Vẽ hổ như mèo?

Ngày 23-11-1864, tại ngôi làng Tinh Đẩu, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, có bé trai chào đời trong một gia đình nông dân nghèo. Thầy lang lẫn thầy tướng số trong vùng khi nhìn đứa trẻ này đều lắc đầu ngao ngán, cho rằng cậu bé khó mà sống được đến năm 10 tuổi, còn nếu đức năng thắng số thì sau này cũng khó tránh khỏi ốm yếu, bệnh tật. Khi danh họa Tề Bạch Thạch nhắm mắt trở về cát bụi-thì đứa trẻ ốm yếu ngày xưa-hưởng thọ tới 93 tuổi (ông mất vào năm 1957).

Thương cha mẹ khó khăn, Tề Bạch Thạch phụ giúp gia đình làm nông nhưng nhà vẫn không đủ ăn, cậu kiếm thêm việc để mưu sinh. Nhưng do sức yếu nên từ làm mộc đến nghề chạm khắc, Tề Bạch Thạch đều rất vất vả để theo nghề. Cuốc, liềm, búa, đục... Tề Bạch Thạch đều thấy cầm không vừa tay. Nhưng không vì thế mà chàng trai họ Tề bỏ cuộc, nhất là sau khi lấy vợ vào năm 19 tuổi. Yếu ớt là vậy nhưng những bức tượng được Tề Bạch Thạch chạm khắc đều có thần thái phi thường. Rồng, phượng được Tề Bạch Thạch khắc có hồn đến độ các vương phủ, đền, chùa không cần mời cao nhân đến khai quang điểm nhãn. Có được thành tựu đầu đời ấy là nhờ một lần chàng thanh niên Tề Bạch Thạch đi đục tượng thuê cho một gia đình trong vùng, tình cờ đọc được quyển Giới Tử Viên Họa Phổ, sách dạy cho người học vẽ trong thư phòng. Tề Bạch Thạch đọc sách ngộ ra bao điều. Phần họa luận và họa pháp cùng với những hình ảnh trong họa phổ đã khai tâm cho Tề Bạch Thạch những quy tắc về hội họa. Từ đó, Tề Bạch Thạch không ngừng áp dụng chúng vào nghề chạm gỗ, thực là tài nghệ tinh xảo thêm bội phần.

Tác giả không có ý định tìm hiểu kỹ về thân thế, sự nghiệp của Tề Bạch Thạch, cho đến khi xuất hiện sự tranh cãi của công chúng trong nước về các bức tượng hổ tại một số địa phương trong thời gian qua. Khen thì ít, chê đa phần: Hổ gì mà trông như mèo hen. Còn ở Trung Quốc, tranh vẽ hổ của Tề Bạch Thạch cũng gây tranh cãi dữ dội. Có người chê tranh hổ của ông không ra hồn vía chúa sơn lâm, đã vậy còn không rõ mặt. Nhưng chính vì hổ không rõ mặt lại thêm phần giá trị. Thậm chí, cách đây 12 năm, sau khi được Sotheby’s Hong Kong gõ búa với giá 4 triệu USD vào năm 2010, tác phẩm “Hổ” giấu mặt của đại danh họa Tề Bạch Thạch càng được dư luận quan tâm. Ông Trương Siêu Quần, người đứng đầu mảng thư họa Trung Quốc của Sotheby’s Hong Kong cho hay: “Tác phẩm “Hổ” ra đời vào năm 1950. Bấy giờ Tề Bạch Thạch tặng “Hổ” cho một người bạn thân nhân năm Canh Dần, ngụ ý tốt lành. Hổ trong bức tranh không được vẽ nguyên hình mà chỉ hiển lộ phần lưng. Riêng điểm này đã cho thấy sự khác lạ trong tranh của Tề Bạch Thạch. Cũng có người cho rằng, bức tranh “Hổ” hàm ý sự khôn ngoan, “giấu mình chờ thời”.

leftcenterrightdel
Bức tranh “Hổ” có giá 4 triệu USD của Tề Bạch Thạch. Ảnh: Artron 

“Giống ta thì chết”

Các bức tranh hổ, cỏ cây, hoa lá, phong cảnh hữu tình cho thấy quan điểm nghệ thuật nhất quán của Tề Bạch Thạch: Tìm tòi ý tưởng mới, độc đáo, vẽ theo các cung bậc cảm xúc. Đại danh họa Tề Bạch Thạch từng nói: “Cái hay của tranh nằm ở giữa “giống” và “không giống”. Giống thì tầm thường, thiếu tầm vóc và góc nhìn của nghệ sĩ; mà không giống ắt là gạt người thưởng lãm”. Ông từng khuyên các học trò một câu nổi tiếng: “Học ta thì sống, giống ta thì chết”, hàm ý nhắc học trò đầu tư suy nghĩ, không ngừng sáng tạo.

Thực tế cho đến khi ngoại tứ tuần, Tề Bạch Thạch mới nhận ra rằng, không thể nào cứ sao chép tranh cổ nhân mãi, từ đường nét đến ý tứ. Thế là ông bỏ lối công bút (vẽ công phu, tỉ mỉ) khai phá lối ý bút (vẽ phóng khoáng, tả ý) đồng thời quyết định phải du lãm thật nhiều để tìm ý tứ sáng tác cũng như có thêm nhiều trải nghiệm.

