Muốn thành công, không bỏ cuộc

Không sinh ra ở “vạch đích” như nhiều giám đốc điều hành (CEO) khác trong lĩnh vực công nghệ, Sundar Pichai sinh ra và lớn lên trong một gia đình sống ở Ashok Nagar, Chennai (Ấn Độ). Tiềm năng của Pichai được phát hiện từ khá sớm khi gia đình cậu mua chiếc máy điện thoại bàn đầu tiên. Cậu nhóc 12 tuổi Pichai có một trí nhớ tuyệt vời, có khả năng ghi nhớ tất cả số điện thoại mà cậu bấm. 

Sau khi tốt nghiệp đại học tại Ấn Độ, chàng sinh viên xuất sắc Pichai nhận được học bổng của Đại học Stanford và bay tới California (Mỹ). Sau đó, Pichai tiếp tục hoàn thành bằng thạc sĩ tại Đại học Pennsylvania trước khi làm cố vấn quản lý tại công ty McKinsey.

leftcenterrightdel

 Sundar Pichai, nhà lãnh đạo của Alphabet-công ty mẹ của Google và YouTube. Ảnh: Indiatoday.in

 

Hai năm sau, Pichai gia nhập Google với vai trò giám đốc sản phẩm. Trước hết, anh chịu trách nhiệm bảo đảm tạo ra một công cụ cho phép người sử dụng tìm kiếm từ một trình duyệt khác. Nhưng chàng kỹ sư trẻ lo lắng về sự phụ thuộc của công ty vào các đối thủ. Anh đã thuyết phục được những người sáng lập cho phép anh xây dựng trình duyệt Google Chrome và đã thành công.

Thành công đầu tiên này bảo đảm cho Pichai có sự hỗ trợ từ Larry Page và Sergey Brin-hai người đồng sáng lập gã khổng lồ Google. Được bổ nhiệm làm CEO Google vào năm 2015,  Pichai đã xác lập sự thống trị của công ty trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, đồng thời đầu tư vào phần cứng và trí tuệ nhân tạo (AI).

Vào năm 2019, hai nhà đồng sáng lập Google đã lùi lại một bước và giao cho Pichai chìa khóa đế chế của họ. Pichai trở thành ông chủ của Alphabet-công ty tập hợp Google, YouTube, Google Cloud... và cả Waymo (ô tô tự hành). Kể từ khi kỹ sư Pichai được bổ nhiệm, cổ phiếu Alphabet tăng vọt trên thị trường chứng khoán.

Có phong cách điềm tĩnh, khiêm tốn, CEO Pichai là một trong những ông chủ người Mỹ được trả lương cao nhất. Năm 2022, thù lao của ông đạt 226 triệu USD. “Chăm chỉ, tận tụy, không bỏ cuộc” là tôn chỉ của Pichai giúp ông vượt qua các thách thức để trở thành người “cưỡi” lên gã khổng lồ Google. Ông tin rằng, tất cả mọi người đều có thể đạt được thành công nếu giữ cho mình một thái độ tích cực, tập trung hướng tới mục tiêu.

Người dùng 20 điện thoại cùng lúc

Đối mặt với những tiến bộ đáng kinh ngạc mà Microsoft và đồng minh OpenAI đạt được trong lĩnh vực AI tạo sinh, ông chủ của Alphabet đã phản ứng thận trọng và sáng tạo theo cách riêng của mình.

Không phải ngẫu nhiên mà Microsoft và đồng minh OpenAI đã châm ngòi cho cuộc cách mạng AI bằng cách ra mắt ChatGPT vào tháng 11-2022 chứ không phải Google. Công nghệ mới này ẩn chứa yếu tố rủi ro, trong khi ông chủ Alphabet không có thói quen lao về phía trước mà không cân nhắc kỹ lưỡng các quyết định của mình.

Nhưng Google không thể đứng yên nhìn đối thủ cướp đi thị phần trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến-lĩnh vực chiếm hơn một nửa doanh thu của công ty. Google lập tức tăng tốc trong lĩnh vực AI tạo sinh và cuối năm 2023 đã tung ra Gemini-mô hình AI được cho là lớn nhất và tối ưu nhất của Google, có khả năng cạnh tranh với GPT-4 của Open AI.

Gemini có khả năng suy luận đa phương thức phức tạp. Với thiết kế linh hoạt, Gemini được tối ưu hóa với 3 kích cỡ khác nhau: Ultra, Pro và Nano để có thể hoạt động từ trung tâm dữ liệu đến thiết bị di động. CEO Pichai khẳng định, công ty đang thực hiện bước tiếp theo trên hành trình với Gemini. Kỷ nguyên mới của các mô hình này đại diện cho một trong những nỗ lực khoa học và kỹ thuật lớn nhất mà "gã khổng lồ" công nghệ thế giới đang thực hiện. “Tôi nghĩ công nghệ này có thể hữu ích cho nhiều người. Nhưng bạn phải sử dụng nó đúng cách và tôi vẫn lo ngại khi nghĩ rằng mọi người có thể tin cậy hoàn toàn vào nó”, CEO Alphabet chia sẻ với tạp chí Wired.

Là một người đam mê công nghệ nên việc ông Pichai sử dụng 20 chiếc điện thoại cùng một lúc cũng không phải là lạ. Theo trang hindustantimes.com, trong một cuộc phỏng vấn báo chí, CEO Pichai đã giải thích thói quen công nghệ này của mình. Theo ông, đây là một phần công việc vì ông cần thử nghiệm các thiết bị khác nhau để bảo đảm các sản phẩm của Google hoạt động tốt trên tất cả điện thoại. CEO Google cũng tiết lộ không thay đổi mật khẩu thường xuyên vì ông dựa vào xác thực hai yếu tố để tăng cường bảo mật. Điều này cho thấy, ông tin tưởng vào các phương pháp bảo mật hiện đại nhưng cũng cho rằng, người dùng cần phải có trách nhiệm với sự an toàn trực tuyến của chính mình.

Nhưng thói quen sử dụng công nghệ của ông Pichai không chỉ giới hạn ở bộ sưu tập điện thoại. Khi phóng viên hỏi về việc ông cho phép con cái dành bao nhiêu thời gian ngồi trước màn hình, CEO Pichai cho rằng điều quan trọng là đặt ra giới hạn cá nhân thay vì các quy tắc nghiêm ngặt. “Điều quan trọng là phải sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm nhưng cha mẹ không thể ép buộc điều này”, ông Pichai nhấn mạnh.

Một điểm khác biệt nữa giữa CEO Pichai và các CEO khác là ông luôn bắt đầu ngày mới với Techmeme-một trang web tổng hợp các tiêu đề tin tức công nghệ-thay vì các ấn phẩm chính thống. Được thành lập vào năm 2005, Techmeme tích lũy tin tức công nghệ bằng cách hiển thị các tiêu đề có tổng hợp bằng đoạn văn và nguồn các bài viết, giúp người dùng dễ dàng quét nhanh nhiều loại tin tức từ nguồn khác nhau, cung cấp cho họ bản tóm tắt kỹ lưỡng về những gì đang diễn ra trong ngành công nghệ mỗi ngày. “Người ta nói rằng bạn nên làm theo hành động của những người thành công nếu muốn thành công. Những quyết định của Pichai mang lại bài học sâu sắc mà bạn có thể áp dụng vào cuộc sống của chính mình”, trang mạng dnaindia.com viết.

MINH AN