Lược sử dân số Ấn Độ
Năm 1947, Ấn Độ giành được độc lập từ Vương quốc Anh bằng cuộc đấu tranh bất bạo động do lãnh tụ Mahatma Gandhi lãnh đạo. Tại thời điểm đó, ước tính, dân số của Ấn Độ khoảng 350 triệu người. Thời điểm đó cũng đánh dấu sự bùng nổ của dân số Ấn Độ. Trước tình trạng dân số bùng nổ, từ năm 1952, Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng kiểm soát bằng cách đưa ra nhiều biện pháp cụ thể, nhưng không mang lại hiệu quả. Tính đến cuối năm 2021, dân số của Ấn Độ hơn 1,4 tỷ người, tăng hơn 13 triệu người so với dân số năm 2020. Liên tục trong nhiều thập niên, Ấn Độ là nước có dân số đông thứ hai trên trái đất, chiếm 17,5% dân số thế giới. So với cuộc điều tra dân số của thập kỷ trước vào năm 2011, con số này đã tăng thêm 181 triệu người. Với tổng diện tích lãnh thổ là 3.287.000 km2, xếp thứ 7 thế giới, mật độ dân số của Ấn Độ là 471 người/km2.
|
|
Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Ảnh minh họa: Connectedtoindia
|
Với tốc độ tăng dân số nhanh chóng, độ tuổi trung bình của người Ấn Độ khá thấp. Tính đến năm 2017, Ấn Độ có 29,7% số người dưới 15 tuổi; 64,9% dân số từ 15 đến 64 tuổi; 5,4% dân số trên 64 tuổi. Tổng tỷ lệ dân số phụ thuộc ở Ấn Độ năm 2019 là 48,2%. Năm 2021, tỷ lệ trẻ em phụ thuộc ở Ấn Độ là 38,2%; tỷ lệ người cao tuổi phụ thuộc ở Ấn Độ là 10%; tuổi thọ trung bình của nam giới Ấn Độ là 68,7 tuổi, nữ giới là 71,3 tuổi. Chỉ tính riêng trong năm này, có hơn 24 triệu trẻ em Ấn Độ được sinh ra. Dự kiến, dân số Ấn Độ tiếp tục tăng trong 4 thập niên tới, đạt đỉnh gần 1,7 tỷ người vào năm 2063. Vào đầu thế kỷ tới, dân số Ấn Độ dự kiến cao gấp đôi dân số Trung Quốc.
Cơ hội cho “Thế kỷ Ấn Độ”
Những năm gần đây, cụm từ "Thế kỷ Ấn Độ" được nhiều chuyên gia kinh tế, các phương tiện thông tin đại chúng nhắc tới. Theo New York Times, dân số ngày càng tăng giúp Ấn Độ duy trì tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao, mua nhiều hàng hóa của thế giới hơn và đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu, ngay cả khi nước này đang vật lộn với nghèo đói và thiếu việc làm. Trong khi đó, những trở ngại về nhân khẩu học sẽ khiến Trung Quốc khó đạt được tham vọng kinh tế hoặc thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Xét trên nhiều phương diện, tình hình Ấn Độ hiện tại khá tương đồng với Trung Quốc 30 năm trước. Ấn Độ có tới hơn 2/3 dân số ở độ tuổi lao động (từ 15 đến 59 tuổi). Tỷ lệ trẻ em và người về hưu rất thấp. Vì thế, Ấn Độ là quốc gia duy nhất có lực lượng lao động đủ lớn để cạnh tranh Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới. Thực tế, một số công ty lớn của Mỹ đang cố gắng đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Trong đó, Foxconn Technology Group (Đài Loan-Trung Quốc), nhà sản xuất gia công chính của Apple đang xem xét mở rộng công suất ở Ấn Độ. Trong dài hạn, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng của Trung Quốc khoảng 4%/năm và Ấn Độ khoảng 6%/năm. Gần đây, Ấn Độ thay thế Anh với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và có thể vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc vào năm 2029.
