Màn ra mắt nhanh chóng

 Threads là ứng dụng mới nhất của Meta nhằm mục đích cách mạng hóa cách con người giao tiếp thông qua các nền tảng dựa trên văn bản. Được tạo như một nhánh của Instagram, Threads mang đến cho người dùng cơ hội tham gia vào các cuộc trò chuyện và kết nối với những người có ảnh hưởng theo một cách hoàn toàn mới.

Một trong những tính năng nổi bật của Threads là khả năng chứa nội dung dạng dài hơn. Người dùng có thể đăng văn bản tối đa 500 ký tự, giúp họ linh hoạt thể hiện bản thân chi tiết hơn giới hạn ký tự cho phép của Twitter. Bên cạnh văn bản, Threads cũng hỗ trợ chia sẻ ảnh, liên kết và video có thời lượng tối đa 5 phút. Người dùng có thể tương tác với các bài đăng này qua việc bấm nút "like", đăng lại hoặc trả lời, song không thể nhắn tin trực tiếp với tài khoản khác. 

leftcenterrightdel
 Sự ra đời của Threads tạo nên cuộc chiến giữa hai tỷ phú người Mỹ, Elon Musk và Mark Zuckerberg.  Ảnh: Getty

 

Điểm độc đáo của ứng dụng là logo của Threads thiết kế đơn giản, gồm một vòng tròn với một đường thẳng đứng chạy qua nó. Thoạt nhìn, logo trông giống kí tự “@”, nhưng nó không hẳn là “@”. Biểu tượng Threads là một phiên bản đơn giản hóa của chữ cái Tamil “ம”, mang lại vẻ ngoài hiện đại và rõ ràng.

Hiện ứng dụng Threads có sẵn trên App Store của Apple và Play Store của Google tại hơn 100 quốc gia. Sự kết hợp của các loại phương tiện đa dạng này làm cho Threads trở thành một nền tảng linh hoạt để người dùng chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm và sáng tạo của họ.

Thông báo về sự ra mắt của Threads thực sự gây ra một tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Nhiều nhân vật nổi tiếng thông báo họ đã đăng ký tham gia nền tảng này, như: Ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ Kim Kardashian, ngôi sao nhạc pop Jennifer Lopez, ca sĩ Shakira, đầu bếp Gordon Ramsay, thậm chí cả những chính trị gia nổi tiếng như Hạ nghị sĩ của Đảng Dân chủ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez. Các thương hiệu lớn cũng tham gia Threads như Spotify, Amazon, Netflix, Coca-Cola, Billboard, HBO, NPR và Netflix đã lập tức có tài khoản trên Threads chỉ vài phút sau khi ứng dụng được ra mắt. 

Theo thống kê của Meta, chỉ trong 7 giờ kể từ khi ra mắt vào ngày 5-7-2023, số người đăng ký sử dụng ứng dụng mới mang tên Threads đã lên tới 10 triệu. 11 giờ tiếp theo, Threads đã tạo nên “một cơn địa chấn” khi có hơn 30 triệu người tại hàng trăm quốc gia đăng ký sử dụng. Và chỉ 5 ngày sau khi trình làng, Threads đã ghi nhận 100 triệu lượt đăng ký tài khoản và "vượt mặt" ChatGPT của OpenAI trở thành nền tảng trực tuyến cán mốc 100 triệu lượt trong thời gian ngắn nhất.

Hiện tại, Threads có thể được truy cập ở khoảng 100 quốc gia, ngoại trừ EU. Nguyên nhân do Meta cảnh giác với quy định mới về các thị trường kỹ thuật số (DMA) với các quy tắc khó khăn cho những tập đoàn Internet lớn trên thế giới. Một trong những quy tắc đó là cấm chuyển dữ liệu cá nhân giữa một số ứng dụng có cùng một công ty mẹ, như trường hợp của Threads và Instagram. Threads vẫn chưa ấn định ngày ra mắt tại châu Âu.

Sự phấn khích nhất thời

 Việc ra mắt ứng dụng Threads cho thấy tham vọng của Meta, công ty mẹ của Facebook, nhằm soán ngôi đối thủ Twitter của tỷ phú Elon Musk. Theo Forbes, Threads thúc đẩy sự cạnh tranh giữa Elon Musk và Mark Zuckerberg với vị trí là những người giàu nhất và người giàu thứ bảy trên thế giới. Kể từ khi tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD hồi tháng 10-2022, “chú chim xanh” (biểu tượng của Twitter) đã vấp phải một số khó khăn trong việc giữ chân người dùng và các hãng quảng cáo lớn do chính sách kiểm duyệt nội dung cùng với một số quyết định khác liên quan đến nhân sự và cắt giảm chi phí. Đây được xem là một thời điểm thuận lợi để Meta tăng tốc nỗ lực cạnh tranh và tìm cách vượt mặt Twitter. "Người dùng Twitter rất muốn có một nền tảng MXH mới và tỷ phú Musk đã trao cho ông chủ của Meta-tỷ phú Mark Zuckerberg một sự khởi đầu cho mong muốn như vậy", nhà phân tích Jasmine Engberg từ cơ quan nghiên cứu Insider Intelligence nhận định.

