Huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình trải dọc theo con sông Gianh hơn 100km, tính từ Cửa Gianh phía biển, ngược lên Thanh Lạng, Hương Lâm là những địa danh cuối cùng của huyện Tuyên Hóa tiếp giáp với nước bạn Lào. Nước sông Gianh bốn mùa trong vắt, nấu với chè xanh hái từ những triền đồi hai bên bờ sông thì quả là sóng sánh tựa mật ong. Còn mật ong rừng Tuyên Hóa là đặc sản nổi tiếng từ thời xa xưa. Nếu có dịp đi thuyền ngược dòng sông Gianh lên vùng Thuận Hóa, du khách sẽ được gặp những ngọn núi đá vươn ra giữa dòng sông như những vòm mái khổng lồ. Dưới vòm mái trông đến ngợp mắt, thót tim ấy, lủng lẳng vô số những bọng ong tự nhiên đã bao đời nay không ai đụng đến được. Khúc sông ở làng Thuận Hoan thuộc xã Thuận Hóa có một hòn núi đá có nhiều bọng ong đến mức được gọi là lèn Ong.

leftcenterrightdel
Sông Gianh đoạn chảy qua xã Thạch Hóa. 

Nhưng Tuyên Hóa không chỉ có “chè xanh, mật ngọt”. Trên dải đất dọc đôi bờ sông Gianh ở phía thượng nguồn này còn có nhiều di tích lịch sử-văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều danh lam thắng cảnh nức tiếng gần xa. Nếu được đầu tư và khai thác tốt, ngược dòng sông Gianh sẽ là một tuyến du lịch hết sức hấp dẫn và thú vị.

Vâng, ngược dòng sông Gianh là ngược dòng lịch sử trên con sông chia cắt đất nước thời Trịnh-Nguyễn phân tranh gần trọn hai thế kỷ 17 và 18. Đây là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, chảy qua 3 huyện và một thị xã; gồm hai huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn nằm ở đôi bờ Nam-Bắc phía hạ lưu và huyện Tuyên Hóa ở phía thượng nguồn. Tỉnh Quảng Bình có 8 làng văn vật nổi tiếng là “bát danh hương” thì có hai làng nằm bên bờ sông Gianh, đó là làng La Hà ở xã Quảng Văn thuộc thị xã Ba Đồn và làng Lệ Sơn thuộc xã Văn Hóa của huyện Tuyên Hóa. Cùng với truyền thống hiếu học và khoa bảng, làng Lệ Sơn còn đẹp như một bức tranh tả thực với hậu cảnh là 99 ngọn núi đá vôi hùng vĩ của dãy Trường Sơn, tiền cảnh là dòng sông Gianh dạt dào vỗ sóng, thật là “sơn thủy hữu tình”. Từ làng Lệ Sơn tiếp tục ngược dòng sông Gianh chừng dăm cây số là cả một vùng trên bến dưới thuyền tấp nập; bên bờ Bắc là xã Tiến Hóa, quê hương của đề đốc Lê Trực, một lãnh binh của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19. Khu mộ và đền thờ của ngài tại quê nhà đã được xếp hạng là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia; bên bờ Nam là hang Lệ Sơn, một kỳ quan nhân tạo trên tuyến đường sắt xuyên Việt, đồng thời là hậu cứ của Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tiếp tục ngược dòng sông Gianh chừng mươi cây số nữa là làng Minh Cầm, một ngôi làng đẹp như tên gọi. Làng nằm giữa hai con sông phụ lưu của sông Gianh là Rào Trổ và Rào Nậy. Rào Trổ ở phía Bắc, bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn, nơi có chiến khu Bu Lu Kịn của Liên khu 4 thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Xã Ngư Hóa nằm ở thượng nguồn Rào Trổ, nơi có suối nước nóng được các nhà khoa học kết luận là có hàm lượng vi khoáng rất tốt cho việc điều trị một số bệnh về xương khớp. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa, thì gần đây đã có một vài đơn vị đến tìm hiểu, khảo sát, xây dựng đề án tiền khả thi về một khu du lịch sinh thái và chữa bệnh.

