Sự thăng tiến nhanh chóng
Attal sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha là nhà sản xuất phim người Do Thái. Sống trong gia đình khá giả, Gabriel Attal từng theo học tại trường tư thục Alsacienne ở trung tâm thủ đô Paris trước khi tốt nghiệp trường đại học Sciences Po danh tiếng.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 2002, khi bố mẹ đưa cậu bé Attal tham gia cuộc biểu tình phản đối sự có mặt của ứng cử viên Jean-Marie Le Pen trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. Ước mơ trở thành chính trị gia của cậu bé 13 tuổi bắt đầu từ đó. Năm 2006, khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Attal gia nhập Đảng Xã hội (PS), ủng hộ bà Ségolène Royal, Chủ tịch Đảng PS, tranh cử tổng thống.
Một thời gian sau, do quan điểm chính trị có xu hướng thiên về cánh hữu, ông Attal chuyển sang ủng hộ Tổng thống Macron. Năm 2016, ông gia nhập Đảng Cộng hòa Tiến bước của Tổng thống Macron. Từ đó, sự nghiệp chính trị của ông phát triển với tốc độ chóng mặt. Ông được bầu vào Hạ viện Pháp năm 2017 và sau đó giữ chức vụ phát ngôn viên Chính phủ Pháp trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Với tư cách Bộ trưởng phụ trách Ngân sách, ông luôn bảo vệ kế hoạch cải cách lương hưu gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Macron.
Tháng 7-2023, ông Attal được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia và Thanh niên Pháp. Trong vai trò này, ông đã ban hành lệnh cấm gây tranh cãi về việc mặc trang phục abaya đặc trưng của người Hồi giáo ở các trường công của Pháp. Ông cũng tiến hành thử nghiệm việc mặc đồng phục và nỗ lực nâng cao nhận thức về nạn bắt nạt trong trường học. Phát biểu trong một cuộc họp, Bộ trưởng Attal từng nói: “Trường học là vũ khí mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để thay đổi xã hội”.
Kết quả thăm dò của Ipsos/Le Point vào tháng 12-2023 cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Attal đã nắm giữ nhiều vị trí trong Chính phủ Pháp. Ông cũng xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông và trở thành nhân vật chính trị được người Pháp yêu thích.
Tuổi trẻ và đổi mới
Attal là thủ tướng thứ tư được bổ nhiệm kể từ năm 2017 dưới thời Tổng thống Macron. 34 tuổi 9 tháng, ông Attal là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nền Cộng hòa thứ V của Pháp, vượt qua kỷ lục trước đó được nắm giữ bởi Laurent Fabius-người bước vào Điện Matignon (Phủ Thủ tướng Pháp) năm 1984 khi mới 37 tuổi 11 tháng dưới thời cựu Tổng thống Francois Mitterrand.
Trước ông Fabius, thủ tướng trẻ nhất nước Pháp là Jacques Chirac-người được Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing bổ nhiệm ở tuổi 41 vào năm 1974. Ngoài các ông: Attal, Fabius và Chirac, chỉ có người được bổ nhiệm thủ tướng dưới 50 tuổi, đó là Michel Debré-thủ tướng đầu tiên của nền Cộng hòa thứ V và ông Édouard Philippe được bầu làm thủ tướng năm 2017.
Việc ông Gabriel Attal được bổ nhiệm làm thủ tướng đã dấy lên cuộc tranh luận tại Pháp khi cho rằng sự trẻ tuổi đi kèm bồng bột và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, trên diễn đàn do Báo Le Figaro thực hiện, nhiều người ủng hộ quan điểm “đối với những tâm hồn bẩm sinh, tài năng không đợi tuổi” và “trẻ” luôn đi kèm với “đổi mới”.
Cơ hội và thách thức
Trở thành thủ tướng trẻ nhất nước Pháp vừa là cơ hội vừa là khó khăn đối với ông Attal nhất là khi người tiền nhiệm Borne được đánh giá cao về khả năng thiết lập đối thoại xã hội và kiến thức rộng.
Trong bài phát biểu tại buổi công bố nội các, tân Thủ tướng Attal nhấn mạnh: “Điều tôi muốn là hành động, hành động và hành động”. Ông cam kết sẽ giải quyết các vấn đề của người dân Pháp và giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, đồng thời khẳng định chính phủ do ông lãnh đạo sẽ hành động theo phương châm “tỉnh táo, hiệu quả, năng lượng”.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, trong chặng đường trước mắt, Thủ tướng Attal sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù đã được Quốc hội thông qua, nhưng Luật nhập cư mới chắc chắn vẫn là bài kiểm tra căng thẳng đầu tiên đối với chính phủ của ông Attal.
Về mặt ngân sách, chính phủ của ông Attal sẽ phải thực hiện những bước đi cứng rắn. Sau nhiều năm thực hiện phương châm “làm bất cứ điều gì”, Chính phủ Pháp muốn chứng tỏ khả năng khôi phục sự cân bằng cho tài chính công. Trong bài phát biểu trước các doanh nghiệp ngày 8-1, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire đã tái khẳng định mục tiêu này: “Tôi xin nhắc lại rằng chúng ta phải tìm được ít nhất 12 tỷ Euro tiết kiệm vào năm 2025”.
|
|
Tân Thủ tướng trẻ nhất nước Pháp Gabriel Attal. Ảnh: AFP |
Trên thực tế, tăng trưởng GDP của Pháp đã chậm lại đáng kể vào năm 2023. Tuy tránh được suy thoái nhưng hầu hết nhà kinh tế đều dự báo về triển vọng của kinh tế Pháp trong năm 2024. Sự bùng nổ căng thẳng địa chính trị trên thế giới và tình trạng các cuộc xung đột leo thang cũng có thể khiến triển vọng kinh tế của nước này trở nên u ám hơn.
Một vấn đề nóng khác đang chờ chính phủ của ông Attal là mục tiêu tạo thêm việc làm cho người lao động. Để đạt được điều này, chính phủ đã cải tổ bộ máy điều hành các trung tâm việc làm, thay đổi các quy định về bảo hiểm thất nghiệp và tăng tuổi nghỉ hưu. Nhưng Điện Matignon vẫn cần phải tiến xa hơn trong việc tự do hóa thị trường lao động hoặc kiểm soát người thất nghiệp. Chính phủ mới cũng sẽ phải giải quyết một vấn đề gai góc khác là tìm nguồn tài chính cho quá trình chuyển đổi sinh thái. Trong khi Bộ Kinh tế và Tài chính muốn thắt chặt ngân sách, Pháp sẽ phải đối mặt với “bức tường” đầu tư công để có được nguồn tài chính ước tính khoảng 30-34 tỷ euro/năm đến năm 2030.
Với những thách thức trước mặt, tân Thủ tướng Attal sẽ phải chiến đấu hết mình để thổi luồng sinh khí mới cho chặng đường còn lại trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron.
PHƯƠNG LIÊN