Thay ngựa giữa dòng
Trung tuần tháng 4 vừa qua, chính trường Pakistan chứng kiến sự biến động mạnh mẽ. Ông Imran Khan đã trở thành thủ tướng đầu tiên ở Pakistan bị bãi nhiệm do thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội diễn ra cùng ngày.
Ông Imran Khan, 69 tuổi, từng là cựu ngôi sao cricket. Ông lên nắm quyền ở Pakistan năm 2018 với hứa hẹn xây dựng một “Pakistan mới” và thành lập một nhà nước phúc lợi Hồi giáo. Nhờ đó, ông thu hút được một lượng lớn người ủng hộ trung thành trong giới trẻ Pakistan. Tuy nhiên, gần đây, ông Khan đã đánh mất thế đa số tại Quốc hội sau khi nhiều đảng quyết định rút khỏi chính phủ liên minh. Họ cho rằng, ông Khan đã thất bại trong việc khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng như không thực hiện được các cam kết tranh cử của mình.
    |
 |
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif phát biểu tại Quốc hội ngày 11-4. Ảnh: Reuters |
Để tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Khan đã cho giải tán Quốc hội vào đầu tháng 4-2022, đồng thời cáo buộc có âm mưu nước ngoài nhằm lật đổ ông. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã bác bỏ quyết định trên, khẳng định hành động của ông Khan là bất hợp pháp. Do đó, Tòa án Tối cao yêu cầu Quốc hội tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Imran Khan. Ngày 10-4, sau phiên họp kéo dài 13 giờ, với 174/342 phiếu, nhiều hơn 2 phiếu so với đa số cần thiết, Quốc hội Pakistan đã bỏ phiếu phế truất ông Khan.
Việc ông Khan bị bãi nhiệm khi chỉ còn gần một năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ kéo dài có lẽ lại là “dớp”, vì chưa có thủ tướng nào hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ 5 năm trong suốt lịch sử hình thành và phát triển kể từ khi nhà nước Pakistan hiện đại được thành lập vào năm 1947.
Một ngày sau cuộc bỏ phiếu nói trên, ngày 11-4, Quốc hội Pakistan đã được triệu tập và bầu ông Shehbaz Sharif, 70 tuổi, trở thành lãnh đạo mới của nước này. Ông Shehbaz Sharif sẽ giữ cương vị thủ tướng cho đến khi người dân Pakistan có thể bầu ra nhà lãnh đạo trong một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trước tháng 7-2023.
Tân Thủ tướng Shehbaz Sharif sinh ngày 23-9-1951, ở bang Lahore, Pakistan. Ông là em trai của ông Nawaz Sharif, người đã 3 lần giữ chức Thủ tướng Pakistan. Cha của ông là Muhammad Sharif, nhà sáng lập Tập đoàn sản xuất thép Ittefaq. Theo Al Jazeera, Shehbaz Sharif đã tiếp bước cha mình và trở thành một doanh nhân, đồng sở hữu một công ty thép ở Pakistan.
Nếu anh trai Nawaz từng 3 lần làm thủ tướng thì ông Shehbaz cũng từng có 3 nhiệm kỳ làm Thủ hiến Punjab-bang đông dân nhất Pakistan-và đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông Shehbaz cũng khá chông gai. Theo AFP, năm 1990, sau khi ông Nawaz lần đầu tiên đắc cử Thủ tướng Pakistan, ông Shehbaz được bầu vào Quốc hội Pakistan với tư cách nghị sĩ đại diện cho bang Punjab. Năm 1997, ông Shehbaz được bầu làm Thủ hiến bang Punjab.
Hai năm sau, Pakistan xảy ra đảo chính quân sự khiến Thủ tướng Nawaz Sharif bị lật đổ. Gia tộc Sharif bị bỏ tù và buộc phải lưu vong tới Saudi Arabia năm 2000. Đến năm 2007, anh em nhà Sharif cùng trở lại Pakistan. Ông Shehbaz lần thứ hai được bầu làm Thủ hiến bang Punjab vào năm 2008 và lần thứ 3 vào năm 2013, trở thành người giữ chức vụ thủ hiến lâu nhất trong lịch sử Pakistan.
Trong thời gian là người đứng đầu bang Punjab, ông Shehbaz đã cho xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, thúc đẩy nhiều dự án khí đốt, nhiệt lượng, giúp giảm bớt tình trạng mất điện hằng ngày, góp phần đưa Punjab trở thành bang có nền kinh tế phát triển. Ông được mô tả là một nhà lãnh đạo nhiệt huyết, có phong cách “nói là làm” và nổi tiếng với thành tích quản trị tốt, hiệu quả. Madiha Afzal, một thành viên trong chương trình chính sách đối ngoại của Viện Brookings (Mỹ), nhận xét rằng: “ông Sharif được coi là người luôn hoàn thành công việc”.
