Những bước phát triển mạnh mẽ nói trên đã giúp xác lập một vị thế mới cho nền kinh tế của Việt Nam. Vị thế này được định vị qua các tiêu chí sau đây: Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN và thứ 45 trên thế giới; Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới; tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm thuộc loại nhanh nhất thế giới, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 4,3% năm 2022; tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 41,7% năm 2022, cao hơn mức trung bình của khu vực; cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Ngoài ra, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế quan trọng như: WTO, APEC, ASEAN... Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến tháng 8-2023, Việt Nam đã ký kết 18 FTA, trong đó 15 FTA đã có hiệu lực gồm các FTA song phương, đa phương và khu vực. Trong ASEAN, Việt Nam là nước có số lượng FTA ký kết nhiều nhất, vượt qua các nước như: Singapore, Thái Lan và Indonesia.

Với các thành tựu đạt được, Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế năng động và có triển vọng của khu vực và thế giới. Cơ hội đang mở ra cho Việt Nam để phát triển kinh tế là rất to lớn.

Trước hết là vị trí địa kinh tế thuận lợi. Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, thuận lợi cho giao thương và hợp tác quốc tế. Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km, là cửa ngõ ra biển của Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan và Tây Nam Trung Quốc. Các cảng biển lớn của Việt Nam như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh... có thể giúp đẩy mạnh giao thương quốc tế, phát triển vận tải và kinh tế biển.

Nói về vị trí địa kinh tế, cũng cần nhấn mạnh mối quan hệ láng giềng với nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới là Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2022 đạt 196,5 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 66,7 tỷ USD, tăng 13,8%; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 129,8 tỷ USD, tăng 15,1%. Cùng chung biên giới với một nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ, chúng ta có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI từ Trung Quốc và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, để có thể tham gia sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Việt Nam cũng có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, bao gồm: Khoáng sản, dầu khí, lâm sản, thủy sản... Đây là những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Đáng lưu ý nhất là ưu thế của nguồn đất hiếm có trữ lượng lớn thứ hai thế giới, ước tính khoảng 22 triệu tấn. Đây là một nguồn tài nguyên quý giá, có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như: Công nghiệp điện tử, sản xuất ô tô, năng lượng tái tạo... Việc khai thác và chế biến đất hiếm có thể mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho Việt Nam, như: Tạo ra nguồn thu nhập lớn cho ngân sách nhà nước; cung cấp nhiều việc làm; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

leftcenterrightdel

 Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: LÊ HÙNG KHOA   

Thứ hai, dân số Việt Nam đông, trẻ và năng động là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam năm 2023 là 100,3 triệu người, tăng 0,84% so với năm 2022. Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ với tỷ lệ dân số dưới 15 tuổi chiếm 25,2%, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 70,7% và tỷ lệ dân số trên 65 tuổi chiếm 4,1%. Cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam mang lại nhiều lợi ích kinh tế như: Lực lượng lao động dồi dào, tiềm năng tiêu dùng lớn và lưu lượng vốn đầu tư lớn. Dân số trẻ thì lực lượng lao động có sức khỏe tốt, khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới nhanh chóng. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là trong các ngành cần nhiều lao động như: Nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng. Dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng cao, tạo ra thị trường tiêu thụ lớn cho các sản phẩm và dịch vụ. Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm đến các quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, vì đây là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ của họ.

Thứ ba, định hướng chính sách kinh tế theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Mặc dù không hoàn toàn đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển của các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... nhưng mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý mà Việt Nam theo đuổi lại rất gần với mô hình nói trên. Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, điều tiết và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhà nước ta có thể sử dụng các công cụ chính sách để can thiệp vào nền kinh tế, nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội đề ra.

Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách kinh tế theo mô hình nhà nước kiến tạo, bao gồm: Đầu tư phát triển hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số thông qua đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển... để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Những chính sách kinh tế theo mô hình nhà nước kiến tạo góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam những năm qua.

Bên cạnh những cơ hội to lớn nói trên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức không hề nhỏ. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, như giá cả hàng hóa thế giới, tình hình kinh tế thế giới. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam chưa thật hợp lý, cần tiếp tục được chuyển đổi, tỷ trọng nông nghiệp còn cao, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ vẫn chưa đạt mức cần thiết. Bất bình đẳng trong thu nhập còn cao, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp...

Để vượt qua những thách thức nói trên, một loạt phản ứng chính sách đang được Đảng và Nhà nước thúc đẩy. Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào tài nguyên sang dựa vào tri thức và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường đầu tư cho giáo dục-đào tạo, y tế để tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người được học tập, nâng cao trình độ; tăng cường an sinh xã hội, đặc biệt là cho người nghèo, người có công, người khuyết tật... 

Có thể nhận thấy, nền kinh tế Việt Nam đã lấy đà thành công và đang cất cánh. Nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua mọi cản trở và thách thức để vươn tới những tầm cao mới.

 TS NGUYỄN SĨ DŨNG