Hơn hai năm qua, khí đốt đã tạo ra một nghịch lý hiếm có trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bất chấp diễn biến trên chiến trường, đường ống trung chuyển khí đốt trên lãnh thổ Ukraine vẫn là thứ bất khả xâm phạm bởi giá trị của nó đối với cả hai bên xung đột. Dù tên lửa, bom đạn liên tục trút xuống, dòng khí đốt trung chuyển qua Ukraine vẫn liên tục chảy, mỗi năm đem lại cho Nga nguồn thu lớn gần 5 tỷ USD. Ukraine cũng kiếm lời khoảng 800 triệu USD/năm từ phí trung chuyển mà Nga phải trả.
Kể từ khi đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod được xây dựng từ thời Liên Xô hoàn thành, nó trở thành tuyến vận chuyển khí đốt chiến lược từ các mỏ ở vùng Siberia của Nga tới châu Âu. Đây là một trong những hành lang năng lượng quan trọng nhất của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, chiếm phần lớn trong nguồn thu xuất khẩu của nước này. Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát năm 2022, cùng với các tuyến đường ống Nord Stream dưới biển Baltic ở phía Bắc và TurkStream chạy dọc theo đáy Biển Đen ở phía Nam, đường ống qua Ukraine giúp Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), chiếm hơn 40% thị phần khí đốt nhập khẩu của khu vực này. Vào thời cao điểm những năm 2018-2019, lưu lượng khí đốt của Nga đến châu Âu đạt tới 175-180 tỷ m3/năm.
|
|
Nhân viên làm việc tại một nhà máy phân phối khí đốt của công ty năng lượng Moldovatransgaz tại Chisinau, Moldova. Ảnh: Reuters
|
Việc Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga từ đầu năm 2025, tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt lâu đời nhất của Nga chính thức ngừng hoạt động sau gần nửa thế kỷ tồn tại. Sự kiện này chắc chắn sẽ tác động đến thị trường khí đốt châu Âu. Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã cảnh báo rằng quyết định của Ukraine có thể khiến EU phải trả thêm khoảng 120 tỷ euro phí năng lượng trong 2 năm tới, làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế của khối. Trước mắt, dòng khí đốt từ Nga ngừng chảy ngay lập tức khiến khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nước láng giềng Ukraine, phải cắt nguồn cung cấp sưởi ấm và nước nóng cho các hộ gia đình. Người dân buộc phải giữ ấm bằng cách mặc nhiều áo, treo chăn hoặc rèm dày che cửa sổ và ban công.
Hai quốc gia thành viên EU phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt của Nga là Slovakia và Hungary thì lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Theo ước tính, Slovakia sẽ phải trả thêm khoảng 90 triệu euro (93 triệu USD) mỗi năm khi chuyển sang các nguồn nhập khẩu khác. Tranh cãi giữa Slovakia và Ukraine thậm chí còn biến thành xung đột ngoại giao căng thẳng khi Thủ tướng Robert Fico đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine để trả đũa việc Ukraine không gia hạn thỏa thuận khí đốt. Slovakia hiện chiếm khoảng 19% lượng điện nhập khẩu của Ukraine. Nếu nguồn cung này bị cắt, Ukraine sẽ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt hơn, nhất là trong bối cảnh nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này đã bị phá hủy trong cuộc xung đột với Nga.
Với châu Âu, quyết định khóa van khí đốt của Ukraine được coi là bước tiến nữa trong chính sách của EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, EU đặt ra mục tiêu ngừng nhập khí đốt của Nga từ năm 2027. Dưới các lệnh cấm vận của EU, thị phần khí đốt qua đường ống từ Nga đã giảm từ hơn 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 14% vào năm 2023. Nhưng thực tế cho thấy cai hẳn “bầu sữa” khí đốt của Nga không phải là điều dễ dàng.
Để có nguồn thay thế, châu Âu phải nhập khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, so với khí đốt được vận chuyển qua đường ống của Nga, giá LNG đắt hơn nhiều. Hiện giá LNG ở châu Âu đắt gấp 4 lần so với ở Mỹ khiến nhiều thành viên EU lao đao. Ở Đức, giá năng lượng đã tăng vọt, vượt quá khả năng chi trả của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng. Hệ quả là làn sóng phá sản và đóng cửa bùng phát, đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vào suy thoái từ năm 2023 đến nay.
Chính vì thế, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của EU, dòng khí đốt của Nga vẫn len lỏi sang châu Âu. Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 của châu Âu, chỉ sau Na Uy (30%) và Mỹ (19%). Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11-2024, Nga đã xuất khẩu hơn 50 tỷ mét khối khí đốt đường ống và LNG sang các nước châu Âu, tăng 18-20% so với cùng kỳ năm 2023. Những khách hàng chính bao gồm: Áo, Slovakia và Hungary. Ngoài ra, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ và Hà Lan vẫn nhập khẩu LNG của Nga bằng tàu chở dầu.
Thêm vào đó, không phải ai cũng đồng tình với chính sách từ bỏ khí đốt của Nga. Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 2 phát sóng vào đầu tháng 12, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai chỉ trích những người kế nhiệm vì từ bỏ khí đốt Nga. Theo bà Angela Merkel, việc mua khí đốt từ Nga “là một tình huống đôi bên cùng có lợi” cho cả hai quốc gia, vì Berlin có thể có được mặt hàng rất cần thiết này “với mức giá ưu đãi”, trong khi “giá cả tăng vọt” sau khi Đức từ bỏ nguồn cung cấp của Nga.
Không ai biết chiếc van khí đốt Ukraine sẽ đóng lại vĩnh viễn hay chỉ tạm thời khi cuộc xung đột Nga-Ukraine còn tiếp diễn. Nhưng có điều chắc chắn rằng dòng khí đốt giá rẻ của Nga vẫn có một sức hút khó cưỡng.
TƯỜNG LINH