một bộ phận khó hòa nhập nên nản chí
PV: Theo Giáo sư, để việc thu hút nhân tài phục vụ sự nghiệp giáo dục-đào tạo nhân lực nói riêng và phát triển đất nước nói chung ngày càng thuận lợi, chúng ta cần phải làm gì?
GS, TS Trần Hồng Quân: Đối với việc thu hút nhân tài trong nước, do đời sống còn thấp, trước mắt phải giải quyết vấn đề về đời sống tốt hơn. Đối với anh em Việt kiều, vấn đề đời sống cũng đặt ra, nhưng nhiều người về nước đã có sự chuẩn bị cả vật chất lẫn tinh thần. Chỉ có một bộ phận không nắm được tình hình trong nước, sự khác biệt về môi trường, phong cách làm việc nên khó hòa nhập dẫn đến nản chí. Do vậy, vấn đề lớn nhất đối với trí thức Việt kiều là phải tạo điều kiện làm việc để anh chị em phát huy trí tuệ, năng lực của mình. Thứ nhất phải có sự tin cậy, trọng dụng để anh chị em tự tin hòa nhập với môi trường làm việc ở Việt Nam. Thứ hai, tạo ra không gian, nơi làm việc phù hợp, chẳng hạn như phòng thí nghiệm, có kinh phí, trang bị thích hợp cho các tiến sĩ giỏi về nghiên cứu thì anh chị em mới có thể phát huy tốt được năng lực của mình, phục vụ tốt yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
HÀ THANH MINH (thực hiện)