Những quốc gia làm từ thiện nhiều nhất thế giới

Để ghi nhận hoạt động từ thiện cấp quốc gia, Tổ chức từ thiện Charities Aid Foundation (CAF-một tổ chức từ thiện đăng ký hoạt động tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Canada), năm 2010, đã cho ra đời Chỉ số World Giving Index (tạm dịch: Chỉ số cho đi thế giới-WGI). Gần đây nhất, năm 2023, CAF đã thực hiện cuộc khảo sát với 145.000 người tại hơn 140 quốc gia trên thế giới. Kết quả, năm 2023, Indonesia là quốc gia làm từ thiện nhiều nhất thế giới. 90% người được hỏi ở Indonesia cho biết, họ đã quyên góp tiền từ thiện hoặc làm từ thiện trong vòng một tháng trước đó...

Đứng ngay sau Indonesia là một quốc gia Đông Nam Á khác-Myanmar với 78%. Tiếp đó là Malta, Iceland và Singapore.

leftcenterrightdel
Indonesia là quốc gia làm từ thiện nhiều nhất thế giới năm 2023. Ảnh: Bali news 

Theo báo cáo của CAF, trong nhiều năm qua, Đông Nam Á là khu vực có hoạt động từ thiện mạnh nhất ở châu Á và thường xuyên có những quốc gia đứng trong tốp đầu thế giới. Đơn cử như năm 2014, cùng đứng đầu danh sách WGI là Myanmar và Mỹ. Malaysia xếp cùng vị trí thứ 7 với Anh. Trong khi đó, Indonesia xếp ở vị trí thứ 13, Thái Lan thứ 21 và Philippines là 30.

Năm 2015, Myanmar tiếp tục là nước hảo tâm nhất thế giới, với 92% người dân từ 15 tuổi trở lên góp tiền cho từ thiện, 50% người dân Myanmar từ 15 tuổi trở lên làm tình nguyện viên. Việt Nam đứng thứ 11, sau Malaysia (vị trí 10), Thái Lan ở vị trí 19, Indonesia-22, Singapore-34, Philippines-46. Theo CAF, tỷ lệ người dân Việt Nam trên 15 tuổi giúp đỡ người lạ là 53%, góp tiền làm từ thiện là 25%, và dành thời gian làm tình nguyện viên là 14%.

Theo báo cáo của CAF, dù những năm gần đây, kinh tế toàn cầu xảy ra nhiều biến động nhưng người dân lại có xu hướng ủng hộ từ thiện nhiều hơn. Đặc biệt giới trẻ ngày càng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trung bình, mỗi năm có khoảng 2,2 tỷ người trên toàn thế giới giúp đỡ người lạ, 1,4 tỷ người ủng hộ tiền cho từ thiện và 1 tỷ lượt người làm tình nguyện viên.

WGI là một thước đo đơn giản và dễ hiểu về hành vi từ thiện của người dân các quốc gia trên toàn cầu. Chỉ số này được tính bằng một cuộc thăm dò với 3 câu hỏi về sự đóng góp tiền cho tổ chức từ thiện, làm tình nguyện viên hoặc giúp đỡ người lạ khi họ cần.

Những quy định về hoạt động từ thiện

Hoạt động từ thiện luôn được hoan nghênh ở bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, để tránh tình trạng trục lợi và tăng cường hiệu quả của hoạt động này, mỗi nước lại có những quy định riêng. Tại Vương quốc Anh, hoạt động từ thiện cần phải đăng ký để chính quyền giám sát theo tiêu chuẩn luật pháp. Cùng đó, việc đăng ký sẽ giúp doanh nghiệp hay cá nhân được công nhận quyền miễn trừ thuế thu nhập với hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, vẫn có một số tổ chức từ thiện không bắt buộc phải đăng ký, như: Bảo tàng Anh, Bảo tàng Victoria và Albert, các hội thân thiện đã đăng ký... và một số tổ chức từ thiện nhất định có liên quan đến việc thúc đẩy hiệu quả của các lực lượng vũ trang.

Với Australia, cá nhân hay tổ chức làm công tác từ thiện phải bảo đảm nguồn lực huy động được không bị lạm dụng và được sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp pháp theo quy định của tiểu bang và vùng lãnh thổ. Liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền từ thiện, người làm công việc từ thiện phải lưu trữ hồ sơ tài chính, báo cáo hằng năm, thông báo cho cơ quan chức năng khi có thay đổi và đáp ứng các quy định khác.

Tại Mỹ, các tổ chức từ thiện tư phải thực hiện việc đăng ký quy chế hoạt động phi lợi nhuận với chính quyền trước khi kêu gọi quỹ. Các tổ chức từ thiện tư nhân phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt hơn so với các tổ chức từ thiện công. Theo Bộ Luật Thuế của Mỹ, việc miễn thuế được áp dụng đối với tổ chức hoạt động riêng cho mục đích tôn giáo, từ thiện, khoa học... Liên quan đến nghĩa vụ của các chủ thể, các tổ chức từ thiện có nghĩa vụ nộp báo cáo định kỳ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có việc liệt kê những thông tin chi tiết về tổng số tài sản của tổ chức, nguồn gốc hình thành tài sản có được do các hoạt động gây quỹ và các hoạt động chi tiêu của tổ chức...

Trung Quốc cũng có nhiều quy định về hoạt động từ thiện. Để thành lập một tổ chức từ thiện, đơn đăng ký phải được nộp cho bộ phận dân sự của chính quyền nhân dân cấp quận hoặc cao hơn và bộ phận dân sự sẽ ra quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đơn. Hoạt động từ thiện nhấn mạnh việc không vì lợi nhuận, phạm vi kinh doanh tuân thủ theo các quy định của Luật Từ thiện. Số dư thu nhập của các tổ chức từ thiện phải được dùng theo mục đích từ thiện, tài sản và thu nhập của các tổ chức từ thiện không được chia cho các thành viên, các mạnh thường quân hoặc các nhà hảo tâm của tổ chức từ thiện. Một tổ chức từ thiện phải nộp báo cáo công tác và báo cáo kế toán tài chính cho bộ phận dân sự nơi tổ chức đó đăng ký hằng năm. Đây là một trong những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả đối với các tổ chức từ thiện.

Mặc dù mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau về hoạt động từ thiện, nhưng nhìn chung, đều hướng tới việc tạo ra hành lang pháp lý chuyên nghiệp, hiệu quả, khuyến khích hoạt động từ thiện phát triển không những mang ý nghĩa là hoạt động cứu trợ theo nghĩa hẹp mà còn mang ý nghĩa là hoạt động nhằm phát triển con người, vì sự phát triển lâu dài, bền vững của hoạt động từ thiện.

TRẦN LONG