Thẳng thắn mà nói, ông Barnier vốn không phải là một tên tuổi có uy tín cao trên chính trường Pháp. Con đường đi tới ghế Thủ tướng của ông đã rất chông gai và mệt mỏi. Như nhà báo Pháp Denis Hatchondo viết trên ấn phẩm Causeur, trong quá khứ, ít ai tin vào năng lực của ông Barnier và trong hiện tại thì lại càng ít người kỳ vọng vào ông này trên cương vị Thủ tướng (ngoại trừ đương kim Tổng thống Pháp). Thậm chí cựu Chủ tịch Nghị viện Lập pháp Pierre Mazeaud (nhiệm kỳ 2004-2007) từng quả quyết rằng, ông Barnier là “một người thất bại...”. Chính vì thế nên ông Barnier đã rất vất vả khi phải chèo chống con thuyền chính phủ trong những tháng vừa qua.

Không có gì lạ nếu ngay từ khi mới nhậm chức, ông Barnier đã bị chính giới Pháp nặng lời tấn công. Thực tế cho thấy, nội các của ông Barnier đã không làm được gì hay ho để giúp cho Điện Elysee trở nên vững vàng hơn như ông Macron đã kỳ vọng. Mọi sự còn trở nên khó khăn thêm khi chính Tổng thống Macron tháng 6 vừa qua đã tuyên bố giải tán Quốc hội sau việc Đảng Phục hưng của ông thất bại trong cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu mùa hè qua. Những đảng cánh hữu trong cuộc bầu cử đó đã giành được thế thượng phong không chỉ ở Pháp mà cả ở Áo, Bỉ và thậm chí cả ở Đức, quốc gia vốn vẫn sát cánh với Pháp trong việc gìn giữ dòng chủ lưu thân Ukraine ở châu Âu.

leftcenterrightdel

 Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4-12.

Ông Macron đã hy vọng rằng trong cuộc bầu cử Quốc hội mới, ông không chỉ duy trì được đa số ghế mà còn có thể gia tăng thêm sức mạnh cho Điện Elysee. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp ngày 30-6 đã lại mang tới đa số ghế cho phe cánh hữu đối lập. Có thể nhìn thấy rõ từ đó kết cục không thể khác cho Đảng Phục hưng và các đồng minh. Những đảng cực hữu và cực tả đang giữ đa số trong Quốc hội Pháp có nhiều quan điểm chính trị rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau nhưng lại nhất trí với nhau ở thái độ vô cùng thù nghịch với Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron. Và họ đã xây dựng một liên minh chống lại Điện Elysee. Bản thân ông Macron mới đây nhất cũng đã bắt buộc phải thừa nhận rằng, việc quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội sớm vào mùa hè vừa qua là một sai lầm, dẫn đến tình trạng “Quốc hội treo” khiến cho nội các của Thủ tướng Barnier rốt cuộc bị bãi nhiệm... Bất chấp ông Macron sẽ lựa chọn ai vào vị trí lãnh đạo nội các mới thì vị thủ tướng đó vẫn phải đối diện với một Quốc hội có đa số không ủng hộ Điện Elysee. Theo Hiến pháp Pháp, kỳ bầu cử Quốc hội mới sẽ không được tổ chức trong vòng hai năm nữa sau cuộc bầu cử cuối tháng 6 vừa qua.

Ở thời điểm hiện nay, nước Pháp vẫn đang tiếp tục phải loay hoay với gánh nợ nần khổng lồ và nạn thâm hụt tăng nhanh như bột nở. Nền kinh tế trong hai năm qua gần như không có tăng trưởng gì đáng kể. Mọi sự càng ngày càng gần với tình trạng quá mù ra mưa khi Điện Elysee của ông Macron rất kiên quyết ủng hộ Kiev trong khi ngay ở Washington cũng đang giảm đi ảnh hưởng của những chính trị gia thiên vị Ukraine theo kiểu Tổng thống Joe Biden... Điều này tất yếu sẽ thêm phần làm suy yếu ảnh hưởng chính trị của cá nhân ông Macron ở nước Pháp.

Theo nhận định của tờ The New York Times, trạng thái hiện nay trên chính trường Pháp sẽ dẫn đến một tình trạng hỗn độn ở xứ sở gà trống Gaulois, rất có thể sẽ làm lung lay vị thế của chính ông chủ điện Elysee. Chính Tổng thống Macron cũng phải công nhận rằng, các đảng cực hữu và cánh tả đã bắt tay nhau chặt chẽ trong một "mặt trận chống nền Cộng hòa" để tạo ra "một mớ hỗn độn" bằng cách lật đổ Thủ tướng Barnier. Tuy nhiên, các chính đảng đối lập ở Pháp lại có những cái nhìn khác. Bà Mathilde Panot, thủ lĩnh của đảng cực tả Nước Pháp bất khuất, đã nhiệt liệt chào mừng kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các của ông Barnier và nhấn mạnh trước các nhà báo: “Hôm nay là một ngày lịch sử... Hôm nay chúng tôi đã bảo vệ được nền dân chủ...”. Bà Panot cũng khẳng định: “Không phải chúng tôi có lỗi trong việc gây nên tình trạng hỗn độn mà lỗi đó thuộc về Emmanuel Macron bằng những hành động của mình trong suốt 7 năm qua...”. Và bà cũng đã lên tiếng kêu gọi ông Macron từ chức. Thủ lĩnh lực lượng cực hữu Marine Le Pen cũng tuyên bố với kênh truyền hình TF1 tối 4-12 rằng, bà không coi kết quả bầu cử bãi nhiệm nội các của Thủ tướng Barnier “là chiến thắng của mình”, nhưng nhấn mạnh “đã không thể có một quyết định khác”.

Theo số liệu công bố trên tờ Le Figaro của Odoxa-Backbone Consulting, hiện có tới 59% số người Pháp được hỏi ý kiến muốn ông Macron từ chức. Còn theo khảo sát của Harris cho đài RTL, con số này có thể lên tới 64%.

Cũng phải nói rằng, không phải lực lượng chính trị đối lập nào ở Pháp cũng nghĩ rằng ông Macron phải ngay lập tức từ chức. Thủ lĩnh Đảng Xã hội trong liên minh cánh tả, ông Olivier Faure cho rằng, ông không coi việc ông Macron từ chức là một cách giải quyết tốt cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

HỒNG THANH QUANG