Thế giới đi qua năm 2023 với bao nốt trầm. Đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề vừa chấm dứt, nhiều vấn đề gay cấn khác lại nổi lên một cách bất thường, nhanh chóng, thách thức hơn nhiều so với dự báo. Xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas tại dải Gaza hết sức căng thẳng và phức tạp. Cùng với thiên tai, cạnh tranh và xung đột vũ trang là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Lạm phát luôn ở mức cao. Nợ công thế giới tăng lên mức kỷ lục 92.000 tỷ USD. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, an ninh lương thực diễn biến phức tạp...

Ở trong nước, do tác động bất lợi của tình hình thế giới cùng với diễn biến phức tạp của thiên tai, hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19, nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, gay gắt, nặng nề. Hoạt động xuất, nhập khẩu bị tác động do suy giảm nhu cầu và gia tăng tiêu chuẩn ở các thị trường quốc tế, nhất là những đối tác lớn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế không cao, thiếu bền vững. Nền kinh tế của chúng ta chịu sức ép từ hai phía: Một mặt phải tập trung giải quyết những khó khăn, phức tạp mới phát sinh từ tình hình thế giới và khu vực; mặt khác phải xử lý những tồn đọng, yếu kém kéo dài từ nhiều năm trước để lại. Đến giữa năm 2023 vẫn không ít băn khoăn, lo lắng, cả hoài nghi về khả năng bứt phá của kinh tế Việt Nam, nhất là nơi đầu tàu kinh tế của cả nước là TP Hồ Chí Minh quý I tăng trưởng chỉ đạt 0,7%; giải ngân cả nước quý I chỉ được 9,69%, quý II: 28,26%...

Trong bối cảnh đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, thực hiện bài bản các nhiệm vụ đề ra. Ban Chấp hành Trung ương tổ chức Hội nghị lần thứ VII-Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng khóa XIII (từ ngày 15 đến 17-5-2023); Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII (từ ngày 2 đến 8-10-2023). Cùng với đó là Kết luận số 42-KL/TW của Trung ương, Kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội... Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.

leftcenterrightdel
 Khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ. Ảnh: AN SƠN 

Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động tranh thủ tối đa ý kiến tư vấn của chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân. Đặc biệt, sự điều hành của Chính phủ luôn xuất phát và bám sát thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp, địa phương; chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ thường xuyên; đồng thời tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm và những vấn đề mới phát sinh. Nổi bật là tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chỉ đạo giảm 4 lần liên tiếp lãi suất; giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; thường xuyên chỉ đạo, rà soát hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách.

Triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế-xã hội, gắn với đó là chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế xanh, bền vững. Đồng thời tiến hành xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài nhiều năm; tháo gỡ những vấn đề phức tạp phát sinh về trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng năng lượng, thuốc chữa bệnh, vật tư... Chỉ đạo thực hiện kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ đồng bộ, kịp thời, khoa học, kết hợp chặt chẽ việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách giúp chúng ta tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an ninh kinh tế và ứng phó, khắc phục tốt hậu quả thiên tai, dịch bệnh...

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng và điều hành quyết liệt của Chính phủ, tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,05%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định. Lạm phát ở mức 3,8%. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tính cả năm 3,5%. Xuất siêu cả năm ước gần 26 tỷ USD, đưa nước ta vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11-2023 đạt 65,1% kế hoạch, phấn đấu hết năm đạt 95%, góp phần nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác hơn 1.900km. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần 36,61 tỷ USD. Vốn đầu tư ra nước ngoài đạt gần 417 triệu USD. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. An ninh lương thực, an ninh năng lượng bảo đảm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp với ý nghĩa là lợi thế, trụ đỡ của nền kinh tế phát triển ổn định, tăng 3,38%; xuất khẩu gạo ước đạt 8 triệu tấn (khoảng 4,5 tỷ USD). Nhiều vấn đề tồn đọng, yếu kém kéo dài và những vấn đề đột xuất nổi lên được tập trung tháo gỡ, xử lý, đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ như trích lập quỹ tiền lương được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.

leftcenterrightdel

TP Hồ Chí Minh rực rỡ sắc màu về đêm. Ảnh: XUÂN CƯỜNG 

Năm 2023 tăng trưởng GDP của cả nước đạt 5,05% (thấp hơn chỉ tiêu đề ra theo nghị quyết của Quốc hội là 6,5%), nhưng nếu so với nhiều nước trong khu vực và thế giới thì đó vẫn là mức khá cao. Điều quan trọng là khi đưa ra một thước đo để đánh giá đúng thành tựu, tìm điểm sáng thì phải thấy nền kinh tế của nước ta có độ mở cao trong mối quan hệ hữu cơ với thế giới. Phương pháp luận mác-xít đó đem lại cho ta niềm tự hào chính đáng về sự kiên cường với những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong năm 2023.

Tình hình thế giới năm 2024 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Nền kinh tế Việt Nam vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa tiếp tục chịu áp lực “tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những bất cập hạn chế bên trong. Thời cơ-thuận lợi và khó khăn-thách thức đan xen, nhưng khó khăn-thách thức nhiều hơn, nhất là thực hiện các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô để vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa kiềm soát lạm phát. Mục tiêu Chính phủ đặt lên hàng đầu là tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn liền với ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện phương châm phát triển bứt phá bằng việc tận dụng những cơ hội thông qua các hoạt động chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là hoạt động đối ngoại và 3 động lực cho tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Điều hành kinh tế năm 2024 được dự báo vẫn vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ những thành tựu chúng ta đạt được trong năm 2023 và tinh thần người Việt Nam “Núi cao vẫn có đường trèo/ Dẫu có hiểm nghèo vẫn có lối đi” cho ta sự lạc quan. Các tổ chức kinh tế, thương mại thế giới nhận định, Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, tăng trưởng GDP khoảng từ 5,8% đến 6,3%. Hy vọng và tin tưởng với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ sẽ là nguồn lực mạnh mẽ, tạo sinh khí và xung lực mới để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2024 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG