Phóng viên (PV): Thưa ông, là người làm công tác bảo đảm quyền trẻ em, hẳn ông rất đau lòng khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường, xâm hại đối với trẻ em. Ông có ý kiến gì về thực trạng bạo lực học đường ở nước ta hiện nay?
Ông Đặng Hoa Nam: Quả thật, khi nhận được thông tin về các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra, tôi cũng như nhiều người khác trong xã hội, với vị trí là ông bố của những đứa con đang tuổi đi học phổ thông thực sự cảm thấy rất lo ngại, bức xúc. Với vị trí là một người đang làm công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm quyền trẻ em thì tôi có những trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để có các biện pháp hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng này. Dẫu biết rằng, vấn đề bắt nạt, bạo lực trong trường học đã diễn ra rất lâu rồi, không phải bây giờ mới có, thời nào cũng có, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác đều phải đương đầu với vấn nạn này. Có thể nói, các vụ bạo lực trẻ em trong trường học diễn ra liên tục đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Biểu hiện của các vụ việc này phần nào cho thấy mức độ xuống cấp về đạo đức, về sự hiểu biết pháp luật của học sinh trong trường học hiện nay, đặc biệt là không chỉ các em trực tiếp có các hành vi bạo lực đối với bạn học của mình mà còn cho thấy số đông các em cũng không lên tiếng ngăn chặn, tố cáo kịp thời hành vi đó. Do vậy, cần phải quyết liệt chấn chỉnh tình trạng này.
PV: Trong khi Cục Trẻ em và các bộ, ban, ngành chức năng rất nỗ lực thực hiện những biện pháp để tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, trong đó có việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, ứng xử văn hóa trong trường học... nhưng bạo lực học đường vẫn không giảm, thậm chí gia tăng về mức độ, tính chất nguy hiểm, phức tạp hơn trước. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
Ông Đặng Hoa Nam: Đây là vấn đề xã hội chứ không phải vấn đề của riêng trẻ em. Cho nên chúng ta cần có nhìn nhận và phân tích nguyên nhân một cách đa chiều hơn. Hệ thống quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em liên tục có sửa đổi, bổ sung trong thời gian vừa qua để làm sao trẻ em có một môi trường sống và học tập an toàn nhất. Tuy nhiên, những quy định pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Có thể do công tác truyền thông cho đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh chưa tốt. Các quy định của pháp luật về sự phối hợp giữa các bên có liên quan như giữa nhà trường, ban giám hiệu với giáo viên chủ nhiệm, giữa các nhà quản lý giáo dục với cơ quan pháp luật khác như công an, cơ quan cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, ngành lao động-thương binh, xã hội hiện nay cũng chưa rõ. Để pháp luật thực hành được trong cuộc sống thì chúng ta cần có văn bản hướng dẫn, các quy định phải cụ thể, chi tiết hơn nữa và còn có biện pháp theo dõi, giám sát, phòng ngừa tích cực hơn.
Nguyên nhân khác một phần do nhận thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em trong trường học của giáo viên và ngành giáo dục chưa được tốt nên phần lớn các vụ việc xảy ra đều được giải quyết chậm, nhiều khi phát hiện ra rồi nhưng không có biện pháp xử lý hiệu quả đến nơi đến chốn. Một phần nữa, do mắc bệnh thành tích nên nhiều người thường không muốn thông tin rộng rãi ra ngoài mà muốn giải quyết trong nội bộ một lớp, một trường, vì vậy khiến tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học ngày càng phức tạp hơn, nguy hiểm hơn. Một vấn đề khác nữa tôi nhìn nhận là vấn đề đạo đức xã hội. Rõ ràng, trẻ em phản ánh cư xử hành vi của thế giới người lớn. Thực tế, việc nêu gương của người lớn, trong đó đặc biệt là của giáo viên, cha mẹ và các thành viên khác trong xã hội chưa tốt cũng tác động đến các em. Do vậy, chúng ta cần phải tăng cường việc nêu gương của giáo viên, của cha mẹ học sinh, sự quan tâm của giáo viên và cha mẹ đối với các em...
PV: Thực tế xảy ra không ít vụ trẻ em bạo hành trẻ em nhưng các em chưa phải là đối tượng xử lý của pháp luật hình sự. Theo ông, cần phải có biện pháp xử lý đối tượng này như thế nào cho phù hợp với lứa tuổi mà vẫn đủ sức răn đe?
