“Đứa con tinh thần” LifeBank

Temie Giwa-Tubosun sinh năm 1985 ở Ila Orangun thuộc bang Osun, Nigeria. Cô là con thứ tư trong gia đình có 6 người con. Năm 16 tuổi, Giwa-Tubosun sang Mỹ định cư cùng cha mẹ và học tại trường Trung học Osseo, bang Minnesota. Năm 2003, Giwa-Tubosun theo học tại trường Đại học Moorhead ở bang Minnesota, sau đó tiếp tục học thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey.

Năm 2009, khi vừa kết thúc năm đầu tiên học thạc sĩ, Giwa-Tubosun có kỳ thực tập tại Cơ quan Phát triển Quốc tế (DFID) ở Abuja, Nigeria. Đây là lần đầu tiên cô trở lại Nigeria sau 8 năm xa quê hương. Trong kỳ thực tập kéo dài 3 tháng, Giwa-Tubosun có dịp làm quen với một người mẹ nghèo tên là Aisha. Bất hạnh ập tới khi Aisha chuyển dạ sinh con nhưng phải phẫu thuật cấp cứu. Cuối cùng, bác sĩ chỉ cứu được mẹ mà không cứu được em bé. Ðiều đó khiến Giwa-Tubosun bị sốc đến nỗi cô đã giam mình trong khách sạn suốt 4 ngày.

leftcenterrightdel
Nhà sáng lập LifeBank Temie Giwa-Tubosun. Ảnh: Getty 

Cũng trong quá trình thực tập ở DFID, Giwa-Tubosun đã có cái nhìn trực diện về những vấn đề mà người dân ở các vùng nông thôn của Nigeria, đặc biệt là phụ nữ, phải đối mặt. Năm 2010, sau khi giành được học bổng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Giwa-Tubosun đã thực hiện nhiều dự án chăm sóc sức khỏe khác nhau ở Uganda và Mỹ. Vào năm 2012, cô đã tạo ra đột phá lớn khi thành lập tổ chức phi chính phủ One Percent Project với mục tiêu giáo dục người dân Nigeria về việc hiến máu và phân phối chúng tốt hơn trên cả nước.

Ý tưởng thành lập LifeBank bắt nguồn năm 2014, khi Giwa-Tubosun mang thai đứa con đầu lòng. Vào thời điểm đó, Giwa-Tubosun sống ở Lagos (Nigeria), trong khi bố mẹ cô đang sống tại Mỹ. Với mong muốn mẹ mình có mặt vào giây phút sinh nở, Giwa-Tubosun đã đến Mỹ để gặp bà. Khi mang thai được 30 tuần, cô được đưa đến bệnh viện để sinh mổ cấp cứu. May mắn, các bác sĩ ở Mỹ đã giúp cô sinh ra cậu bé Enafie an toàn vào đúng ngày Lễ Tình nhân (14-2). 

Sau ca sinh khó trên, Giwa-Tubosun đã nhận ra nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho sản phụ ở Nigeria. “Tôi nhận ra rằng, nguyên nhân cao nhất khiến phụ nữ tử vong sau sinh là băng huyết. Điều quan trọng nhất cần làm khi người mẹ bị xuất huyết là truyền lượng máu mà cô ấy đã mất trong quá trình sinh”, Giwa-Tubosun chia sẻ.

Theo một báo cáo của WHO, tình trạng sản phụ băng huyết sau sinh (chảy máu quá nhiều sau khi sinh con) chiếm 22% tổng số ca tử vong ở Nigeria và 14% trên toàn cầu. WHO cũng cho biết, khi bị mất 500ml máu mà không được tiếp máu kịp thời, sản phụ có thể tử vong trong vòng từ 20 phút đến 2 giờ. Ngược lại, nếu được truyền máu kịp thời, 8 trong số 10 phụ nữ bị băng huyết sau sinh sẽ có cơ hội sống sót. “Tôi nghĩ có thể giải quyết được vấn đề này. Chúng ta sẽ cứu các sản phụ bằng cách bảo đảm rằng có sẵn máu cho họ trong khi sinh”, Giwa-Tubosun khẳng định.

Với suy nghĩ đó, Giwa-Tubosun quyết định từ bỏ cơ hội kiếm được nhiều tiền và sống với “giấc mơ Mỹ” để quay trở về Nigeria thành lập công ty vận chuyển máu LifeBank. Công ty này nhanh chóng có tác động to lớn đến xã hội khi đã cứu sống hơn 40.000 người.

Vận chuyển máu cứu người

Giống như nhiều quốc gia khác, công tác huy động hiến máu ở Nigeria là một thành phần thiết yếu trong chuỗi cung ứng máu. Theo telegraph.co.uk, trước đây, việc tìm và chuyển máu đến cho bệnh nhân ở Lagos có thể mất vài giờ, đôi khi lên đến vài ngày. Khi thành lập LifeBank, Giwa-Tubosun dự tính chỉ phân phối máu từ phòng thí nghiệm đến bệnh viện, ưu tiên cho các sản phụ. Mục tiêu của LifeBank là cung cấp nguồn máu an toàn đến nơi đang cần trong vòng chưa đầy 45 phút bằng xe đạp, thuyền, xe ba bánh và cả máy bay không người lái. Để thực hiện mục tiêu trên, LifeBank đã tận dụng công nghệ để thu thập dữ liệu tồn kho từ các ngân hàng máu và cung cấp máu đã được các phòng thí nghiệm sàng lọc cho các bệnh viện theo yêu cầu. 

