QĐND - Sau 5 năm, ngày 5-10-2015, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất đàm phán. Đây được coi là cơ hội cho Việt Nam bước vào một “sân chơi” rộng lớn và ý nghĩa quyết định cho tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Nhân sự kiện quan trọng này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về một số vấn đề xung quanh Hiệp định TPP.
Phóng viên (PV): Trong số 12 thành viên tham gia đàm phán TPP, Việt Nam được đánh giá là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi hiệp định này được ký kết. Ông có thể đánh giá những tác động tích cực của TPP với nền kinh tế Việt Nam?
TS Trần Du Lịch: Cho tới thời điểm này, TPP mới kết thúc vòng đàm phán của 12 nước thành viên. Quá trình hoàn chỉnh toàn bộ nội dung để các quốc gia ký kết chính thức còn phải mất một thời gian nữa. Do vậy, tuy có thể nói là đã ký kết TPP nhưng thực chất những nội dung cụ thể để đánh giá hiệp định có tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam thì tôi cho rằng chưa đủ để có thể đánh giá đầy đủ. Bởi vì trong 30 chương của hiệp định, mỗi chương đều quy định cụ thể, chi tiết cho mỗi lĩnh vực khác nhau và với mỗi lĩnh vực như vậy sẽ lại có những lộ trình cắt giảm thuế riêng. Chưa kể còn có những quy định liên quan đến quan hệ song phương của những thành viên trong hiệp định.
 |
TS Trần Du Lịch. |
Trong 12 nước thì Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất nên nảy sinh rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, lộ trình cắt giảm thuế cần phải bàn kỹ lưỡng. Thứ hai là vấn đề nội địa hóa sản phẩm ở trong nội khối. Thứ ba là những vấn đề liên quan đến mua bán tài sản, mua sắm quốc gia, vấn đề đầu tư, vấn đề sở hữu trí tuệ. Vì hiệp định bao gồm rất nhiều vấn đề sâu và rộng như vậy nên tôi cho rằng, còn quá sớm để có thể đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên về tổng thể, trên tinh thần mà tôi hiểu được thì tôi có mấy điều đánh giá sau. Thứ nhất, nếu TPP được ký kết, thì có thể nói, Việt Nam đã có một thắng lợi trong quá trình hội nhập về phương diện đối ngoại. Trong 12 nước, duy nhất Việt Nam vẫn chưa được một số nước trong TPP công nhận có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, họ vẫn chấp nhận để Việt Nam tham gia cuộc chơi này thì đó là một sự tin tưởng và đánh giá cao vị trí của Việt Nam. Thứ hai, TPP tạo ra một khu vực tự do hóa thương mại còn cao hơn cả WTO và trên nhiều lĩnh vực nó còn rộng hơn cả các hiệp định song phương (FTA). Thành ra, có thể nói rằng, chúng ta tham gia một cuộc chơi khu vực mà khu vực này chiếm đến 40% tổng sản phẩm nội địa thế giới. Nó mở cho Việt Nam một cơ hội để tận dụng lợi thế đó mà đẩy nhanh tốc độ phát triển, hấp thụ khoa học công nghệ và đặc biệt là nâng cao năng lực nội sinh. Một ví dụ nôm na, trong một lớp có 11 em học sinh giỏi và có một em còn lại kém hơn. Khi em kém hơn học với 11 em giỏi thì em đó sẽ giỏi nhanh bởi em sẽ có động lực. Chúng ta gọi TPP là một cơ hội lớn vì nó đặt chúng ta trong một thế là phải vượt qua chính mình và buộc phải phát triển.
PV: Cơ hội tăng tốc phát triển của Việt Nam khi ký kết TPP là rất lớn. Nhưng theo ông, chúng ta cần phải làm gì để có thể nắm bắt cơ hội này?
TS Trần Du Lịch: Việc đầu tiên cần đề cập đến là chúng ta phải tính toán lại khi tham gia cuộc chơi này thì chúng ta không được còn tư duy “cái gì cũng làm” mà phải lựa chọn “cái gì có thể cạnh tranh có lợi nhất”. Có thể một số ngành phải hy sinh nhưng đó là cách để tạo lợi thế cạnh tranh. Cụ thể hơn, việc tái cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế là việc phải làm. Chúng ta cũng phải tính toán lại một chương trình tổng thể lớn nhất về vấn đề nguồn cung cấp nguyên liệu nội khối như thế nào, vấn đề tăng nội địa hóa ra sao. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp phải có một chiến lược về nguồn gốc nguyên liệu rất cẩn thận và nhanh chóng. Bởi nếu như trót lọt trong việc các quốc gia ký kết thì chỉ cuối năm 2017, đầu năm 2018 thì hiệp định sẽ có hiệu lực.
