Đây thực sự là tin vui với đội ngũ công chức đang làm việc trong hệ thống chính trị, nhưng quan trọng hơn là tín hiệu thể hiện quyết tâm của TP Hồ Chí Minh trong việc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; xây dựng các cơ quan công quyền liêm chính để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Vì sao vậy? Vì công chức sống nhờ lương. Nhưng ở nước ta, rất nhiều năm qua tồn tại một thực tế là đa phần công chức không thể sống bằng lương. Một người tốt nghiệp đại học, rất vất vả mới trúng tuyển để trở thành công chức, hưởng mức lương ban đầu chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Mức lương đó thật khó đủ sống, chưa kể trách nhiệm của một người làm con, làm chủ gia đình. Khi công chức còn “đói ăn” thì quyết tâm xây dựng cơ quan công quyền liêm chính sẽ chỉ dừng ở mức độ khẩu hiệu.
Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới đều chỉ ra rằng, bảo đảm cho công chức sống được bằng lương là cơ sở để thực thi các quốc sách về phòng, chống tham nhũng, như làm cho công chức “3 không”: Không dám, không thể và không muốn tham nhũng.
Ở nước ta, các cơ quan Trung ương sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm cho công chức sống được bằng lương, nhưng do vô vàn những khó khăn khách quan, đề án cải cách tiền lương cho công chức cứ “nhúc nhích” rồi dừng lại. Lần này, với những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế cùng với việc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng tới đây sẽ bàn về cải cách tiền lương, báo hiệu hy vọng mới về giải quyết những bất cập tồn tại bấy lâu.
Trong tình hình đó, việc TP Hồ Chí Minh thí điểm làm trước là điều rất đáng trân trọng. Những kinh nghiệm và bài học rút ra từ thí điểm của TP Hồ Chí Minh sẽ là cơ sở thực tiễn để Trung ương có những quyết sách hợp quy luật.
HỒNG HẢI