Theo vị đạo diễn nổi tiếng thế giới này, con tàu “không thể chìm” Titanic bị chìm vì thuyền trưởng đã phớt lờ các cảnh báo về những núi băng trôi, còn Titan thì: "Chúng ta thấy một điểm tương đồng. Đó là những lời cảnh báo về một tàu lặn không được cấp giấy chứng nhận an toàn nào". Vụ tai nạn tàu Titan có một số điểm tương đồng với tàu Titanic bị đắm năm 1912. Titanic cũng là con tàu thử nghiệm, nhiều hành khách trên tàu là những người giàu muốn mua vé để thực hiện cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương. Titanic cũng thiếu các thiết bị an toàn cơ bản, dẫn tới cái chết của hơn 1.500 người.

Vụ tai nạn thảm khốc

Sáng 18-6-2023, tàu Titan bắt đầu hành trình lặn xuống đáy đại dương. Khoảng 1 giờ 45 phút sau, tàu mất liên lạc với tàu mẹ Polar Prince. Tàu Titan thuộc sở hữu của OceanGate, công ty tàu lặn tư nhân chuyên cung cấp các chuyến tham quan xác tàu Titanic với giá 250.000USD mỗi người. Mặc dù các lực lượng cứu hộ của Mỹ và Canada đã huy động mọi biện pháp có thể để tìm kiếm và cứu nạn nhưng không thành công. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ hôm 22-6 xác nhận con tàu đã bị ép nát dưới đáy biển, khiến 5 người trong khoang thiệt mạng. Các nạn nhân bao gồm: 3 người Anh là tỷ phú Hamish Harding (55 tuổi); doanh nhân Shahzada Dawood (48 tuổi) và cậu con trai Suleman (19 tuổi); nhà thám hiểm người Pháp Paul-Henri Nargeolet (77 tuổi) và Stockton Rush (61 tuổi)-Giám đốc điều hành OceanGate.

leftcenterrightdel
 Những mảnh xác tàu Titan được chở về cảng St Johns, Newfoundland, Canada. Ảnh: AP

Ngày 28-6, 10 mảnh vỡ, bao gồm cả cửa sổ và một mảng lớn ở phần thân của tàu Titan đã được chở về cảng St Johns, Newfoundland, Canada. Theo các chuyên gia, những mảnh vỡ này sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Ủy ban An toàn giao thông vận tải Canada dự kiến cuộc điều tra về vụ tai nạn tàu Titan sẽ kéo dài khoảng 2 năm và tập trung vào việc cải thiện an toàn hàng hải hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dân sự.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ cho biết, 2 mảnh vụn được tìm thấy đầu tiên nằm cách xác tàu Titanic 487 mét dưới đáy đại dương "phù hợp với sự cố nổ khoang kháng áp". Theo OceanGate, khoang kháng áp của tàu Titan là cấu trúc đặc biệt hình ống, được làm bằng sợi carbon kết hợp với titanium. Đây là công nghệ tiên tiến, giúp Titan nhẹ hơn đáng kể so với các loại tàu lặn khác làm bằng thép hoặc titanium đơn thuần. Titan có thể chịu được áp suất cực lớn ở độ sâu 3.800 mét, nơi xác tàu Titanic đang yên nghỉ dưới đáy Đại Tây Dương. Ở độ sâu này, áp suất nước biển lớn hơn 400 lần so với áp suất khí quyển. Với áp suất đó, mỗi mét vuông trên thân tàu Titan chịu sức ép khoảng 4.200 tấn. Trong điều kiện như vậy, khi khoang kháng áp gặp sự cố, tàu bị nén lại và giống như một quả bom nhỏ phát nổ. Toàn bộ các hệ thống an toàn có thể bị phá hủy. Hiện tượng ép nát xảy ra gần như tức thời, kéo dài chỉ trong một vài phần nghìn giây. Giới chức Mỹ cho rằng, tàu Titan đã bị nghiền nát do áp suất nước khổng lồ ở độ sâu gần 4.000m, khiến các nạn nhân tử vong gần như ngay lập tức, thậm chí họ không kịp nhận ra có điều gì bất ổn. Tuy nhiên, hiện chưa rõ đây là do trục trặc kỹ thuật của tàu hay thao tác sai của con người.