 |
Đồ họa các nước thành viên TPP. Ảnh: XUÂN PHONG |
Tuy vậy, chúng ta không nên quá lo lắng là chúng ta sẽ không trở tay kịp. Vấn đề đặt ra là chúng ta ý thức chuyện này và mỗi doanh nghiệp nên định hướng lại chiến lược của mình. Hiện nay, tôi thấy nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tính toán hướng đi cho mình, nhất là những doanh nghiệp lớn. Họ tính toán nguyên liệu, tính toán thị trường, tính toán mở rộng và họ tận dụng triệt để cơ hội này. Ngoài ra, để nâng cao tính cạnh tranh thì cũng phải tính đến vấn đề nâng cao nguồn nhân lực. Đó là một điểm quan trọng trong kế hoạch 2016-2020 mà chúng ta phải làm.
PV: Theo chiều hướng ngược lại, những thách thức của TPP là gì thưa ông?
TS Trần Du Lịch: Thách thức thật sự lớn nhất là năng lực cạnh tranh. Hiện nay, năng suất lao động của chúng ta vào dạng thấp nhất trong các nước ASEAN. Nếu xét trong nhóm 4 nước ASEAN tham gia TPP lần này (Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Bru-nây, Việt Nam) thì chúng ta cũng là thấp nhất chứ đừng nói đến các nước phát triển khác trong hiệp định. Do vậy, thách thức lớn nhất là làm sao để tăng năng suất lao động của Việt Nam.
Thách thức lớn thứ hai là phần lớn những sản phẩm của ta có tỷ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí giá thành rất cao. Ví dụ, ngay những nước trong khu vực, nếu bỏ hàng rào thuế năm 2018 với sản phẩm là ô tô thì ô tô Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với ô tô sản xuất tại Thái Lan và In-đô-nê-xi-a. Thách thức thứ ba thuộc về ngành nông nghiệp và đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi. Hiện chăn nuôi của chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn nhập khẩu của các nước khác. Và cuối cùng là doanh nghiệp Việt Nam, chưa nói đến chuyện mở rộng thị trường, còn đang phải cạnh tranh trên chính thị trường nội địa. Vậy tổng thể, thách thức lớn nhất của chúng ta có thể nói là: Doanh nghiệp Việt Nam liệu có vượt qua chính mình để vươn lên trong giai đoạn hiện nay hay không? TPP tạo ra cơ hội, còn cơ hội này có biến thành hiện thực không, biến thành lợi thế không là phụ thuộc vào chính chúng ta.
Về phía Nhà nước thì tôi cho rằng có 3 việc cần lưu tâm đến. Đó là ba đột phá chiến lược chúng ta đã đề ra (đổi mới thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao kết cấu hạ tầng) sẽ tạo thuận lợi nhất cho môi trường đầu tư của doanh nghiệp để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí. Ba đột phá này phải phát triển song song và đồng bộ thì mới có hiệu quả. Từ đó tạo nên mô hình cạnh tranh ba giác đồ: Cạnh tranh quốc gia - cạnh tranh doanh nghiệp - cạnh tranh sản phẩm.
PV: Chúng ta có giải pháp nào để giải quyết vấn đề nâng cao năng suất lao động, khi mà hiệp định, nếu được ký kết, sẽ được thực thi trong khoảng thời gian không xa nữa?
TS Trần Du Lịch: Nếu TPP được ký kết và có hiệu lực vào năm 2018 thì lộ trình thực hiện còn dài chứ không phải vấn đề nào cũng có thể thực hiện ngay. Hiện nay, để nâng năng suất lao động, các doanh nghiệp vẫn đang tự đào tạo. Nhưng như vậy, chi phí sẽ tăng. Nếu Nhà nước làm được tốt việc đào tạo lao động thì chi phí sẽ giảm đáng kể.
Suy cho cùng, đây vẫn là bài toán chúng ta phải biết hoạch định, tính kế sách thật triệt để, nâng cao tất cả các nguồn lực chúng ta có để nắm bắt thật tốt cơ hội TPP lần này.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
BOX: TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Pê-ru, Xin-ga-po, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: Sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động... Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 30% thương mại toàn cầu. Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt và trở thành thành viên chính thức từ tháng 11-2010. Việc đàm phán hiệp định này đã kết thúc vào ngày 5-10-2015, trong đó Việt Nam đã đạt được kết quả theo đúng chủ trương. Giờ đây, các bên sẽ tiếp tục hoàn tất các văn bản, thủ tục để có thể cùng ký chính thức Hiệp định TPP vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Sau đó, các nước sẽ tiến hành phê chuẩn với mục tiêu là đưa hiệp định có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
HÀ MY - HUY ĐĂNG (thực hiện)