Công thức chống khủng hoảng

Trong các khu phố thời thượng ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, những cơ sở kinh doanh cà phê có thương hiệu như Rita, Posta, Franja... đang phát triển mạnh mẽ. Một biển hiệu có tên ngắn, rõ ràng kèm theo tờ thực đơn gồm vài loại cà phê như: Flat white, latte hay espresso cũng đủ để trở thành “cà phê đặc sản” của Buenos Aires.

Trong khoảng 3 năm qua, Argentina đã chứng kiến sự bùng nổ về “cà phê đặc sản”. Các cơ sở cung cấp đồ uống chất lượng cao hơn, từ hạt cà phê đến phương pháp rang hoặc đầu tư về máy móc. Xu hướng này nảy sinh khi các mốt ẩm thực bắt đầu ở khu thời trang và du lịch Palermo ở Buenos Aires, sau đó phổ biến toàn thành phố, trước khi lan sang phần còn lại của đất nước. “Có sự thay đổi về khẩu vị bởi vì văn hóa cà phê luôn tồn tại ở đây: Người Argentina thích gặp nhau bên ngoài để ăn nhẹ hoặc ăn sáng với bánh sừng bò và cà phê. Sở thích đó vẫn được duy trì nhưng người dân bắt đầu uống cà phê với chất lượng cao hơn”, nhân viên pha chế Ramsès Balzan nhận xét.

leftcenterrightdel
 Quán cà phê ở thủ đô Buenos Aires luôn đông khách.  Ảnh: buenosairesherald.com

 

Trước đây, thưởng thức ở Buenos Aires một cốc espresso-loại cà phê có vị đắng, đôi khi bị cháy và phải dùng quá nóng-đã khiến không ít du khách rùng mình. Trong một bài báo xuất bản năm 2019, phóng viên BBC của Anh cố gắng tìm hiểu “vì sao cà phê ở Buenos Aires-nơi được ví là thành phố của những loại cà phê ngon nhất-lại tệ đến thế”.

Giải đáp cho thắc mắc này, Carlos Cantini-tác giả blog Café Contado-giải thích: Ngay cả trong những “quán bar xa hoa”, được quảng cáo là “di sản văn hóa” nhờ kiến trúc hoặc lịch sử của quán thì bản thân cà phê chưa bao giờ quan trọng mà điều quan trọng là thực tế bạn có mặt trong không gian này. Đặc biệt, theo ông Carlos Cantini, trong số hàng triệu người Italy và Tây Ban Nha nhập cư đến Argentina từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 thì, chính người Tây Ban Nha đã áp đặt nền văn hóa cà phê “kém chất lượng” ở Buenos Aires. Hơn nữa, tại xứ sở cà phê như Argentina nhưng mức tiêu thụ bình quân đầu người chỉ ở mức 1kg/người/ năm, trong khi ở Liên minh châu Âu (EU) là 5kg/người/năm.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ ở Argentina, trong đó có sở thích thưởng thức cà phê của người dân quốc gia Nam Mỹ này. Sau khi kết thúc đợt phong tỏa dịch Covid-19 hồi tháng 9-2020, cà phê trở thành đồ uống phù hợp với lựa chọn “mang đi” ở Argentina.

Ở Buenos Aires, Cuervo là người tiên phong về cà phê đặc sản với quán đầu tiên khai trương vào năm 2017, sau đó lần lượt 3 cơ sở cùng tên được thành lập vào những năm tiếp theo. “Chúng tôi chuẩn bị cà phê với sự tập trung cao độ. Đối với một tách espresso, cần có 30ml nước và 18gram cà phê được cân bằng cân tiểu ly. Một tách espresso luôn ở nhiệt độ 70°C để giữ được tất cả hương vị...”, Eugenia Cuttat, người quản lý Cuervo cho biết. Với một tách espresso khoảng 900 peso (tương đương 26.000 đồng), đây là mức giá hoàn toàn hợp lý với người dân Argentina trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Rất nhạy bén với thị trường, hàng loạt quán cà phê đặc sản ra đời và nhanh chóng trở thành công thức chống khủng hoảng cho các doanh nhân. “Đầu tư vào quán cà phê không lớn. Chủ yếu là máy pha chế với loại rẻ nhất khoảng 2.000USD”, Nahuel Gutierrez-người đồng sáng lập ra cà phê đặc sản Ratio vào năm 2022 ở Buenos Aires, giải thích. 

