Cơ hội lớn để kinh tế tuần hoàn phát triển
Mô hình phát triển kinh tế tuyến tính truyền thống tại hầu hết các nước hiện nay (trong đó bao gồm cả Việt Nam) có đặc điểm chung là khai thác tài nguyên từ môi trường làm đầu vào cho hệ thống kinh tế thông qua quá trình “khai thác-sản xuất-tiêu dùng-thải bỏ”, theo đó nhu cầu về tài nguyên, về năng lượng liên tục được mở rộng; các vấn đề về chất thải, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường cũng gia tăng nhanh chóng. Nếu không có những mô hình tăng trưởng thay thế sẽ gây ra các tác động tiêu cực. Mô hình KTTH được xem là giải pháp thay thế hiệu quả. Những ứng dụng các tiến bộ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CM 4.0) đã tác động đến hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội và là cơ hội lớn để KTTH phát triển.
Ứng dụng thành tựu của CM 4.0 như internet vạn vật, in 3D, Big Data, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... các sản phẩm, dịch vụ hệ thống sản xuất đều được thiết kế, tổ chức lại; nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất được xử lý hiệu quả hơn và chất thải được thu hồi, phân loại, tái chế để làm đầu vào cho một quá trình sản xuất khác. Các lợi ích chính kết hợp của CM 4.0 và mô hình KTTH là sự quản lý, sử dụng tài nguyên và xử lý chất thải. Đây là điểm khởi đầu và kết thúc của mô hình KTTH. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến và sản xuất nguyên liệu thô để đạt hiệu quả cao hơn, trong khi các công nghệ tương tự được sử dụng để phân loại, tái chế... biến chất thải thành nguyên liệu thô mới.
CM 4.0 với đặc trưng phân tích dữ liệu là vấn đề cốt lõi để tăng tốc quá trình chuyển sang nền KTTH. Nền KTTH tạo ra các nhu cầu công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, sử dụng, tái chế. Các nhu cầu chính là công nghệ như thu gom, phân loại và tái chế tiên tiến; xử lý vật liệu hiệu quả; thiết kế; sản xuất và các nền tảng tương tác để tăng cường kết nối. Trong phân loại chất thải và xử lý vật liệu, sự ra đời của các kỹ thuật mô tả đặc tính tiên tiến và robot có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong thực tiễn. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (năm 2017) về tương lai của ngành công nghiệp chất thải và CM 4.0 cho thấy, công nghệ cảm biến và vật liệu phân hủy sinh học sẽ có tác động lớn đến sản phẩm.
Dưới tác động của CM 4.0, chuỗi giá trị sản xuất được xem xét lại về chức năng tuần hoàn và khách hàng được cung cấp dịch vụ chứ không đơn thuần là các sản phẩm. Đa dạng hóa và hiện đại hóa công nghệ là cơ sở cho khả năng phát triển, chuyển từ việc tối đa hóa nguồn cung nguyên liệu sang việc cung cấp đúng nguyên liệu cho đúng sản phẩm vào đúng địa điểm. Kết hợp ý tưởng hiện đại hóa công nghệ này với các nguyên tắc của nền KTTH dẫn đến một cách tiếp cận khác trong chuỗi giá trị cung ứng và quản lý nguyên vật liệu ở cả cấp độ doanh nghiệp và quốc gia.
Những rào cản phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Thực tế phát triển KTTH ở các nước và Việt Nam cho thấy một số rào cản. Thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm và dịch vụ của nền KTTH chưa được hình thành, chưa đủ lớn, khó cạnh tranh với nguyên liệu gốc ban đầu. Việc thay đổi mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, đổi mới công nghệ và ngăn ngừa lãng phí tài nguyên chưa phải là ưu tiên của các cấp quản lý, nhà lập pháp. Thách thức đối với phát triển KTTH tại Việt Nam là không ít.
Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa có đầy đủ khung pháp lý thống nhất về phát triển KTTH và CM 4.0 cũng như gắn kết chúng lại với nhau. Khái niệm liên quan đến mô hình KTTH đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAC (vườn-ao-chuồng), một mô hình chúng ta áp dụng khá thành công. Gần đây nhất, ngày 7-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Việc hình thành KTTH và áp dụng các ứng dụng của CM 4.0 trong mô hình kinh tế này mới manh nha và chỉ là những hành động riêng lẻ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... Nhận thức về KTTH và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình KTTH còn hạn chế, còn thiếu những cơ chế chính sách cần thiết; việc vận dụng kinh nghiệm của các nước một cách sáng tạo để thiết lập mô hình KTTH vào điều kiện cụ thể của Việt Nam còn chưa hiệu quả.