Ông Đặng Hoa Nam: Nói về kỷ luật học sinh vi phạm kỷ luật, phạm lỗi có hai hình thức là: Xử lý theo pháp luật và xử lý theo ngành giáo dục (kỷ luật của nhà trường). Về pháp luật, chúng ta đã có quy định khá đầy đủ và tương đối hoàn thiện về hình thức xử lý đối với người chưa thành niên và trẻ em vi phạm pháp luật. Để răn đe, ngăn chặn hành vi người chưa thành niên, trẻ em vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có hành vi bạo lực đối với bạn học của mình, nếu chúng ta phải tăng nặng các khung hình phạt, giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em... thì đó là quan điểm sai lầm, đi ngược lại với nguyên tắc thực hành quyền con người, công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là một thành viên tham gia rất sớm, rất tiến bộ, trong đó có quyền của trẻ em vi phạm pháp luật. Các bộ luật hình sự, dân sự cũng quy định khá chi tiết về độ tuổi, mức độ chịu trách nhiệm hình sự, dân sự. Tôi nghĩ rằng, trẻ em cũng như mọi công dân khác đều phải tuân thủ pháp luật. Lỗi đến đâu thì xử lý vi phạm đến đó, nếu gây tổn thương cho người khác thì phải chịu trách nhiệm, nếu trách nhiệm hình sự thì phải xử lý hình sự. Trong xử lý hình sự, theo Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự cũng quy định ưu tiên biện pháp giáo dục, xử lý bằng biện pháp thay thế cho các em ở lại gia đình và giao trách nhiệm cho gia đình, cơ quan, tổ chức quản lý giáo dục. Không khuyến khích biện pháp cách ly các em ra khỏi môi trường xã hội. Thứ hai, áp dụng các biện pháp dân sự. Các em chưa thành niên, các em gây tổn thương cho người khác, cho xã hội thì cha mẹ là người giám hộ của các em phải chịu trách nhiệm đền bù. Hình thức này từ trước đến nay chúng ta ít làm, các cơ quan pháp luật ở địa phương cũng không áp dụng nên không mang tính răn đe các em và phụ huynh. Nếu áp dụng biện pháp xử lý cha mẹ thì họ sẽ quan tâm giám sát con cái mình hơn chứ chúng ta không thể đổ hết trách nhiệm quản lý cho nhà trường.
Với hình thức kỷ luật của nhà trường, tôi cho rằng không nên quá lạm dụng việc cho thôi học dài ngày (đuổi học), bởi trách nhiệm của nhà trường là giáo dục học sinh trở thành những công dân tiến bộ. Việc áp dụng hình thức kỷ luật này vô tình nhà trường sẽ đẩy các em đến đường cùng, từ lỗi nhỏ đến lỗi lớn bởi tác động của bên ngoài xã hội. Chúng tôi ủng hộ các biện pháp giáo dục bằng kỷ luật tích cực, như: Lao động trong khuôn khổ trường học, làm những việc khác cùng với nhóm các bạn trong trường... Đó là cách giúp các em vừa hòa nhập, vừa tiến bộ nhanh hơn.
Còn việc đưa các em học sinh vào trường giáo dưỡng là biện pháp không được khuyến khích bởi đây là giải pháp cuối cùng thường áp dụng đối với trường hợp phạm lỗi nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, buộc phải cách ly các em ra khỏi môi trường xã hội, ra khỏi gia đình. Bởi xét cho cùng, đưa đi trường giáo dưỡng cũng là cách ly các em ra khỏi môi trường xã hội. Khi vào trường giáo dưỡng, các em có thể bị ảnh hưởng ngược bởi những hành vi phạm tội của các em khác, chưa nói lúc ra trường, các em gặp khó khăn nhất định khi hòa nhập với gia đình, xã hội và cũng không tránh khỏi sự kỳ thị của xã hội...
PV: Để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, bảo vệ tốt nhất “mầm xanh” của đất nước, ông có đề xuất giải pháp gì thật hiệu quả?
Ông Đặng Hoa Nam: Theo tôi, chúng ta cần triển khai các biện pháp để giải quyết trước mắt và lâu dài vấn nạn bạo lực trong trường học. Với ngành giáo dục, cần tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh, nhất là pháp luật về tôn trọng quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Thứ hai, cần tăng cường giáo dục đạo đức, nêu gương của đội ngũ giáo viên và học sinh một cách mềm mại, tích cực hơn. Việc này trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà còn của cả ngành văn hóa và các cơ quan liên quan khác. Một vấn đề nữa là cần tăng cường công tác tham vấn tâm lý trong trường học, giống như ngành y tế dự phòng để phòng ngừa, ngăn chặn nạn bạo lực học đường, ngăn chặn những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong trường học như mối quan hệ giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên và học sinh... Chúng ta áp dụng các biện pháp đồng thời giữa mặt pháp lý, tâm lý kết hợp với giáo dục đạo đức, nếu kiên trì, bền bỉ, tôi tin rằng nạn bạo lực học đường có thể chưa chấm dứt được hẳn nhưng cũng sẽ bớt nghiêm trọng, bớt phản cảm.
|
|
Chương trình tư vấn về tự vệ, phòng, chống bạo lực học đường tại Trường THCS Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: HỒNG NHUNG |
Qua các vụ bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại trẻ em, chúng tôi cũng mong các cơ quan truyền thông cần có ý thức thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ bí mật thông tin đời tư của các em là những nạn nhân trong các vụ việc này. Không nên đưa hình ảnh quá rõ, thông tin quá chi tiết về nạn nhân, vì có thể viết tắt họ tên, che mặt các em nhưng lại đưa chi tiết địa chỉ, lớp học, nhà, bố mẹ các em, như vậy vô tình làm hại các em thêm lần nữa, các em sẽ bị tổn hại rất lớn về tinh thần. Cần tập trung đưa nhiều thông tin về các nghi phạm, tội phạm, giảm thông tin chi tiết về các nạn nhân. Các cơ quan quản lý truyền thông, mạng cũng cần có giải pháp ngăn chặn những hình ảnh xấu độc, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của các em.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HÀ THANH MINH (thực hiện)