Đoàn công tác Ban liên lạc truyền thống hữu nghị Việt-Lào cơ quan Bộ Quốc phòng đã đến nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương ở biên giới hai nước để tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi nội dung, phương hướng hoạt động công tác ĐNND trong tình hình mới.

Trong đợt tìm hiểu thực tế lần này, đoàn công tác Ban liên lạc truyền thống hữu nghị Việt-Lào cơ quan Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào, Phó trưởng ban liên lạc làm trưởng đoàn. Nơi đầu tiên chúng tôi tới là tỉnh Thanh Hóa-địa phương có chung đường biên giới dài 213km với tỉnh Huaphanh của nước bạn Lào. Thanh Hóa có 15 xã thuộc 5 huyện biên giới tiếp giáp với 33 bản, thuộc 10 cụm của 3 huyện thuộc tỉnh Huaphanh.

Đề cập đến truyền thống đoàn kết Việt-Lào nói chung, giữa Thanh Hóa và Huaphanh nói riêng, Đại tá Vũ Văn Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cùng các đồng chí đón đoàn công tác đã khẳng định, truyền thống ấy không ngừng được hai bên xây dựng, vun đắp, gìn giữ, phát huy trong suốt những năm kháng chiến cũng như trong thời bình.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Thanh Hóa vừa tích cực phục vụ và tham gia chiến đấu, vừa là hậu phương của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, là nơi đóng quân của các đơn vị chủ lực Pathet Lào. Đặc biệt, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Chính phủ kháng chiến Lào đã có nhiều năm hoạt động ở Thanh Hóa, xây dựng an toàn khu trong khu vực biên giới Thanh Hóa-Huaphanh. Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa đã cung cấp và vận chuyển hơn 70% lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men, công cụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng giúp lực lượng kháng chiến 10 tỉnh của Lào tập kết ở Sầm Nưa và Phongsaly, tiêu biểu là Chiến dịch Thượng Lào. Hàng vạn con em tỉnh Thanh Hóa tham gia đội quân tình nguyện trong các đơn vị chiến đấu, công tác tại chiến trường Lào và bảo vệ an toàn khu của Trung ương Đảng, Chính phủ kháng chiến Lào, bảo vệ căn cứ Huaphanh-thủ đô kháng chiến của Lào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tiếp nối truyền thống đoàn kết, “kề vai sát cánh” trong công cuộc kháng chiến, nhiều năm qua, hai tỉnh Thanh Hóa-Huaphanh tiếp tục giúp nhau tăng cường quốc phòng, an ninh; hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị... Hơn 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Thanh Hóa và Huaphanh liên tục tăng trưởng. Các năm 2016-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của hai tỉnh đạt gần 74 triệu USD, tăng 18% so với giai đoạn 2011-2015. Thanh Hóa cũng đã viện trợ Huaphanh 296 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, thực hiện một số dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Rời mảnh đất xứ Thanh, chúng tôi đến Thừa Thiên Huế, rồi qua biên giới Việt-Lào, sang hai tỉnh Sekong và Salavan. Làm việc với đoàn, đại diện của Thừa Thiên Huế và hai tỉnh bạn đều khẳng định, công tác ĐNND luôn được lãnh đạo các tỉnh quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, qua đó không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, LLVT và nhân dân. Đến nay, lực lượng tham gia hoạt động ĐNND của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được mở rộng từ tỉnh đến cơ sở.

Những năm qua, Thừa Thiên Huế và hai tỉnh bạn thường xuyên trao đổi, triển khai các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đạt kết quả cao. Nổi bật là đã tổ chức thành công Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2022 với nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào. Hằng năm, tỉnh chủ động hợp tác trong giáo dục, đào tạo lý luận chính trị, tạo nguồn nhân lực cho hai tỉnh Sekong và Salavan; đồng thời trao tặng quà và nhiều đồ dùng học tập cho học sinh các trường học hai tỉnh. Riêng năm 2022, trong các dịp lễ, tết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao 35 tấn gạo, gần 1.500 suất quà trị giá 1,7 tỷ đồng tặng hai tỉnh bạn...

 Trong đợt công tác này, chúng tôi thực sự ấn tượng với những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại của Quân khu 5 nói chung, của TP Đà Nẵng, Quảng Nam và Kon Tum nói riêng. Làm việc với đoàn công tác, Đại tá Lương Đình Chung, Phó chính ủy Quân khu 5 cho biết, thời gian qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác ĐNND và đối ngoại quốc phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là đã chỉ đạo hiệu quả việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng trao đổi đoàn các cấp giữa Quân khu 5 với các đơn vị tương ứng của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; giữa các đơn vị trên tuyến biên giới. Trong các dịp lễ, tết cổ truyền của Lào, Quân khu 5 tổ chức các đoàn cán bộ, thầy thuốc đến thăm, chúc tết, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân trên địa bàn 4 tỉnh Nam Lào; tổ chức đón tiếp các đoàn sĩ quan trẻ, nữ sĩ quan, gia đình sĩ quan Sư đoàn Bộ binh 5, Bộ CHQS 4 tỉnh Nam Lào và Trường Hạ sĩ quan số 2 Viengxay sang thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm... Đồng thời, hai bên luân phiên tổ chức hội nghị liên tịch; tăng cường trao đổi, phối hợp thông tin tuyên truyền trong cộng đồng, nhất là nhân dân vùng biên giới hai nước để nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào. Chủ động phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vượt biên, xâm nhập trái phép, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội... góp phần ổn định tình hình an ninh khu vực biên giới.

