2024 - năm “vượt cạn”

Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 ở mức 3,3%. Trong khi, con số Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là 3,2%. Ở cấp độ quốc gia, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn các nước phát triển khác, ở mức 2,4%. Lạm phát ở 38 quốc gia OECD ở cả 4 châu lục giảm xuống còn 3,8% nhờ các nước vẫn duy trì những chính sách tiền tệ thắt chặt.

Năm 2024, kinh tế thế giới chứng kiến hàng loạt biến động. Trong đó, đặc biệt là làn sóng nới lỏng tiền tệ lan ra toàn cầu. Mỹ, châu Âu lần đầu giảm lãi suất sau nhiều năm. Vào tháng 9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%). Đây là lần đầu tiên cơ quan này hạ lãi suất kể từ năm 2020. Động thái này đã được nhà đầu tư dự báo từ lâu, khi lạm phát tại Mỹ về sát mục tiêu 2% của Fed. Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được đánh giá đang hạ cánh “mềm”, tức là lạm phát hạ nhiệt nhưng kinh tế không rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất từ tháng 6, lần đầu tiên kể từ năm 2019. Tính đến cuối năm 2024, cơ quan này đã giảm lãi 4 lần và để ngỏ khả năng tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Nhiều nền kinh tế khác như Thụy Sĩ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng điều chỉnh lãi suất.

leftcenterrightdel

Chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo sẽ tạo ra nguy cơ đối đầu giữa các nền kinh tế lớn trong năm 2025. Ảnh: AP

 

 

Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới chứng tỏ sức ép từ lạm phát đã hạ nhiệt, sau nhiều năm trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng, mà không gây ra suy thoái toàn cầu. Vì thế, thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục ở Mỹ và châu Âu. Tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới-Forbes tuyên bố, đây là "một năm bội thu của giới siêu giàu" khi có thêm 141 tỷ phú mới gia nhập danh sách những người giàu có nhất.

Đánh giá chung của các chuyên gia và tổ chức kinh tế thế giới, nền kinh tế toàn cầu năm 2024 từng bước thoát khỏi vũng lầy trì trệ và lạm phát. Tuy nhiên, hình thái chính của kinh tế thế giới vẫn thể hiện rõ 3 đặc trưng lớn: Tăng trưởng chậm, nhạy cảm cao và thay đổi sâu sắc. Trong đó, nguyên nhân của tăng trưởng chậm bao gồm: Cú sốc nguồn cung kéo dài từ đại dịch Covid-19 chưa được giải quyết hoàn toàn, vấn đề già hóa dân số của các nền kinh tế chủ chốt, các rủi ro địa chính trị khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu không thể lập tức trở lại mức bình thường.

Năm 2025 - bất định

Năm 2024, dù nền kinh tế thế giới đã có những động thái lạc quan nhưng đó là hình ảnh của người mới ốm dậy sau cơn bệnh Covid-9. Sức đề kháng còn yếu và rất dễ bị gục ngã bởi các cơn gió ngược-những yếu tố rủi ro có thể đến trong năm 2025.

Yếu tố được đánh giá là rủi ro nhất đối với thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ là chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ở nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump, thuế quan được sử dụng như một công cụ chính sách, nhắm vào các quốc gia cụ thể, từ Trung Quốc, châu Âu, Canada và một số quốc gia khác. Vào tháng 10-2024, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế toàn diện từ 10 đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức.

Năm 2025, chính sách thương mại bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump dự báo sẽ tạo ra nguy cơ đối đầu giữa các nền kinh tế lớn. Hành động trả đũa từ Trung Quốc, châu Âu và các đối tác thương mại khác của Mỹ có thể gây tổn hại đến tăng trưởng và làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.

Yếu tố rủi ro thứ hai đến từ tình hình biến động địa chính trị. Các cuộc xung đột đều có thể ảnh hưởng đến chi phí năng lượng và thị trường hàng hóa, thương mại toàn cầu. Tại Trung Đông, các cuộc xung đột lan rộng có thể làm gia tăng tâm lý lo ngại trên thị trường dầu mỏ, đồng thời gây gián đoạn hoạt động vận tải qua Biển Đỏ-tuyến hàng hải quan trọng, chuyên chở khoảng 12-15% lượng hàng hóa toàn cầu. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đẩy kinh tế Nga ngày càng rời xa phương Tây và khiến giá khí đốt tại thị trường châu Âu tăng mạnh.

Điểm sáng lớn nhất của năm 2025 sẽ là tình hình lạm phát. Theo IMF, lạm phát toàn cầu đã dần được kiềm chế, dự kiến lùi từ mức 5,8% trong năm 2024 xuống 4,3% trong năm 2025. Việc lạm phát hạ nhiệt đã tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm qua và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2025. Sau 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, Fed đã phát đi tín hiệu sẽ có 2 lần cắt giảm nữa trong năm 2025, với tổng mức cắt giảm 0,5 điểm phần trăm. Tại châu Âu, ECB, sau 4 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, đưa lãi suất về mức 3%, có thể giảm xuống 2% vào giữa năm 2025. Một số chuyên gia thậm chí còn kỳ vọng lãi suất có thể giảm sâu hơn nữa nếu căng thẳng thương mại và các yếu tố bất ổn gia tăng. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng dự báo có thể thực hiện 4 đợt cắt giảm, đưa lãi suất chủ chốt về mức 3,75%.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của OECD, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 được dự báo đạt 3,4%, cao hơn mức 3,3% của năm 2024. Trong khi đó, các tổ chức khác tỏ ra thận trọng hơn do các yếu tố không chắc chắn. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ được giữ ổn định ở mức 3,2% trong năm 2025. S&P Global và Morgan Stanley đưa ra con số 3%, trong khi Goldman Sachs và Fitch Ratings lần lượt dự báo mức tăng trưởng 2,7% và 2,6%. Triển vọng này phản ánh những thách thức như lạm phát dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt, căng thẳng địa chính trị leo thang, đe dọa đến an ninh năng lượng và lương thực. Các nền kinh tế phát triển phải đối mặt với gánh nặng nợ công, dân số già hóa và sự thiếu hụt lao động. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ đầu tư công và sự phục hồi thương mại.

TRẦN LONG