Năm 1917, sau một thời gian dài ở quê nhà, Tề Bạch Thạch đơn thân đi Bắc Kinh. Nhân dịp này, ông kết giao với những danh họa gia như Trần Sư Tăng, Trần Bán Đinh, Vương Mộng Bạch... Lúc trở về quê, đau lòng trước cảnh quê hương điêu linh, cửa nhà bị thổ phỉ cướp sạch, ông di tản gia đình về chân núi Từ Kinh Sơn. Bấy giờ, cha ông 81 tuổi, mẹ ông 75 tuổi. Nhưng ông chẳng ở chung với gia đình lâu, được vài tháng lại lên đường đến Bắc Kinh. Năm sau, vợ ông (Trần Xuân Quân) cũng theo về Bắc Kinh và chủ trương lấy vợ lẽ cho ông. Vợ lẽ Hồ Bảo Châu mới 18 tuổi, người huyện Phong Đô, tỉnh Tứ Xuyên; lúc đó Tề Bạch Thạch 57 tuổi.

Ở tuổi 58, ông kết giao với Từ Bi Hồng. Vâng lời khuyên của ân sư Trần Sư Tăng, ông cải biến họa pháp và tự sáng chế lối vẽ “Hồng Hoa Mặc Diệp” (hoa đỏ, lá đen) vô cùng độc đáo.

Năm 1933, Hoa Bắc rơi vào tay quân phiệt Nhật, Tề Bạch Thạch bỏ dạy học, đóng cửa ở trong nhà chỉ để ngâm thơ, vẽ tranh. Để tránh sự dòm ngó của Hán gian và phát xít Nhật, ông treo trước cửa nhà dòng chữ “Bạch Thạch lão nhân tâm bệnh phục phát, đình chỉ kiến khách” (tâm bệnh của Tề Bạch Thạch tái phát, miễn tiếp khách) và 4 chữ “Đình chỉ mại họa” (ngưng bán tranh). Tề Bạch Thạch tự nhận sức già nên chọn thái độ bất hợp tác, vừa giữ được tiết tháo kẻ sĩ, vừa ngầm tỏ tinh thần phản kháng.

leftcenterrightdel
Chân dung Tề Bạch Thạch (ảnh chụp năm 1956). Ảnh: Zheng Jingkang 

Vẽ tôm đỉnh nhất thiên hạ

Khi đã ở tuổi 80, Tề Bạch Thạch vẫn chú tâm trồng hoa, chơi cá cảnh, nuôi tôm, cua quanh nhà để đưa tinh thần của cỏ cây, hoa lá, tôm, cá vào trong tranh. Ông dựa trên thực tế để thử nghiệm, không ngừng tìm những cách thức mới. Sự đơn giản và mạnh mẽ của ông hòa với tính ngây thơ như trẻ con được kết hợp, mang lại cho người xem những hình ảnh đẹp nhất trong nghệ thuật Trung Quốc. Tề Bạch Thạch còn thử nghiệm với các loại cọ vẽ riêng biệt của mình mà rất ít nghệ sĩ khác dùng. Số lượng tranh của ông rất nhiều và đa dạng, tập trung vào những điều nhỏ nhặt, không phải là những quang cảnh lớn của tự nhiên mà là tìm kiếm những đối tượng yêu thích của mình như tôm, cá, cua, ếch, côn trùng... Sử dụng mực đậm, màu sắc tươi sáng, mạnh mẽ và dứt khoát, Tề Bạch Thạch đã tạo ra tác phẩm một cách tươi mới và sống động, thể hiện tình yêu của mình với thiên nhiên và cuộc sống.

Làng hội họa Trung Quốc nhớ đến Tề Bạch Thạch không phải bởi những bức tranh hổ hay họa phẩm 146 triệu USD. Giới hội họa Trung Hoa nể ông ở tài vẽ tôm. Những con tôm trong tranh của ông sống động như thật chỉ với vài nét vẽ, điều này khiến mọi người khi thưởng lãm phải trầm trồ ngợi khen.

Điều làm nên tên tuổi của Tề Bạch Thạch chính là ông đã tạo ra rất nhiều bức tranh đáng kinh ngạc bởi cảm xúc tinh tế của mình. Lúc còn sống, danh họa họ Tề từng thừa nhận ông có đời sống tình cảm cá nhân phong phú, yêu nhiều phụ nữ trong đời nhưng chỉ kết hôn với hai người. Ông từng có ý định gắn bó lâu dài với một người con gái nữa tên là Thục Hoa nhưng vợ cả bảo: “Ông đã ngoài 70, mà con bé (tức Thục Hoa) mới 18. Vậy ông định làm gì?”. Nghe lời vợ, Tề Bạch Thạch chấm dứt tình cảm với Thục Hoa, rồi cảm thán: “Cũng bởi trong nhà có bà hổ”.

 Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường ArtPrice (Pháp), Tề Bạch Thạch xếp thứ ba toàn cầu trong danh sách họa sĩ có tác phẩm bán được nhiều tiền nhất, sau Andy Warhol và Picasso. Cuối năm 2017, bức tranh sơn thủy vẽ năm 1925 của Tề Bạch Thạch được gõ búa ở mức 930 triệu nhân dân tệ (146 triệu USD), lập kỷ lục tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc đắt giá nhất.

 

DƯƠNG MINH LONG