ISRO - “NASA của Ấn Độ”

Tọa lạc tại Bangalore, ISRO được ví như NASA của Ấn Độ. Đây vừa là nơi nghiên cứu, vừa là địa điểm tiến hành các vụ phóng vũ trụ gần đây của Ấn Độ. Để vào bên trong trung tâm này, phải đi qua hai cửa đăng ký, bị binh lính kiểm tra từ đầu đến chân, cất điện thoại vào két an toàn và chấp nhận không chụp ảnh bất cứ thứ gì....

Đằng sau cánh cổng sắt, khoảng 10 tòa nhà bê tông cũ được bao bọc bởi những hàng cây cao. “Thủ tướng Narendra Modi đến đây thường xuyên. Đối với sứ mệnh Mặt Trăng, Thủ tướng tham gia hội nghị truyền hình với chúng tôi. Đối với nhiệm vụ Sao Hỏa, Thủ tướng ngồi ở ban công tầng một”, nhà khoa học nữ Nandini Harinath cho biết.

leftcenterrightdel
                  

Tên lửa Vikram-1 của công ty Skyroot (Ấn Độ) có khả năng đưa các vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo với chi phí thấp. Ảnh: Le Point 

Nandini là Phó giám đốc phụ trách các vụ phóng tàu vũ trụ của ISRO. Nhờ có bà và nhóm gồm 80 nhà khoa học mà người Ấn Độ được đốt pháo và đuốc ăn mừng khắp đất nước sau khi tàu đổ bộ Vikram và robot di động nhỏ Pragyan hạ cánh nhẹ nhàng xuống cực Nam của Mặt Trăng ngày 23-8-2023. “Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”, bà Nandini chia sẻ.

Ấn Độ chỉ đầu tư khoảng 2 tỷ USD mỗi năm cho ISRO, trong khi đó, châu Âu chi cho Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) 7 tỷ USD, còn Mỹ chi 25 tỷ USD mỗi năm cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Ấn Độ vẫn xếp sau Mỹ (104 lần phóng), Trung Quốc (56) và Nga (16). Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, Ấn Độ đã có sự tiến bộ vượt bậc về trình độ công nghệ. Giáo sư David Mimoun thuộc Viện Hàng không và Vũ trụ Cao cấp, Trường Kỹ sư Toulouse (Pháp), nhận định: “Ấn Độ bình đẳng với chúng ta về mặt khoa học. Họ luôn đánh giá cao các lĩnh vực liên quan tới toán học và triển khai một chiến lược rõ ràng”.

Trong khi người châu Âu đang thảo luận ai sẽ chế tạo phần này hay phần kia của tên lửa Ariane hoặc Vega tiếp theo, thì “gã khổng lồ” Nam Á đã tiến về phía trước một cách thống nhất với một chương trình đã được quyết định ở cấp cao: Chuyến bay có người lái đầu tiên vào năm 2025, có trạm không gian hoàn chỉnh vào năm 2035, đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2040... Một kế hoạch thực sự táo bạo đối với một đất nước vẫn đang phát triển.

Trên thực tế, cách thức của Ấn Độ đáng được chú ý. Ví dụ nổi bật là sứ mệnh Chandrayaan-3. Trên lý thuyết, điều đó không thể thực hiện được vì ISRO không có bệ phóng đủ mạnh để đẩy một vật thể trực tiếp lên bề mặt Mặt Trăng. Nhưng các nhà Toán học của ISRO tính toán rằng, bằng cách sử dụng độ cong của trái đất làm “súng cao su”, họ có thể vượt qua hạn chế này. Chuyến đi dài ngày hơn so với dự kiến nhưng kết quả rất tốt. Và với kinh phí 75 triệu USD, chưa bằng một nửa kinh phí làm phim “Interstellar” (tạm dịch: Hố đen tử thần), thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3 cho phép Ấn Độ có khả năng tiến hành các vụ phóng tên lửa với chi phí thấp.

Tham vọng lớn

Ấn Độ bắt đầu cuộc đua các vì sao vào năm 1962. Năm đó, nhà Vật lý vĩ đại Vikram Sarabhai, người gốc Gujarat, được đào tạo tại Đại học Cambridge ở Anh, đã thuyết phục Thủ tướng Jawaharlal Nehru thành lập Ủy ban Quốc gia Ấn Độ về nghiên cứu vũ trụ, tiền thân của ISRO ngày nay. Pháp, Mỹ và Liên Xô đồng ý giúp đỡ Ấn Độ thành lập ủy ban. Năm 1975, Ấn Độ phóng vệ tinh đầu tiên mang tên Aryabhata-đặt theo tên của một nhà thiên văn học thế kỷ thứ 5 vào không gian, nhờ tên lửa đẩy của Liên Xô.

Các phương pháp phóng thủ công được thực hiện trong một thời gian dài. “Năm 1981, chúng tôi nhìn thấy một chiếc xe bò chở vệ tinh của Ấn Độ đến căn cứ, lúc đó chúng tôi đều tự nhủ: “Ấn Độ sẽ không bao giờ thành công!”, một nhà nghiên cứu người Pháp trong lĩnh vực vũ trụ nhớ lại. Nhưng Ấn Độ đã thành công.

Năm 2017, Ấn Độ đã phóng không dưới 104 vệ tinh từ căn cứ Satish Dhawan, nằm cách thành phố Chennai 80km về phía Bắc. Kỷ lục này sau đó đã bị công ty Space X của tỷ phú Elon Musk soán ngôi. Nhưng người Ấn Độ không dừng lại. Họ muốn nhân gấp đôi khả năng phóng tên lửa. “Hiện nay, mỗi năm chúng tôi thực hiện 12 đến 13 vụ phóng. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2025 sẽ thực hiện hai tuần một lần phóng”, bà Nandini cho biết.

“Để đạt được điều này, ISRO kỳ vọng ngân sách sẽ tăng từ 5 đến 10 lần cho các vụ phóng tên lửa trong những năm tới”, Chủ tịch ISRO Shri S. Somanath nói. Hiện nay, ISRO hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn tài chính tư nhân. Đây là điều khá mới mẻ. Lấy cảm hứng từ thành công của Space X và Blue Origin, cách đây ba năm rưỡi Ấn Độ đã chấp nhận “tự do hóa” cuộc đua giành các vì sao. Tại Ấn Độ, hiện cũng có nhiều công ty muốn tạo ra bệ phóng của riêng mình. Ngoài ra, còn có những công ty thiết kế các bộ phận cho vệ tinh, ví dụ như Bellatrix-một công ty được thành lập vào năm 2015...

Trong quá khứ, các nhà khoa học châu Âu ở Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu coi các đối tác phương Đông là những người mày mò thân thiện. Quan điểm này đã dần thay đổi. Người Ấn Độ tuy tiết kiệm nhưng họ làm việc rất nhanh. Ấn Độ chỉ mất 18 tháng để phát triển một vệ tinh, bằng một nửa thời gian so với châu Âu và chỉ mất 3 năm để thực hiện một sứ mệnh thám hiểm, trong khi ở châu Âu là 10 năm. Do đó, trong lĩnh vực không gian, Ấn Độ là đối tác của châu Âu hơn là đối thủ.

HOÀNG ANH