“Chạy trốn” hướng tới tiêu dùng 

Argentina đang hứng chịu tình trạng lạm phát trầm trọng từ năm 2019 đến nay. Ngày 13-10, Ngân hàng trung ương Argentina đã tăng lãi suất chủ chốt 15 điểm phần trăm, lên 133%. Động thái này được đưa ra sau khi dữ liệu lạm phát tháng 9 được công bố hôm 12-10 cho thấy, giá cả đã tăng 138,3% so với một năm trước, tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, khi Argentina thoát khỏi tình hình siêu lạm phát. 

Tuy nhiên, điều bất bình thường là dù đang ở trong một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc nhưng người dân lại tiêu tiền xả láng, đổ xô đi ăn uống ở nhà hàng. Theo báo The New York Times của Mỹ, tỷ lệ lạm phát ở Argentina tăng cao, giá trị của đồng peso liên tục lao dốc vô hình trung thúc đẩy ngành ẩm thực ở Argentina. Người dân nước này muốn nhanh chóng tiêu hết sạch tiền càng nhanh càng tốt. Do đó, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ra ngoài ăn thường xuyên hơn. Và cũng bởi vậy, các chủ nhà hàng và đầu bếp đang chứng kiến doanh thu thăng hoa trở lại.

Santiago Manoukian, nhà kinh tế tại công ty tư vấn Ecolatina nhấn mạnh, sự bùng nổ của hoạt động dịch vụ nhà hàng diễn ra đối với mọi tầng lớp và đây là cách mà mọi tầng lớp làm để chi tiêu đồng peso trước khi tiếp tục bị mất giá. “Đối với tầng lớp trung lưu, những khoản chi tiêu như du lịch hay mua ô tô đã nằm ngoài khả năng. Do đó, họ đang “nuông chiều” bản thân theo những cách khác”, ông Santiago giải thích.

“Tôi không thể tiết kiệm, tôi phải giảm chi tiêu từ tháng này sang tháng khác. Vì vậy, tôi quyết định tận hưởng một trong những thú vui lớn nhất của cuộc đời. Đó là thưởng thức một ly latte, bánh chocolat hạt dẻ cười và một chiếc bánh tart dâu tây cùng với một người bạn trên sân thượng của quán cà phê thời thượng ở Buenos Aires”, Agustina Acri, 45 tuổi, chia sẻ. Còn chủ cửa hàng kim khí ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires thì cho rằng, những người theo chủ nghĩa hưởng thụ hay nản lòng khi phải tiết kiệm tiền trong khi đồng peso đang mất giá từng ngày. 

Mariano Vilches và Natalia Vela, một cặp vợ chồng cũng đi đến quyết định tương tự về việc tận hưởng cuộc sống nhiều nhất có thể, bất chấp những vấn đề về kinh tế. Còn Vela, một trợ lý phòng hành chính cho biết, vợ chồng cô không còn đủ tiền đi du lịch nhưng vẫn ăn ở nhà hàng 3 lần/tháng. Còn Vilches, 43 tuổi, một nhân viên môi giới bất động sản, chia sẻ: “Nhu cầu cơ bản cần phải được đáp ứng. Chúng tôi phải ăn mà không cần mua sắm thêm quần áo”.

Nằm trong danh sách “chạy trốn hướng tới tiêu dùng”, cà phê đặc sản đã chinh phục được nhóm khách hàng “đang tìm kiếm bong bóng hạnh phúc” trong thời kỳ bất ổn”. Mới đây, chủ một quán cà phê ở Argentina đã tìm ra một cách sáng tạo để thu hút khách hàng. Theo Reuters, chủ quán cà phê nói trên đã in tỷ giá USD lên mặt cốc cà phê. Đây còn là cách để thể hiện lạm phát đang tăng như thế nào một cách hài hước, giúp xả bớt stress cho người dân, đồng thời giúp họ cập nhật tỷ giá liên tục. Chủ quán này sử dụng một chiếc máy in đặc biệt, trước nay vẫn chỉ được dùng để in những hình ảnh theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, trong số những người “tìm kiếm bong bóng hạnh phúc trong thời kỳ bất ổn” không bao gồm người nghèo. Một thống kê cho thấy, khủng hoảng kinh tế và lạm phát đã khiến gần một nửa trong số 47 triệu dân của Argentina sống trong mức nghèo khổ, trong đó 2,6 triệu người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ. Do đó, để đưa Argentina ra khỏi khủng hoảng, ngoài việc đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao từ các nhà lãnh đạo, người dân cũng phải biết quản lý chi tiêu, hạn chế tích trữ đồng USD-một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao. Khi đó, thưởng thức một ly cà phê chắc chắn sẽ ngọt ngào hơn rất nhiều.

ĐĂNG HOÀNG