Trải qua nhiều lần kinh doanh thất bại, năm 2021, với số vốn khiêm tốn 20 triệu đồng, Lê Vy cùng với người chị bắt tay vào kinh doanh nến thơm và đã thu được "quả ngọt".

Câu chuyện khởi nghiệp của Lê Vy có sức lan tỏa, tạo động lực cho nhiều bạn trẻ khi sản phẩm nến thơm này hiện đã có mặt tại một số tỉnh, thành phố và mang lại doanh thu có tháng lên tới hàng trăm triệu đồng. Kết quả này là minh chứng cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn, gian nan nhưng rất nhiều bạn trẻ, với khát vọng cống hiến, làm giàu đã quyết tâm khởi nghiệp và thành công mà ý tưởng sáng tạo thường bắt đầu từ những điều nhỏ bé, gần gũi, gắn liền với cuộc sống hằng ngày, từ đó tạo ra những sản phẩm mới thực sự hữu ích.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023. Ảnh: NHẬT BẮC 

 

Vậy nên, khởi nghiệp không nhất thiết phải từ những điều lớn lao hay mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao ngay lập tức. Đại đa số khởi nghiệp thành công là từ trăn trở, ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Thực tế, những doanh nhân thành đạt của Việt Nam hay trên thế giới đều coi lợi nhuận là công cụ để thực hiện ý tưởng của mình, chứ không phải là thước đo của sự thành công.

Khởi nghiệp thành công luôn là con đường rất chông gai, thậm chí phải nếm trải những thất bại. Theo một khảo sát mới đây, có đến 42% các startup thất bại vì ý tưởng to tát, viển vông, quá xa rời thực tế dẫn đến không khả thi. Hiện nay, dưới tác động mạnh mẽ của mạng xã hội cùng những câu chuyện thổi phồng về con đường khởi nghiệp dễ dàng, khiến không ít bạn trẻ ảo tưởng và khởi nghiệp thất bại, bởi khởi nghiệp không phải là một trào lưu. Để khởi nghiệp, chúng ta cần chuẩn bị kỹ các khâu lên ý tưởng, nguồn vốn, thị trường, sản phẩm, khách hàng..., đặc biệt nên bắt đầu từ những điều nhỏ bé.

HÀ BÁCH