Hy vọng mới của Pakistan
Trở thành người đứng đầu chính phủ trong bối cảnh chính trường Pakistan đang “rối như canh hẹ”, việc trước mắt mà tân Thủ tướng Shehbaz phải làm là tập hợp liên minh đủ mạnh để điều hành chính phủ mới. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, sau khi ông Sharif nhậm chức, hơn 100 nghị sĩ thuộc Đảng Tehreek-e-Insaf đã đồng loạt từ chức, nhằm bày tỏ sự ủng hộ dành cho cựu Thủ tướng Imran Khan. Nếu được lãnh đạo Quốc hội chấp thuận, Pakistan sẽ phải bầu số lượng lớn nghị sĩ bổ sung trong vòng hai tháng tới. Đây sẽ là bất lợi với ông Shehbaz và các đảng liên minh nhưng lại là cơ hội để ông Khan lật ngược thế cờ.
Bên cạnh đó, với nhiệm kỳ thủ tướng chỉ kéo dài đến tháng 7-2023, ông Shehbaz sẽ không đủ thời gian để giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng của chính quyền người tiền nhiệm, trong đó kinh tế là vấn đề trọng tâm. Theo tờ Financial Times, Pakistan là quốc gia đông dân số thứ 5 thế giới với 226 triệu người, đứng thứ 33 về diện tích với 881.913km2. Tuy nhiên, Pakistan chỉ đứng thứ 159 về GDP bình quân đầu người, với 1.629USD. Dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Khan, lạm phát ở Pakistan luôn ở mức hai con số, trong khi tăng trưởng kinh tế bình quân chỉ ở mức 3,5%. Thời gian gần đây, Pakistan phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng lạm phát tồi tệ nhất ở châu Á. Các số liệu thống kê cho thấy, giá nhiên liệu và thực phẩm hồi tháng 3-2022 cao hơn 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuộc thăm dò của Gallup cũng cho thấy, 2/3 số người Pakistan được hỏi đều coi lạm phát là vấn đề lớn nhất của Pakistan. “Những thách thức kinh tế là rất lớn. Chúng ta cần phải tìm cách thoát khỏi những khó khăn này. Chúng ta sẽ phải đổ mồ hôi và xương máu để vực dậy nền kinh tế”, tân Thủ tướng Shehbaz khẳng định như vậy trong lễ nhậm chức ngày 11-4.
Trong chính sách đối ngoại, chính quyền mới của ông Shehbaz cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng. Trước đó, cựu Thủ tướng Imran Khan đã nhiều lần chỉ trích Mỹ, khiến quan hệ hai nước gặp không ít khó khăn. May mắn là cá nhân ông Shehbaz và Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) có quan hệ tốt với Mỹ, do vậy, những vấn đề trong quan hệ song phương với Washington có thể được cải thiện.
Dưới thời Thủ tướng Khan, một số dự án cơ sở hạ tầng ở Pakistan có sự hậu thuẫn của Trung Quốc bị chậm tiến độ. Trong khi đó, gia tộc Sharif lại có quan hệ khá tốt với chính quyền Bắc Kinh. Do đó, chính phủ của ông Shehbaz được cho là sẽ đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng trên trong thời gian tới.
Với Ấn Độ, quan hệ giữa hai nước thời gian qua đã có sự khởi sắc, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Kashmir. Ngay sau khi ông Shehbaz được bầu là Thủ tướng Pakistan, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi điện chúc mừng, trong đó bày tỏ hy vọng về hòa bình và ổn định trong khu vực. Trên Twitter, Thủ tướng Modi viết: “Giờ đây, chúng ta có thể tập trung vào những thách thức và hướng đến bảo đảm thịnh vượng cho người dân hai nước”. Về phần mình, ông Shehbaz đáp lại rằng: “Pakistan mong muốn có quan hệ hòa bình và hợp tác với Ấn Độ. Giải quyết hòa bình các tranh chấp còn tồn tại bao gồm Jammu và Kashmir là điều không thể thiếu... Chúng ta hãy bảo đảm hòa bình và tập trung vào phát triển kinh tế-xã hội cho nhân dân hai nước”.
Không thuận lợi như trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan có thể xuất hiện tình thế khó khăn. Bất chấp việc Islamabad thuyết phục các nước phương Tây thừa nhận Taliban-lực lượng bất ngờ lên nắm quyền ở Kabul hồi năm ngoái-nhưng đến nay, Taliban vẫn chưa được thế giới công nhận và vẫn nằm trong diện trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Chiến thắng của Taliban cũng cổ vũ các phần tử thánh chiến ở Pakistan, khiến nước này phải hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố.
Giới quan sát nhận định, điều cần thiết với chính phủ của Thủ tướng Shehbaz lúc này là phải có chính sách triệt để nhằm xoay chuyển nền kinh tế theo hướng tích cực, đồng thời có công cụ đủ hiệu lực để ngăn chặn thách thức trong quan hệ đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu tân Thủ tướng Shehbaz sẽ chọn cầm quyền trong một năm trước khi tổ chức bầu cử hay sẽ kêu gọi bầu cử sớm. “Thời gian tới sẽ là bài trắc nghiệm đối với ông Shehbaz”, chuyên gia Madiha Afzal thuộc Viện Brookings nhận định. Dù vậy, người dân vẫn đặt kỳ vọng vào gia tộc Sharif, tin tưởng nhà lãnh đạo Shehbaz sẽ mang lại “làn gió mới”, đưa Pakistan thoát khỏi các khủng hoảng chính trị-kinh tế và trở thành quốc gia vững mạnh trong khu vực.
HOÀNG ANH