Quyết định táo bạo

“Cột mốc số 0” là địa điểm xây dựng Dinh Tổng thống mới trong siêu dự án dời đô của Tổng thống Widodo. Vì lẽ đó, trong khuôn khổ chuyến thăm tỉnh Đông Kalimantan mới đây, ông Widodo và thống đốc 34 tỉnh của Indonesia đã thực hiện nghi lễ truyền thống mang tên “Kendi Nusantara”. Theo đó, mỗi thống đốc mang theo 1 lít nước và 2kg đất lấy từ tỉnh nhà, sau đó hòa quyện chúng trong một chiếc bình lớn đặt ở “Cột mốc số 0”. Sự hợp nhất này được coi là biểu tượng cho sự thống nhất và đa dạng của Indonesia.

leftcenterrightdel

Tổng thống Joko Widodo cắm trại nghỉ qua đêm tại “Cột mốc số 0” hôm 15-3 vừa qua. Ảnh: AFP

 

 

Kế hoạch chuyển thủ đô Jakarta khỏi đảo Java đông dân nhất đất nước được Chính phủ Indonesia lần đầu tiên công bố vào tháng 4-2019. Ngày 16-8-2019, Tổng thống Widodo công bố hai khu vực hành chính Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara (thuộc tỉnh Đông Kalimantan) được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới của nước này. Ông Widodo nhấn mạnh, đây là một quyết định táo bạo nhưng không thể khác được khi mà thủ đô Jakarta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng cũng như ô nhiễm không khí.

Theo tờ The Jakarta Post, Jakarta từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập. Thủ đô lớn hàng đầu thế giới này đang chìm dần vào nước biển và bị ô nhiễm không khí nặng do tắc nghẽn giao thông hằng ngày. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 4.000 người tử vong sớm tại thủ đô Jakarta và gây thiệt hại lên tới 1 tỷ USD mỗi năm. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, sau nhiều thập kỷ khai thác nước ngầm không kiểm soát, Jakarta cũng đang phải đối mặt với tình trạng sụt lún đất lớn khi một số khu vực ở phía bắc thành phố đã nằm dưới mực nước biển. Bên cạnh đó, dịch vụ cung cấp nước sạch không đáp ứng đủ cho người dân thủ đô. Hiện hệ thống cung cấp nước sạch mới chỉ bao phủ 64% dân số thủ đô Jakarta với công suất hơn 20.000 lít/giây phục vụ cho hơn 900.000 hộ gia đình. 

Nghiên cứu trắc địa do Viện Công nghệ Bandung (ITB) tiến hành mới đây cũng cho thấy, khoảng 9.000ha (chiếm 14% diện tích đất của Jakarta) hiện nằm dưới mực nước biển. Nếu không được kiểm soát, 28% diện tích của Jakarta sẽ chìm dưới mực nước biển vào năm 2050 do sụt lún đất và mực nước biển dâng, trong đó, một số khu vực của thủ đô có thể ngập sâu tới 4m. Theo IBT, tốc độ sụt lún đất hiện tại ở khu vực thủ đô Jakarta dao động từ 1 đến 10cm/năm.

Với những lý do trên, di dời thủ đô là việc làm cấp thiết đối với Chính phủ Indonesia hiện nay. Nhà lãnh đạo Widodo cho rằng, thủ đô không chỉ là biểu tượng mà còn đại diện cho sự tiến bộ của quốc gia. Việc di dời thủ đô cũng nhằm mục đích xây dựng công bằng xã hội và công bằng kinh tế ở Indonesia.

Trước quốc gia vạn đảo, một số nước Đông Nam Á đã dời thủ đô thành công. Cụ thể, năm 2005, Myanmar dời thủ đô từ Yangon về Naypyidaw. Từ khoảng năm 2012, nhiều cơ quan cấp bộ dời Kuala Lumpur về thủ đô hành chính mới Putrajaya của Malaysia.

Khát vọng về một thủ đô thông minh

Cơ quan kế hoạch phát triển quốc gia (Bappenas) là đơn vị được Tổng thống Widodo giao nhiệm vụ chuẩn bị và lập dự án dời thủ đô kể từ năm 2017. Theo người đứng đầu Bappenas, ông Suharso Monoarfa, siêu dự án trên có chi phí ước tính 33 tỷ USD và dự kiến sẽ huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Lộ trình của dự án ban đầu được xây dựng theo 5 giai đoạn. Cụ thể: Cuối năm 2019, hoàn thành các nghiên cứu sơ bộ, bao gồm cả nghiên cứu tác động môi trường; đến giữa năm 2020, hoàn thành quy hoạch tổng thể đô thị, kêu gọi đấu thầu ở trong nước và nước ngoài; đến năm 2021, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các nghiên cứu kỹ thuật; đến cuối năm 2024, hoàn thành xây dựng khu trung tâm và khánh thành thủ đô với số lượng công chức từ 600.000 đến 1,5 triệu người, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản như giao thông, nước, vệ sinh, năng lượng... Từ năm 2025 đến 2045 sẽ tiến hành hai giai đoạn mở rộng thủ đô.