Những cảnh báo

Con tàu thử nghiệm Titan được làm từ sợi carbon và titan, với kích thước 6,7m x 2,8m x 2,5m, nặng hơn 10 tấn, có thể di chuyển ở tốc độ tối đa hơn 5,5km/h và lặn xuống độ sâu 4.000m. Tàu không có hệ thống lái chuyên biệt, mà được điều khiển bằng tay cầm PlayStation. Để liên lạc với tàu mẹ, Titan gửi tin nhắn thông qua hệ thống định vị thủy âm (USBL). Theo thiết kế, tàu có thể chở 1 người lái và 4 hành khách, tuy nhiên, không trang bị ghế nên hành khách phải ngồi khoanh chân trên sàn, theo dõi mọi thứ xung quanh qua màn hình kỹ thuật số kết nối với các camera 4K ở bên ngoài, bên cạnh một cửa sổ nhỏ ở trước mũi. Theo OceanGate, việc kết hợp kỹ thuật cơ khí mang tính đột phá và các công nghệ tiên tiến giúp Titan sở hữu lợi thế độc nhất vô nhị.

Sau khi tai nạn xảy ra, các chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân, từ việc tàu Titan bị vướng vào mảnh vỡ của Titanic, bị mất nguồn điện cho đến hệ thống liên lạc gặp vấn đề. Tuy nhiên, sự cố khiến nhiều người đặt câu hỏi về thiết kế và các tính năng an toàn của tàu Titan.

Năm 2018, giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải David Lochridge của OceanGate bị sa thải vì ông nêu ra những lo ngại về độ an toàn của tàu lặn Titan và từ chối phê chuẩn các chuyến lặn thử nghiệm chở người do thiết kế cửa sổ quan sát của Titan chỉ chịu được áp suất cho phép ở độ sâu 1.300 mét, trong khi đó, Ocean đã lên kế hoạch đưa khách xuống độ sâu 4.000 mét. 

leftcenterrightdel
  Tàu lặn Titan.

Ngoài David Lochridge, vào tháng 3-2018, Hiệp hội Công nghệ hàng hải cũng từng gửi thư cho OceanGate để cảnh báo về phương pháp thử nghiệm hiện tại của công ty trong chế tạo tàu lặn có thể dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng. Theo giải thích của OceanGate, nguyên nhân công ty không tiến hành đánh giá an toàn với tàu Titan là “lỗi vận hành mới là lý do gây ra phần lớn các tai nạn”, chứ không phải là thiết kế.

David Pogue, phóng viên đài CBS, người từng trải nghiệm với tàu Titan, sau khi nhận tin tức về vụ tai nạn cho biết, tàu không có máy phát định vị khẩn cấp (ELT). Thiết bị này thường được mang trên máy bay và tàu biển để phát tín hiệu giúp nhân viên cứu hộ xác định vị trí trong trường hợp khẩn cấp.

Dù không được thử nghiệm và được cấp chứng nhận về tính an toàn nhưng OceanGate đã tận dụng lỗ hổng về pháp lý để thực hiện các chuyến tham quan. Xác tàu Titanic nằm trong vùng biển quốc tế ở Đại Tây Dương, không có luật nào yêu cầu các công ty như OceanGate phải tuân thủ quy định về thám hiểm bằng tàu lặn. Vì thế, tàu lặn thử nghiệm của OceanGate không phải trải qua bất kỳ đánh giá hoặc phê duyệt từ các cơ quan quản lý. Mặt khác, trước mỗi chuyến tham quan xác Titanic bằng tàu Titan, hành khách đều phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm nếu tử vong.