Với lực lượng lao động trẻ lớn nhất thế giới, lại biết tiếng Anh, chi phí lao động còn thấp... Ấn Độ sở hữu những lợi thế mà các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể bỏ qua. Cùng đó, nắm bắt cơ hội khi dân số bùng nổ, Ấn Độ đã nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng cách mở đường sá và xây dựng sân bay mới, đồng thời mở rộng mạng lưới cung cấp điện nước trên toàn quốc. Hệ thống thanh toán di động của Ấn Độ cũng đã thúc đẩy cơn bùng nổ thanh toán số. Ấn Độ hiện đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do FTA với nhiều đối tác lớn như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... Để thu hút các "đại bàng" về làm tổ, kéo theo đó là hàng tỷ USD đầu tư, nhiều chính sách đầu tư nước ngoài đã được đề ra như ưu đãi thuế, đầu tư gần 1.500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, ưu tiên quỹ đất sạch... Một số nhà kinh tế dự đoán, trong 10 năm tới, GDP của Ấn Độ sẽ tăng hơn gấp đôi lên 8,5 nghìn tỷ USD, sau khi tăng gần gấp đôi trong thập niên vừa qua. Trở thành "công xưởng" mới và nắm giữ vai trò nổi bật trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang là mục tiêu lớn của Ấn Độ-quốc gia có vị trí trung tâm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thách thức từ bùng nổ dân số
Với dân số trẻ, một nền kinh tế hội nhập cao độ và việc sử dụng tiếng Anh là một ngôn ngữ chính thức, Ấn Độ sở hữu nhiều lợi thế để bứt tốc về kinh tế. Quốc gia Nam Á này cũng đã đặt mục tiêu sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong vòng từ 4 đến 5 năm nữa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dân số tăng nhanh sẽ là "con dao hai lưỡi". Bùng nổ dân số cũng sẽ gây áp lực vô cùng lớn lên cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội, các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục... Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ đang có xu hướng tăng trở lại, đạt 7,8% trong tháng 3. Trong khi, theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ, để giữ được tỷ lệ việc làm của nền kinh tế ở mức lành mạnh, Ấn Độ sẽ phải tạo ra tới 90 triệu việc làm mới trước năm 2030. Theo ông Jean Dreza, chuyên gia kinh tế tại Đại học Delh, tiền lương tại Ấn Độ đã chững lại trong 8 năm qua. Tăng trưởng kinh tế không đi cùng với tăng trưởng việc làm khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn và làm gia tăng nguy cơ bất ổn.
Ngoài vấn đề dân số đông, cơ cấu lực lượng lao động của Ấn Độ chưa phát huy được hiệu quả. 45% lực lượng lao động của Ấn Độ đang hoạt động trong các ngành nghề chỉ đóng góp được khoảng 20% GDP cho nền kinh tế. Mặt khác, sự đóng góp vào nền kinh tế của nữ giới đang thấp hơn khá nhiều quốc gia. Nếu như ở Trung Quốc, nữ giới chiếm gần 45% lực lượng lao động thì Ấn Độ, nữ giới chỉ chiếm 1/5 lực lượng lao động. Trong khi một báo cáo của McKinsey ước tính rằng, nếu lực lượng lao động nữ tại Ấn Độ có thể tăng thêm 10% sẽ tạo ra cho nền kinh tế tới hơn 550 tỷ USD.
Cùng đó, tài nguyên của Ấn Độ khi so với dân số thì cũng thấp hơn Trung Quốc rất nhiều. Mật độ dân số của Ấn Độ hiện gần 500 người/km2. Dân số Trung Quốc cũng xấp xỉ Ấn Độ nhưng mật độ dân số hiện nay chỉ bằng 1/3. Điều này cũng có nghĩa là tài nguyên dành cho cuộc sống của người Ấn Độ hiện cũng thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc.
Trong nhiều năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã có những chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Thực tế, các quốc gia phương Tây cũng đang gấp rút chuyển hướng từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Tuy nhiên, quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn còn nhiều trở ngại. Đó là sự kém hiệu quả trong quản lý, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, chi tiêu ít ỏi cho giáo dục tiểu học và y tế, luật hạn chế sử dụng đất đai và lao động. Mặt khác, chương trình "Make in India" (tạm dịch: Sản xuất tại Ấn Độ) được Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng cách đây 8 năm, nhưng đến giờ vẫn chưa thực sự khởi sắc.
Ở phương diện xã hội, Ấn Độ đang chịu hậu quả nặng nề của tình trạng mất cân bằng giới tính. Sự thiếu hụt các em gái trong số trẻ em dưới 7 tuổi đã tăng ở tất cả các bang quan trọng, trừ Kerala, trong khoảng từ năm 1991 đến 2001. Tăng mạnh nhất là ở vành đai từ Tây-Bắc Ấn Độ đến nhiều địa phận của Rajasthan. Hiện nay, Ấn Độ thừa 37 triệu đàn ông. Tỷ lệ sinh bé gái tiếp tục giảm kể cả khi kinh tế Ấn Độ phát triển. Giới chức cho rằng tình trạng mất cân bằng giới diễn ra khi khoa học công nghệ cho phép lựa chọn giới tính cho con trong 30 năm qua. Tình trạng thừa nam, thiếu nữ bóp méo thị trường lao động, tỷ lệ tiết kiệm tăng vọt trong khi sức tiêu thụ giảm sút, đi cùng đó là tội phạm, bạo lực, tệ nạn buôn người, mại dâm gia tăng.
Quy mô và cơ cấu dân số của Ấn Độ mang lại cho nước này sức mạnh, đặc biệt khi đây cũng là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và tăng trưởng nhanh nhất như công bố của IMF. Tuy nhiên, Ấn Độ phải đối mặt với vấn đề quản lý dân số. Mặt khác, dân số khổng lồ cũng gây sức ép với nguồn tài nguyên của Ấn Độ, từ nước tới năng lượng, thậm chí là thử thách với khả năng cung cấp việc làm cho dân số trong độ tuổi lao động.
TRẦN LONG