Freelance - làm việc bản thân ưa thích
Cụm từ “freelance” được hiểu theo cách đơn giản nhất là “làm việc tự do”, còn “freelancer” là những người làm việc tự do, không cố định với một cơ quan, doanh nghiệp nào. Đúng như tính chất “tự do” của công việc, những freelancer được phép làm việc cho nhiều người sử dụng lao động cùng một lúc, miễn là hoàn thành công việc theo đúng tiến độ.
Các freelancer làm vô số công việc khác nhau tùy theo sở thích của bản thân và nhu cầu của khách hàng. Trong đó có một số công việc phổ biến hàng đầu, gồm: Viết lách-đảm nhận những dự án tạo nội dung trên trang web, mô tả sản phẩm cho những cửa hàng trực tuyến hay tạo nội dung bài đăng trên Facebook, viết bài cho các báo, tạp chí...; dịch thuật-những dự án dịch thuật trên giấy hay trên phim; thiết kế-những dự án như thiết kế logo cho doanh nghiệp, chịu trách nhiệm về mặt hình ảnh cho các quảng cáo...; lập trình-lập trình website, thiết kế ứng dụng điện thoại, phát triển phần mềm...
Ưu điểm lớn nhất của hình thức làm việc tự do là sự linh hoạt. Các freelancer thay vì có mặt tại nơi làm việc trong khung thời gian cố định, có thể lựa chọn làm việc vào khoảng thời gian bản thân thấy tập trung nhất hay bất cứ nơi đâu như ở nhà, quán cafe, thư viện hay thậm chí là làm việc khi đang đi du lịch. Cùng đó, các freelancer có thể toàn quyền lựa chọn công việc hay người chủ dự án phù hợp. Với mô hình làm việc theo truyền thống, người lao động hoàn thành công việc được giao. Khi trở thành một freelancer, người lao động sẽ biết cách lập kế hoạch cho từng công việc, quản lý giờ giấc và tiến độ công việc. Ở góc độ này, người lao động sẽ thấy bản thân phát triển hơn, tư duy tốt hơn.
Một ưu điểm lớn khác là freelancer không bị hạn chế không gian công việc. Vì hầu hết các công việc freelancer được tuyển dụng trực tuyến, nên có thể làm việc với những chủ dự án đến từ các quốc gia khác nhau, gặp gỡ với nhiều người làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
|
|
Freelance đang trở thành một xu hướng phổ biến.
|
Ngoài ra, thu nhập cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với các freelancer. Các freelancer tự bán kỹ năng, dịch vụ, sản phẩm của chính mình, vì vậy họ hoàn toàn có thể tự định giá. Một số ngành nghề như làm freelancer về marketing có thu nhập khá tốt.
Bên cạnh nhiều ưu điểm, freelance cũng có không ít hạn chế. Trong đó, đặc biệt là các freelancer phải có tính kỷ luật và tự giác rất cao. Làm việc tự do có thể khiến người lao động rơi vào tình trạng lười biếng hay trì hoãn. Cùng đó, trong thế giới freelance, tính cạnh tranh rất cao. Để giành được mỗi dự án, freelancer luôn phải chủ động nghiên cứu về công việc, chào giá với chủ dự án và không ngừng nỗ lực đưa đến những dịch vụ tốt nhất, cạnh tranh nhất cho khách hàng của mình.
“Đại bỏ việc” và “đại hối hận”
Freelance đang là xu thế nở rộ trên toàn thế giới. Freelance mang nhiều yếu tố hấp dẫn, đặc biệt với giới trẻ. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt. Khi trở thành freelancer, các lao động sẽ mất thời gian xây dựng mối quan hệ với khách hàng; không được trả lương nếu nghỉ; tự chịu trách nhiệm với chế độ phúc lợi; công việc không bảo đảm; tiềm ẩn nguy cơ bị ăn quỵt tiền công... Vì thế, nhiều cuộc khảo sát thị trường lao động quốc tế ghi nhận trào lưu "đại bỏ việc" bùng nổ sau đại dịch Covid-19 đang chuyển thành "đại hối hận". Nghiên cứu của trang tìm kiếm việc làm Muse (Mỹ) tháng 8-2022 cho thấy, gần 3/4 các freelancer cảm thấy hối tiếc bởi công việc mới rất khác so với những gì từng làm. Thậm chí, 48% trong số người được khảo sát đang cố gắng quay lại công việc cũ.
