Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972, chị ở đâu và làm gì?

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Từ đầu tháng 12-1972, TP Hà Nội đã tổ chức cho nhân dân cùng một số cơ quan, trường học, xí nghiệp... sơ tán để tránh máy bay địch. Năm ấy tôi mới ngoài 20 tuổi, đang chuẩn bị đi phục vụ Trường Sơn chuyến thứ hai thì được lệnh theo cơ quan là Nhà hát Chèo Việt Nam sơ tán lên huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tất cả đều tá túc trong nhà dân; rồi anh em xin tranh tre dựng một cái lán nửa nổi nửa chìm để tập luyện các tiết mục phục vụ bộ đội và dân quân tự vệ đang chiến đấu bảo vệ Thủ đô...

PV: Chị còn nhớ những kỷ niệm hoặc ấn tượng trong những ngày ấy?

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Ấn tượng thì nhiều lắm, nhưng sâu đậm nhất là đêm 18-12 mở đầu chiến dịch. Lúc ấy khoảng 20 giờ, bỗng mặt đất rung chuyển ầm ầm, chớp sáng lóe liên hồi phía Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên... Rồi những đường lửa rạch bầu trời vút lên, rồi những bó đuốc khổng lồ lao xuống... B-52 vào Hà Nội rồi! Hà Nội đang bị rải bom! Tên lửa của ta đấy! MiG của ta đấy!... Mọi người kêu lên. Tôi bế con nhỏ một tuổi chạy ra căn hầm cạnh bụi tre, đứng nhìn về phía Hà Nội, xót xa, lo lắng... Những đêm sau đó, cảnh tượng còn dữ dội hơn. Tôi nhận được tin nhắn là căn nhà của chúng tôi ở ngõ Yên Thế vẫn an toàn, nhưng xung quanh nhiều nhà bị sập, bị cháy... Tan hoang, đau xót nhất là khu vực Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai...

leftcenterrightdel

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát 

PV: Và sau này, tất cả cảnh tượng và ấn tượng ấy đã được chị huy động khi tham gia xây dựng bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm”?

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Ồ, đúng vậy mà cũng không hẳn như vậy đâu! 22 năm sau, lúc đó tôi đã tốt nghiệp điện ảnh ở Liên Xô, về nước được 7 năm và cũng đã có một vài kịch bản phim được chú ý. Nhờ thế, tôi mới được tham gia vào nhóm tác giả toàn những “cây đa, cây đề” để thực hiện dự án chùm phim sử thi, khởi động vào đầu năm 1994. Mặc dù tôi đã được chứng kiến 12 ngày đêm B-52 rải thảm Hà Nội, từng hai lần vào chiến trường các năm 1968 và 1973 nhưng so với những tác giả gạo cội, nhất là các nhà văn Quân đội thì “kinh nghiệm chiến tranh” của tôi chẳng ăn thua gì. Tôi và anh Đinh Thiên Phúc được tham gia dự án là để đóng góp về chuyên môn, vì viết văn và viết kịch bản điện ảnh là hai lĩnh vực khác nhau...

PV: Chị có thể nói cụ thể hơn về dự án chùm phim sử thi?

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Các nhà quản lý văn hóa thời ấy rất quan tâm đến điện ảnh và đã có ý tưởng xây dựng 4 bộ phim hoành tráng, có tính liên hoàn như 4 tập phim, khắc họa tầm vóc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn cuối, với các chiến dịch lớn. Theo đó, tập 1 là “Hà Nội 12 ngày đêm”; tập 2 là “Giải phóng Đà Nẵng”; tập 3 là “Giải phóng Buôn Ma Thuột” và tập cuối là “Giải phóng Sài Gòn”. Người chấp bút đề cương cho 4 tập phim này là Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Ông cả đời gắn bó với Quân đội và có nhiều thành tựu văn học nên đã khắc họa khá rõ nét đề cương của 4 tập phim. Các nhà văn Quân đội tiếp theo như: Hữu Mai, Chu Lai... cũng đều là những nhà văn nổi tiếng, được mời tham gia nhóm biên kịch. Các anh ấy đều đã có những tác phẩm “để đời” về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Sau khi có đề cương, nhóm biên kịch được Cục Điện ảnh tung trở lại các chiến trường xưa để tìm tài liệu và gặp gỡ nhân chứng, vật chứng lịch sử. Các danh tướng ngày ấy như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo... khi đó đều đang khỏe mạnh, mẫn tiệp và rất nhiệt tình tiếp chuyện nhóm tác giả. Đoàn đi đến đâu cũng được các đơn vị bộ đội đón tiếp chu đáo, tận tình. Cán bộ, chiến sĩ mà chúng tôi gặp đều bày tỏ mong muốn những năm tháng bi hùng đó được tái hiện sinh động trên màn ảnh.

leftcenterrightdel
Cảnh trong bộ phim "Hà Nội 12 ngày đêm" (ảnh cắt từ phim). 