Khi thực hiện chuyển đổi sang nền KTTH đòi hỏi phải tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ (KHCN) trên mọi lĩnh vực. Trong khi đó, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng có trình độ công nghệ thấp, không đồng bộ. Mặt khác, chất lượng lao động tại Việt Nam, bao gồm lao động ở các ngành có đặc thù KTTH còn thấp. Lao động qua đào tạo có chứng chỉ toàn nền kinh tế chỉ đạt 24,5% năm 2020. Hầu hết lao động trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản là lao động thủ công, lao động qua đào tạo có chứng chỉ mới đạt 4%; ngành xây dựng đạt 14,10%; ngành chế biến chế tạo đạt 17,7%; ngành cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải mới đạt 37,5%. Nguồn nhân lực KHCN còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu chưa phù hợp.
|
|
Tập đoàn TH, một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt mô hình KTTH. Trong ảnh: Thu hoạch ngô trên cánh đồng của Tập đoàn TH. Ảnh: NGUYỄN THẮNG.
|
Quá trình đầu tư ứng dụng CM 4.0 và KHCN cho KTTH ở nước ta còn thấp. Tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2000-2010 đạt 1,85%/năm, giai đoạn 2011-2018, tỷ lệ này chỉ đạt 1,4%/năm. Tổng chi cho KHCN từ năm 2010 đến nay chỉ đạt khoảng 0,44% GDP, thấp hơn nhiều so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%). Cơ cấu vốn đầu tư cho KHCN còn bất cập. Tại các nước Đông Á, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này chỉ chiếm 20-30%, của khu vực tư nhân là 70-80%; ở các nước OECD, cơ cấu này là gần 20% và trên 80%. Trong khi đó, tại Việt Nam, cơ cấu vốn ngân sách nhà nước chi cho KHCN trong giai đoạn 2011-2015 là 60%/40% và giai đoạn 2016-2019 là 52%/48%.
Hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) trong các doanh nghiệp ở Việt Nam còn ít, sự gắn kết giữa những tổ chức R&D với các trường đại học và doanh nghiệp lỏng lẻo. Tỷ lệ doanh nghiệp có R&D trong ngành sản xuất thiết bị điện là 17%; ngành sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất là 15%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 6,0% và ngành dệt là 5%. Tỷ lệ nhân sự có hoạt động R&D tương ứng với các ngành trên lại càng nhỏ bé hơn, lần lượt là: 0,4%; 1,4%; 0,4%; 0,5%; 0,03%; 0,07%. Chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam là 3,51, trong đó chỉ số sáng tạo là 2,72, thấp hơn rất nhiều so với Singapore (8,44), Malaysia (6,07) và Thái Lan (5,52).
Một số giải pháp
Trong thời gian tới, để phát triển KTTH trong điều kiện CM 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, Việt Nam cần xây dựng đồng bộ các giải pháp. Đầu tiên, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển KTTH phù hợp với bối cảnh của CM 4.0, trong đó cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa KTTH.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức ngành nghề, người dân tham gia; tạo môi trường kinh doanh thông qua cơ chế, chính sách phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế ở cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng; có chính sách ưu tiên trong đầu tư công nghệ tái chế chất thải có giá trị cao. Bổ sung các chính sách, quy định cụ thể theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ thuế... nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, hạn chế rác thải trong quá trình sản xuất.
Thứ hai, tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất của mô hình KTTH. Để phát triển KTTH đòi hỏi cần sớm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình. Các doanh nghiệp phải cân nhắc giải bài toán vì lợi ích ngắn hạn trước mắt hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai. Vì đầu tư cho công nghệ mới sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của CM 4.0 làm động lực để phát triển KTTH. Số hóa các thông tin về nguồn thải, sản phẩm cho tới các quá trình sản xuất, trao đổi, vận chuyển..., những thông tin đó có thể giúp cho chúng ta tối ưu các quá trình, tiết kiệm được nhiều công đoạn. Chẳng hạn, liên quan tới quá trình về vận chuyển, nếu chúng ta có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp có chung mối quan tâm nào đó thì có thể cùng nhau chia sẻ tìm nguồn lực liên quan tới thiết bị, vận chuyển, logistic để giảm chi phí. Trong quá trình số hóa hoặc rộng hơn thì việc này sẽ tiết kiệm chi phí, từ đó quá trình sản xuất sẽ tiết kiệm hơn, người lao động sẽ tăng thêm nguồn thu nhập, mang lại giá trị cao về mặt môi trường, sinh thái.
Cuối cùng, cần có những kế hoạch triển khai giải pháp về KTTH và áp dụng thành tựu CM 4.0 cho các ngành cụ thể. Mỗi ngành, lĩnh vực thường có đặc thù riêng như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Chẳng hạn, phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị sinh thái. Khuyến khích đầu tư áp dụng các mô hình KTTH thông qua những chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp sinh thái (ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế nhập khẩu...). Có chiến lược tuyên truyền-truyền thông về KTTH nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm đối với những sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng.
TS HỒ THANH THỦY