Mới đây, Elon Musk, vị tỷ phú công nghệ số 1 thế giới, đã đưa ra tối hậu thư dành cho toàn bộ nhân viên về việc làm online tại nhà. Nội dung email thể hiện việc ông Elon Musk không chấp nhận mọi người đang dành quá nhiều thời gian làm việc tại nhà. Trong email, ông Elon Musk cũng phàn nàn rằng một nửa trụ sở của Twitter tại San Francisco "trống rỗng". Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, vị tỷ phú này cũng gửi email tới nhân viên. Trong email, ông yêu cầu tất cả nhân viên phải làm việc ít nhất 40 giờ/tuần tại văn phòng. Mọi trường hợp ngoại lệ đều phải có sự chấp thuận của ông. Quy định này nhằm chấm dứt làm việc từ xa của nhiều nhân viên.
Tại Việt Nam, xu hướng freelance đang phát triển nhanh, do 3 nguyên nhân chính: Doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm nhân sự; người lao động không có việc làm; nhiều người mong muốn tìm công việc phù hợp, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Theo kết quả khảo sát của Công ty tuyển dụng Anphabe tại Việt Nam, xu hướng chuyển sang làm tự do đang gia tăng. Theo đó, 14% nguồn nhân lực tri thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian. Tuy nhiên, các freelancer gặp phải không ít vấn đề. Đơn cử như thời gian làm việc. Một trong những mục tiêu của các freelancer là “giảm giờ làm”, nhưng trên thực tế, nhiều người đang phải tăng mạnh thời gian làm việc, có thể lên tới 12-14 giờ/ngày. Thậm chí, theo yêu cầu của người sử dụng lao động, các freelancer có thể phải “thức khuya, dậy sớm” để kịp tiến độ công việc. Có những freelancer nhận một lúc nhiều hợp đồng nên càng căng thẳng về thời gian. Mặt khác, do còn thiếu kiến thức, freelancer có thể bị khách ép giá, quỵt tiền công, nhiều đối tác đòi hủy hợp đồng do sản phẩm không đạt yêu cầu. Có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn không thể lường trước.
Để trở thành một freelancer chuyên nghiệp, người lao động cần có nhiều kỹ năng và phải có một dịch vụ giá trị để phục vụ khách hàng. Thông thường những điều này chỉ có được sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Các freelancer muốn nhận được nhiều công việc từ khách hàng thì cần phải trang bị cho hồ sơ cá nhân thật chuyên nghiệp, có đầy đủ thông tin để quảng bá bản thân, kỹ năng, năng lực chuyên môn và danh mục những công việc mình đã hoàn thành.
Ngoài ra, freelancer sẽ chỉ nhận được thù lao sau khi hoàn thành công việc mà không hề nhận được bất kỳ khoản bảo đảm nào khác như bảo hiểm, chi phí đi lại... nên sẽ khó khăn đối với những người mới vào nghề.
Những trang web freelance uy tín của quốc tế: Upwork-hơn 10 triệu lượt người đăng ký freelancer và 4 triệu đăng ký khách hàng. Freelancer-một trang web tìm kiếm công việc tự do có giao diện rất thân thiện với người sử dụng, cho phép chủ dự án đăng tải một cuộc cạnh tranh đấu giá công khai giữa các freelancer; Fiverr-freelancer đóng vai trò như "người bán" trên Fiverr, chủ động đăng tải dịch vụ cung cấp kèm theo báo giá; Toptal-mạng lưới kết nối tài năng ở các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Toptal cũng xây dựng cộng đồng Toptal Community, là nơi để các freelancer chia sẻ kinh nghiệm, chuyện nghề cũng như là cầu nối kết bạn toàn cầu; Freelancer.com-kết nối gần 25 triệu nhà tuyển dụng với các freelancer toàn cầu từ hơn 247 quốc gia và vùng lãnh thổ... |
Những trang web freelance uy tín ở Việt Nam: 50k.vn-cộng đồng mua bán dịch vụ trực tuyến kết nối người mua và người bán những dịch vụ và sản phẩm (đơn hàng) với các mức giá cố định; FreelancerViet- sàn giao dịch việc làm tự do đầu tiên tại Việt Nam kết nối nhà tuyển dụng với freelancer; VLance-cộng đồng 45.000 freelancer tài năng được hội tụ từ khắp Việt Nam. VLance.vn đã kết nối thành công hàng trăm doanh nghiệp và freelancer trên toàn Việt Nam trong lĩnh vực phát triển phần mềm, thiết kế đồ họa-website, marketing online, kế toán-thuế, khoa học, sales và marketing, tài chính kế toán... |
NGỌC OANH