Khởi nghiệp từ đam mê

Sinh ngày 14-3-1995 ở Newport Beach, bang California (Mỹ), Austin Russell được coi là thần đồng khi có trí nhớ siêu việt. “Tôi đã ghi nhớ bảng tuần hoàn hóa học khi chỉ khoảng 2 hay 3 tuổi. Tôi luôn bị ám ảnh bởi việc học một số thứ nhất định, chỉ học một cách độc lập và hiểu nhiều loại lĩnh vực khoa học mới”, Russell từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC.

Và khi ở tuổi từ 10 đến 11, Russell đã biết viết phần mềm. Cậu từng lập trình firmware (phần lõi) cho thiết bị chơi game cầm tay. Đến năm 13 tuổi, Russell tiếp tục khiến mọi người thực sự ấn tượng khi đăng ký bằng sáng chế đầu tiên cho hệ thống tái chế nước ngầm để tái sử dụng nước từ các vòi phun. Sau đó, Russell tham gia vào các hoạt động nghiên cứu tại Viện laser Irvine Beckman thuộc Đại học California. Năm 2012, khi đang là sinh viên ngành Vật lý tại Đại học Stanford, Russell tuyên bố bản thân đã học được hầu hết kiến thức trên thế giới và quyết định nghỉ học vào năm sau.

leftcenterrightdel

Tỷ phú công nghệ Austin Russell. Ảnh: time.com 

Vừa rời ghế nhà trường, may mắn đến ngay với Russell khi anh giành được học bổng Thiel trị giá 100.000USD của tỷ phú công nghệ Peter Thiel. Với sự giúp đỡ của một người thầy, Russell đã sử dụng số tiền trên để thành lập công ty khởi nghiệp công nghệ Luminar Technologies có trụ sở tại Orlando, bang Florida (Mỹ) chuyên sản xuất các cảm biến laser giúp xe tự lái phát hiện vật thể ở gần. Russell nói: “Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ rất sớm. Khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi đã biến nhà để xe của bố mẹ thành phòng thí nghiệm quang học và điện tử. Tôi đã nhận thấy cơ hội nếu xây dựng thành công các loại hệ thống quang học mới từ sớm”.

Trong một buổi phỏng vấn báo chí, Russell cho biết, số tiền 100.000USD chỉ là bước khởi đầu. Tiềm năng của Luminar đã giúp công ty huy động được hơn 250 triệu USD từ các nhà đầu tư khác sau đó, gồm The Westle Group, Canvas Ventures, Moore Capital, 1517 Fund, GVA Capital, Invariantes Fund và Corning.

Theo Tạp chí Times, Luminar sử dụng công nghệ Lidar (viết tắt của cụm từ “light detect and range”) chạy bằng tia laser, để tạo bản đồ 3D về môi trường xung quanh ô tô trong thời gian thực. Công nghệ này nhằm giúp ô tô tự động phanh trước những hành động bất ngờ của những người tham gia giao thông khác. Russell cho biết thêm, không thể loại bỏ hoàn toàn các vụ tai nạn có thể xảy ra, nhưng nếu được áp dụng rộng rãi trên các phương tiện, công nghệ này có thể “cứu mạng sống hàng triệu người”.

Kiên trì nghiên cứu và phát triển, đến nay, Luminar được định vị là doanh nghiệp công nghệ ô tô đầu tiên cung cấp các tính năng tự động và an toàn thế hệ tiếp theo cho sản xuất ô tô, làm việc với các đối tác như Volvo Cars và Mercedes-Benz cho các dòng phương tiện tiêu dùng, Daimler Trucks cho dòng xe tải thương mại, và các đối tác công nghệ Nvidia, Mobileye của Intel.

Nhà đổi mới có tầm nhìn xa

Tháng 5-2023, Russell đã mua lại 82% cổ phần Forbes Global Media Holdings-công ty mẹ của một trong những tạp chí tài chính danh tiếng nhất thế giới là Forbes. Theo trang Fortune, hợp đồng giữa hai bên định giá công ty mẹ của Forbes ở mức gần 800 triệu USD. Số cổ phần thiểu số còn lại vẫn do Integrated Whale Media Investments của Hồng Kông (Trung Quốc) nắm giữ. 

“Trong suốt hơn 105 năm, đổi mới luôn là một phần của Forbes và điều đó giúp chúng tôi duy trì vị thế đi đầu... Tôi cho rằng, một nhà đổi mới thực sự và có tầm nhìn xa trông rộng như tỷ phú Austin Russell sẽ trở thành người quản lý mới cho thương hiệu”, Giám đốc điều hành Forbes Mike Federle khẳng định. Tuy nhiên, tỷ phú Russell không có kế hoạch tham gia vào hoạt động đưa tin tức và các hoạt động hằng ngày của Tạp chí Forbes. Thay vào đó, anh sẽ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng và theo đuổi các hoạt động từ thiện của mình trong doanh nghiệp.

Giải thích cho thành công trên, tỷ phú trẻ Russell cho biết phần lớn kiến thức của mình đến từ internet, chủ yếu là tự học qua Wikipedia, YouTube và các website học trực tuyến. Khác với những người trong độ tuổi 20, anh không có tài khoản mạng xã hội như Twitter hay Instagram. Bên cạnh việc tự học, tỷ phú trẻ Russell còn đam mê tìm tòi công nghệ mới...

Nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi của Russell mang lại cho anh nhiều danh hiệu quý. Năm 2021, Russell được vinh danh là tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới ở tuổi 25 khi sở hữu 104,7 triệu cổ phiếu trị giá 2,4 tỷ USD. Năm 2017, MIT Technology Review đã vinh danh Austin Russell là “Nhà sáng tạo dưới 35 tuổi” và vào năm 2018, Tạp chí Forbes đã ghi tên anh vào danh sách “30 nhân vật xuất sắc dưới 30 tuổi” (30 under 30) vì đã sáng lập và lãnh đạo Luminar. Năm 2021, tên của anh xuất hiện trong danh sách “40 under 40” của Tạp chí Fortune và vào năm 2022, Motor Trend xếp anh ở vị trí thứ 41 trong danh sách “Những người quyền lực năm 2022”. Mới đây, Russell được Forbes vinh danh là “Tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2023” ở tuổi 28. Hiện nay, giá trị tài sản ròng của Russell ước tính đạt 1,6 tỷ USD và công ty của anh hiện có mức vốn hóa thị trường là 2,59 tỷ USD.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Times gần đây, khi được hỏi về khoảng thời gian nào taxi tự lái sẽ thịnh hành, tỷ phú Russell cho rằng: Nhiều người thường đề cập đến năm 2030 taxi tự lái sẽ trở nên thông dụng, nhưng với tôi, đó là năm 2035. Và đến năm 2050, taxi tự lái sẽ phổ biến toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh: “Mục tiêu tổng thể đằng sau nỗ lực của chúng tôi tại Luminar là tầm nhìn 100 năm của công ty. Đó là cứu được 100 triệu sinh mạng và 100.000 tỷ giờ di chuyển trên đường trong 100 năm tới. Tôi nghĩ, đây sẽ là một trong những điều có tác động lớn nhất mà chúng ta có thể làm từ góc độ xã hội. Mọi việc chúng ta làm cuối cùng đều liên quan đến bức tranh lớn xoay quanh việc cứu mạng sống và tiết kiệm thời gian cho mọi người. Đó là ngôi sao phương Bắc mà chúng tôi đang tập trung vào”.

NGUYỄN HOÀNG LONG