Cụ thể, thông qua một dự án hợp tác với Google Nigeria, LifeBank phối hợp với Google Map cho ra đời một ứng dụng trên điện thoại di động, dựng lên một bản đồ kết nối giữa bác sĩ, ngân hàng máu, bệnh viện và người vận chuyển. “Mỗi lần có đơn hàng, đội chăm sóc khách hàng của LifeBank sẽ liên hệ với chúng tôi, cung cấp địa chỉ lấy máu và đưa đến nơi cần. Google Maps cũng hiện tuyến đường dẫn tới địa chỉ nhận”, Kalu-một nhân viên vận chuyển máu cho LifeBank giải thích.

Đánh giá vai trò vận chuyển máu kỹ thuật số này, người sáng lập LifeBank Giwa-Tubosun khẳng định: “Nếu không có công nghệ như Google Maps, chúng tôi sẽ mãi lạc hậu. Từ lâu, tôi đã biết rằng, những người hiến máu luôn có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng”.

Hiện nay, ngoài máu, LifeBank còn phân phối, cung ứng các sản phẩm quan trọng khác như bình ô-xy, huyết tương, máy chiếu đèn cho trẻ sơ sinh, găng tay và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế, vaccine... đến các bệnh viện. Từ năm 2016 đến nay, công ty đã vận chuyển 155.569 đơn vị máu và các sản phẩm y tế khác, phục vụ 1.200 bệnh viện và cứu sống hơn 40.000 người. Theo Giwa-Tubosun, công ty hiện làm việc với hơn 150 ngân hàng máu và có 142 nhân viên.

Thách thức lớn nhất của LifeBank là phải giao hàng trong vòng 45 phút ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa của Nigeria. “Công ty có thể cung cấp máu theo yêu cầu 24/7 ở 8 bang của Nigeria. Tuy nhiên, để giao hàng nhanh nhất ở khu vực xa trung tâm là rất khó khăn bởi cơ sở hạ tầng của Nigeria còn nhiều khó khăn”, Giwa-Tubosun cho hay.

Ngoài những khó khăn liên quan đến công việc kinh doanh, Giwa-Tubosun còn phải đối mặt với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ở Nigeria. “Chúng ta đang sống trong một thế giới gia trưởng, nơi mọi người mong đợi sự lãnh đạo từ nam giới. Ở Nigeria, nhiều người không muốn phụ nữ nắm giữ các vị trí cao trong xã hội, nhất là phụ nữ trẻ. Nhưng tôi thích làm những điều khó khăn. Tôi từng sống và làm việc ở Nigeria và châu Âu, tôi biết mình đang đứng ở đâu”, Giwa-Tubosun nhấn mạnh, cô không cố gắng để trở thành một nhà lãnh đạo. Cô làm tất cả vì đam mê và muốn truyền cảm hứng cho những người cùng chung chí hướng. Với cô, phụ nữ lãnh đạo tốt nhất là bằng trí tuệ và sự bình tĩnh là vô giá.

Công việc của Giwa-Tubosun đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các chính khách, doanh nhân toàn cầu. Giwa-Tubosun từng phát biểu trên các nền tảng có ảnh hưởng, chẳng hạn như TedxEustonSalon, về tầm nhìn của mình trong việc giải quyết tình trạng thiếu máu ở châu Phi. Doanh nhân người Nigeria đã giành được một số giải thưởng nhờ công việc cứu người của mình. Cô đã được trao giải thưởng Anh hùng Doanh nghiệp châu Phi của Quỹ Jack Ma vào năm 2019 với phần thưởng 250.000USD, giải thưởng Công dân Toàn cầu năm 2020. Tháng 3-2022, tại lễ trao giải Cartier Impact Awards ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), Giwa-Tubosun đã giành vị trí đầu tiên trong hạng mục “Cải thiện cuộc sống”. Ngoài ra, nữ doanh nhân này còn được vinh danh là một trong 100 phụ nữ truyền cảm hứng nhất ở Nigeria năm 2017; là một trong danh sách 100 phụ nữ của BBC và là một trong 6 doanh nhân thể hiện vai trò tích cực của phụ nữ trong việc tạo cơ hội và chuẩn bị cho khu vực châu Phi bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư"...

Với nỗ lực vì tương lai của bà mẹ và trẻ em, Giwa-Tubosun mong muốn mở rộng các chi nhánh của LifeBank ở khắp châu Phi. Cô bày tỏ: “Nếu bạn thúc đẩy tôi, tôi sẽ nói với bạn rằng tôi muốn mở rộng hoạt động của LifeBank ở Nam Mỹ, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Mỹ và cuối cùng trở thành một doanh nghiệp toàn cầu”.

MINH NGỌC