Những thiệt hại tỷ đô

Chỉ tính trong vòng 3 năm trở lại đây, thiên tai đã gây ra những thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản trên phạm vi toàn thế giới.

Theo công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới Munich Re, các thảm họa thiên nhiên trong năm 2023 gây thiệt hại lên tới 250 tỷ USD, tương đương mức của năm 2022 và mức trung bình 5 năm trước đó, nhưng cao hơn con số trung bình trong dài hạn 10 năm và 30 năm. Trong số các vụ thiên tai, 3 cơn bão nhiệt đới gây thiệt hại hàng tỷ USD, gồm: Bão Ian và bão Fiona ở Đại Tây Dương, bão Nanmadol ở Tây Thái Bình Dương. Trong đó, ước tính thiệt hại của cơn bão Ian có thể lên tới 100 tỷ USD, khiến nó trở thành một trong 5 sự kiện thiên tai "đắt giá" nhất lịch sử thế giới.

leftcenterrightdel
 Bão Yagi gây ngập lụt ở Philippines. Ảnh: The Hindu

 

Năm 2023, riêng tại châu Âu, đã có hơn 47.000 người tử vong vì nắng nóng, trong đó, Hy Lạp, Bulgaria, Italia và Tây Ban Nha là những quốc gia có tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ cao nhất. Các cơn bão tại khu vực Bắc Mỹ gây thiệt hại 66 tỷ USD. Nghiêm trọng hơn, ngày 6-2, hai trận động đất liên tiếp trong vòng 12 tiếng xảy ra tại miền Trung và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như miền Bắc Syria. Hơn 50.000 người thiệt mạng vì thảm họa này. Hàng loạt tòa nhà, công trình bị phá hủy. Trận động đất không chỉ là cú đánh mạnh vào đời sống của hàng trăm nghìn người, mà còn khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại hơn 163 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi sau trận động đất kinh hoàng này.

Cũng trong năm 2023, vào tháng 9, tại Syria, lũ lụt đã làm hư hại khoảng 5.000 ngôi nhà, cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người và khiến 10.000 người mất tích. Vào tháng 5, hơn 250.000 người phải sơ tán do lũ lụt tại Somalia. Tháng 10, Myanmar đóng cửa hơn 200 trường học do lũ lụt. Tháng 11, Pháp tuyên bố tình trạng thiên tai tại 250 cộng đồng ở miền Bắc do lũ lụt...

Năm 2024, tính riêng trong tháng 9, tại Nepal, lũ lụt đã khiến 170 người thiệt mạng, 40 người mất tích. Các nhà máy thủy điện và công trình thủy lợi của Nepal bị hư hại nặng nề, thiệt hại hàng chục triệu USD. Chính phủ nước này đã chỉ thị đóng cửa tất cả các trường học trong 3 ngày để bảo đảm an toàn. Tại Mỹ, bão Helene đã khiến ít nhất 91 người thiệt mạng và hàng triệu người phải chịu cảnh mất điện. Theo Cơ quan xử lý tình huống khẩn cấp liên bang Mỹ, bão Helene đã gây thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng như hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc, đường sá, các tuyến giao thông quan trọng, nhà dân... Tại Mexico, hoàn lưu của bão John gây lũ lụt và lở đất khiến ít nhất 22 người thiệt mạng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo Chính phủ Trung Quốc, thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế hơn 12,8 tỷ USD. Đây là mức thiệt hại nghiêm trọng nhất về vật chất kể từ năm 2019. Thiên tai đã ảnh hưởng đến gần 32,4 triệu người dân, làm 322 người mất tích, tử vong; 23.000 ngôi nhà bị phá hủy, 856.000 người phải di dời khẩn cấp; gần 3,2 triệu héc-ta cây trồng bị ảnh hưởng.

Theo Báo cáo rủi ro thế giới năm 2024, trong số 193 quốc gia được xếp hạng, Philippines đứng ở vị trí đầu tiên. Đối với người dân nước này, bão lụt là chuyện thường ngày. Các quốc gia tiếp theo là Indonesia, Ấn Độ, Colombia và Mexico. Những quốc gia này bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên cực đoan xảy ra rất thường xuyên và có cường độ cao.

Cũng theo báo cáo này, trong số 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì thiên tai, có tới 8 quốc gia nằm ở châu Phi. 2 quốc gia còn lại, Afghanistan và Yemen, đã bị kiệt quệ vì chiến tranh trong nhiều thập kỷ. 10 quốc gia này đều có tỷ lệ nhân viên y tế và giường bệnh thấp, đồng nghĩa với việc nhiều người có khả năng tử vong hơn trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong dự báo thời tiết

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn, gây hậu quả tàn khốc hơn, công tác dự báo thời tiết trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Dự báo bão là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong ngành khí tượng học, giúp dự đoán các cơn bão và hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác, từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời. Để dự đoán bão một cách hiệu quả, nhiều công nghệ tiên tiến đã được áp dụng, mỗi công nghệ đều đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác về tình hình thời tiết.

Hiện tại, hầu hết quốc gia trên thế giới đều sử dụng cảm biến và thiết bị quan sát thời tiết. Đây là những công nghệ cơ bản và quan trọng nhất trong việc thu thập dữ liệu thời tiết, từ đó phán đoán những thay đổi trong tương lai gần. Các trạm khí tượng tự động có nhiệm vụ ghi nhận liên tục các thông số như độ ẩm, tốc độ gió, nhiệt độ và áp suất khí quyển, giúp các nhà khí tượng học theo dõi sự thay đổi thời tiết theo thời gian thực. Cùng đó, công nghệ vệ tinh đóng vai trò không thể thiếu trong việc giám sát các mẫu thời tiết toàn cầu. Các vệ tinh thời tiết cung cấp thông tin về nhiệt độ bề mặt biển, che phủ mây và độ ẩm trong khí quyển, hỗ trợ các nhà khí tượng học trong việc hiểu và dự đoán các hệ thống thời tiết quy mô lớn. Ngoài ra, còn các loại công nghệ cảm biến từ xa như: LiDAR và SODAR. LiDAR đo tương tác của ánh sáng để cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc và thành phần của khí quyển. SODAR sử dụng sóng âm để đo tốc độ gió, đặc biệt quan trọng trong việc theo dõi các sự kiện thời tiết nghiêm trọng.

Những thành tựu của ngành khí tượng đã giúp các quốc gia có những biện pháp phòng, chống bão hiệu quả hơn, giảm thiệt hại về người cũng như tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, bão lụt vẫn luôn là mối đe dọa đối với con người. Vì thế, các công nghệ dự báo thời tiết vẫn liên tục được phát triển. Trong đó, sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu thời tiết. AI và ML giúp nhận diện các mẫu dữ liệu phức tạp và dự đoán thời tiết một cách chính xác hơn bằng cách xử lý lượng dữ liệu lớn nhanh chóng. Tiên phong trong công nghệ này là Chương trình Lương thực thế giới (WFP). WFP đã hợp tác với các nhà khoa học đến từ Đại học Oxford (Anh) để phát triển một hệ thống dự báo thời tiết dựa trên AI và thử nghiệm tại vùng Sừng châu Phi-một trong những khu vực dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Hệ thống này có thể phát hiện hiệu quả các mô hình đám mây có liên quan chặt chẽ tới sự hình thành lốc xoáy, dông bão, mưa và gió lớn. Hệ thống cũng có thể dự báo đúng 64% các trường hợp thời tiết khắc nghiệt, vượt trội hơn so với các phương pháp phát hiện thời tiết cực đoan khác hiện có trong khu vực.

NGỌC MỸ