Những dấu ấn lịch sử mà ông để lại trong giai đoạn đầy thăng trầm của quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cũng là điều mà người ta không thể không nhắc tới.

Làm tổng thống là lựa chọn của số phận

Trong cuốn hồi ký với tựa đề “Định mệnh của Moon Jae-in” xuất bản năm 2011, Moon Jae-in từng thừa nhận rằng đã có lúc ông cảm thấy chính trường không phải công việc dành cho mình. Nhưng rồi, trải qua bao biến động, ông vẫn trở thành người đứng đầu đất nước Hàn Quốc như một sự lựa chọn của số phận.

Ông Moon Jae-in sinh ngày 24-1-1953 tại Geoje, Hàn Quốc. Tuổi thơ của Moon Jae-in gắn liền với vô vàn khó khăn, cực nhọc khi cha mẹ ông phải làm việc ngày đêm, trong khi bản thân ông và các anh chị em trong nhà cũng có thời gian phải đứng xếp hàng xin cơm từ thiện. Đổi lại, Moon Jae-in rất chăm học và nổi tiếng thông minh. Theo tờ Al Jazeera, nhờ kết quả học tập xuất sắc nên năm 1972, chàng trai Moon Jae-in đã giành được suất theo học ngành luật tại Đại học Kyung Hee của Hàn Quốc.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Moon Jae-in tại phòng làm việc. Ảnh: Time

 

Năm 1976, Moon Jae-in gia nhập quân đội Hàn Quốc và 6 năm sau đó, ông cùng người bạn chí cốt Roh Moo-hyun (sau này cũng trở thành Tổng thống Hàn Quốc) mở một văn phòng luật sư chuyên về nhân quyền tại thành phố Busan, chủ yếu phục vụ những người yếu thế hơn trong xã hội. Nhưng sự nghiệp của hai người bạn chí cốt này sớm rẽ theo hai hướng khác nhau khi Roh Moo-hyun quyết định dấn thân vào chính trường, còn Moon Jae-in lựa chọn ở lại Busan với dự định tiếp tục gắn bó với nghề luật sư. Cuộc tái hợp giữa họ chỉ thực sự diễn ra vào năm 2002 khi ông Roh Moo-hyun đứng ra tranh cử tổng thống và lựa chọn ông Moon Jae-in làm người quản lý chiến dịch tranh cử của mình. Năm 2003, ngay sau khi đắc cử tổng thống, ông Roh Moo-hyun tiếp tục bổ nhiệm ông Moon Jae-in làm cố vấn cấp cao về các vấn đề dân sự trong nội các của mình.

Chẳng thế mà khi trải lòng mình trong cuốn tự truyện, Moon Jae-in từng viết: “Khi uống một chút rượu, đôi khi tôi nhớ lại những ngày xưa. Rồi tôi hỏi bản thân mình rằng Roh Moo-hyun có ý nghĩa gì với cuộc đời tôi. Ông ấy đã định nghĩa cuộc đời tôi. Nếu không gặp ông ấy, mọi thứ với tôi có lẽ đã khác đi rất nhiều. Ông ấy chính là định mệnh của tôi”, ông Moon Jae-in trải lòng mình trong cuốn tự truyện.

Chỉ có điều, Moon Jae-in dường như chưa bao giờ cảm thấy thoải mái trên cương vị một chính trị gia cao cấp, đúng như ông từng thừa nhận: “Tôi có cảm giác rằng công việc đó không dành cho tôi, giống như khi tôi phải mặc một chiếc áo không vừa vặn. Tôi luôn nghĩ mình sẽ phải trở về với công việc của một luật sư”.

Nói là làm, một năm sau đó, Moon Jae-in rời Phủ Tổng thống về vui thú điền viên ở tỉnh Gyeongsang Nam.

Nhưng cuộc đời thật lắm bất ngờ. Cái chết đầy bi kịch của người bạn chí cốt - cựu Tổng thống Roh Moo-hyun - vào năm 2009 thực sự là cú sốc lớn và có lẽ cũng là điều thôi thúc Moon Jae-in quay lại chính trường. Ông quyết định ra tranh cử tổng thống lần đầu tiên vào năm 2012 nhưng thất bại sát nút trước cựu Tổng thống Park Geun-hye và chỉ thành công trong cuộc bầu cử 5 năm sau đó. Ngày 9-5-2017, ông Moon Jae-in chính thức nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc.