Từ làng Minh Cầm ngược dòng Rào Nậy là ngược về an toàn khu của tỉnh Quảng Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vùng đất này còn lưu giữ nhiều dấu tích của lịch sử kháng chiến, như: Hang Hung Bù ở xã Thạch Hóa là nơi thành lập Trường Trung học kháng chiến Phan Bội Châu, trường phổ thông bậc trung học đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Nhiều học sinh của trường Phan Bội Châu sau này trở thành những tướng lĩnh và nhà khoa học danh tiếng, như: Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Hoa Thịnh; Giáo sư, bác sĩ Trần Can; nhà giáo Hoàng Hữu Xứng, học giả Hoàng Thiếu Sơn... Phía bên kia bờ Bắc sông Gianh, đối diện với hang Hung Bù là xưởng quân giới Trần Táo, đặt trong hang xóm Niệt, hiện nay vẫn còn nhiều dấu tích. Phía trên xã Thạch Hóa là xã Đồng Hóa, nơi ra đời chi đội vũ trang Lê Trực vào ngày 12-9-1945, là đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên của LLVT tỉnh Quảng Bình, sau này phát triển thành Trung đoàn 18 anh hùng của Sư đoàn 325 nổi tiếng. Hồi đó, doanh trại của Chi đội Lê Trực cũng là trụ sở của tỉnh đội. Tại đây, ngày 24-12-1947, Ban hành chính tỉnh đội đã tổ chức một bữa cơm “tăng cường” làm tiệc cưới của Chính trị viên Đồng Sĩ Nguyên với cô y tá Nguyễn Thị Ngọc Lan, có sự chứng kiến của Tỉnh đội trưởng Quản Ân và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Diệm...

Cùng với những di tích lịch sử trên đây, vùng Chiến khu Tuyên Hóa còn có hai địa điểm văn hóa độc đáo. Sinh thời, mỗi khi gặp anh em văn nghệ ở Tuyên Hóa, nhạc sĩ Trần Hoàn và nhà văn Văn Linh thường hào hứng kể về những năm tháng công tác ở đây. Bài hát "Sơn nữ ca" đi cùng năm tháng, gần tám chục năm nay đã được nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác ở làng Thuận Hoan, thuộc xã Thuận Hóa. Tiểu thuyết "Mùa hoa dẻ" được nhà văn Văn Linh hoàn thành ở Chợ Gát thuộc xã Đức Hóa. Bên bến đò Chợ Gát có lèn Tiên Giới lung linh soi bóng xuống dòng sông, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Dòng sông Gianh về đến Chợ Gát, gặp lèn Tiên Giới, khẽ khàng vòng qua Vịnh Thế để về làng Mã Thượng, tạo nên một Cồn Dâu trĩu trịt trái ngọt hoa thơm. Đây chính là bối cảnh của tiểu thuyết "Mùa hoa dẻ". Chiến khu Tuyên Hóa tiếp tục là cảm hứng sáng tạo trong nhiều tác phẩm sau này của nhiều thế hệ văn nhân, trong đó có ca khúc "Đường về Đồng Lê" của Trần Hoàn sáng tác năm 1980 và bộ tiểu thuyết 4 tập "Sông Gianh" của Văn Linh do NXB Thanh niên ấn hành năm 1999...

Ngoài những di tích lịch sử-văn hóa và những danh lam, thắng cảnh tiêu biểu trên đây, vùng đất Tuyên Hóa còn được mệnh danh là “miền gái đẹp” của tỉnh Quảng Bình. Gần đây nhất là người đẹp Phạm Ngọc Phương Anh, quê ở làng Lệ Sơn, sinh năm 1998, là Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2020 và là đại diện của Việt Nam tại Hoa hậu Quốc tế năm 2022. Trước đó, cô từng đoạt danh hiệu Hoa khôi Nữ sinh Áo dài năm 2015. Giải thích về “miền gái đẹp”, nhiều người nói rằng đó là nhờ nguồn nước sông Gianh. Lại có ý kiến cho rằng sau khi phong trào Cần Vương bị đàn áp dã man, căn cứ Sơn Phòng của vua Hàm Nghi ở thượng nguồn sông Gianh tan vỡ, nhà vua bị bắt, hàng nghìn cung tần mỹ nữ đã trà trộn vào các thôn xóm, bản làng vùng Tuyên Hóa và Minh Hóa, sống cuộc đời bình dân. Và những người đẹp ngày nay chính là hậu duệ của họ...

Những giải thích trên đây sai-đúng thế nào, chắc chắn phải cậy vào các nhà sử học và nhân chủng học cùng những ngành khoa học liên quan. Còn Tuyên Hóa có thật là “miền gái đẹp” hay không, xin mời du khách gần xa hãy ngược dòng sông Gianh thì khắc rõ!

 MAI ĐỨC TUYÊN