Trong khi đó, Drew Benvie-Giám đốc điều hành Công ty tư vấn truyền thông xã hội Battenhall nhận định: “Threads sẽ là mối đe dọa lớn đối với Twitter vì nó nằm chung một nhóm ứng dụng Meta và Instagram. Instagram có 2 tỷ người dùng, trong khi Twitter chỉ có khoảng 250 triệu người. Nếu chỉ 1/10 người dùng Instagram nghĩ đến việc sử dụng Threads, ứng dụng này sẽ vượt qua Twitter trong nháy mắt”.

Tuy nhiên, cảm giác phấn khích khi ứng dụng mới ra mắt chỉ là nhất thời. Fabrice Epelboin, giảng viên Trường Đại học Science Po (Pháp) và là chuyên gia về MXH, nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến vài triệu người dùng Twitter chuyển sang dùng Threads nhưng phần lớn trong số họ sẽ quay lại Twitter. Chúng ta không ở trong tình trạng mà một công nghệ mới có thể thay thế một công nghệ khác. Những gì Twitter đã xây dựng được đòi hỏi nhiều năm đầu tư và cống hiến. Phải mất một thời gian rất dài để Threads đạt được từng đấy vốn xã hội”.

Những dự đoán trên hoàn toàn có cơ sở bởi chỉ chưa đầy một tháng sau khi được tung ra thị trường, MXH Threads dường như đang mất dần sức hút. Theo dữ liệu mới nhất của công ty thăm dò thị trường Sensor Tower, số người sử dụng nền tảng này hằng ngày giảm gần 70% so với thời kỳ đầu. Thời lượng trung bình người dùng dành cho Threads là 4 phút, thấp hơn nhiều so với mức 19 phút trong ngày đầu ra mắt. Một báo cáo của Tạp chí Forbes cũng cho thấy, số người dùng Threads hằng ngày hiện vào khoảng 13 triệu người, giảm hơn 3 lần so với mức 44 triệu người dùng trong ngày 7-7-2023.

Meta từng gặp thất bại trong việc ra mắt ứng dụng độc lập với mô hình sao chép, nổi bật nhất là ứng dụng Lasso với mục đích cạnh tranh với TikTok. Do đó, nhiều người nghi ngại vẫn có khả năng Threads "nối bước" Lasso. Chuyên gia Fabrice Epelboin bổ sung, trong lịch sử, các dự án của tỷ phú Zuckerberg không phải lúc nào cũng thành công. Đơn cử như thất bại của ông chủ Meta khi chuyển sang Metaverse, một dạng thế giới ảo. “Hố đen” tài chính này đã nuốt chửng 21 tỷ USD trong hai năm mà không thuyết phục được nhà đầu tư hay công chúng. Ngoài ra, thất bại của tiền điện tử Vibra và tai nghe thực tế ảo Quest cũng khiến ông Zuckerberg phải đầu tư an toàn hơn.

Để khắc phục các thách thức, Meta đã tích hợp chặt chẽ Threads với Instagram. Tuy nhiên, lịch sử chỉ ra rằng việc đính kèm một ứng dụng mới vào hệ sinh thái hiện có của một công ty không thể duy trì sự phát triển lâu dài. Ví dụ, Google+ đã thất bại do thiếu tầm nhìn rõ ràng và bị coi là một bản sao của Facebook. Điều quan trọng đối với Meta là phát triển Threads thành một nền tảng độc đáo và hấp dẫn thay vì chỉ là một sự lựa chọn thay thế cho các MXH hiện có.

Lời đáp trả từ Elon Musk

 Trước “cơn địa chấn” Threads, ngày 24-7-2023, tỷ phú Elon Musk đã có bước đi quyết liệt, theo đó đổi logo mới cho Twitter, thay biểu tượng “chú chim xanh” quen thuộc thành chữ "X" màu trắng trên nền đen.

Logo Twitter mới “X” tưởng chừng là một ký hiệu đơn giản nhưng lại mang khá nhiều ý nghĩa. Elon Musk đã sở hữu tên miền x.com kể từ ngày đầu kinh doanh khi thành lập công ty x.com (sau này là PayPal). Sau đó, vị tỷ phú này đã mua lại tên miền x.com từ PayPal (2017) và cho biết “X” có giá trị tình cảm lớn với ông.

leftcenterrightdel

 Ứng dụng Threads và màn chinh phục thần tốc. Ảnh: Shutterstock

 
 

 

Bên cạnh đó, “X” cũng có sự liên kết với các công ty khác của Elon Musk, tiêu biểu là SpaceX hay một mẫu xe Tesla của ông cũng được đặt tên là X. Vì vậy, việc chọn logo mới của Twitter là “X” có thể tạo sự liên kết thương hiệu chặt chẽ hơn giữa MXH này với các thành phần khác trong đế chế của Musk.

Đặc biệt, Elon Musk cũng cho biết muốn biến Twitter trở thành một “siêu ứng dụng”, giống như WeChat của Trung Quốc. Đó là một nền tảng có tất cả mọi thứ chứ không chỉ là nền tảng MXH thông thường. Chữ “X” trong logo mới này có thể biểu thị cho điều đó theo dự đoán của nhiều người.

Rõ ràng, việc Twitter thay đổi logo đang trở thành thách thức cho Threads trong việc giữ chân người dùng. Những thành công ban đầu của Threads là chưa đủ để ứng dụng này đứng vững trong môi trường số. Ông chủ Meta Mark Zuckerberg và ban lãnh đạo của Threads cần phải tiếp tục xây dựng cho Threads những tính năng độc đáo, tương tác người dùng và lợi ích rõ ràng nhằm giữ chân người dùng lâu hơn nữa.

MINH ANH