Hiện thân của nỗ lực hàn gắn giữa hai miền

Ngồi vào chiếc ghế tổng thống, ông Moon Jae-in đối đầu với hàng loạt vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt là những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Song có lẽ chính vì thế mà dư luận đã dần nhìn thấy hình ảnh một vị tổng thống với khát khao cháy bỏng đem lại cuộc sống hòa bình cho người dân hai miền Triều Tiên.

Cải thiện mối quan hệ liên Triều đã được xem là một trong những lời hứa quan trọng và gây chú ý nhất mà ông Moon Jae-in đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2017. Mặc dù quan điểm ấy được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có một số nhà quan sát chính trị phương Tây và thậm chí ở ngay tại Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng ông sẽ có thái độ và hành động quá mềm mỏng với Triều Tiên. Đáp lại, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Washington Post, Moon Jae-in cho biết mục tiêu của ông là giành được sự yêu mến của tất cả các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, đồng thời sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tự tin rằng mình có cách tiếp cận thực tế để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông cũng không ngần ngại lên tiếng ủng hộ thống nhất hai miền Triều Tiên với lập luận rằng, người dân của cả hai bên đã phải chịu đựng quá nhiều căng thẳng bởi nguy cơ chiến tranh luôn rình rập.

Thực tế cũng cho thấy, từ khi bước chân vào Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc), ông Moon Jae-in đã thực hiện nhiều nỗ lực hàn gắn, đối thoại mang tính lịch sử với Triều Tiên, mà đỉnh cao là cuộc gặp lịch sử giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều vào ngày 27-4-2018. Đó là cuộc đối thoại cấp cao nhất được tổ chức giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sau hơn một thập kỷ. Dư luận thế giới chắc hẳn cũng không quên chính Tổng thống Moon Jae-in là người đóng vai trò kiến tạo cho cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bản thân Tổng thống Moon Jae-in từng nói rằng, thành tích đáng kể nhất mà ông đạt được trong thời gian 5 năm cầm quyền là giúp quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên chuyển sang hướng đối thoại và ngoại giao thay vì đối đầu quân sự.

Tháng 5 tới, ông Moon Jae-in chính thức kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, nhưng những nỗ lực của ông nhằm bình thường hóa quan hệ liên Triều và hướng tới “hòa bình không thể đảo ngược” trên bán đảo Triều Tiên có lẽ chưa dừng lại. Trong bài phát biểu chào mừng năm mới vào ngày 3-1 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in cam kết dành những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ để tạo đột phá ngoại giao với Triều Tiên, hay chí ít là để tạo điều kiện chín muồi cho việc tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên và chuyển giao trọng trách này cho chính quyền tiếp theo. “Nếu khôi phục đối thoại và hợp tác, cộng đồng quốc tế sẽ hưởng ứng. Chính phủ Hàn Quốc sẽ theo đuổi đến cùng việc bình thường hóa quan hệ liên Triều và một con đường đến hòa bình không thể đảo ngược. Tôi hy vọng nỗ lực đối thoại cũng sẽ tiếp tục trong chính quyền kế tiếp”, Tổng thống Moon Jae-in nói.

Ước mơ của vị tổng thống này cũng không chỉ có vậy. Trong một cuốn sách khác được xuất bản năm 2017, ông Moon Jae-in đã khẳng định mong muốn được trở về thăm quê nhà của cha mẹ ông tại Triều Tiên và nếu có thể sẽ làm công việc tư vấn luật miễn phí cho mọi người. Lần gần nhất mà ông gặp lại họ hàng ở Triều Tiên là trong một cuộc đoàn tụ giữa các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh vào năm 2004. Đó cũng là lần đầu tiên ông gặp lại người dì ruột của mình sau 50 năm. “Khi ngày hòa bình thống nhất tới, việc đầu tiên tôi muốn làm là đưa người mẹ đã 90 tuổi của tôi trở về thăm quê hương", Tổng thống Moon Jae-in viết trong cuốn sách.

Moon Jae-in sắp rời nhiệm sở và mang theo mình khát vọng hòa bình được ấp ủ từ thời còn là cậu sinh viên ngành luật cho đến khi trở thành người đứng đầu đất nước. Khát vọng ấy, như ông từng chia sẻ, có lẽ chính là lý do khiến ông luôn cảm thấy có nợ với người dân hai miền Triều Tiên mỗi khi đứng trong ánh đèn sân khấu chính trị.

CHÂU ANH