Điều kiện bảo đảm cuộc sống

Với những người làm việc trong khu vực công, tiền lương là phần giá trị tài chính mà họ nhận được, trả công cho sự phục vụ cộng đồng tại các vị trí cán bộ, công chức, viên chức... Do công việc có tính chất chuyên môn hóa và phần lớn thời gian được sử dụng để làm việc cho các cơ quan nhà nước, tiền lương trở thành nguồn thu nhập chính yếu giúp họ bảo đảm cuộc sống.

Từ những năm 1920, khi giới thiệu lý thuyết về hệ thống hành chính nhà nước, nhà xã hội học Max Weber đã chỉ ra 3 đặc điểm để bảo đảm các cơ quan chuyên môn hóa của khu vực công có thể hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đội ngũ nhân sự được tuyển dụng dựa trên năng lực và những người này được bảo đảm công việc lâu dài cùng mức lương cố định.

Ở nước ta, chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng được thiết kế theo trật tự thứ bậc và phải tuân thủ các nguyên tắc, như: Trả lương theo ngạch, bậc gắn với vị trí việc làm; phải bảo đảm cuộc sống trên trung bình của lao động xã hội; không quá chênh lệch về tiền lương giữa các khu vực hành chính, khu vực cung cấp dịch vụ công và khu vực thị trường; tạo động lực làm việc và có tính cạnh tranh.

Cho đến hiện nay, hệ thống thang, bảng lương cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta bao gồm 9 bảng lương. Cùng với đó, người làm việc cho cơ quan nhà nước còn được hưởng hệ thống phụ cấp với hơn 20 loại khác nhau. Tùy vào lĩnh vực và địa bàn làm việc, phần phụ cấp này bổ sung thêm khoảng 25-35% tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, cho đến nay, “lương thấp, không đủ sống” vẫn là một thực tế có thể dễ dàng nhận được sự đồng thuận của số đông người làm việc cho các cơ quan nhà nước, đặc biệt tại khu vực đô thị. Hệ quả là, một bộ phận người lao động rời bỏ công việc tại khu vực công để tìm kiếm các cơ hội mới nhằm bảo đảm cuộc sống. Với những người tiếp tục gắn bó với cơ quan nhà nước đã ít nhiều xuất hiện tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”, hay làm việc cầm chừng, thậm chí xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Bởi thế, trong những năm gần đây, cải cách chính sách tiền lương luôn là vấn đề nóng trên nhiều diễn đàn, trở thành một nhiệm vụ nan giải cho các cơ quan hoạch định chính sách.

Còn nhiều thách thức

Trong 3 thập kỷ vừa qua, nhiều cải cách về tiền lương đã được thực hiện liên tục ở nước ta. Tuy nhiên, “lương thấp, chưa đủ sống” hay “lương chưa tạo động lực làm việc” vẫn là hai vấn đề chính sách nóng bỏng nhất hiện nay. Theo các nhà nghiên cứu và quản lý, hai hệ quả nêu trên bắt nguồn từ một số bất cập trong hệ thống chính sách tiền lương ở nước ta.

Thứ nhất, lương chưa phản ánh đúng giá trị lao động của cán bộ, công chức, viên chức. Xét đến khối lượng công việc hằng ngày thì các mức lương hiện nay được cho là chưa tương xứng với thời gian, tri thức, kỹ năng mà người lao động sử dụng để phục vụ cộng đồng. Thực tế này khiến lương chưa trở thành động lực thúc đẩy ý thức, thái độ làm việc của người lao động.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Thứ hai, chế độ tiền lương tối thiểu (lương cơ sở) quá thấp, khiến cán bộ, công chức, viên chức chưa có được mức sống từ trung bình trở lên. Việc áp dụng mức lương cơ sở thấp đã tạo ra sự chênh lệch về tiền lương giữa người lao động làm việc trong khu vực công và làm việc trong khu vực tư nhân.

Thứ ba, hệ thống bậc lương phức tạp, khoảng cách giữa các bậc lương nhỏ, có tính bình quân; các loại phụ cấp có tính chất bổ sung cho lương. Thực tế này khiến mức lương vẫn chưa gắn với vị trí việc làm, chưa tương xứng với khả năng làm việc vốn khác nhau của từng người, từng chức danh. Hệ quả là lương vẫn bị chi phối bởi yếu tố thâm niên, chứ không phản ánh chính xác năng lực và khả năng đóng góp của người lao động.

Ngoài ra, việc cải cách tiền lương còn chậm bởi bị tác động từ nhiều yếu tố khác như công tác quản trị nhân lực còn hạn chế, tổ chức chưa tinh-gọn, năng suất lao động thấp nên không có đủ ngân sách để cải cách tiền lương...

Nỗ lực lớn của nhà nước

Tuy còn nhiều vướng mắc như trên nhưng chính sách về tiền lương vẫn liên tục được cải cách cho thấy, Đảng, Nhà nước đã nỗ lực rất lớn. Mức lương tối thiểu đã có nhiều lần điều chỉnh: Từ tháng 12-1993 đến năm 2017, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh 14 lần (từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng), tăng 10,83 lần, nhằm bảo đảm người lao động nhận được tiền lương thực tế. Trong nhiều trường hợp, để ưu tiên cải cách tiền lương thậm chí còn phải cắt giảm cả đầu tư công, nhằm đạt mục tiêu ưu tiên cho con người, coi đầu tư cho con người như đầu tư cho phát triển.

Nhận thức được nhu cầu cấp bách về cải cách chính sách tiền lương, từ năm 2018, Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII tiếp tục khẳng định quan điểm: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Mới đây nhất, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Bộ Nội vụ hiện đang chủ trì triển khai xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm. Cải cách tiền lương sẽ được thực hiện song hành với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách, và tìm kiếm thêm các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương. Chính phủ cũng đã tích lũy hơn 500.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Một trong những điểm then chốt nhất, có thể tạo đột phá cho tiến trình cải cách tiền lương là phải bảo đảm mức lương thực sự gắn với vị trí việc làm, phản ánh khả năng đóng góp của người lao động. Có nghĩa là, người lao động cho cơ quan nhà nước cần được trả lương xứng đáng theo tiêu chuẩn chức danh, cùng hiệu suất thực thi nhiệm vụ. Là thu nhập chính yếu của người lao động khu vực công, tiền lương phải bảo đảm mức sống của cán bộ, công chức, viên chức đạt mức trên trung bình so với mức sống chung tại địa bàn họ đang cư trú và làm việc.

Điểm đột phá thứ hai là cần xác định mức lương tối thiểu chung theo giá sinh hoạt của hàng hóa, nhằm bảo đảm sự an toàn cuộc sống cho mọi người lao động trên phạm vi quốc gia. Cụ thể hơn, mức lương tối thiểu phải bảo đảm cho người lao động làm những công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường, có thể bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng, đồng thời được dùng làm căn cứ để tính mức lương cho các loại lao động khác.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng một bộ phận người lao động dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư (như hai ngành y tế và giáo dục sau đại dịch Covid-19), cần xem xét quy định các loại phụ cấp đặc thù cho các ngành, lĩnh vực đặc thù để giữ chân người lao động, hoặc thu hút nhân tài có năng lực chuyên môn vào khu vực công.

Cuối cùng, để niềm vui được trọn vẹn, quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương phải đi cùng với giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN ĐÁNG