PV: Thưa chị, theo chúng tôi được biết thì dự án này sau đó gặp trục trặc nên dang dở, cụ thể là đến năm 2002 mới hoàn thành được tập 1 là “Hà Nội 12 ngày đêm”, 3 tập còn lại đến nay vẫn chỉ là đề cương trên giấy. Vì sao vậy?

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Đó là một câu chuyện dài, dích dắc, bất cập, tế nhị... liên quan đến cơ chế làm phim “Nhà nước đặt hàng” thời ấy và ngay cả hiện nay. May sao sau đó, đạo diễn Long Vân làm được bộ phim “Giải phóng Sài Gòn”, công chiếu năm 2005. Tuy nhiên, bộ phim này lại không nằm trong chuỗi ý tưởng 4 tập nói trên.

PV: Là người trực tiếp chứng kiến 12 ngày đêm bi tráng của Hà Nội năm ấy, lại là thành viên nhóm tác giả kịch bản, đồng thời nguyên là Phó cục trưởng Cục Điện ảnh và sau đó nhiều năm là Phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, chị đánh giá thế nào về bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm”?

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Bộ phim ấy do Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đình Hạc đạo diễn và khởi quay năm 1997, nhưng cũng vì những dích dắc, bất cập, tế nhị... như vừa nói trên nên đến năm 2002 mới hoàn thành. Phim có nhiều cảnh quay đẹp và có nhiều gương mặt tên tuổi tham gia như: Nhà văn Kim Lân, nhạc sĩ Phó Đức Phương, diễn viên Chiều Xuân, diễn viên Quốc Tuấn... Mặc dù còn những ý kiến khác nhau nhưng đây là một trong hai bộ phim làm về chiến thắng B-52 của quân và dân Hà Nội tháng 12-1972, trước đó là bộ phim “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh sản xuất năm 1974. Có thể nói, “Hà Nội 12 ngày đêm” là một bộ phim chân thật, sống động, ngợi ca tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân Thủ đô trong những thời khắc lịch sử hào hùng. Đặc biệt, đây là bộ phim đầu tiên của Việt Nam được thực hiện bởi kỹ thuật hiện đại. Lần đầu tiên trong phim truyện Việt Nam, công chúng được tận mắt nhìn những cảnh giao tranh trên không, được mô tả từ nhiều góc quay kỹ xảo đặc sắc, tạo nên hiệu ứng nghệ thuật cao. Bộ phim đã giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 14 và được cử đi tham dự 10 LHP quốc tế. Tại LHP Fukuoka (Nhật Bản) năm 2003, ông Tadao Sato, Chủ tịch LHP và Viện trưởng Viện Hàn lâm Điện ảnh Nhật Bản nhận xét rằng: “Đây là một bộ phim hay, giàu trí tuệ. Trong từng trường đoạn, chiến tranh diễn ra rất ác liệt, nhưng vượt lên trên hết là tình yêu hòa bình, tình nhân ái của con người Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Cảnh trong bộ phim "Hà Nội 12 ngày đêm" (ảnh cắt từ phim).

PV: Chị vừa nhắc đến "Em bé Hà Nội". Đây cũng là bộ phim gây ấn tượng với nhiều thế hệ công chúng trong và ngoài nước. Bộ phim đã giành giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ III năm 1975, Bằng khen của Ban giám khảo LHP quốc tế Moscow năm 1975, Giải thưởng của Mặt trận Giải phóng Palestine tại LHP quốc tế Syria... và nhiều giải thưởng khác cho các diễn viên và tác giả. Tuy vậy theo tôi, một sự kiện lịch sử tầm vóc như “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” mà nửa thế kỷ qua chỉ có hai bộ phim truyện thì còn quá khiêm tốn?

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Đúng như vậy! Và mặc dù hai bộ phim kể trên đều là những tác phẩm điện ảnh có chủ đề tư tưởng và nghệ thuật cao nhưng vẫn chưa khái quát đầy đủ tầm vóc của sự kiện lịch sử. Còn rất nhiều vấn đề của “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chưa được khắc họa rõ nét, ví dụ: Dự đoán rất sớm và rất chính xác của Bác Hồ và Bộ Chính trị để có sự chuẩn bị đối phó hiệu quả với B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội; cách đánh B-52 sáng tạo, độc đáo của Bộ đội Phòng không-Không quân; ý nghĩa của chiến thắng đối với cục diện kháng chiến... Và nữa: Phía bên kia, họ toan tính gì khi mở chiến dịch đánh phá Hà Nội bằng B-52? Họ đã bất ngờ như thế nào khi gặp sức kháng cự của quân và dân Hà Nội? Cảm giác của họ như thế nào trước con số 34 “pháo đài bay” bị rụng và gần 100 phi công thiện chiến bị thiệt mạng hoặc bị bắt? v.v.. Tóm lại, “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vẫn đang chờ đợi và hy vọng vào những tác phẩm nghệ thuật hay hơn nữa, xứng tầm hơn nữa, trong đó có các tác phẩm điện ảnh.

PV: Tôi cũng nghĩ như vậy. Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trao đổi thú vị và bổ ích!

MAI NAM THẮNG (thực hiện)