Lỗ hổng trong cứu nạn

Vụ tai nạn tàu Titan không chỉ khiến 5 người thiệt mạng mà còn phơi bày lỗ hổng rất lớn về khả năng cứu nạn của Lực lượng Tuần tra bờ biển Hoa Kỳ. Sáng sớm 18-6, khi mất liên lạc với tàu mẹ, ước tính, lượng dưỡng khí trên tàu Titan còn đủ dùng khoảng 94 giờ. 24 giờ sau, Lực lượng Tuần tra bờ biển Hoa Kỳ mới tổ chức họp báo về sự cố. Lực lượng này đã triển khai máy bay tuần tra tầm xa C-130 quần thảo trên vùng biển nơi tàu Titan mất tích, trong khi Trung tâm Điều phối cứu hộ Halifax cũng điều một phi cơ tuần thám P-8 Poseidon có khả năng thăm dò mục tiêu dưới nước để hỗ trợ. Dù các lực lượng cứu hộ đã rất nỗ lực nhưng đến cuối ngày 19-6, họ vẫn chưa thể xác định được tàu Titan đang chìm dưới đáy biển hay đã nổi lên được trên mặt nước và đang bập bềnh ở đâu đó. 5 ngày sau khi Titan mất liên lạc, người ta mới phát hiện ra mảnh vỡ được cho là thuộc về con tàu xấu số.

Vụ tìm kiếm, cứu nạn tàu Titan bộc lộ nhiều lỗ hổng trong công tác cứu hộ dưới biển của Lực lượng tuần tra bờ biển Hoa Kỳ. Năm 1960, Hải quân Mỹ có 9 tàu cứu hộ tàu ngầm và 2 tàu kéo chuyên dụng cho công tác cứu hộ dưới biển. Năm 2012, sau đợt cắt giảm ngân sách quốc phòng, Hải quân Mỹ không còn bất kỳ tàu cứu hộ dưới biển. Lực lượng Tuần tra bờ biển Hoa Kỳ, lực lượng chủ chốt trong các nhiệm vụ cứu nạn của Mỹ, cũng không có năng lực cứu hộ dưới biển. Phần lớn công tác cứu hộ tàu ngầm đã được tư nhân hóa, buộc Lực lượng Tuần tra bờ biển Hoa Kỳ phải phối hợp với các công ty vận hành tàu ngầm dân sự vốn không được quản lý chặt chẽ. Trong trường hợp tàu Titan, Lực lượng tuần tra bờ biển Hoa Kỳ không có tàu chuyên dụng có khả năng lặn xuống độ sâu 4.000m để tìm hiểu tình hình và vạch kế hoạch giải cứu.

Thảm kịch đã xảy ra, tất cả những người trên tàu lặn Titan đều tử nạn. Thêm một điểm tương đồng giữa hai vụ tai nạn cách nhau 111 năm. Năm 1914, sau 2 năm vụ đắm tàu Titanic, Công ước về An toàn Sinh mạng trên biển (SOLAS) ra đời. Khuôn khổ của SOLAS vẫn duy trì đến ngày nay, với nhiều quy tắc được xây dựng dựa trên bài học rút ra từ thảm kịch tàu Titanic. Sau khi thảm kịch xảy ra với tàu lặn Titan, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn những quy tắc quản lý loại hình du lịch thám hiểm. Titan hoạt động trong vùng biển quốc tế và không treo cờ của nước nào, nên cũng không được quốc gia nào quản lý. Do đó, OceanGate không cần tuân thủ các quy định an toàn của một nước nhất định và cũng nằm ngoài SOLAS. Vì thế, cũng tương tự vụ đắm tàu Titanic, rất có thể thảm kịch tàu Titan sẽ là động lực để thế giới xây dựng nhiều quy định hơn trong lĩnh vực tàu lặn.

TRẦN VĂN