Cam kết mạnh mẽ

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài FDI, chú trọng thu hút các dự án “xanh” và có chất lượng cao hơn. Có thể kể đến những định hướng lớn như Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045... Việc hoàn thiện thể chế, chính sách cũng được triển khai theo định hướng này.

leftcenterrightdel
Áp dụng cơ giới hóa để thu hoạch lúa tại An Giang. Ảnh: CÔNG MẠO 

Tháng 10-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” thể hiện mục tiêu mạnh mẽ của nước ta về tái cơ cấu mô hình tăng trưởng hướng tới kinh tế xanh. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0. Mới đây, ngày 14-12-2022, Chính phủ Việt Nam chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP) cùng Nhóm các đối tác quốc tế nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch.

Những vấn đề trên thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường hiện nay.

Đầu tư cho tăng trưởng xanh còn hạn chế

Việc hiện thực hóa định hướng chính sách quốc gia và các cam kết quốc tế của Việt Nam hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cần sự chung tay của tất cả các bên-chính quyền trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị-xã hội.

Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thách thức hiện nay là không nhỏ. Khảo sát doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mức độ hiểu biết, quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu. Mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, song mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường. Bên cạnh đó, có đến 68% doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Hiện nay, mức độ tuân thủ quy định môi trường chưa cao dù đang được cải thiện, lý do là bởi khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy, 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Mức độ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương của doanh nghiệp còn hạn chế (37%). Mặc dù tới 91% doanh nghiệp cho biết bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp hơn. Cùng với đó, mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở giai đoạn khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, chỉ có khoảng 1⁄2 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.

Xây dựng chính sách cởi mở, minh bạch

Để hiện thực hóa các định hướng phát triển và triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đặt ra hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất một số giải pháp, kiến nghị.

Trước hết, phải tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường, tới kinh tế xanh và phát triển bền vững. Điều này góp phần quan trọng cho việc nâng cao, cải thiện chất lượng quy định pháp luật. Đồng thời cũng nâng cao tính khả thi của quy định trong quá trình triển khai thực thi trên thực tế.

leftcenterrightdel
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên) thuộc Tập đoàn Daikin, Nhật Bản. ẢNH:VŨ DUNG

Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Hiện nay, các quy định, chính sách trong lĩnh vực này nằm ở nhiều văn bản pháp luật, dẫn đến khó tra cứu, tìm hiểu. Thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh; chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch. Các cơ quan nhà nước cần xây dựng, phát triển, đa dạng hóa chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án tiềm năng và đang hoạt động nhằm khuyến khích sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, thân thiện với môi trường.

Mặt khác, phải quan tâm theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về kinh tế xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. VCCI đang xây dựng và sẽ công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) trong năm 2023. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, đây là bộ chỉ số độc lập đánh giá môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh; mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của chính quyền địa phương.

Cùng với đó, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn phục vụ tăng trưởng xanh của doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh mà nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hơn nữa những chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho những dự án có mô hình tăng trưởng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán carbon. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Hướng tới việc tạo lập, kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp được thống nhất, đồng bộ.

Thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các nước trên thế giới và Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta phải quyết liệt triển khai đồng bộ kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh với các cơ chế, chính sách cụ thể. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: NHẬT BẮC 

Tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đây là chìa khóa bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững. Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh; thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp. 

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC): Cần thêm 368 tỷ USD cho tăng trưởng xanh

leftcenterrightdel
Ông Thomas Jacobs. Ảnh: NHẬT BẮC 

Theo Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0, Việt Nam cần có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040. Trong đó, khoảng 184 tỷ USD cần đến từ khu vực tư nhân. Để huy động nguồn lực này, phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Hoàn thiện thể chế phát triển năng lượng tái tạo

leftcenterrightdel
 Ông Gabor Fluit.  Ảnh: NHẬT BẮC

Chúng ta đang trên đỉnh của một cuộc cách mạng xanh và Việt Nam có tiềm năng mở đường tới một tương lai xanh bền vững, thịnh vượng. Để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai, việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách. Làm được điều này, Chính phủ cần cho phép và khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện tiếp cận và đầu tư vào năng lượng tái tạo bên cạnh việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Điều cần thiết là phải xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII; hoàn chỉnh thể chế và cơ sở hạ tầng để có thể chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo.

TS ĐẬU ANH TUẤN, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế, VCCI