Nỗ lực vì sức khỏe trẻ em

Sự kiện thường niên, do Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation của tỷ phú Bill Gates đồng tài trợ, được tổ chức bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 79 tại New York, nhằm nêu bật các cơ hội bảo đảm dinh dưỡng tốt nhất để mọi người có thể phát huy hết tiềm năng.

Các cá nhân đến từ những quốc gia khác nhau đã được vinh danh nhờ nỗ lực thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ bằng những giải pháp giúp người dân khỏe mạnh và phát triển trong một thế giới đang nóng lên nhanh chóng. Trong đó, Tổng thống Lula trong nhiệm kỳ đầu tiên đã khởi xướng Bolsa Família, chương trình xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy hòa nhập xã hội. Ông Lula cũng đang thúc đẩy sáng kiến Liên minh toàn cầu chống nghèo đói trong thời gian Brazil giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Sáng kiến bao gồm các chiến lược dựa trên bằng chứng đã được chứng minh nhằm cải thiện an ninh lương thực, nâng cao sức khỏe, giảm nghèo và thúc đẩy sự công bằng.

leftcenterrightdel

 Tỷ phú Bill Gates (bên trái) trao giải thưởng tặng Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva vì đã có nhiều nỗ lực cải thiện sức khỏe

và dinh dưỡng cho trẻ em Brazil. Ảnh: Getty Images

 

Giám đốc điều hành quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, ông Mark Suzman nhấn mạnh, sự kiện năm nay tập trung vào hơn 400 triệu trẻ em không được bảo đảm các dưỡng chất cần thiết để phát triển. Ông Suzman cho rằng, thách thức ngày càng khó giải quyết do biến đổi khí hậu nhưng thế giới vẫn có thể đạt được tiến bộ trong vấn đề này. Ông lưu ý, khi mở rộng các công cụ hiện có, đầu tư vào nghiên cứu tiềm năng và vinh danh những cá nhân tương tự những nhân vật tiêu biểu trên, các nước có thể bảo đảm tất cả mọi người được phát huy hết tiềm năng và xây dựng khả năng thích ứng khi Trái đất trở nên nóng hơn.

Đầu tháng 9 vừa qua, một báo cáo thường niên của quỹ chỉ ra rằng, nếu thế giới không lập tức hành động, biến đổi khí hậu sẽ khiến thêm 40 triệu trẻ em bị còi cọc và thêm 28 triệu trẻ em suy dinh dưỡng trong thời gian từ năm 2024 đến 2050. Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính 148 triệu trẻ em bị còi cọc và 45 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng.

Chính sách vì người nghèo

Theo trang brazilreports.com, chương trình Bolsa Família được thành lập vào ngày 20-10-2003 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Lula. Vào thời điểm đó, mục tiêu chính của chương trình là giảm tình trạng nghèo cùng cực trong nước và giúp chống nạn đói bằng cách chuyển thu nhập. Vào thời điểm ra mắt, trợ cấp chi trả trung bình 43 USD/tháng cho mỗi gia đình đăng ký tham gia chương trình. Một tháng sau, số tiền này được điều chỉnh thành 79 USD/tháng.

Bolsa Família kéo dài suốt hai nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Lula, sau đó được duy trì dưới thời chính quyền của Tổng thống Dilma Rousseff và Tổng thống Michel Temer và trong vài năm đầu dưới thời chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro. Tuy nhiên, vào tháng 11-2021, Tổng thống Bolsonaro đã đổi tên Bolsa Família thành Auxílio Brasil nhằm tạo khoảng cách với ông Lula-đối thủ lớn nhất của ông trong cuộc bầu cử năm 2022. Ông Bolsonaro đã tăng số tiền trợ cấp của Auxílio Brasil lên 119 USD, với nỗ lực khiến những cử tri nghèo rời xa ông Lula.

Sau khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ 3, ngày 1-1-2023, ông Lula lấy lại tên cũ cho chương trình vì người nghèo. Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Bộ Phát triển xã hội, Trường Đại học Fundação Getulio Vargas, WB và Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng (IPEA), trong tháng 1-2023 đã có 21,7 triệu gia đình đăng ký tham gia Bolsa Família, trong đó 4,5 triệu gia đình được coi là nghèo. Đến tháng 9-2023, số gia đình được xếp vào diện nghèo đã giảm xuống còn 1,5 triệu trên tổng số 21,2 triệu hộ được hưởng lợi.

Đến nay, Bolsa Família đã trả tối thiểu hằng tháng 119USD cho mỗi gia đình để chi trả cho việc mua các mặt hàng thực phẩm cơ bản, nhưng số tiền mỗi gia đình nhận có thể khác nhau. Ví dụ: Chính phủ bổ sung 29USD cho mỗi trẻ em từ 6 tuổi trở xuống, thêm 9USD cho mỗi trẻ em hoặc thiếu niên từ 7 đến 18 tuổi và cho phụ nữ mang thai. Chương trình cũng trả 28 USD/tháng cho những người sống một mình.

Phát biểu với Brazil Reports, nhà kinh tế học Raul Krauser cho biết, các gia đình đăng ký tham gia Bolsa Família phải đáp ứng điều kiện là cho con đi học và tiêm chủng đầy đủ; phụ nữ mang thai cần chứng minh rằng họ đang được chăm sóc y tế trước khi sinh và trẻ sơ sinh được tư vấn nhi khoa thường xuyên. Nhà kinh tế học Raul Krauser cũng chỉ ra rằng, dòng tiền được phân phối cho những người hưởng lợi ở các cộng đồng nghèo, sau đó được luân chuyển trong nền kinh tế địa phương cũng là một yếu tố giúp giảm nghèo. Bằng cách mua sản phẩm và dịch vụ từ các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương, người dân sẽ tăng cường mở rộng các cơ sở này, từ đó mang lại cơ hội việc làm và tăng thu nhập, đặc biệt là cho giới trẻ.

Hơn nữa, theo nhà kinh tế, nhiều người sử dụng một phần số tiền họ nhận được để bắt đầu kinh doanh nhỏ, chẳng hạn như thành lập một cửa hàng ngay tại nhà, sản xuất đồ ngọt và đồ ăn nhẹ để bán trong cộng đồng của họ. “Lợi ích cuối cùng đóng vai trò thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong những điều kiện không chính thức và bấp bênh mà người dân Brazil đang sống, nhưng đó là một hoạt động kinh doanh”, ông Krauser nhấn mạnh.

Được công nhận trên toàn thế giới là một chính sách công thành công trong việc hòa nhập và bảo vệ xã hội, Bolsa Família đã giành được giải thưởng và truyền cảm hứng cho hàng chục quốc gia tạo ra các chương trình tương tự như Chile, Mexico, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc. Gần đây hơn, thành phố New York (Mỹ) đã công bố chương trình chuyển thu nhập có điều kiện "Cơ hội NYC", được mô phỏng theo Bolsa Família và tương đương ở Mexico. Đây là ví dụ về một quốc gia phát triển áp dụng và học hỏi kinh nghiệm từ cái gọi là thế giới đang phát triển.

Theo nhận định của WB, kết quả của Bolsa Família cho thấy có thể giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập một cách bền vững, đưa hàng triệu người vào dòng chảy kinh tế và xã hội chủ đạo của đất nước mà không từ bỏ phát triển kinh tế.

HOÀNG ĐAN