Tìm hiểu thực tế tại Quảng Nam-tỉnh có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài hơn 157,4km, chúng tôi nhận thấy, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, song đồng bào các dân tộc ở biên giới Việt Nam-Lào luôn giữ mối quan hệ bang giao, bà con thân tộc, quan hệ huyết thống từ nhiều đời nay. Tỉnh Quảng Nam thường xuyên quan hệ hữu nghị, hợp tác chặt chẽ với hai tỉnh Sekong và Champasak trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh. Các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương trong tỉnh đã kết nghĩa để tăng cường giúp đỡ các huyện khó khăn của tỉnh Sekong. Giai đoạn 2016-2021, Quảng Nam đã hỗ trợ Sekong khoảng 101 tỷ đồng. Còn với tỉnh Kon Tum, bên cạnh việc xác định tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực chính trị tư tưởng, văn hóa, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, với tỉnh Attapeu của nước bạn Lào, Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào.

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác Ban liên lạc truyền thống hữu nghị Việt-Lào cơ quan Bộ Quốc phòng tặng quà tại tỉnh Attapeu (Lào). 

 Nói đến quan hệ hợp tác với nước bạn Lào trên vùng biên giới Tây Nguyên hùng vĩ, không thể không nói đến vai trò và những thành tích nổi bật của một binh đoàn đã đứng chân tại đây nhiều năm nay. Tới vùng “cao nguyên đỏ” lần này, đoàn công tác có buổi làm việc với Binh đoàn 15. Chúng tôi thực sự ấn tượng trước những thông tin do Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 chia sẻ. Những năm qua, Công ty Hợp tác kinh tế 385 của Binh đoàn đã đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Attapeu: Xây dựng Cụm bản Văng Tắt phát triển tại huyện Sanxay và đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Binh đoàn 15 đã đầu tư dự án trồng cây cao su do Công ty 385 thực hiện tại tỉnh Attapeu có diện tích gần 2.000ha, với số vốn 455.117 triệu đồng, tạo việc làm cho gần 500 lao động, trong đó có nhiều lao động là người Lào thu nhập ổn định.

 Sau khi đầu tư xây dựng và bàn giao cụm bản với tổng giá trị hơn 112 tỷ đồng, Công ty 385 đã tham mưu giúp bạn xây dựng 8 chi bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và các tổ chức chính trị-xã hội ở cụm bản hoạt động nền nếp, hiệu quả; giúp bạn thành lập và huấn luyện quân sự cho đại đội dân quân tự vệ; trực tiếp làm và hướng dẫn, tập huấn khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho hàng trăm người trồng lúa, cây công nghiệp với diện tích hàng trăm héc-ta..., qua đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn (năm 2006 có 80% hộ nghèo, đến nay còn 8,2%).

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền, thành viên đoàn công tác, từng chiến đấu, công tác hàng chục năm ở Lào, là tác giả nhiều cuốn sách viết về tình sâu nghĩa nặng Việt Nam-Lào. Ông chia sẻ: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh huyền thoại là một biểu tượng vĩ đại thể hiện liên minh chiến đấu Việt-Lào. Mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhưng nhân dân các bộ tộc Lào không hề nao núng, sẵn sàng hy sinh xương máu và dành một phần lãnh thổ của mình bảo đảm cho tuyến đường chiến lược đi qua. Mặc dù đời sống khó khăn, thậm chí phải nhịn đói, nhưng nhân dân các dân tộc Lào vẫn giúp Đoàn 559 (sau này là Bộ tư lệnh 559, Bộ tư lệnh Trường Sơn) hàng chục tấn lương thực. Nhân dân Lào quý và coi voi là thần, tượng trưng cho sự giàu có, danh giá nhưng sẵn sàng hiến voi, đưa voi ra trận góp sức cùng bộ đội Việt Nam đánh giặc...

Quán triệt Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5-1-2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động ĐNND trong hình hình mới”, tại những buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương biên giới hai nước Việt Nam-Lào và đoàn công tác đã trao đổi phương hướng, biện pháp tiến hành công tác ĐNND trong thời gian tới. Trong đó coi trọng quán triệt, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ĐNND; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 3 trụ cột đối ngoại và giữa các tổ chức nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống pháp luật về công tác ĐNND trong tình hình mới; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng cụ thể, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm điều kiện thuận lợi để phát huy những lợi thế đặc thù trong công tác đối ngoại. Cùng với đó, cần quan tâm đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác ĐNND từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác ĐNND theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”.

Bài và ảnh: THÁI MINH