leftcenterrightdel
Về mặt lý thuyết, tiền lương là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ. Ảnh minh họa: dantri.com.vn

Xét về mặt lý thuyết, tiền lương là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ. Thế nhưng trên thực tế thì nhiều người thu nhập chính lại không phải là tiền lương mà là những “đặc lợi”. Những khoản thu nhập này có loại chính đáng, được pháp luật công nhận như tiền nhuận bút viết sách, báo, tiền thù lao giảng dạy, tiền thưởng… nhưng còn có không ít thu nhập ngoài lương không chính đáng mà dân gian quen gọi là “lậu”. Đặc trưng của “lậu” là biến đổi rất tinh vi, không có giới hạn, không minh bạch và khó kiểm soát. Ví dụ, người có quyền cấp đất lợi dụng quyền lực để cấp đất cho mình, cho người thân; dùng đất để “ngoại giao”. Người có quyền phê duyệt dự án hưởng “lại quả”. Người có quyền xử phạt hành chính có thể “cưa đôi” ngay tại địa điểm xử phạt. Người có quyền bổ nhiệm, đề bạt, tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật có thể can thiệp “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tù”, “chạy tội”…

Chính nhờ các khoản “lậu” này mà nhiều người có “biệt phủ”, ô tô hạng sang, tiện nghi đắt tiền trị giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tháng lương. 

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của đề án cải cách chính sách tiền lương là tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Để có nguồn lực cho tăng lương, đề án đã đưa ra khá nhiều giải pháp khả thi. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần phải giảm ngay các khoản “lậu” bằng cách thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc thực thi các cơ chế, chính sách giám sát quyền lực, giám sát các khoản thu nhập của công chức. Giải pháp cơ bản và lâu dài để giảm “lậu” là phải hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là xóa bỏ nguồn gốc của những đặc lợi bắt nguồn từ quyền lực. Văn bản quy phạm pháp luật phải được xây dựng một cách dân chủ, có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng “cài cắm” vào văn bản những điều khoản mà có thể dựa vào đó để trục lợi. Quan trọng nhất là các quy định được công bố công khai, minh bạch để người dân và doanh nghiệp dễ giám sát việc thực hiện.

ĐỖ PHÚ THỌ