Hơn sáu mươi năm qua, lich sử đất nước đã trải qua những dấu mốc rất hệ trọng và có tác động lớn đến đời sống, tư duy, tình cảm của mọi người Việt Nam, đặc biệt là giai cấp nông dân.

Cho đến hôm nay, những người nông dân sinh ra trong mùa thu của cuộc cách mạng tháng Tám năm xưa đã bước qua tổi 60 - tuổi mà một con người đã nếm trải hầu như mọi ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, đồng thời có khả năng chiêm nghiệm đầy đủ về quá khứ, hiện tại, và không còn phải lo nghĩ nhiều cho tương lai của chính mình nữa. Hơn ai hết, những người nông dân thuộc thế hệ này sẽ cảm nhận đầy đủ nhất những đổi thay nhanh chóng của đất nước, nhất là trong vòng hai mươi năm trở lại đây, kể từ khi chúng ta bắt đầu công cuộc Đổi mới. Tất nhiên, những đổi thay ấy không đơn thuần chỉ toàn mang tới niềm vui…

Nếu cách mạng Tháng Tám đã giải phóng người nông dân khỏi địa vị bị nô dịch, áp bức, mang lại cho họ quyền làm chủ, trong đó có quyền làm chủ đất đai, tư liệu sản xuất quan trọng nhất của nghề nông, thì công cuộc đổi mới, được tính chính thức từ năm 1986, có thể gọi là một sự giải phóng lần 2. Đây là sự giải phóng tư duy làm ăn và sức sáng tạo của con người, từng bước phá bỏ mọi rào cản phi lý, giúp cho người nông dân (và nhân dân Việt Nam nói chung) phát huy mọi năng lực, đạt được những thành tựu ấn tượng trong sản xuất và cải thiện điều kiện sống. Hai cuộc giải phóng này đều nhằm phục vụ một mục đích lớn lao là để mỗi người được sống trong một xã hội thực sự hạnh phúc, dân chủ và thịnh vượng.

Điều đáng nói hơn là ở cả hai dấu mốc quan trọng này, giai cấp nông dân, nông nghiệp và nông thôn đều giữ vai trò và vị trí vô cùng quan trọng. Trong cách mạng tháng Tám, nông dân là một lực lượng nòng cốt, đóng góp cả xương máu và của cải làm nên chiến thắng. Còn trong giai đoạn tiền đổi mới, chính những mày mò, thử nghiệm cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp là cơ sở thực tiễn để toàn Đảng, toàn dân quyết tâm đổi mới thực sự. Mới đây nhất, khi nhận xét về thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, báo chí quốc tế bình luận: Đây là sự tăng trưởng có tính nhân văn, vì thành quả của nó đã được chia tương đối công bằng đến mọi người. Tất nhiên, trong đó có nông dân, lực lượng đến nay vẫn chiếm tới 70% dân số và đang sống ở nông thôn.

Tuy nhiên, có một điều gần như hiển nhiên, nếu hỏi những nông dân thuộc thế hệ sinh ra trong cách mạng tháng Tám năm xưa, rằng với đời con, cháu họ, họ mong muốn điều gì? Chắc chắn rất ít người mơ ước sau này con cháu mình sẽ lại làm nông dân. Đây là điều rất đáng suy nghĩ. Rất nhiều nông dân đang loay hoay đi tìm vị trí của mình trong tương lai…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7% liên tục trong nhiều năm liền đã tạo ra những đổi thay nhanh chóng trong sản xuất, trong xã hội và trong đời sống. Điều đó đang khiến một bộ phận nông dân bị tụt lại vì không đủ khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới.

Thu nhập thấp, thiệt thòi trong hưởng thụ những thành tựu về giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học và công nghệ… đang có nguy cơ tạo ra sự phân hoá sâu hơn trong xã hội, ở đó, người nông dân rõ ràng chịu thiệt thòi.

Những tác động từ công nghiệp hoá, đô thị hoá, mở cửa và hội nhập sâu hơn vào đời sống kinh tế thế giới cũng khiến nhà nông bối rối vì chưa kịp thích nghi với những luật chơi và thách thức mới…

Không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại, nông nghiệp và nông dân luôn là lĩnh vực nhạy cảm mà các Chính phủ đang gia sức bảo vệ. Đối với đoàn đàm phán Việt Nam để gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, đây cũng là mặt trận đấu tranh căng thẳng và quyết liệt nhất.

Thách thức đặt ra với nông dân Việt Nam đã được nhìn rõ. Quan trọng là chiến lược và chính sách phát triển phải góp phần hiện thực hoá đến mức cao nhất những cơ hội, hạn chế tối đa các nguy cơ đang đặt ra cho họ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong phương hướng phát triển kinh tế-xã hội đất nước từ năm 2006 đến 2010, vừa được Đại hội X thông qua, phần về nông nghiệp và nông thôn được đặt lên hàng đầu. Điều đó chứng tỏ, lực lượng này bao giờ cũng nhận được nhiều ưu ái. Tuy vậy, điều khiến họ quan tâm hơn là chính sách và việc làm cụ thể, ví như chính sách thu hồi đất nông nghiệp để làm công nghiệp, họ sẽ nhận được gì và con cái họ sẽ làm gì?...

Với tấm lòng trung hậu và niềm tin đã được củng cố qua thực tiễn, với khả năng làm việc và sáng tạo không ngừng, người nông dân Việt Nam đang cùng dân tộc tiếp tục một cuộc giải phóng nữa, cuộc giải phóng mọi nội lực để tạo ra năng lượng bứt phá đi lên./