Việc lựa chọn Đông Kalimantan là thủ đô mới được Tổng thống Widodo lý giải là bởi vùng đất này có sẵn nguồn nước dồi dào và không bị ô nhiễm môi trường. Nơi đây ít xảy ra thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần, lũ lụt, lở đất hoặc cháy rừng... Với diện tích khoảng 127.000km2, Đông Kalimantan là nơi sinh sống của hơn 3,7 triệu người, chỉ chiếm 5,8% dân số cả nước và đóng góp 8,2% cho nền kinh tế quốc gia. Do đó, việc dời đô tới Đông Kalimantan được kỳ vọng sẽ giảm thiểu khoảng cách thu nhập giữa khu vực đông dân nhất Indonesia và các khu vực khác.

Ngoài ra, Đông Kalimantan đang có sẵn hệ thống cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển... là những điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng thủ đô mới. Một yếu tố quan trọng khác là Chính phủ Indonesia có 180.000ha đất sở hữu nhà nước ở khu vực này, do đó sẽ giảm gánh nặng trong việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng...

Khi trở thành thủ đô mới, Đông Kalimantan sẽ đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta-thủ đô hiện tại và là nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân-vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính của Indonesia. Mục tiêu của Chính phủ Indonesia là xây dựng thủ đô mới trở thành một thành phố thông minh, xanh, hấp dẫn và bền vững. Do đó, thủ đô mới sẽ là “thành phố 10 phút”, tức là có thể đi vòng quanh thành phố chỉ trong 10 phút. Thủ đô mới cũng được xây dựng với các công nghệ thân thiện môi trường với nguồn năng lượng chính từ thủy điện trên sông Kayan. Tổng thống Widodo đã yêu cầu các cơ quan hữu quan tăng diện tích cây xanh thay vì diện tích xây dựng các công trình. Cụ thể, trong 256.000ha, khoảng 50.000ha sẽ được sử dụng để xây dựng và hơn 200.000ha còn lại sẽ được giữ lại để trồng rừng.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2021 với việc xây dựng các tòa nhà của chính phủ, nâng cấp sân bay, cảng biển, giao thông tại khu vực rừng được sử dụng để chuyển đổi thành một thành phố thông minh mới. Đến năm 2024, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Widodo, các công chức sẽ bắt đầu chuyển đến làm việc tại thủ đô mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, tháng 8-2020, Indonesia quyết định tạm hoãn triển khai dự án chuyển thủ đô.

Dự án chỉ được khởi động lại vào đầu năm 2022 khi tình hình dịch Covid-19 ở Indonesia dần được kiểm soát. Trong một cuộc họp, Tổng thống Widodo công bố tên của thủ đô mới là "Nusantara" (có nghĩa là “Quần đảo”). Ông Widodo nhấn mạnh, tên gọi này đã nổi tiếng từ lâu, "mang tính biểu tượng quốc tế, dễ nhớ, dễ đọc và mô tả đặc thù địa hình là quần đảo của nước Cộng hòa Indonesia”.

Ngày 19-1-2022, Quốc hội Indonesia đã thông qua Luật Thủ đô mới, quy định cách thức quản lý và cấp ngân sách nhằm phát triển thủ đô mới. Theo đó, Nusantara sẽ được quản lý như một khu tự trị trên cơ sở Hiến pháp nhằm tạo thuận lợi cho quá trình phát triển tương lai. Người đứng đầu chính quyền Nusantara sẽ mang hàm bộ trưởng nội các. Ngoài ra, thủ đô mới cũng sẽ được trao các quyền hạn rộng rãi để thực thi các nhiệm vụ, đồng thời linh hoạt trong việc quản lý địa phương mà không có sự can thiệp hoặc xung đột từ các bộ hoặc cơ quan chính phủ cũng như một số quy định khác. Giới phân tích cho rằng, Luật Thủ đô mới sẽ là khung pháp lý để Tổng thống Widodo hiện thực hóa dự án chuyển thủ đô đầy tham vọng của mình. Theo dự tính của Bappenas, công tác di dời dự kiến bắt đầu vào năm 2024 và sẽ kéo dài 15-20 năm.

Siêu dự án trên của Tổng thống Widodo đến nay đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, dự án di dời thủ đô cần phải tính đến tính hòa nhập và các quyền cơ bản liên quan đến đất đai, kinh doanh và cơ hội làm việc của người dân bản địa. Bên cạnh đó, Indonesia cần xem xét sửa đổi Hiến pháp năm 1945, đặc biệt là việc bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc quy định nguyên tắc chính sách nhà nước, bảo đảm tổng thống kế nhiệm sẽ tiếp tục các chương trình quốc gia của người tiền nhiệm. Điều này nhằm mục đích bảo đảm tính liên tục của kế hoạch phát triển thủ đô quốc gia mới.

MINH ANH